Đánh giá về dư luận xã hội? Vai trò và chức năng của dư luận xã hội? Sự hình thành dư luận xã hội?
Dư luận xã hội đã trở thành một khái niệm khá quen thuộc đối với mỗi chúng ta. Thuật ngữ dư luận xã hội có thể biểu thị một cách công khai hoặc lan truyền một cách ngấm ngầm, nhưng dù công khai hay ngấm ngầm thì dư luận xã hội đều không gắn với cá nhân cụ thể. Hay nói cách khác chủ thể của dư luận xã hội bao giờ cũng là cộng đồng xã hội. Tuy nhiên nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về thuật ngữ này. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu về đánh giá về dư luận xã hội và các chức năng của dư luận xã hội?
1. Đánh giá về dư luận xã hội:
1.1. Dư luận xã hội:
Hiện nay thuật ngữ này đã được sử dụng rộng rãi trong công tác nghiên cứu khoa học, cũng như trong đời sống hàng ngày. Cụ thể, hiểu như sau:
– Dư luận xã hội là tổng thể những nhận xét đánh giá của nhiều người về một sự kiện, hiện tượng nào đó ít nhiều liên quan đến quyền lợi của họ.
– Dư luận là ý kiến của nhiều người.
– Ý kiến về những sự kiện ít nhiều liên quan đến quyền lợi, sở thích, mối quan tâm… của mỗi người.
– Dư luận là nhận xét đánh giá của nhiều người có kèm với sự biểu thị thái độ và gắn với hành động xã hội của một cộng đồng.
– Dư luận xã hội là một chỉ báo chính xác nhận về thực trạng tinh thần tư tưởng của một cộng đồng.
Theo các nhà xã hội học định nghĩa thì: Dư luận xã hội được hiểu là hình thức biểu hiện trạng thái ý thức của xã hội, của mọi cộng đồng rộng lớn, là sự phán xét, đánh giá, là sự phản ánh thái độ của các cộng đồng ấy đối với các sự kiện, hiện tượng trong xã hội có liên quan đến nhu cầu lợi ích của họ trong một thời điểm nhất định.
Đối tượng của dư luận xã hội: không phải là mọi thực tế xã hội nói chung, mà là những vấn đề được cộng đồng xã hội quan tâm.
Chủ thể của dư luận xã hội: là cộng đồng người hay nhóm người mang dư luận xã hội.
Đối với vấn đề lớn có liên quan đến các thành viên trong xã hội, dư luận xã hội biểu thị ở những mặt cơ bản sau đây:
– Đánh giá đúng sai, khen chê.
– Tỏ thái độ đồng tình hay phản đối, phê phán có thiện chí, đóng góp chân tình hay phản ứng tiêu cực.
– Bày tỏ nguyện vọng.
Dư luận xã hội là tập hợp các ý kiến, thái độ có tính chất phán xét, đánh giá của các nhóm xã hội hay của xã hội nói chung trước những vấn đề mang tính thời sự, có liên quan lới lợi ích chung, thu hút được sự quan tâm của nhiều người và được thể hiện trong các nhận định hoặc hành động thực tiễn của họ.
Chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng dư luận xã hội bao quát nhiều vấn đề của cuộc sống. Bản thân nó chứa đựng các ý kiến, phán xét, đánh giá, biểu thị cách nhìn nhận của mọi người về các sự kiện, hiện tượng xảy ra trong xã hội. phản ánh đến các vấn đề chính trị – thời sự, đường lối, kinh tế, chính sách đối nội, đối ngoại của đất nước… Bên cạnh đó dư luận xã hội cũng tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực pháp luật, đặc biệt là trong ý thức pháp luật. Trong xã hội ngày nay, dư luận xã hội ngày càng có ảnh hưởng lớn đến thực tế đời sống xã hội.
Có thể nói dư luận xã hội là hiện tượng thuộc lĩnh vực tinh thần của đời sống xã hội. Dư luận xã hội đã xuất hiện và tồn tại từ lâu trong lịch sử, nó hình thành, tồn tại và phát triển cùng với quá trình vận động, phát triển của bản thân xã hội loài người. Đồng thời dư luận xã hội cũng tác động mạnh mẽ đến ý thức pháp luật, không chỉ tác động đến hệ tư tưởng pháp luật mà còn tác động đến tâm lý pháp luật.
