Chuẩn mực xã hội? Hành vi sai lệch chuẩn mực xã hội? Một số biện pháp đấu tranh phòng chống các hành vi sai lệch chuẩn mực xã hội?
Ngày nay, bên cạnh những thành tựu đã đạt được vẫn còn rất nhiều vấn đề đang đặt ra đối với đất nước ta. Một trong số đó là vấn đề về nhận thức, hiểu biết và việc thực hiện các nguyên tắc, quy định của các chuẩn mực xã hội. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế là sự gia tăng của tội phạm và các tệ nạn, sự lãng quên các giá trị truyền thống. Đây đều là những vấn đề hết sức đáng lo ngại và cần được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Có thể nhận thấy, tất cả các vấn đề này đều xuất phát từ những ý nghĩ và sự sai lệch chuẩn mực xã hội của con người. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu về một số biện pháp đấu tranh phòng chống các hành vi sai lệch chuẩn mực xã hội.
Dịch vụ Luật sư
1. Chuẩn mực xã hội:
1.1. Chuẩn mực xã hội là gì?
Để hiểu về các hành vi sai lệch chuẩn mực xã hội trước hết chúng ta cần phải hiểu chuẩn mực xã hội là gì và các đặc điểm của chuẩn mực xã hội.
Ta có thể hiểu như sau, chuẩn mực xã hội là hệ thống các quy tắc hay các yêu cầu và những đòi hỏi của xã hội do chính các thành viên của xã hội đặt ra để áp đặt đối với hành vi xã hội của mỗi một chủ thể khác nhau. Từ đó, ta dễ dàng nhận thấy nguồn gốc của chuẩn mực xã hội hình thành từ nhu cầu điều tiết và điều chỉnh của các mối quan hệ xã hội đa dạng, phức tạp của đời sống xã hội.
Chuẩn mực xã hội luôn được xác định một cách rõ ràng và cụ thể ở mức độ ít hay nhiều sự chính xác về tính chất, mức độ, phạm vi và giới hạn của các khía cạnh liên quan đến hành vi xã hội của mỗi người trong thực tiễn đời sống.
Chuẩn mực xã hội thường hướng tới thực hiện các chức năng của xã hội. Trên cơ sở thực hiện những chức năng của xã hội, chuẩn mực xã hội góp phần không nhỏ tạo ra sự đồng thuận, bảo đảm sự ổn định của xã hội từ đó giữ gìn và bảo vệ trật tự, kỉ cương và an toàn xã hội.
1.2. Các đặc trưng của chuẩn mực xã hội:
Chuẩn mực xã hội có ba đặc trưng cụ thể sau đây:
– Một đặc trưng vô cùng quan trọng của chuẩn mực xã hội có tính tất yếu xã hội: Các chuẩn mực xã hội có nguồn gốc từ thực tiễn đời sống xã hội và được hình thành, nảy nở từ chính các nhu cầu thiết yếu của xã hội. Các chuẩn mực xã hội được tạo thành từ chính ý chí của các thành viên trong xã hội cùng các nhóm xã hội, các giai cấp với mục đích nhằm củng cố, bảo vệ hay phục vụ nhu cầu, lợi ích của các nhóm đối tượng trong xã hội đó.
– Chuẩn mực xã hội có tính định hướng của chuẩn mực xã hội: Đặc trưng này của chuẩn mực xã hội được thể hiện theo không gian và theo thời gian.
Theo không gian, các chuẩn mực xã hội được xác định có thể chỉ có giá trị, hiệu lực trong một phạm vi không gian xã hội hoặc một khu vực địa lý nhất định. Nếu các chuẩn mực xã hội này bị vượt ra khỏi phạm vi này chúng sẽ không còn vai trò và tác dụng nữa. Do đó, cần phải định hướng chuẩn mực xã hội sao cho phù hợp với các đặc điểm về lịch sử, kinh tế, văn hóa, phong tục tập quán của từng khu vực địa lý cụ thể.
