Vốn lưu động của công ty cổ phần được pháp luật doanh nghiệp điều chỉnh về vấn đề này như thế nào?
Trong nền kinh tế thị trường thì vốn lưu động đối với các doanh nghiệp nói chung và trong công ty cổ phần nói riêng luôn là một vấn đề bức xúc đặt ra. Có thể coi vốn lưu động như là nhựa sống tuần hoàn trong doanh nghiệp. Vì vạy doanh nghiệp muốn hoạt động và phát triển được thì vốn lưu động không thể thiếu và phải liên tục tuần hoàn, liên tục lưu thông. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về vốn lưu động của công ty cổ phần.
1. Khái niệm vốn lưu động của CTCP.
Vốn lưu động là biểu hiện bằng tiền của toàn bộ tài sản lưu động và tài sản lưu thông được đầu tư vào sản xuất kinh doanh của CTCP.
Như vậy, vốn lưu động bao gồm những giá trị của tài sản lưu động như: Nguyên vật liệu chính, phụ; nguyên vật liệu và phụ tùng thay thế; công cụ dụng cụ; thành phẩm; hàng hóa mua ngoài dùng cho tiêu thụ sản phẩm; vật tư thuê ngoài chế biến; vốn tiền mặt; thành phẩm trên đường gửi bán…
Vốn lưu động chuyển toàn bộ giá trị của chúng vào lưu thông giá trị của tài sản lưu động được hoàn trả lại một lần sau một chu kỳ kinh doanh.
2. Phân loại vốn lưu động.
Căn cứ vào quá trình luân chuyển và tuần hoàn của vốn, vốn lưu động được chia làm ba loại:
– Vốn dự trữ: Là bộ phận vốn dùng để mua nguyên, nhiên vật liệu, phụ tùng thay thế và chuẩn bị đưa vào sản xuất.
– Vốn trong sản xuất: Là bộ phận vốn trực tiếp phục vụ cho giai đoạn sản xuất như sản phẩm đang dở dang, nửa thành phẩm tự chế, chi phí chờ phân.
– Vốn lưu thông: Là phần vốn trực tiếp phục cụ cho việc lưu thông, tiêu thụ hàng hóa.
Căn cứ vào phương thức xác lập vốn, người ta chia vốn lưu động ra làm hai loại:
– Vốn lưu động định mức: Là vốn lưu động được quy định mức tối thiểu cần thiết thường xuyên cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nó bao gồm vốn dự trữ, vốn trong sản xuất và thành phẩm hàng hóa mua ngoài dùng cho tiêu thụ sản phẩm, thuê ngoài chế biến.
– Vốn lưu động không định mức: Là vốn lưu động có thể phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhưng không có căn cứ để tính toán định mức.
Căn cứ theo hình thái biểu hiện, vốn lưu động gồm:
– Vốn vật tư hàng hóa: Là các khoản vốn lưu động có hình thái biểu hiện bằng hiện vật vụ thể như nguyên vật liệu, sản phẩm dở dang, bán thành phẩm.
– Vốn bằng tiền: Bao gồm các khoản vốn bằng tiền mặt, đầu tư công ty…
Căn cứ vào chủ sở hữu về vốn, vốn lưu đông bao gồm:
– Vốn chủ sở hữu: Là số vốn lưu động thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp.
– Vốn vay hay các khoản nợ khách hàng chưa thanh toán.
3. Kết cấu vốn lưu động của CTCP.
a. Khái niệm
Kết cấu vốn lưu động của CTCP là tỷ trọng giữa từng bộ phận vốn lưu động trên tổng số vốn lưu động của CTCP.
b. Các nhân tố ảnh hưởng đến kết cấu vốn lưu động
– Nhân tố về mặt sản xuất: gồm các nhân tố qui mô sản xuất, tính chất sản xuất, trình độ sản xuất, qui trình công nghệ, độ phức tạp của sản phẩm khác nhau thì tỷ trọng vốn lưu động ở các khâu dự trữ – sản xuất – lưu thông cũng khác nhau.
– Nhân tố về cung ứng tiêu thụ: Trong sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp thường cần rất nhiều vật tư, hàng hoá và do nhiều đơn vị cung cấp khác nhau. Nếu đơn vị cung ứng vật tư, hàng hoá càng nhiều, càng gần thì vốn dự trữ càng ít.
– Nhân tố về mặt thanh toán: Sử dụng thể thức thanh toán khác nhau thì vốn chiếm dụng trong quá trình thanh toán cũng khác nhau. Do đó nó ảnh hưởng đến việc tăng giảm vốn lưu động chiếm dùng ở khâu này.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
4. Các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả sử dụng vốn lưu động trong hoạt động kinh doanh của CTCP.
– Tốc độ luân chuyển vốn lưu động: Là chỉ tiêu tài chính phán ánh năng lực sử dụng vốn hiệu quả của đồng vốn trong lưu thông. Vốn lưu động luân chuyển càng nhanh thì hiệu quả sử dụng càng cao và ngược lại. Chỉ tiêu này gắn liền với hai nhân tố: Số vòng quay vốn lưu động và số ngày chu chuyển vốn lưu động.
– Số vòng quay vốn lưu động: Chỉ tiêu này phán ánh vốn được thực hiện trong một kỳ nhất định, thường tính trong một năm. Số vòng quay vốn lưu động cho biết vốn lưu động quay được mấy vòng trong kỳ. Nếu số vòng quay tăng chứng tỏ hiệu quả sử dụng vốn lưu động tăng và ngược lại.
– Số ngày chu chuyển vốn lưu động: Chỉ tiêu này thể hiện số ngày cần thiết cho vốn lưu động quay được một vòng. Thời gian của một vòng càng nhỏ thể hiện tốc độ luân chuyển lớn.
– Hiệu suất sử dụng vốn lưu động: Chỉ tiêu này phản ánh một đồng vốn lưu động có thể tạo ra bao nhiêu đồng doanh thu trong kỳ.
– Hàm lượng vốn lưu động: Đây là mức đảm nhận vốn lưu động, phản ánh số vốn lưu động cần có thể đạt được một đồng doanh thu trong kỳ. Chỉ tiêu này càng nhỏ thì hiệu quả sử dụng vốn lưu động càng cao và ngược lại.
– Suất hao phí của vốn lưu động: Chỉ tiêu này phản ánh số vốn lưu động cần thiết để tạo ra một đồng lợi nhuận.