Hợp đồng chung sống với nhau như vợ chồng theo quy định của Luật Hôn nhân gia đình 2014 có những quan điểm được hiểu như sau:
Luật hôn nhân & gia đình ban hành ngày 19/06/2014 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2015 quy định về việc đăng ký kết hôn như sau tại Khoản 1 Điều 9 như sau:
“1. Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch.
Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý.”
Như vậy, để xác lập quan hệ vợ chồng hợp pháp hay nói cách khác, để hành vi chung sống với nhau như vợ chồng và được luật hôn nhân gia đình bảo vệ thì người nam và người nữ phải đăng ký kết hôn với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hôn nhân đó sẽ được coi là có giá trị pháp lý khi được cơ quan có thẩm quyền thực hiện và không vi phạm các điều kiện về kết hôn được quy định cụ thể tại Điều 8 Luật Hôn nhân & gia đình 2014.
Tuy nhiên, Luật Hôn nhân & gia đình 2014 chỉ quy định thế nào là hôn nhân có giá trị pháp lý mà không cấm các trường hợp chung sống với nhau như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Về vấn đề này, pháp luật quy định về cách giải quyết hậu quả về tài sản, con chung đối với những trường hợp chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn hoặc hợp đồng chung sống với nhau như vợ chồng. Cụ thể tại Điều 14, Điều 15, Điều 16 như sau:
“Điều 14. Giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn
1. Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.
2. Trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều này nhưng sau đó thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật thì quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm đăng ký kết hôn.
Điều 15. Quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn
Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con.
Điều 16. Giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn
1. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.”
Như vậy, qua những điều luật trên có thể thấy Luật Hôn nhân & gia đình 2014 thừa nhận hành vi chung sống với nhau như vợ chồng dựa trên một hay nhiều hợp đồng cụ thể. Đây là một quy định mới so với Luật HNGĐ năm 2000. Để nhìn nhận ưu điểm và nhược điểm của quy định này, tôi xin đưa ra một vài ý kiến như sau:
Ưu điểm:
Pháp luật không quy định cụ thể nội dung, điều kiện có hiệu lực của hợp đồng chung sống với nhau như vợ chồng. Nội dung của hợp đồng này hoàn toàn do hai bên tự thỏa thuận và đi đến thống nhất. Hợp đồng này có thể quy định về thời gian chung sống, quyền và nghĩa vụ của các bên, tài sản trước khi ký hợp đồng, phân chia tài sản sau khi ký hợp đồng và chung sống với nhau như vợ chồng, giải quyết hậu quả khi chấm dứt hợp đồng…
Về ưu điểm, có thể thấy hợp đồng được ký kết với mục đích lớn nhất là đi đến thống nhất chung, tránh gây tranh cãi về sau. Khi chấm dứt hợp đồng, hai bên phải thực hiện đúng như thỏa thuận trong hợp đồng. Và những thỏa thuận này là hoàn toàn tự nguyện. Quyền và nghĩa vụ của mình đã được ghi cụ thể trong hợp đồng. Điều này có thể khiến hai bên yên tâm chung sống mà không sợ quyền và lợi ích của mình bị xâm hại.
Bên cạnh đó, hợp đồng chung sống với nhau như vợ chồng có thể thỏa thuận về việc chăm sóc con cái của cha, mẹ. Đôi khi chỉ là những hành vi nhỏ trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên nó cũng một phần giúp cho mỗi bên nâng cao trách nhiệm và chăm sóc con cái của mình tốt hơn.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Nhược điểm:
Bên cạnh những ưu điểm trên thì hợp đồng chung sống vớ nhau như vợ chồng sẽ có những nhược điểm về mặt tâm lý như sau:
Những người ký hợp đồng chung sống với nhau như vợ chồng ngay từ đầu, họ đã tạo dựng sẵn cho mình tâm lý phòng thủ. Không có một ràng buộc pháp lý nào cho cuộc hôn nhân của họ, họ sẽ luôn nghĩ rằng việc không chung sống nữa là điều đơn giản, có thể xảy ra bất cứ khi nào và đã có những thỏa thuận rõ ràng trong hợp đồng mà không phải tranh cãi gì. Hôn nhân là sự liên kết đặc biệt giữa hai bên. Sự liên kết này không phụ thuộc vào tính toán vật chất, mà dựa trên cơ sở tình yêu thương, bình đẳng và tự nguyện giữa vợ và chồng, với mục đích xây dựng mối quan hệ bền vững. Liệu rằng với một tâm lý như vậy thì hôn nhân liệu có lâu bền?