Theo thời gian, ở mỗi giai đoạn lịch sử và các thười ký khác nhau, vai trò của chuẩn mực lại được biểu hiện ở các khía cạnh khác nhau. Sự định hướng chuẩn mực xã hội ở đây nhằm đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của xã hội và gắn liền với thực tiễn xã hội trong quá trình phát triển của xã hội là rất cần thiết.
– Chuẩn mực xã hội có tính vận động, biến đổi của chuẩn mực xã hội: Các chuẩn mực xã hội trên thực tế không mang tính bất biến mà nó luôn ở trạng thái động. Chuẩn mực xã hội liên tục vận động, biến đổi và phát triển cùng với sự phát triển của lịch sử loài người.
Trong mỗi một chế độ xã hội, mỗi nhà nước và mỗi nhóm xã hội khác nhau đều có hệ thống các quan hệ xã hội có tính phổ biến, điển hình trong xã hội đó là những giai đoạn lịch sử khác nhau. Có những chuẩn mực xã hội được phổ biến, tuân thủ ở giai cấp, dân tộc này nhưng có thể lại không được thừa nhận ở một giai cấp, dân tộc khác.
1.3. Vai trò của chuẩn mực xã hội đối với xã hội:
Chuẩn mực xã hội có những vai trò cụ thể sau đây:
– Các chuẩn mực xã hội thực hiện chức năng hợp nhất, tập trung ủng hộ các quá trình hoạt động xã hội như một hệ thống các tương tác xã hội giữa cá nhân và các nhóm xã hội.
– Chuẩn mực xã hội là một yếu tố không thể thiếu được trong hoạt động quản lý các mặt, các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Các chuẩn mực xã hội đã tham gia và phát huy tác dụng trong hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống. Chúng có tác dụng định hướng, điều chỉnh các hành vi của cá nhân và nhóm xã hội trong những điều kiện xã hội nhất định.
– Một vai trò to lớn của chuẩn mực xã hội nữa đó là, qua những chuẩn mực xã hội, cá nhân luôn phải xem xét, suy nghĩ và kiểm nghiệm trước khi thực hiện một hành vi xã hội nào đó. Các cá nhân trước khi hành động sẽ phải xem xét hành vi đó đúng hay sai, phù hợp hay không phù hợp với các chuẩn mực xã hội. Từ đó, chuẩn mực xã hội góp phần ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi sai trái, vi phạm pháp luật và tội phạm.
2. Hành vi sai lệch chuẩn mực xã hội:
2.1. Hành vi sai lệch chuẩn mực xã hội là gì?
Hành vi sai lệch chuẩn mực xã hội được hiểu là hành vi của cá nhân hay một nhóm tổ chức trong xã hội vi phạm các nguyên tắc, quy định của chuẩn mực xã hội và các hành vi đó là những hành vi đã vi phạm, phá vỡ hiệu lực, sự tác động của các chuẩn mực xã hội phù hợp, tiến bộ, đang thịnh hành và được xã hội thừa nhận rộng rãi.
Sai lệch chuẩn mực xã hội còn được hiểu một cách đơn giản là những tình huống hay các sự kiện cụ thể của cuộc sống đóng vai trò là những nhân tố quan trọng đã phá vỡ sự tác động của các chuẩn mực xã hội đối với con người.
2.2. Nguyên nhân của hành vi sai lệch chuẩn mực xã hội:
Các hành vi sai lệch chuẩn mực xã hội có thể xuất phát từ một số nguyên nhân cụ thể sau đây:
– Có thể do sự thiếu hiểu biết, hiểu không đúng các nguyên tắc, quy định của chuẩn mực xã hội nên một số cá nhân hay các tập thể đã thực hiện những hành vi sai lệch với chuẩn mực xã hội.
– Việc củng cố, tiếp thu các quy tắc, yêu cầu của các chuẩn mực xã hội đã không còn phù hợp, không còn được cộng đồng xã hội thừa nhận hoặc không ăn khớp với các nguyên tắc, quy định của hiện hành và cần phải được thay đổi cũng là một trong số những nguyên nhân cơ bản dẫn đến hành vi sai lệch chuẩn mực xã hội.
