Trong điều kiện xã hội Việt Nam hiện nay, việc ghi nhận các quyền HN&GĐ của nhóm người LGBT trong pháp luật còn gặp nhiều khó khăn, những rào cản nhất định bởi một số quan niệm, yếu tố nhất định. Việc nghiên cứu, xem xét các yếu tố này là cần thiết để có cơ sở hướng tới việc ghi nhận một cách đầy đủ, chính xác, khách quan hơn các quyền HN&GĐ của nhóm người LGBT trong pháp luật.
Mục lục bài viết
1. Chủ nghĩa độc tôn dị tính:
Chủ nghĩa độc tôn dị tính (heterosexism) là khái niệm lần đầu tiên được sử dụng vào năm 1971 bởi Craig Rodwell, một nhà hoạt động đồng tính”. Vì không phải là thuật ngữ khoa học mà là thuật ngữ ra đời bởi phong trào vận động quyền đồng tính, song tính và chuyển giới, nên mỗi nhà hoạt động cũng có những cách sử dụng khác nhau. Nói một cách ngắn gọn, chủ nghĩa độc tôn dị tính là hệ thống những quan điểm để bảo vệ cho tính dục khác giới, bao gồm ba thành tố cơ bản. Thứ nhất là quan điểm mặc định mọi người đều là dị tính. Thứ hai là quan điểm cho rằng di tính là ưu việt hơn, xem những gì ngoài dị tính đều là thấp kém hơn; và cuối cùng tiến tới chối bỏ, tạo sự thiên vị, phân biệt đối xử với những thiểu số tính dục khác. Như nhiều người vẫn hay nói, xã hội mà chúng ta đang sống là một “xã hội dị tính”. Trong xã hội dị tính đó, các quan điểm về tính dục khác giới chiếm ưu thế. Đôi khi, những quan điểm đó được dùng để biện minh cho sự bất bình đẳng đối với người đồng tính, song tính, chuyển giới hay các xu hướng tính dục, bản dạng giới khác. Điều cần nhấn mạnh, chủ nghĩa độc tôn dị tính không chỉ là sản phẩm của những người dị tính. Nhiều người LGBT cũng thừa nhận và tuân theo hệ thống quan điểm này. Hệ quả là họ trở nên mặc cảm, chối bỏ bản thân, chối bỏ bản dạng giới, hạ thấp lòng tự tôn, tự kỳ thị cùng nhiều vấn đề khác.
Có quan điểm nhận định, xã hội chúng ta đang sống là một xã hội dị tính; các mối quan hệ liên quan tới xu hướng tính dục khác giới tính luôn là điều đúng đắn và không thể thay đổi. Chính những quan điểm này làm tăng thêm sự bất bình đẳng đối với nhóm người LGBT hay các xu hướng tính dục khác. Tư tưởng về chủ nghĩa độc tôn dị tính không chỉ tồn tại ở những người dị tính mà có cả ở một bộ phận trong nhóm người LGBT cũng thừa nhận hoặc bị ép buộc tuân theo hệ thống quan điểm này. Việc chấp nhận tư duy này đã dẫn đến họ trở nên mặc cảm, chối bỏ bản thân, tự kỳ thị bản thân, tự hạ thấp mình và tách khỏi cộng đồng...
Như vậy, việc ngầm định xã hội chỉ những người dị tính mới có quyền được yêu, được kết hôn vô hình đã coi những xu hướng tính dục khác là khác thường, là “một căn bệnh cần phải loại trừ khỏi xã hội, thậm chí còn tạo ra tâm lý “ghê sợ”, kỳ thị, bài trừ đối với nhóm người LGBT mang bản dạng giới và xu hướng tính dục khác. Từ đó đã xuất hiện những thể chế bảo hộ sự độc tôn dị tính trong xã hội. Đây là cội nguồn của sự phân biệt đối xử, bất công đối với nhóm người LGBT. Chỉ khi nào xóa bỏ được định kiến này ngay từ người thân, bạn bè, đồng nghiệp đến bất kỳ ai trong cộng đồng thì khi đó nhóm người LGBT mới thực sự được công nhận và được đối xử một cách công bằng như tất cả những nhóm người khác trong xã hội.
