Hạn mức giao đất? Hạn mức giao đất nông nghiệp?
Đất đai là một tài sản có giá trị lớn và là điều kiện không thể thiếu được để sản xuất, là tư liệu sản xuất cơ bản trong nông, lâm nghiệp. Đất đai là thứ tài nguyên vô cùng quý giá, yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của con người, các sinh vật trên thế giới. Tại Việt Nam, việc mỗi người được sở hữu, mua bán đất đai đều được pháp luật bảo hộ và công nhận. Khi xảy ra bất cứ hành động nào ảnh hưởng đến quyền sở hữu đất đai đều sẽ được pháp luật truy cứu và bảo vệ. Việc quy định về hạn mức sử dụng đất cũng được pháp luật nước ta quan tâm và đưa ra các chính sách quy định cụ thể. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu về ý nghĩa của việc quy định hạn mức giao đất và thời hạn sử dụng đất.
Luật sư tư vấn luật miễn phí qua tổng đài điện thoại: 1900.6568
1. Hạn mức giao đất:
1.1. Hạn mức giao đất là gì?
Giao đất được hiểu là việc Nhà nước ban hành quyết định giao đất để trao quyền sử dụng đất cho đối tượng có nhu cầu sử dụng đất.
Hạn mức giao đất là diện tích đất tối đa mà hộ gia đình và cá nhân được phép sử dụng trên cơ sở đất được Nhà nước giao, nhận chuyển nhượng hợp pháp từ người khác hoặc do khai hoang phục hóa, nhằm khống chế diện tích đất mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền được phép giao cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng, tránh hiện tượng giao đất một cách tùy tiện với diện tích lớn, đồng thời đây cũng là cơ sở pháp lý để giới hạn diện tích đất được phép sử dụng của hộ gia đình, cá nhân mà quyền sử dụng đất được hình thành từ việc Nhà nước giao đất.
1.2. Ý nghĩa của việc quy định hạn mức giao đất nhằm:
– Đảm bảo cho người sản xuất nhà nông nghiệp có đất để sản xuất khi có nhu cầu, tránh tình trạng tích tụ tập trung đất đai quá lớn với mục đích đầu cơ đất dẫn tới sự phân hóa giai cấp ở khu vực nông thôn. Qua đó tạo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế với ổn định xã hội.
– Việc quy định hạn mức giao đất hợp lý, cho phép sự tập trung đất đai, phù hợp, khuyến khích những người lao động có thể làm giàu chính đáng trong phạm vi hạn mức giao đất mà nhà nước cho phép sử dụng.
– Việc cho phép tích tụ, tập trung đất đai trong hạn mức hoặc có khuyến khích mô hình kinh tế trang trại phát triển, góp phần giải quyết công ăn việc làm tại khu vực nông thôn.
1.3. Ý nghĩa của việc quy định thời hạn sử dụng đất nhằm:
– Khẳng định rõ ràng ranh giới giữa nhà nước và người sử dụng đất, tạo điều kiện để nhà nước thực hiện công tác quản lý về đất đai tốt hơn.
– Tạo tâm lý yên tâm cho người sử dụng đất bới việc quy định rõ thời hạn khi giao đất, cho đất giúp người sử dụng lao động lập kế hoạch đầu tư đúng đắn thu được hiệu quả cao nhất.
– Là cơ hội cho người sử dụng đất vay vốn trung hạn, dài hạn của tổ chức tín dụng để sản xuất kinh doanh.
2. Hạn mức giao đất nông nghiệp
Đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Để đảm bảo người dân có đất sản xuất, phát triển kinh tế, hạn chế tích tụ ruộng đất, thì việc quy định về hạn mức sử dụng đất là điều hợp lý và rất cần thiết trong thực tiễn hoạt động quản lý đất đai của Nhà nước.
2.1. Hạn mức giao đất nông nghiệp là gì?
Ta có thể hiểu đơn giản như sau: Hạn mức sử dụng đất nông nghiệp là diện tích tối đa mà người sử dụng đất được phép sử dụng. Đương nhiên việc sử dụng đất phải được Nhà nước công nhận và việc sử dụng đất của các đối tượng phải là hợp pháp.
Hạn mức giao đất nông nghiệp là các quy định về giới hạn diện tích đất tối đa mà một hộ gia đình, cá nhân được cơ quan nhà nước giao để sử dụng vào mục đích nông nghiệp. Ngoài hạn mức đó, người sử dụng đất sẽ bị hạn chế quyền lợi hoặc không được áp dụng các chế độ miễn giảm theo quy định của pháp luật.
2.2. Quy định của pháp luật về hạn mức giao đất nông nghiệp:
Theo Điều 129
“Điều 129. Hạn mức giao đất nông nghiệp
1. Hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp như sau:
a) Không quá 03 héc ta cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long;
b) Không quá 02 héc ta cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác.
2. Hạn mức giao đất trồng cây lâu năm cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 10 héc ta đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá 30 héc ta đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi.
3. Hạn mức giao đất cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 30 héc ta đối với mỗi loại đất:
a) Đất rừng phòng hộ;
b) Đất rừng sản xuất.
4. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân được giao nhiều loại đất bao gồm đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối thì tổng hạn mức giao đất không quá 05 héc ta.
Trường hợp hộ gia đình, cá nhân được giao thêm đất trồng cây lâu năm thì hạn mức đất trồng cây lâu năm không quá 05 héc ta đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá 25 héc ta đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi.
