Quyền của người đồng tính, quyền nuôi con nuôi của người đồng tính là vấn đề nhân quyền đang gặp phải rất nhiều tranh cãi trên toàn thế giới. Thực tế, các yếu tố chính trị, văn hoá, xã hội có tác động lớn đến quyền nuôi con nuôi của người đồng tính.
Quyền của người đồng tính, quyền nuôi con nuôi của người đồng tính là một trong số vấn đề nhân quyền đang gặp phải rất nhiều tranh cãi trên toàn thế giới. Không chỉ dưới phương diện pháp luật mà tư tưởng, quan điểm của rất nhiều quốc gia, của các cá nhân đều rất khó để chấp nhận, thừa nhận những quyền này. Các nhóm ủng hộ thì tìm ra rất nhiều cách để diễn giải, bảo vệ, thực hiện cuộc vận động,... để ủng hộ quyền này của người đồng tính. Mặt khác, nhóm không ủng hộ tìm ra rất nhiều cách, nhiều luận điểm để chỉ ra những hạn chế, ảnh hưởng tiêu cực của việc ủng hộ quyền của người đồng tính đối với xã hội, và rất nhiều quan điểm khác bảo vệ quan điểm của mình. Trên thực tế có rất nhiều yếu tố tác động đến quyền nuôi con nuôi của người đồng tính, có thể nói đến một số yếu tố cơ bản như sau:
Mục lục bài viết
1. Yếu tố chính trị:
Các yếu tố ảnh hưởng đến quyền của người đồng tính, quyền nuôi con nuôi của người đồng tính ở các quốc gia, khu vực xuất phát chủ yếu từ hệ tư tưởng, quan điểm tại các quốc gia đó.
Trong tác phẩm “Hệ tư tưởng Đức”, C.Mác đã đưa ra quan niệm về gia đình:
Hàng ngày tái tạo ra đời sống của bản thân mình con người còn tạo ra những người khác, sinh sôi nảy nở – đó là quan hệ giữa chồng và vợ, cha mẹ và con cái, đó là gia đình ... Sự sản xuất ra đời sống – ra đời sống của bản thân mình bằng lao động, cũng như ra đời sống của người khác bằng việc sinh con đẻ cái – biểu hiện ra là một quan hệ song trùng, một mặt là quan hệ tự nhiên, mặt khác là quan hệ xã hội, quan hệ xã hội với ý nghĩa đó là hoạt động kết hợp của nhiều cá nhân, không kể là trong những điều kiện nào, theo cách nào và nhằm mục đích gì.
Quan niệm này đã chỉ rõ: thứ nhất, gia đình ra đời cùng với sự ra đời và tồn tại của xã hội loài người, cùng với quá trình tái tạo ra chính bản thân con người; thứ hai, gia đình được tạo ra bởi hai quan hệ cơ bản (quan hệ hôn nhân và quan hệ huyết thống); thứ ba, gia đình có hai nhiệm vụ chính (sản xuất ra của cải vật chất đáp ứng nhu cầu cho cá nhân, gia đình, đóng góp vào sự phát triển xã hội, đồng thời tái sản xuất con người để duy trì nòi giống – đảm bảo cho sự trường tồn của xã hội). Chính quan điểm đó đã thể hiện C.Mác không công nhận hình thức gia đình được tạo ra bởi người đồng tính, một gia đình được tạo ra bởi hai người đồng tính và không thể tạo ra những đứa trẻ chung.
Tại Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa khẳng định lại quan điểm của mình về hôn nhân đồng tính trong cuộc họp với một ủy ban nhà nước để thảo luận về việc sửa đổi hiến pháp. Cụ thể, ông Putin cho rằng hôn nhân là giữa nam và nữ, phụ huynh phải là cha và mẹ, chứ không phải “phụ huynh l” và “phụ huynh 2”. Cũng theo Vladimir Putin thì mô hình “phụ huynh 1“và “phụ huynh 2” không thể diễn ra, một gia đình phải được tạo ra bởi cha và mẹ mà không cần thiết được tạo ra bởi những người đồng tính.
Cũng rất nhiều quốc gia, nhà chính trị gia theo quan điểm này, không ủng hộ quyền hôn nhân và gia đình, quyền nuôi con nuôi của người đồng tính. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia lo lắng việc hợp pháp hóa các quyền liên quan đến hôn nhân và gia đình của người đồng tính, quyền nuôi con nuôi của người đồng tính là không cần thiết, bởi rất có thể sẽ gây nên những ảnh hưởng nhất định đến trật tự xã hội, gián tiếp gây ra các tệ nạn xã hội.
Tuy nhiên, tại một số nước ảnh hưởng bởi chủ nghĩa tự do hiện đại, họ coi việc bảo vệ quyền người đồng tính, ủng hộ hợp pháp hóa quyền nuôi con nuôi của người đồng tính là một trong số những quan điểm tiên tiến, hiện đại và phù hợp với xu hướng chung của thời đại. Chính vì vậy, quyền nuôi con nuôi của người đồng tính thường được ủng hộ bởi các quốc gia thuộc Châu Mỹ và Châu Âu nhiều hơn là Châu Á hoặc Châu Phi.
Cũng tại các quốc gia phát triển ở phương Tây quyền nuôi con nuôi của người đồng tính cũng không được ủng hộ một cách thống nhất. Điều này xuất phát một phần từ đặc điểm hệ thống chính trị của những quốc gia đó được tổ chức theo nguyên tắc đa nguyên, đa đảng và nền dân chủ phát triển. Bối cảnh có nhiều ý kiến xung đột nhau, mâu thuẫn nhau làm cho quá trình xây dựng pháp luật về quyền của các đối tượng này bị kéo dài. Điều đó cho thấy mặc dù nền dân chủ của các quốc gia ngày càng phát triển nhưng cũng kéo theo những hệ lụy nhất định việc có nhiều đảng phái chính trị cũng khiến cho việc hợp pháp hóa một quyền nào đó đôi khi gặp khó khăn. Ở một số quốc gia, quyền này được hợp pháp hóa ở một số bang, khu vực mà không được hợp pháp hóa trên phạm vi toàn quốc, yếu tố chính trị có ảnh hưởng rất lớn đến quyền này của người đồng tính.