2. Yếu tố văn hóa, kinh tế, chính trị:
Đối với nền văn hóa phương Đông hiện đang tồn tại ở hầu hết những quốc gia thuộc khu vực Châu Á, mô hình gia đình là sự kết hợp của một nam và một nữ với chức năng chính là duy trì giống nòi là một mô hình gia đình truyền thống điển hình. Sự tiếp nhận về một mô hình gia đình mới với sự chung sống của một cặp cùng giới tính, cùng có nghĩa vụ nuôi dạy con cái, cùng chung những nghĩa vụ khác có phần khó chấp nhận. Sự phát triển của xã hội có ảnh hưởng đến nhận thức và hiểu biết của cộng đồng về nhóm LGBT nhưng văn hóa là yếu tố mang tính lịch sử gắn liền với sự phát triển của một xã hội nên việc thay đổi là một quá trình lâu dài. Do những đặc điểm đặc thù về xu hướng tính dục, bản dạng giới của nhóm LGBT có sự khác biệt với số đông những người khác, nên họ khó được chấp nhận trong đời sống xã hội.
Việc qui định những quyền HN&GĐ của nhóm người LGBT bằng các qui phạm pháp luật có ý nghĩa quan trọng để xác lập các quyền của họ trong thực tế, đồng thời góp phần làm thay đổi nhận thức, thái độ của người dân đối với cộng đồng người LGBT.
Về mặt kinh tế, mặt trái của nền kinh tế thị trường đã nới rộng khoảng cách giàu nghèo của các nhóm người trong xã hội. Trong đó các nhóm người thiểu số với tiềm năng kinh tế yếu, thiếu quyền lực chính trị là đối tượng dễ bị tổn thương dưới các tác động tiêu cực đó. Pháp luật vì vậy cần có những điều chỉnh hợp lý để vừa thúc đẩy kinh tế phát triển, vừa hạn chế sự bất bình đẳng trong việc thụ hưởng quyền giữa các nhóm chủ thể khác nhau, vì mục đích của phát triển kinh tế là nhằm cải thiện đời sống cho nhân dân và đảm bảo công bằng xã hội. Do sự kỳ thị, phân biệt đối xử, do chiếm một tỷ lệ nhỏ trong xã hội, nhóm người LGBT là đối tượng yếu thế trong xã hội. Khi tham gia vào các quan hệ như: tìm kiếm việc làm, cơ hội thăng tiến trong công việc, vấn đề nhà ở... họ sẽ gặp nhiều trở ngại. Hơn nữa, nhóm người LGBT là nhóm chiếm thiểu số trong xã hội nên tiếng nói của họ chưa được chú trọng đúng mức; hệ quả là khả năng tự thân chống đỡ, tự bảo vệ khi quyền lợi chính đáng bị xâm phạm thường rất thấp. Do đó, cần có một hành lang pháp lý để bảo vệ và thừa nhận quyền để nhóm người LGBT tránh gặp rủi ro trong cuộc sống và không bị kẻ xấu lợi dụng.
Về mặt chính trị, khi ban hành pháp luật cần chú trọng tới địa vị pháp lý, quyền và lợi ích của các bên để có những quy định phù hợp. Thực tế cho thấy, với số lượng ít, chưa có sự góp mặt trên các diễn đàn pháp luật, nhóm người LGBT chưa bày tỏ được quan điểm, nguyện vọng của mình để nhà làm luật xem xét và phát triển thành luật. Nếu có sự bày tỏ quan điểm, tiếng nói của mình thì cũng chưa được chú ý đúng mức. Điều này không có nghĩa là chỉ đến khi nhóm người LGBT lên tiếng thì pháp luật mới vào cuộc mà phải hiểu rằng, quyền được pháp luật bảo vệ các lợi ích chính đáng là đòi hỏi hợp lý của mọi công dân. Luật pháp là công cụ quan trọng để bảo vệ, bảo đảm quyền của nhóm người LGBT. Nếu quyền của nhóm người LGBT không được pháp luật ghi nhận thì sẽ phát sinh những xung đột trong xã hội giữa nhóm người này với những nhóm người khác trong quá trình họ sinh sống, tìm kiếm công việc, kết hôn, tiếp cận những dịch vụ công (hành chính, y tế, giáo dục...). Xung đột ngày một mạnh mẽ của các lợi ích ấy đòi hỏi cần có sự điều chỉnh hợp lý của các thể chế chính trị nhằm ổn định, duy trì trật tự xã hội, đảm bảo quyền lợi công bằng cho tất cả mọi người, kể cả người thuộc nhóm LGBT.