Trường hợp hộ gia đình, cá nhân được giao thêm đất rừng sản xuất thì hạn mức giao đất rừng sản xuất không quá 25 héc ta.
5. Hạn mức giao đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước thuộc nhóm đất chưa sử dụng cho hộ gia đình, cá nhân đưa vào sử dụng theo quy hoạch để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối không quá hạn mức giao đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này và không tính vào hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định hạn mức giao đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước thuộc nhóm đất chưa sử dụng cho hộ gia đình, cá nhân đưa vào sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
6. Hạn mức giao đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, trồng cây lâu năm, trồng rừng, nuôi trồng thủy sản, làm muối thuộc vùng đệm của rừng đặc dụng cho mỗi hộ gia đình, cá nhân được thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này.
7. Đối với diện tích đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng ngoài xã, phường, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú thì hộ gia đình, cá nhân được tiếp tục sử dụng, nếu là đất được giao không thu tiền sử dụng đất thì được tính vào hạn mức giao đất nông nghiệp của mỗi hộ gia đình, cá nhân.
Cơ quan quản lý đất đai nơi đã giao đất nông nghiệp không thu tiền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân gửi thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi hộ gia đình, cá nhân đó đăng ký hộ khẩu thường trú để tính hạn mức giao đất nông nghiệp.
8. Diện tích đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân do nhận chuyển nhượng, thuê, thuê lại, nhận thừa kế, được tặng cho quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất từ người khác, nhận khoán, được Nhà nước cho thuê đất không tính vào hạn mức giao đất nông nghiệp quy định tại Điều này.”
Như vậy, theo quy định nêu trên, ta hiểu hạn mức giao đất nông nghiệp là diện tích tối đa được phép sử dụng do Nhà Nước giao.
Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sẽ nhận quyền sử dụng đất từ các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Hình thức: được Nhà nước giao đất.
Hạn mức: theo quy định cụ thể tại Điều 129
Nghĩa vụ tài chính khi chuyển quyền sử dụng đất: Có, trừ trường hợp giao đất không thu tiền sử dụng đất
Việc quy định hạn mức sử dụng đất nông nghiệp có tác động tích cực và trực tiếp đến đời sống kinh tế ở nông thôn nhằm bảo đảm cho người nông dân có đất đai để sản xuất, thực hiện được chính sách của Đảng và nhà nước ta là người cày có ruộng, đảm bảo sử dụng đất đai có hiệu quả, phục vụ tốt các mục tiêu, kinh tế, xã hội do nhà nước đề ra. Quy định hạn mức sử dụng đất nông nghiệp vừa mang tính kinh tế vừa mang tính xã hội, thậm chí còn mang một số ý nghĩa chính trị to lớn.
2.3. Hạn mức giao đất nông nghiệp:
Việc quy định hạn mức giao đất được có những ý nghĩa vô cùng to lớn nhằm đảm bảo mỗi người nông dân đều có thể tiếp cận đất đai, hạn chế trường hợp “tích tụ” ruộng đất đối với các chủ thể có nhu cầu, giúp thúc đẩy sản xuất ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa và đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người nông dân.
Hạn mức giao đất theo quy định pháp luật:
– Đối với hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp như sau:
+ Các tỉnh Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long: Không quá 03 ha.
+ Các tỉnh còn lại: Không quá 02 ha.
– Đối với hạn mức giao đất trồng cây lâu năm:
+ Đồng bằng (xã): không quá 10 ha.
+ Trung du, miền núi: không quá 30 ha.
– Hạn mức giao đất rừng phòng hộ, rừng sản xuất: không quá 30 ha.
Tuy nhiên, theo quy định như trên, thì tối đa hộ gia đình, cá nhân được sử dụng không vượt quá 30 ha. Với diện tích như vậy sẽ không thể tiến hành việc sản xuất theo quy mô lớn và cũng gây khó khăn cho việc áp dụng công nghệ, đầu tư vào nông nghiệp. Có thể thấy, quy định hạn mức đã không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Việc quy định hạn mức nông nghiệp với mong muốn bảo vệ nông nghiệp nhưng thực chất đã trở thành điểm nghẽn, cản trở quá trình hiện đại hóa, phát triển trong nông nghiệp.
Chính vì thế, nhà nước cần phân biệt rõ giữa tích tụ và tập trung ruộng đất. Nếu việc tập trung ruộng đất vào những người có điều kiện về vốn, kinh nghiệm sản xuất, cộng với áp dụng khoa học, công nghệ, … thì sẽ thúc đẩy sản xuất phát triển hơn là việc giữ những đất nhỏ, manh mún cản trở một nền sản xuất hàng hóa tập trung cao theo xu hướng hiện nay.
Trường hợp vượt quá hạn giao đất:
Đối với trường hợp vượt quá hạn mức giao đất, người sử dụng đất vẫn được tiếp tục sử dụng phần vượt này, nhưng thực hiện theo quy định tại khoản 5, khoản 6, Điều 44
– Đã đăng ký chuyển quyền trước 01/ 7/2007, thì phần diện tích đất vượt hạn mức được tiếp tục sử dụng như đối phần đất trong hạn mức.
– Đăng ký chuyển quyền từ 01/7/2007 đến 01/7/2014 thì phải chuyển sang thuê đất của Nhà nước đối với phần vượt hạn mức.