Xã hội đang phát triển thì dư luận xã hội cũng mang tính tích cực, ngược lại xã hội đang khủng hoảng thì dư luận xã hội cũng mang tính tiêu cực. Do đó dư luận xã hội có ý nghĩa rất quan trọng, là thước đo bầu không khí chính trị, xã hội, là tấm gương phản hồi đường lối, chính sách, pháp luật của Chính phủ, phản ánh tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân, đánh giá năng lực, phẩm chất của người lãnh đạo. Đồng thời thể hiện mối quan hệ mật thiết giữa dư luận xã hội và ý thức pháp luật, để từ đó hỗ trợ và thúc đẩy nhau tạo nên một nhà nước công bằng, xã hội văn minh.
1.2. Bản chất của dư luận xã hội:
– Dư luận xã hội là một quá trình trí tuệ, là quá trình lý trí của quần chúng nhưng có mang màu sắc cảm xúc.
– Dư luận xã hội chịu sự chi phối của hệ tư tưởng, luồng dư luận chính thống, vào luồng dư luận phù hợp với hệ tư tưởng chính thống của xã hội. Do đó trong xã hội có giai cấp thì dư luận của các giai cấp khác nhau về cùng một sự kiện có thể khác nhau do mức độ đụng chạm đến quyền lợi của các giai cấp có sự khác
– Một số lưu ý thêm về ý nghĩa của dư luận xã hội:
+ Dư luận xã hội là công cụ mở rộng quyền làm chủ của nhân dân.
+ Dư luận xã hội là nhân tố tăng cường mối quan hệ giữa quần chúng và lãnh đạo.
+ Dư luận xã hội giúp cho các nhà quản lý xã hội trên cơ sở khoa học.
2. Vai trò và chức năng của dư luận xã hội:
Vai trò của dư luận xã hội:
Trong xã hội hiện đại ngày nay, có hai hình thức quản lý xã hội:
– Thứ nhất: Hình thức Nhà nước quản lý bằng pháp luật.
– Thứ hai: Hình thức xã hội quản lý chủ yếu bằng dư luận xã hội.
Dư luận xã hội một khi đã hình thành thì đó là sự biểu thị thái độ của đông đảo người trong cộng đồng nên có sức mạnh to lớn, biểu thị sức mạnh của quần chúng.
Chức năng của dư luận xã hội:
– Dư luận xã hội là thước đo bầu không khí chính trị, xã hội.
– Dư luận xã hội giúp điều hoà, điều chỉnh các mối quan hệ xã hội và những sai lệch diễn ra trong đời sống xã hội.
– Dư luận xã hội giúp giáo dục và tư vấn.
– Dư luận xã hội giúp kiểm tra và giám sát không chính thức.
Với những vai trò và chức năng được nêu trên, ta nhận thấy một số ý nghĩa của việc nghiên cứu, tìm hiểu dư luận xã hội đó là giúp phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa; giúp ăng cường mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền Nhà nước với quần chúng nhân dân cũng như đã góp phần hoàn thiện công tác lãnh đạo, quản lý xã hội trên cơ sở khoa học.
3. Sự hình thành dư luận xã hội:
Kết cấu của dư luận xã hội:
Dư luận xã hội được kết cấu bởi hai bộ phận: chủ thể của dư luận xã hội và đối tượng của dư luận xã hội.
Sự hình thành dư luận xã hội bao gồm các bước sau:
– Bước một: Mọi người chứng kiến sự việc xảy ra hoặc hình dung nó qua các kênh thông tin khác nhau có liên quan đến lợi ích của bản thân, cộng đồng (một cách có ý thức hoặc vô thức), trực tiếp hoặc gián tiếp, nảy sinh nhu cầu bày tỏ và tìm cách bộc lộ ý kiến ban đầu bằng nhiều cách khác
– Bước hai: Mọi người tiếp tục trao đổi thông tin, tranh luận về các quan điểm, ý kiến khác nhau xung quanh đối tượng của dư luận xã hội, tạo thành các nhóm ý kiến lớn. Đây là quá trình xã hội hóa ý kiến, chuyển từ ý kiến cá nhân sang ý thức xã hội.
