Các yếu tố ảnh hưởng đến bảo đảm quyền con người trong cưỡng chế thi hành án dân sự. Điều gì sẽ tác động đến việc đảm bảo quyền con người trong thi hành án dân sự?
Để thực hiện được những bảo đảm về quyền con người trong cưỡng chế thi hành án dân sự, trước hết Nhà nước cần ban hành các quy định pháp luật ghi nhận các quyền con người cơ bản của chủ thể tham gia quá trình cưỡng chế thi hành án dân sự, sau đó là xây dựng cơ chế và chuẩn bị những nguồn lực vật chất (trang thiết bị, ngân sách, cán bộ..) để các quyền con người được tổ chức thực hiện một cách nghiêm minh và hiệu quả trên thực tế. Đẩy cũng chính là hai yếu tố cơ bản ảnh hưởng chủ yếu đến việc bảo đảm quyền con người trong cưỡng chế thi hành án dân sự.
Mục lục bài viết
1. Ảnh hưởng của pháp luật đối với việc quyền con người trong cưỡng chế thi hành án dân sự:
Pháp luật có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm quyền con người nói chung và quyền con người trong cưỡng chế thi hành án nói riêng. Quyền con người sẽ không được bảo đảm nếu không được quy định thành quy phạm pháp luật. Muốn tạo ra các điều kiện pháp lý thì hệ thống quy phạm pháp luật về quyền của 4 nhóm đối tượng: người phải thi hành án, người được thi hành án, người có quyền lợi nghĩa vụ liên qua và chấp hành viên phải được quy định một cách đầy đủ và chi tiết. Chỉ khi được quy định trong luật, việc thực hiện và tuân thủ quyền con người mới mang tính cưỡng chế và bắt buộc với mọi chủ thể trong xã hội. Đây được coi là công cụ hữu hiệu được cộng đồng quốc tế cũng như quốc gia sử dụng trong việc bảo đảm quyền con người trên thực tế. Luật hóa các nội dung của quyền con người trong cưỡng chế thi hành án là biến nghĩa vụ tôn trọng và thực thi các quyền ấy thành những quy tắc xử sự bắt buộc chung và thống nhất cho tất cả các chủ thể trong toàn xã hội. Hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, thống nhất tạo thành chuẩn mực chung để các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, bảo đảm quyền của các chủ thể tham gia, từ đó hạn chế việc vi phạm quyền.
Đồng thời, qua đó, mọi người đều có công cụ để tự bảo vệ cũng như thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia vào quan hệ pháp luật cưỡng chế thi hành án. Xét trong trường hợp ngược lại, nếu một hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo đảm quyền con người, nhiều quy định còn chồng chéo, nội dung không rõ ràng thì sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình thực thi pháp luật, qua đó các cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ thực thi cũng không thể áp dụng pháp luật một cách chính xác, gây ảnh hưởng đến việc bảo đảm quyền con người, hay chính đương sự cũng không thể căn cứ vào các quy định pháp luật này để tự bảo vệ cho bản thân, bảo đảm quyền con người vốn có của mình trong hoạt động cưỡng chế thi hành án dân sự.
Để đạt được mục đích nêu trên, trước hết pháp luật thi hành án dân sự phải ghi nhận các quyền con người của 4 nhóm chủ thể tham gia cưỡng chế thi hành án, thể hiện thông qua việc thể chế hóa các quyền con người bản của 4 nhóm này trong hệ thống pháp luật quốc gia, xây dựng hệ thống pháp luật phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về quyền con người trong cưỡng chế thi hành án. Song song với sự phát triển đi lên của xã hội thì việc ghi nhận các quyền cần ngày càng được mở rộng, hướng đến việc bảo đảm tốt nhất quyền con người của các chủ thể tham gia cưỡng chế thi hành án.
Đồng thời, pháp luật thi hành thi hành án cũng cần quy định cách thức, biện pháp thực hiện để các quyền của của các chủ thể tham gia có tính khả thi, cụ thể là các quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ thể thực thi quyền; trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ thể giải quyết các trường hợp vi phạm quyền. Việc ghi nhận các quyền và cơ chế bảo đảm các quyền trong hệ thống pháp luật sẽ tạo điều kiện để các quyền con người của các nhóm chủ thể được thực hiện; đồng thời ngăn chặn và hạn chế được sự xâm hại quyền con người trong hoạt động cưỡng chế thi hành án.
