Theo quy định của Luật xây dựng, những công trình muốn khởi công xây dựng phải đáp ứng đủ các điều kiện khởi công công trình xây dựng. Cơ quan có thẩm quyền sẽ thực hiện kiểm tra điều kiện khởi công công trình xây dựng. Việc kiểm tra này được thực hiện qua biên bản kiểm tra điều kiện khởi công công trình xây dựng.
Mục lục bài viết
1. Mẫu biên bản kiểm tra điều kiện khởi công công trình xây dựng là gì?
Mẫu biên bản kiểm tra điều kiện khởi công công trình xây dựng là văn bản được lập ra khi có sự kiểm tra về điều kiện khởi công công trình xây dựng, nội dung biên bản nêu rõ tên công trình xây dựng, thành phần tham gia kiểm tra, nội dung kiểm tra…
Mục đích của biên bản kiểm tra điều kiện khởi công công trình xây dựng: biên bản nhằm ghi lại quá trình kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền về việc công trình có đủ điều kiện thi công hay không.
2. Những quy định liên quan đến điều kiện khởi công công trình xây dựng:
Điều kiện khởi công xây dựng công trình: được quy định tại Điều 107
Việc khởi công xây dựng công trình phải bảo đảm các điều kiện sau:
– Có mặt bằng xây dựng để bàn giao toàn bộ hoặc từng phần theo tiến độ xây dựng;
– Có giấy phép xây dựng đối với công trình theo quy định phải có giấy phép xây dựng theo quy định tại Điều 89 của Luật này;
– Có thiết kế bản vẽ thi công của hạng mục công trình, công trình khởi công đã được phê duyệt và được chủ đầu tư kiểm tra, xác nhận trên bản vẽ;
– Có
– Được bố trí đủ vốn theo tiến độ xây dựng công trình;
– Có biện pháp bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường trong quá trình thi công xây dựng.
Quy định về giấy phép xây dựng: điều kiện tiên quyết để được khởi công xây dựng công trình là phải có giấy phép xây dựng
“Điều 89. Đối tượng và các loại giấy phép xây dựng
1. Trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Công trình được miễn giấy phép xây dựng gồm:
a) Công trình bí mật nhà nước, công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp và công trình nằm trên địa bàn của hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên;
b) Công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định đầu tư;
c) Công trình xây dựng tạm phục vụ thi công xây dựng công trình chính;
d) Công trình xây dựng theo tuyến ngoài đô thị nhưng phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận về hướng tuyến công trình;
đ) Công trình xây dựng thuộc dự án khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và được thẩm định thiết kế xây dựng theo quy định của Luật này;
e) Nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở có quy mô dưới 7 tầng và tổng diện tích sàn dưới 500 m2 có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
g) Công trình sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong công trình không làm thay đổi kết cấu chịu lực, không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng tới môi trường, an toàn công trình;
h) Công trình sửa chữa, cải tạo làm thay đổi kiến trúc mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc;
i) Công trình hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng và ở khu vực chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn được duyệt;
k) Công trình xây dựng ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt; nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, trừ nhà ở riêng lẻ xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa;
l) Chủ đầu tư xây dựng công trình được miễn giấy phép xây dựng theo quy định tại các điểm b, d, đ và i khoản này có trách nhiệm thông báo thời điểm khởi công xây dựng kèm theo hồ sơ thiết kế xây dựng đến cơ quan quản lý xây dựng tại địa phương để theo dõi, lưu hồ sơ.
3. Giấy phép xây dựng gồm:
a) Giấy phép xây dựng mới;
b) Giấy phép sửa chữa, cải tạo;
c) Giấy phép di dời công trình.
4. Công trình cấp đặc biệt và cấp I được cấp giấy phép xây dựng theo giai đoạn khi đã có thiết kế xây dựng được thẩm định theo quy định của Luật này.
5. Đối với dự án đầu tư xây dựng gồm nhiều công trình, giấy phép xây dựng được cấp cho một, một số hoặc tất cả các công trình thuộc dự án khi phần hạ tầng kỹ thuật thuộc khu vực xây dựng công trình đã được triển khai theo quy hoạch xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.”
Quyền và nghĩa vụ của người đề nghị cấp giấy phép xây dựng: được quy định tại Điều 106 Luật xây dựng 2014
– Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép xây dựng có các quyền sau:
Yêu cầu cơ quan cấp giấy phép xây dựng giải thích, hướng dẫn và thực hiện đúng các quy định về cấp giấy phép xây dựng;
Khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc cấp giấy phép xây dựng;
Được khởi công xây dựng công trình theo quy định của Luật này.
– Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép xây dựng có các nghĩa vụ sau:
Nộp đầy đủ hồ sơ và lệ phí cấp giấy phép xây dựng;
Chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng;
Thông báo ngày khởi công xây dựng bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xây dựng công trình trong thời hạn 07 ngày làm việc trước khi khởi công xây dựng công trình;
Thực hiện đúng nội dung của giấy phép xây dựng.
Chuẩn bị mặt bằng xây dựng: được quy định tại Điều 108 Luật xây dựng 2014
– Việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng xây dựng được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai. Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư đối với dự án đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật.