– Cùng với đó, trong hoạt động nhận thức, tư duy của con người đã diễn dịch không đúng, sự suy diễn một số chuẩn mực xã hội thiếu căn cứ logic cùng với việc sử dụng các phán đoán phi logic là một nguyên nhân dẫn tới các hành vi sai lệch.
– Ngoài ra, nguyên nhân của hành vi sai lệch chuẩn mực xã hội vi sai lệch còn bắt nguồn từ những khuyết tật về tâm sinh lí của mỗi con người và từ hành vi sai lệch khác theo mối liên hệ nhân – quả.
– Một nguyên nhân khác nữa đó là những tác động, ảnh hưởng từ bên ngoài vào các đối tượng, chủ thể khiến cho họ có các hành vi sai lệch.
– Một nguyên nhân đặc biệt quan trọng đó chính là công tác giáo dục, phổ biến pháp luật trong các tầng lớp nhân dân tuy đã được chú trọng và triển khai rộng rãi nhưng hiệu quả đạt được lại không cao và chưa được liên tục nên ý thức, hiểu biết pháp luật về các chuẩn mực xã hội của nhân dân còn thấp và có nhiều hạn chế.
3. Một số biện pháp đấu tranh phòng chống các hành vi sai lệch chuẩn mực xã hội:
Các nhà xã hội học pháp luật đã đề ra một số biện pháp phòng chống các hành vi sai lệch các chuẩn mực xã hội bao gồm năm biện pháp chính sau đây:
– Thứ nhất: Biện pháp tiếp cận thông tin: Biện pháp này hướng tới việc cung cấp, trang bị, hướng dẫn, giải đáp các thông tin về chuẩn mực xã hội, có tác dụng rất lớn trong việc nâng cao tầm nhận thức, hiểu biết của con người, trong chừng mực nhất định họ biết được những việc nên làm, những điều nên tránh trong hành vi của mình.
– Thứ hai: Biện pháp tiếp cận phòng ngừa xã hội: Đây là biện pháp mang lại hiệu quả cao, thường được đặt lên vị trí hàng đầu trong số các biện pháp được áp dụng, nhằm tìm hiểu, làm sáng tỏ các nguyên nhân, điều kiện dẫn tới hành vi sai lệch, từ đó đề xuất các phương pháp phòng ngừa cụ thể.
– Thứ ba: Biện pháp áp dụng hình phạt: được áp dụng đối với những người có hành vi nguy hiểm cho xã hội, trái với pháp luật hình sự, do đó, bị đe dọa phải chịu hình phạt với tư cách là biện pháp cưỡng chế mà nhà nước áp dụng có tính mạnh mẽ và nghiêm khắc nhất nhằm trừng trị kẻ phạm tội.
– Thứ tư: Biện pháp tiếp cận y – sinh học: biện pháp này có mục đích nhằm tìm hiểu, phát hiện ở các đối tượng những khuyết tật về thể chất như mù, câm,… hay những khuyết tật về trí lực ví dụ các căn bệnh tâm thần hoặc các chủ thể phạm tội khi trong trạng thái say rượu, nghiện ma túy,… Đây là một trong những biện pháp có ý nghĩa quan trọng đối với việc phòng chống các hành vi sai lệch các chuẩn mực xã hội từ đó nó góp phần làm sáng tỏ các nguyên nhân, điều kiện của hành vi sai lệch chuẩn mực xã hội và hành vi phạm tội, giúp các nhà tâm lý học giải thích cơ chế tâm lý của những hành vi đó, thông qua đó các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ không xử oan người vô tội, người được miễn trách nhiệm hình sự hay là để lọt lưới tội phạm, đảm bảo tính công bằng và sự nghiêm minh của pháp luật Việt Nam.
– Một biện pháp vô cùng quan trọng nữa đó là: Biện pháp tiếp cận tổng hợp và kế hoạch hóa xã hội: giáo dục các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống, xây dựng và phổ biến lối sống lành mạnh, tiến bộ; đề cao nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa; mở rộng các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, tiến bộ; mở rộng hơn nữa sự hợp tác đấu tranh, phòng chống trên phạm vi quốc tế,…