3. Nhận thức và định kiến của xã hội:
Việc hiểu biết và nhận thức về nhóm LGBT là không đồng đều trong các xã hội, các tầng lớp dân cư. Sự nhận thức này không phụ thuộc vào trình độ học vấn, khác biệt vùng miền hay là sự phát triển của xã hội. Với sự phát triển bùng nổ của Internet, xã hội ngày càng biết nhiều hơn đến nhóm người LGBT và các quan hệ xã hội mà họ tham gia, điển hình là việc chung sống, nuôi con của những cặp đôi cùng giới tính. Một bộ phận người dân đã hiểu và chia sẻ, thông cảm đối với nhóm người LGBT. Họ ủng hộ việc đảm bảo quyền của nhóm này trong mọi mối quan hệ xã hội, trong đó có các quyền hôn nhân và gia đình và coi đó là một trong những đòi hỏi tất yếu đối với xã hội, pháp luật. Đây có thể thấy là một xu thế tiến bộ chung của nhân loại thể hiện sự hiểu biết của con người về sự bình đẳng trong thực hiện những quyền tự nhiên của mọi người trong xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều người khác cho rằng nhóm người LGBT là một sự phát triển lệch lạc, là biểu hiện của sự bệnh hoạn, là mặt trái của sự phát triển của xã hội. Chính từ những định kiến đó đã khiến cho nhóm người LGBT phải chịu sự miệt thị, xúc phạm, coi thường hoặc cô lập dưới nhiều hình thức khác nhau trong cộng đồng, nhất là về việc làm, chăm sóc y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội...Về việc làm họ có thể không được tuyển dụng, thăng tiến và trả thù lao bình đẳng như những người bình thường. Về giáo dục, y tế, họ thường nhận thái độ cư xử kỳ thị như dè bỉu, mỉa mai, dùng những lời nói cay nghiệt làm nhục nhóm người LGBT. Những trường hợp nặng hơn là trêu ghẹo thậm chí có thể là bạo hành đối với nhóm người LGBT.
Một trong những nguyên nhân của định kiến xã hội về người đồng tính và chuyển giới nằm ở thông điệp truyền thông bởi hầu như mọi cá nhân trong xã hội đều tiếp nhận thông tin qua các phương tiện truyền thông và chịu ảnh hưởng của các thông điệp truyền thông đến việc hình thành thế giới quan. Nếu truyền thông đúng đắn, đầy đủ thì nhận thức của xã hội cũng theo chiều hướng tích cực hơn. Nếu truyền thông có cái nhìn thiếu thiện cảm, mang đến những thông tin thiếu tính khoa học về nhóm người LGBT có thể tiếp tục củng cố những nhận thức sai lệch và thái độ kỳ thị của xã hội, điều này càng làm tăng thêm sự thiếu thiện cảm và bất công đối với nhóm người này. Vì vậy, thực chất việc chấp nhận nhóm người LGBT hay thực hiện quyền hôn nhân và gia đình của nhóm người LGBT trước hết thể hiện qua sự thay đổi định kiến, thái độ kỳ thị mà xã hội đối với họ chứ không phải là việc thay đổi bất cứ điều gì về chuẩn mực sống hay giá trị truyền thống.