– Thời hạn giải phóng mặt bằng xây dựng phải đáp ứng yêu cầu tiến độ thực hiện dự án đã được phê duyệt hoặc quyết định của người có thẩm quyền.
– Việc bàn giao toàn bộ hoặc một phần mặt bằng xây dựng để thi công theo thỏa thuận giữa chủ đầu tư và nhà thầu thi công xây dựng.
Bảo đảm kinh phí cho bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư (nếu có).
Yêu cầu đối với công trường xây dựng: được quy định tại Điều 109 Luật xây dựng 2014
“1. Chủ đầu tư có trách nhiệm lắp đặt biển báo công trình tại công trường xây dựng, trừ trường hợp nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 07 tầng. Nội dung biển báo gồm:
a) Tên, quy mô công trình;
b) Ngày khởi công, ngày hoàn thành;
c) Tên, địa chỉ, số điện thoại của chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tổ chức thiết kế xây dựng và tổ chức hoặc cá nhân giám sát thi công xây dựng;
d) Bản vẽ phối cảnh công trình.
2. Nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm quản lý toàn bộ công trường xây dựng theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp chủ đầu tư tổ chức quản lý. Nội dung quản lý công trường xây dựng bao gồm:
a) Xung quanh khu vực công trường xây dựng phải có rào ngăn, trạm gác, biển báo dễ nhìn, dễ thấy để bảo đảm ngăn cách giữa phạm vi công trường với bên ngoài;
b) Việc bố trí công trường trong phạm vi thi công của công trình phải phù hợp với bản vẽ thiết kế tổng mặt bằng thi công được duyệt và điều kiện cụ thể của địa điểm xây dựng;
c) Vật tư, vật liệu, thiết bị chờ lắp đặt phải được sắp xếp gọn gàng theo thiết kế tổng mặt bằng thi công;
d) Trong phạm vi công trường xây dựng phải có các biển báo chỉ dẫn về sơ đồ tổng mặt bằng công trình, an toàn, phòng, chống cháy, nổ và các biển báo cần thiết khác.
3. Nhà thầu thi công xây dựng phải có các biện pháp bảo đảm an toàn cho người và phương tiện ra vào công trường, tập kết và xử lý chất thải xây dựng phù hợp, không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh khu vực công trường xây dựng.”
Yêu cầu về sử dụng vật liệu xây dựng: được quy định tại Điều 110 Luật xây dựng 2014
– An toàn, hiệu quả, tiết kiệm, thân thiện với môi trường.
– Vật liệu, cấu kiện sử dụng vào công trình xây dựng phải theo đúng thiết kế xây dựng, chỉ dẫn kỹ thuật (nếu có) đã được phê duyệt, bảo đảm chất lượng theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa.
– Vật liệu xây dựng được sử dụng để sản xuất, chế tạo, gia công bán thành phẩm phải phù hợp với quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
– Ưu tiên sử dụng vật liệu tại chỗ, vật liệu trong nước. Đối với dự án sử dụng vốn nhà nước, việc sử dụng vật liệu nhập khẩu phải được quy định trong nội dung hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phù hợp với thiết kế xây dựng và chỉ dẫn kỹ thuật (nếu có) do người quyết định đầu tư quyết định.
3. Mẫu biên bản kiểm tra điều kiện khởi công công trình xây dựng:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
———————–
BIÊN BẢN KIỂM TRA ĐIỀU KIỆN KHỞI CÔNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG
1/ Tên công trình: ……………….
2. Thành phần trực tiếp kiểm tra:
Đại diện Ban quản lý Dự án (hoặc nhà thầu Tư vấn giám sát)
– Ông: …………… Chức vụ: ……………..
Đại diện Nhà thầu thi công:
– Ông: ………… Chức vụ: …………….
3. Thời gian kiểm tra:
Bắt đầu: …………giờ ……. ngày….tháng….năm….
Kết thúc: …….. giờ ….. ngày….tháng….năm….
Tại công trình: ………………
4. Nội dung kiểm tra:
4.1/ Có mặt bằng xây dựng để bàn giao toàn bộ hoặc từng phần theo tiến độ xây dựng: ……..
4.2/ Có giấy phép xây dựng công trình: ………………
4.3/ Có thiết kế bản vẽ thi công trình của hạng mục, công trình khởi công đã được phê duyệt và được Chủ đầu tư kiểm tra, xác nhận trên bản vẽ: …………….
4.4/ Có hợp đồng thi công xây dựng được ký giữa chủ đầu tư và nhà thầu được lựa chọn: ….
4.5/ Được bố trí đủ vốn theo tiến độ xây dựng công trình: ………
4.6/ Có biện pháp bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường trong quá trình thi công xây dựng: ….
5.Các ý kiến khác nếu có: ……………….
6. Kết luận: ……………….
(Cần ghi rõ công trình có đủ điều kiện khởi công xây dựng hay không).
CÁN BỘ GIÁM SÁT THI CÔNG
(Ký, ghi rõ họ tên)
KỸ THUẬT THI CÔNG TRỰC TIẾP
(Ký, ghi rõ họ tên)