2. Yếu tố văn hóa – xã hội:
Hôn nhân đồng tính, hay người đồng tính nhận nuôi con nuôi đang được coi là đe dọa văn hóa truyền thống, vi phạm, đi ngược lại các quy định tôn giáo tại một số quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Một bộ phận không nhỏ cho rằng người đồng tính là những người không bình thường, thậm chí tiếp xúc nhiều với người đồng tính thì người khác có thể bị “lây”, một số khác cho rằng người đồng tính đa số là những người phạm pháp, những người gây ra các tệ nạn cho xã hội, ... Chính vì những suy nghĩ này mà người đồng tính bị kì thị, xa lánh. Công nhận mối quan hệ giữa những người có cùng giới tính ở khía cạnh nào đó nó có thể khiến cho một bộ phận giới trẻ có suy nghĩ chưa chín chắn dẫn đến những suy nghĩ lệch lạc xem đó là một xu hướng, trào lưu. Dẫn đến hệ quả là làm cho mối quan hệ này bị ảnh hưởng nặng nề và tạo nên định kiến khó thay đổi trong xã hội. Kết hôn là để tạo lập gia đình, gia đình phải đảm bảo chức năng nuôi dưỡng và xã hội hóa của trẻ em nhưng các cặp đồng tính không thể đảm đương vai trò này, do đó không thể ủng hộ người đồng tính nhận con nuôi.
Trong quan niệm truyền thống tại các nước phương Đông, kết quả của một tình yêu đích thực phải là hôn nhân, là con cái được tạo ra bởi gia đình đó, việc sinh con đẻ cái, nối dõi dòng giống, tổ tiên, ... là vô cùng quan trọng. Người đàn ông trong gia đình phải là trụ cột, có nghĩa vụ nối dõi tông đường, phụ nữ phải công dụng ngôn hạnh, sinh con đẻ cái cho gia đình chồng, mục đích chủ yếu của tình yêu và hôn nhân là đáp ứng những vấn đề đó. Những tư tưởng, quan điểm này đã gắn bó với người Á Đông từ đời này qua đời khác, trải dài suốt một thời kì lịch sử, do đó rất khó có thể tác động hay thay thế được. Chính vì vậy, cái nhìn của người Á Đông đối với người Phương Tây có phần dè dặt hơn, thậm chí còn có thái độ kì thì hơn góc nhìn của người Phương Tây về vấn đề này.
Đối với các nước Hồi giáo, việc kết hôn của người đồng tính là không thể chấp nhận, thậm chí việc một người là người đồng tính cũng đáng bị chịu phạt. Ở các quốc gia châu Á, trong mối quan hệ giữa vợ chồng, con cái và cha mẹ đều có sự chi phối của Nho giáo. Quan niệm người chồng sẽ là trụ cột, quyết định đến cuộc sống gia đình, người vợ phải nghe và chung thủy với chồng, sinh con đẻ cái để nối dõi tông đường. Ngày nay, tuy đã rời xa thời phong kiến và kinh tế, xã hội cũng phát triển tiến bộ nhiều nhưng trong mỗi người dân châu Á vẫn còn in một dấu ấn khá đậm nét về quan niệm của Nho giáo. Vì vậy, một kiểu gia đình khác đặc biệt như giữa nam và nam hoặc nữ với nữ, không có con cái thì rất khó có thể chấp nhận được trong quan niệm của nhiều người, cũng rất khó để chấp nhận một gia đình mà đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi hai người có cùng giới tính. Quan điểm này cho rằng, gia đình đồng tính không tạo ra giá trị gì cho xã hội, thậm chí còn gây ra những tệ nạn xã hội, trẻ em không nên sống trong một gia đình như vậy, trẻ em cần một người mẹ và một người cha, hơn là cần hai người cha, hai người mẹ. Do đó rất khó để chấp nhận các quyền gia đình của người đồng tính, về quyền nuôi con nuôi của người đồng tính.
Như vậy, có thể thấy, vấn đề bảo vệ quyền của người đồng tính đang thực sự dần trở thành một trong những mối quan tâm, lo ngại của các quốc gia trên thế giới, các quốc gia ngày càng có xu hướng quan tâm, bảo vệ quyền của nhóm người này. Quyền nuôi con nuôi của người đồng tính hiện nay đang là vấn đề gây tranh cãi ở rất nhiều các quốc gia. Đây được coi là một trong số những quyền cơ bản mà người đồng tính mong muốn có được, cũng là một trong các biện pháp bảo vệ quyền, lợi ích của trẻ em. Tuy nhiên, có thể nhận thấy xu hướng chung của các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới là dần dần, từng bước gỡ bỏ những rào cản, từ cấm chuyển dần sang công nhận và bảo vệ quyền trên. Chấm dứt kỳ thị trong tiếp cận hôn nhân dân sự đã trở thành vấn đề bức bách ở nhiều quốc gia. Đây cũng chính là những điều mà pháp luật Việt Nam cần xem xét, cân nhắc đưa ra những thay đổi nhất định để hòa nhập với sự thay đổi trong quan niệm về nhân quyền với thế giới, đồng thời trực tiếp bảo vệ quyền của người đồng tính tại Việt Nam.