– Bước ba: Các loại ý kiến khác nhau thống nhất lại theo các quan điểm cơ bản, hình thành sự phán xét, đánh giá chung thoả mãn được lợi ích nhu cầu, tâm tư nguyện vọng cơ bản của đại đa số người.
– Bước bốn: Hình thành lập trường cộng đồng thống nhất, nêu lên những yêu cầu, kiến nghị đòi hỏi cách giải quyết để thoả mãn lợi ích chung cho cộng đồng.
Dư luận xã hội được hiểu là sản phẩm của quá trình giao tiếp xã hội. Trong đó truyền thông đại chúng được xem là cơ chế hữu hiệu được sử dụng nhằm để đảm bảo sự hình thành dư luận xã hội trên phạm vi rộng lớn và trong giới hạn thời gian phù hợp để đảm bảo tính thời sự.
Các chủ thể là người lãnh đạo lưu ý vấn đề cơ bản sau đây: Dùng biện pháp tích cực để tất cả mọi người có thể tự hiểu đúng đắn bản chất của sự kiện không nên ép quần chúng hiểu theo ý kiến cá nhân lãnh đạo. Dư luận lành mạnh thì duy trì, dư luận thiếu lành mạnh thì không duy trì.
Những yếu tố tác động đến sự hình thành dư luận xã hội:
– Tính chất của sự kiện gây nên dư luận ảnh hưởng đến tốc độ và cường độ dư luận.
+ Động chạm đến quyền lợi nhiều người: dư luận hình thành nhanh.
+ Động chạm đến những quyền lợi thiết thân, những chuẩn mực được tôn trọng thì dư luận hình thành nhanh, mạnh.
– Chất lượng và số lượng thông tin về sự kiện ảnh hưởng đến tốc độ hình thành và mức độ đúng đắn phù hợp của dư luận.
+ Thông tin đầy đủ thì dư luận hình thành nhanh.
+ Thông tin chính xác thì dư luận hình thành đúng với bản chất của sự kiện và chuẩn mực chung.
Nếu thông tin thiếu, không rõ ràng, không chính xác dẫn đến sự phán đoán mơ hồ, kéo dài thì dư luận chưa chắc đã hình thành lúc đó người ta gọi là tin đồn.
– Mức độ chuẩn bị của tập thể đối với sự kiện xảy ra có ảnh hưởng lớn đến tốc độ hình thành dư luận. Chính bởi vì vậy mà tập thể cần được chuẩn bị trước về thái độ, tư tưởng, được hướng dẫn thì những sự kiện xảy ra dư luận hình thành nhanh chóng và đúng đắn. Nếu tập thể bị bất ngờ dư luận khó hình thành, ý kiến cũng từ đó mà dễ bị phân tán. Do vậy mà nếu đoán trước được luồng tư tưởng trong tập thể sẽ điều khiển được quá trình hình thành dư luận.
– Mức độ phát triển của tập thể cũng có những ảnh hưởng lớn đến cường độ và tốc độ hình thành dư luận: Tập thể phát triển cao, đoàn kết, dư luận hình thành cũng nhanh mạnh và ngược lại tập thể mới hình thành, thiếu đoàn kết thì khó có dư luận đúng đắn.
– Nếp nghĩ của mọi người trong tập thể ảnh hưởng đến tính chất của dư luận.
– Nếp nghĩ chủ quan phiến diện, định kiến sẽ dẫn đến phán đoán sai lệch – dư luận không đúng. Nếp nghĩ toàn diện, không định kiến dư luận sẽ đúng đắn hơn.
– Không khí đạo đức thói quen và tâm trạng chung của cộng đồng cũng có ảnh hưởng nhất định đến sự hình thành dư luận xã hội.
Nói chung lại, dư luận xã hội là một hiện tượng tinh thần của xã hội, biểu hiện trạng thái ý thức xã hội, là sản phẩm giao tiếp xã hội mang tính chất tổng hợp của ý thức xã hội. Dư luận xã hội không những có khả năng phản hồi, giáo dục cao, nó còn có khả năng mạnh hơn cả pháp luật, tạo sức ép đối với cá nhân hay tổ chức xã hội.