Bài viết nói về trách nhiệm của nhà nước trong việc thực hiện quyền khai sinh cho trẻ em theo pháp luật hiện hành.
Để đảm bảo cho trẻ em được thực hiện các quyền của mình, bên cạnh gia đình, nhà nước cũng có vai trò khá quan trọng. Đối với quyền khai sinh của trẻ em, thì trách nhiệm của gia đình thôi chưa đủ, cần phải có sự hỗ trợ, giúp đỡ từ phía nhà nước, thực hiện các thủ tục cần thiết để trẻ có thể được khai sinh.
Theo Khoản 2 Điều 23 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em: : “Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) có trách nhiệm thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ em; vận động cha mẹ, người giám hộ khai sinh cho trẻ em đúng thời hạn”
Như vậy, thẩm quyền đăng ký khai sinh thuộc về Ủy ban nhân dân cấp xã. Theo quy định trên, khi cha mẹ, người giám hộ của trẻ em đến đăng ký khai sinh, khi đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ em.
Khoản 2 Điều 14 Nghị định 71/2011/NĐ-CP cũng quy định khá chi tiết: “Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo cơ quan Tư pháp phối hợp với cơ quan lao động – Thương binh và xã hội cùng cấp tuyên truyền để cha, mẹ, người giám hộ, người hoặc tổ chức thực hiện các biện pháp để đăng ký khai sinh cho trẻ em đúng quy định tại những khu vực có điều kiện đi lại khó khăn, người dân còn bị ảnh hưởng bởi những phong tục tập quán lạc hậu”
Pháp luật Việt Nam tạo điều kiện cho trẻ em có quyền được khai sinh. Bên cạnh việc quy định Ủy ban nhân dân phải thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ ra, pháp luật cũng quy định Ủy ban nhân dân phải kết hợp với ban ngành khác tuyên truyền, vận động để cha, mẹ, người giám hộ đi đăng ký khai sinh cho trẻ đúng hạn.
Theo đó, nhận thấy trách nhiệm của Ủy ban nhân dân xã được xác định như sau:
Thứ nhất, Ủy ban nhân dân xấp xã nơi người mẹ cư trú. Việc đăng ký khai sinh cho trẻ em được thực hiện tại UBND cấp xã nơi người mẹ đăng ký thường trú. Nếu người mẹ có nơi đăng ký thường trú, nhưng thực tế đang sinh sống, làm việc ổn định tại nơi đăng ký tạm trú, thì UBND cấp xã nơi người mẹ đăng ký tạm trú cũng có thẩm quyền thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ em.
Thứ hai, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người cha cư trú. Nếu không xác định được cư trú của người mẹ, thì UBND cấp xã, nơi cư trú của người cha thực hiện việc đăng ký khai sinh.
Thứ ba, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em đang sinh sống thực tế. Trong trường hợp không xác định được nơi cư trú của mẹ và cha, thì UBND cấp xã, nơi trẻ em đang sinh sống trên thực tế thực hiên việc đăng ký khai sinh.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Như vậy, UBND xã có trách nhiệm trong việc thực hiện quyền khai sinh của trẻ em. Khi cha, mẹ, người giám hộ đi đăng ký khai sinh cho trẻ thì UBND xã phải thụ lý và tiếp nhận hồ sơ. Trong trường hợp hồ sơ không giải quyết ngay trong ngày, thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải có phiếu hẹn ghi rõ ngày trả kết quả cho người nộp; Trường hợp nộp hồ sơ tại nơi không đúng thẩm quyền giải quyết, thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải hướng dẫn người nộp liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để giải quyết; Trường hợp hồ sơ còn thiếu hoặc không hợp lệ, thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải viết giấy hướng dẫn người nộp. Nội dung hướng dẫn phải ghi đầy đủ, rõ ràng từng loại giấy tờ cần bổ sung, cán bộ tiếp nhận hồ sơ ký, ghi rõ họ tên và giao cho người nộp; Trường hợp xét thấy hồ sơ không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết từ chối đăng ký. Việc từ chối phải thông báo bằng văn bản cho người nộp. Văn bản từ chối phải nêu rõ lý do từ chối, có chữ ký của người đứng đầu cơ quan và đóng dấu.
Sau khi kiểm tra các giấy tờ hợp lệ, cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào sổ đăng ký khai sinh và bản chính giấy khai sinh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã ký và cấp cho người đi khai sinh một bản chính giấy khai sinh. Bản khai giấy khai sinh được cấp theo yêu cầu của người đi khai sinh.
Trong trường hợp đi khai sinh quá hạn: UBND xã, nơi có thẩm quyền đăng ký khai sinh nêu trên thực hiện việc đăng ký khai sinh quá hạn. Đối với các trường hợp người đã thành niên đăng ký khai sinh quá hạn cho mình, thì UBND xã, nơi có thẩm quyền đăng ký khai sinh hoặc UBND xã, nơi người đó cư trú có trách nhiệm thực hiện việc đăng ký khai sinh.
Trách nhiệm khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi: UBND cấp xã, nơi cư trú của người đang tạm thời nuôi dưỡng hoặc nơi có trụ sở của tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ bị bỏ rơi có trách nhiệm thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ. Trong trường hợp này, trước hết, UBND xã – nơi lập biên bản về việc trẻ bị bỏ rơi có trách nhiệm “thông báo trên đài phát thanh hoặc đài truyền hình địa phương để tìm cha, mẹ đẻ của trẻ. Đài phát thành hoặc Đài truyền hình có trách nhiệm thông báo miễn phí 3 lần trong 3 ngày liên tiếp các thông tin về trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo cuối cùng, nếu không tìm thấy cha, mẹ đẻ, thì người hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ có trách nhiệm đi đăng ký khai sinh” (Khoản 2 Điều 16 Nghị định 158/2005/NĐ-CP). Theo đó, UBND xã có trách nhiệm thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi theo quy định tại Điều 16 Nghị định 158/2005/NĐ-CP.
Trách nhiệm khai sinh cho trẻ em là con ngoài giá thú: Trong trường hợp này, khi đăng ký khai sinh, cán bộ Tư pháp hộ tịch cần lưu ý một số điểm: Không tìm hiểu kỹ về tình trạng hôn nhân của mẹ đứa trẻ; Nếu không xác định được người cha, thì phần ghi về người cha trong sổ đăng ký khai sinh và giấy khai sinh để trống; tuyệt đối không gạch chéo, viết gì khác vào phần khai này trong giấy khai sinh và sổ đăng ký khai sinh; Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh có người nhận con thì UBND xã kết hợp việc nhận con và đăng ký khai sinh.