Các yếu tố tác động đến nâng cao chất lượng của cán bộ, công chức cấp xã. Hoạt động nâng cao chất lượng của cán bộ, công chức cấp xã chịu tác động bởi 02 (hai) nhóm yếu tố cơ bản sau:
Mục lục bài viết
1. Yếu tố khách quan:
Thứ nhất, về cơ chế chính sách của Nhà nước. Chế độ, chính sách là công cụ điều tiết cực kỳ quan trọng trong quản lý xã hội, tác động mạnh mẽ đến các vấn đề trong xã hội, thậm chí đến từng hoạt động của con người. Xét về khía cạnh quản lý, không chỉ đối với cán bộ, công chức cấp xã, sự tác động của chính sách Nhà nước tác động rất lớn đến chất lượng, hoạt động nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, người lao động… Hệ thống các nguyên tắc, quy định pháp luật liên quan đến con người, đến các chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp, tiền thưởng, bảo hiểm, chế độ đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn,… đều ảnh hưởng tới động cơ, mục đích đi làm, ảnh hưởng đến phương pháp, trình độ, năng lực của cán bộ, công chức nói chung, đối với cán bộ, công chức cấp xã nói riêng. Đối với từng thời kỳ khác nhau, nhu cầu, yêu cầu về công tác đào tạo, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức đều có sự thay đổi, thích ứng với sự phát triển của từng thời kỳ. Có thể nói trong tình hình Việt Nam hiện nay, việc đổi mới chế độ và chính sách đối với hoạt động nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cấp xã là khâu quan trọng có tính đột phá. Chế độ, chính sách đảm bảo về lợi ích vật chất (bao gồm: tiền lương, phụ cấp, tiền thưởng, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội,…) là một trong những yếu tố nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, cụ thể hơn chính là tác động đến sự tận tâm, tận lực phục vụ người dân. Đặc biệt phải kể đến chính sách đào tạo và bồi dưỡng, đây là chính sách tạo nền móng và định hướng cho công tác xây dựng kế hoạch, triển khai đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức. Tóm lại, chế độ, chính sách của Nhà nước là động lực, điều kiện đảm bảo để cán bộ, công chức nói chung, cán bộ, công chức cấp xã nói riêng phấn đấu nâng cao trình độ, năng lực trong việc hoàn thành tốt công việc được giao.
Thứ hai, về môi trường, điều kiện sống và làm việc. Đây là những yếu tố quan trọng không kém so với tác động từ chính sách. Nếu môi trường, điều kiện sống và làm việc thuận lợi, phù hợp với cán bộ, công chức sẽ góp phần giúp cán bộ, công chức cấp xã phát huy được năng lực, khả năng của bản thân, đặc biệt, đối với nhóm cán bộ, công chức cấp xã, công tác hiểu, nắm vững địa bàn nơi họ công tác (đặc biệt là nơi họ vừa ở vừa công tác) sẽ tác động mạnh mẽ đối với họ, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công tác của những cán bộ, công chức cấp xã này. Như vậy, sự tác động của môi trường, điều kiện sống và làm việc sẽ tác động trực tiếp chất lượng của cán bộ, công chức cấp xã. Đồng thời, trên cơ sở chất lượng của cán bộ, công chức cấp xã nếu mở rộng phạm vi vấn đề thì các hoạt động nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cấp xã cũng phải căn cứ vào môi trường, điều kiện sống và làm việc, phải biết yêu cầu của địa phương như nào về chất lượng, về số lượng, thì mới bảo đảm hoạt động nâng cao chất lượng hiệu quả được, nhất là khi đối với môi trường làm việc của cấp xã thì việc xây dựng, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức càng cần phải tương thích, phù hợp.
Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu, rộng và kinh tế – xã hội không ngừng phát triển như hiện nay đã đặt ra những yêu cầu cấp bách đối với toàn xã hội nói chung và đối với khu vực hành chính công nói riêng. Mặc dù, theo yêu cầu công việc của cấp xã thì yêu cầu này không tác động mạnh mẽ đến chất lượng của cán bộ, công chức, nhưng để bảo đảm sự phát triển liền mạch, đồng bộ thì không thể bỏ qua vấn đề này. Vì vậy, yêu cầu đội ngũ cán bộ, công chức phải có kiến thức về hội nhập quốc tế, trang bị đầy đủ kiến thức tin học, ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu của tổ chức và yêu cầu của từng vị trí việc làm được đảm nhận. Tiếp cận chiến lược, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phát triển công chức của các nước tiên tiến, tiếp thu tinh hoa tri thức nhân loại, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hành chính công là rất cần thiết. Qua đó, đội ngũ cán bộ, công chức nói chung, cán bộ, công chức cấp xã nói riêng trưởng thành, nhanh chóng hội nhập với khu vực và thế giới, nâng cao chất lượng công tác hoạch định, xây dựng chính sách phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước và yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Thứ ba, nguồn và chất lượng đầu vào của đội ngũ công chức. Nguồn tuyển dụng đầu vào là yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của đội ngũ công chức. Tuyển dụng được người học đúng ngành, chuyên ngành thì việc bố trí, sử dụng cán bộ, công chức sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn; việc đánh giá năng lực cũng sát với thực tế hơn. Ngược lại, nếu đội ngũ công chức được tuyển dụng hoặc được luân chuyển không sát với yêu cầu công việc sẽ là một bất lợi cho tổ chức vì phải tiến hành đào tạo, đào tạo lại mới có thể sử dụng được. Nguồn và chất lượng đầu vào của đội ngũ cán bộ, công chức sẽ ảnh hưởng đến chiến lược, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và phát triển cán bộ, công chức. Nó ảnh hưởng lớn đến nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng; thời gian đào tạo, bồi dưỡng; số lượng cần phải đào tạo, bồi dưỡng và kinh phí cho đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức.
Thứ tư, hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng. Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nói chung, cán bộ, công chức cấp xã nói riêng là nơi tổ chức thực hiện các khóa đào tạo, bồi dưỡng trang bị, cập nhật, bổ sung kiến thức, kỹ năng hoạt động công vụ cho cán bộ, công chức. Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cần bảo đảm các tiêu chuẩn tối thiểu của một trường/viện/trung tâm đào tạo cán bộ, công chức hiện đại, như: khuôn viên rộng rãi, có hội trường, các phòng học, ký túc xá, khu vui chơi giải trí thể thao; trang thiết bị giảng dạy hiện đại; cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, phần mềm quản lý, phần mềm đào tạo hiện đại và chất lượng; đội ngũ giảng viên đảm bảo về số lượng và đủ năng lực giảng dạy; đội ngũ quản lý đào tạo chuyên nghiệp.
2. Yếu tố chủ quan:
Thứ nhất, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã. Đây là yếu tố đóng vai trò quan trọng quyết định đến hoạt động nâng cao chất lượng cán bộ, công chức. Khác với các yếu tố tác động vào bên trong, công tác quy hoạch tác động vào không chỉ nguồn cán bộ, công chức, mà còn ảnh hưởng đến việc đào tạo, nâng cao chất lượng của nguồn cán bộ, công chức để phù hợp với yêu cầu của vị trí được quy hoạch, giới thiệu; việc sàng lọc, lựa chọn các cá nhân phù hợp sẽ lựa chọn ra những cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu, vô hình trung, chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức cũng sẽ gia tăng và yêu cầu về nâng cao chất lượng cũng tăng lên tương ứng. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch còn gián tiếp tác động đến tâm lý của cán bộ, công chức, khiến những cá nhân này xác định tư tưởng, phấn đấu từ đó ảnh hưởng đến hoạt động nâng cao chất lượng cán bộ, công chức.
Đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng, đây là yếu tố phái sinh từ yếu tố chính sách của Nhà nước, bản chất của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng là để trang bị, nâng cao chất lượng của người được đào tạo. Một cách cụ thể, đào tạo là một quá trình truyền tải, tiếp thu kiến thức cơ bản, trên cơ sở đó, cán bộ, công chức sẽ có kiến thức, chuyên môn; còn bồi dưỡng là nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức mới phù hợp với sự thay đổi của kinh tế, xã hội. Đào tạo, bồi dưỡng công chức gắn với nhu cầu sử dụng công chức, công chức là người phải đáp ứng được các tiêu chuẩn và điều kiện vào thời điểm được tuyển dụng để bảo đảm làm được việc ngay, nhưng trước yêu cầu ngày càng cao của công việc cũng như yêu cầu sử dụng công chức ở những vị trí có yêu cầu cao hơn về chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm thì hoạt động đào tạo, bồi dưỡng vẫn đặt ra. Đào tạo, bồi dưỡng thường kết hợp giữa gửi công chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng tại các cơ sở giáo dục với việc đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ, kết hợp giữa đào tạo, bồi dưỡng của một số công chức cụ thể với đào tạo, bồi dưỡng cho số đông công chức trong cơ quan, đơn vị. Tóm lại, yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cán bộ, công chức.