2. Ảnh hưởng của cơ chế tổ chức thực thi pháp luật đối với việc bảo đảm quyền con người trong cưỡng chế thi hành án dân sự:
Đây là một nội dung quan trọng bởi vì các quy định pháp luật về bảo đảm quyền con người trong cưỡng chế thi hành án chỉ phát huy vai trò khi được thực thi đầy đủ và nghiêm minh trong thực tiễn. Nếu không thực hiện tốt quyền con người được ghi nhận trong các văn bản thì các quyền đó chỉ trên giấy tờ và trở nên vô nghĩa. Thực thi các quy định pháp luật được tiến hành thông qua việc áp dụng pháp luật của các cơ quan thi hành án trong hoạt động thi hành án; thiết lập các cơ chế để các chấp hành viên thực hiện các quy định pháp luật về cưỡng chế thi hành án, hỗ trợ người được thi hành án, người phải thi hành án và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan thụ hưởng đầy đủ đến mức cao nhất có thể các quyền con người. Các cơ quan thi hành án đều có chức năng, nhiệm vụ riêng nhưng phải tuân thủ theo các nguyên tắc, quy định pháp luật, hạn chế tối đa các vi phạm trong quá trình thực hiện, hướng đến mục đích hiệu quả của việc thi hành án theo quy định pháp luật.
Hiệu quả của việc áp dụng pháp luật phụ thuộc nhiều yếu tố, có thể kể đến như: chất lượng đội ngũ cán bộ; sự tham gia, phối hợp giữa các cơ quan quản lý, cơ quan thi hành án trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan này và các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội trong việc hỗ trợ quá trình thực thi pháp luật; cơ sở vật chất trang thiết bị… Trên thực tế, nhiều trường hợp quy định pháp luật rất cụ thể rõ ràng, nhân quyền, dễ áp dụng trên thực tiễn tuy nhiên do sự lỏng lẻo trong quản lý, tổ chức thi hành pháp luật, dẫn đến việc không áp dụng đúng quy định pháp luật, hoặc cố tình làm sai, làm không đầy đủ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo đảm quyền con người trong hoạt động cưỡng chế thi hành án dân sự.
Một trong những điều kiện để thực thi các quy định pháp luật về bảo đảm quyền con người trong cưỡng chế thi hành án chính là xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật, qua đó có thể bảo vệ, ngăn chặn nguy cơ vi phạm quyền con người, đặc biệt là của người phải thi hành án. Giám sát việc thực thi quyền con người trong cưỡng chế thi hành án là quan trọng và cần thiết bởi cưỡng chế thi hành án là hoạt động thực hiện quyền lực nhà nước liên quan trực tiếp đến quyền con người. Quá trình thực thi pháp luật của các cơ quan thi hành án nếu không được giám sát chặt chẽ thì sẽ rất dễ dẫn đến sự lạm quyền, giám sát giúp cho các hoạt động thực thi pháp luật được thực hiện theo đúng quy định, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Cơ chế giám sát được vận hành trên cơ sở sự phối hợp hoạt động cùng giám sát của những chủ thể trực tiếp liên quan đến việc cưỡng chế thi hành án. Thực hiện kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về trình tự, thủ tục tiến hành các hoạt động cưỡng chế thi hành án sẽ giúp hạn chế đến mức tối thiểu các vi phạm ảnh hưởng đến việc thụ hưởng quyền con người trên thực tế.
Như vậy, pháp luật và cơ chế thực thi pháp luật đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng sâu sắc đến việc quyền con người trong hoạt động cưỡng chế thi hành án dân sự trên thực tiễn. Việc xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn thiện, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam về quyền con người là bước đầu tiên cần chú trọng thực hiện. Qua đó cần xây dựng một cơ chế tổ chức bảo đảm thực thi các quy định pháp luật trên thực tiễn, để các quyền con người được thực chất đi vào thực tiễn, nhằm tạo điều kiện cho các chủ thể được hưởng thụ, được bảo đảm thực hiện một cách cao nhất.