Thứ hai, về quản lý, thanh tra, đánh giá. Công tác quản lý, thanh tra có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cấp xã. Thông qua công tác này có thể phát hiện được những tiêu cực, bất cập nảy sinh từ của cán bộ, công chức cấp xã trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đồng thời nắm chắc thông tin, diễn biến về tư tưởng, hoạt động của cán bộ, công chức giúp cho cấp ủy, người đứng đầu, cấp trên phát hiện các vấn đề nảy sinh để kịp thời điều chỉnh và tác động, từ đó làm cho cán bộ, công chức cấp xã luôn hoạt động đúng mục tiêu, định hướng, đúng nguyên tắc, nâng cao hiệu quả hoạt động. Thông qua quản lý, thanh tra sẽ giúp cơ quan có hình thức khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, ngăn chặn cái xấu, cái tiêu cực, phát huy những nhân tố tích cực; đồng thời nắm vững thực trạng chất lượng cán bộ, công chức cấp xã và là cơ sở để làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng bố trí… cán bộ, công chức cấp xã một cách phù hợp. Đây chính là một trong những yếu tố có sự ảnh hưởng rất lớn đến nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cấp xã.
Đánh giá để làm rõ năng lực, trình độ, kết quả công tác, phẩm chất đạo đức… của cán bộ, công chức cấp xã. Kết quả đánh giá đối với cán bộ, công chức cấp xã là cơ sở cho việc bố trí, sử dụng, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật…. cán bộ, công chức. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để xác định nhu cầu, nội dung, chương trình đào tạo, chế độ đãi ngộ,… nhằm xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Do đó, đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã cần phải đặt trong các mối quan hệ cơ bản như: với chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước; với các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể; với chức trách, nhiệm vụ được giao; với quần chúng nhân dân… Bất cứ người cán bộ, công chức nào cũng bị ràng buộc và phải giải quyết tốt các mối quan hệ đó. Tuy vậy, trước hết cần xem xét mức độ hoàn thành các nhiệm vụ được giao, coi đây là căn cứ thực tiễn quan trọng để đánh giá năng lực, trình độ chuyên môn của người công chức cấp xã. Sau đó, đặt họ trong các mối quan hệ còn lại để xem xét, đánh giá phẩm chất đạo đức, tư tưởng chính trị của người cán bộ, công chức cấp xã. Việc đánh giá công chức cấp xã cần chú trọng công tác thanh tra. Thông qua công tác thanh tra công chức cấp xã sẽ giúp phát hiện được những điểm mạnh, mặt tiêu cực, bất cập nảy sinh trong quá trình hoạt động. Qua đó, giúp cho việc kịp thời khen thưởng những nhân tố tích cực, xử lý những sai phạm nhằm phát huy nhân tố tích cực, đẩy lùi hạn chế, yếu kém tạo lập lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và chính quyền. Làm tốt công tác này sẽ nắm được thực trạng chất lượng công chức cấp xã để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hợp lý.
Thứ ba, về nhận thức của cán bộ, công chức cấp xã. Đây là yếu tố cơ bản, nền tảng quyết định đến mức độ chịu tác động bởi các yếu tố khác. Tức là, khi cán bộ, công chức nhận thức được chính sách thì chính sách mới tác động trọn vẹn được, mặc dù chính sách được áp dụng chung nhưng nếu cá nhân hiểu được, nhận thức được chính sách thì vừa có thể cụ thể hóa chính sách (triển khai), vừa chấp hành chính sách một cách đúng đắn nhất. Một ví dụ khác, nếu người cán bộ, công chức nhận thức đúng đắn vai trò, tầm quan trọng của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ giải quyết công việc thì họ sẽ chủ động, tự nguyện tham gia khóa đào tạo, bồi dưỡng, như vậy, chất lượng của cán bộ, công chức sẽ được củng cố, nâng cao. Hoặc đơn giản hơn, nếu cán bộ, công chức nhận thức được vai trò của đạo đức thì bản thân cán bộ, công chức sẽ có ý thức rèn luyện, tu dưỡng, giữ vững đạo đức, phẩm chất cách mạng. Tóm lại, nhận thức đúng là tiền đề cho các hành vi khác, là kim chỉ nam cho những hành động thể hiện ra bên ngoài.
Thứ tư, trình độ, kỹ năng của đội ngũ giảng viên đào tạo. Đây là yếu tố mang tính quyết định đến chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, yêu cầu đội ngũ giảng viên phải có trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm đạt chuẩn và kinh qua thực tế công tác. Bởi vì trong đào tạo, bồi dưỡng, giảng viên là người hướng dẫn học viên học tập, rèn luyện kỹ năng làm việc. Một nguyên tắc của việc bồi dưỡng là cung cấp kiến thức ở mức cần thiết, rèn luyện kỹ năng đến mức có thể. Cho nên, giảng viên phải là người có kiến thức, có kỹ năng và kinh nghiệm thực tế đối với lĩnh vực chuyên môn đảm nhận, chỉ có như vậy công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức nói chung, đặc biệt là cán bộ, công chức cấp xã nói riêng mới thu được kết quả như mong muốn.