Để thu được kết quả tốt trong quá trình khám xét, cán bộ điều tra cần dựa vào đặc điểm của vụ án, tính chất của những vật cần tìm, cá tính của người bị khám xét và một loạt các tình tiết khác để vận dụng nội dung và trình tự sau đây cho phù hợp.
Mục lục bài viết
1. Khái niệm, yêu cầu của khám xét:
1.1. Khái niệm:
Khám xét người, chỗ ở, địa điểm, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm là hoạt động tố tụng hình sự của nhà nước bằng cách tìm tòi, lục soát nhằm phát hiện, thu thập công cụ, phương tiện phạm tội, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có, đồ vật tài liệu khác có liên quan đến vụ án hoặc phát hiện xác chết hay người đang bị truy nã.
a/ Khám xét người, chỗ ở, địa điểm… là hoạt động tìm tòi, lục soát có định hướng, có kỹ thuật:
– Xuất phát từ thủ đoạn cất giấu, lần trốn của bọn tội phạm. Khi thực hiện tội phạm, bọn phạm tội cần phải có công cụ, phương tiện. Để tránh bị phát hiện, trốn tránh pháp luật, thông thường kẻ phạm tội không những tìm cách giữ kín con người, mà còn tìm mọi thủ đoạn tinh vi xảo quyệt cất giấu các phương tiện, công cụ phạm tội hoặc xác chết do hành động phạm tội gây ra. Tuy nhiên dù tỉnh vị đến mức nào vẫn có những sơ hở nhất định.
– Trong công tác điều tra vụ án, sự hiểu biết của cán bộ điều tra về kẻ phạm tội lần trốn và thủ đoạn cất giấu tài liệu, công cụ, phương tiện phạm tội… ở từng vụ án, từng đối tượng có mức độ khác nhau.
– Phát hiện truy bắt kẻ phạm tội hoặc thu giữ những tài liệu, phương tiện đó (nó chính là chứng cứ chứng minh tội phạm và hoạt động phạm tội của bị can). Vì vậy khám xét phải tiến hành tìm tòi lục soát.
b/ Khám xét là hoạt động điều tra trong tố tụng hình sự
Khám xét được quy định trong chương XIII của bộ luật tố tụng hình sự ở các điều (192, 193, 194, 195, 196, 197, 198, 199, 200). Những quy định đó nói rõ căn cứ, quyền hạn, thủ tục khi sử dụng biện pháp khám xét, tính tố tụng của khám xét thể hiện.
Về phía cơ quan điều tra khi sử dụng khám xét phải tuân theo những quy định của luật tố tụng hình Sự về quyền hạn, thủ tục.
– Về phía người bị khám xét : bắt buộc phải chấp hành và có trách nhiệm tạo điều kiện cho người thi hành lệnh khám xét hoàn thành nhiệm vụ. Nếu họ có hành động gây cản trở hoặc chống lại thì sẽ phải chịu những hậu quả pháp lý nhất định.
– Đối với kết quả khám xét : Những tài liệu chứng cứ thu được trong khám xét sẽ có giá trị pháp lý được pháp luật thừa nhận.
c/ Mục đích của khám xét:
– Khám xét nhằm phát hiện, thu giữ công cụ, phương tiện phạm tội hoặc thu giữ đồ vật, tài liệu có liên quan đến vụ án.
Có trường hợp khám xét nhằm thu giữ đồ vật, tài liệu, tài sản do phạm tội mà có hoặc thu giữ tài sản phục vụ cho việc bồi hoàn thiệt hại.
– Có trường hợp khám xét nhằm phát hiện, truy bắt kẻ phạm tội đang chạy trốn ẩn náu hoặc phát hiện xác chết.
1.2. Yêu cầu của khám xét:
a/ Yêu cầu về pháp luật.
Yêu cầu pháp luật đòi hỏi:
Khám xét chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, địa điểm của một người có công cụ, phương tiện phạm tội, đồ vật, tài liệu, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, tài liệu khác có liên quan đến vụ án.
Có căn cứ để nhận định là : cơ quan điều tra đã thu thập được những chứng cứ bằng các hoạt động điều tra quy định trong luật tố tụng hình sự hoặc tài liệu thu thập bằng các biện pháp khác và các nguồn khác cho biết trong người chỗ ở, địa điểm của một người có công cụ, phương tiện phạm tội thông thường các căn cứ đó là :
+ Đối tượng bị bắt trong các trường hợp mà luật đã quy định.
+ Lời khai của người làm chứng, người bị hại, người bị tình nghi, bị can đã được thẩm tra xác minh.
+ Chính cán bộ điều tra trông thấy.
Khám xét phải chấp hành đúng các quy định của luật tung hình sự về quyền hạn và thủ tục (trong bộ luật tố tụng hình sự : điều 193 quy định thẩm quyền ra lệnh khám xét ; điều 194 quy định khám người ; điều 195 quy định khám chỗ ở, địa điểm ; điều 193 quy định lập biên bản khám xét.)
b/ Yêu cầu về hiệu quả:
Yêu cầu về hiệu quả đối với khám xét là:
Khám xét phải phát hiện, thu giữ đầy đủ, kịp thời chính xác các tài liệu, chứng cứ… và truy bắt kẻ phạm tội lẩn trốn. Không để đối tượng tiêu hủy chứng cứ. Muốn vậy phải đảm bảo mọi khâu của khám xét tuyệt đối bí mật, bất ngờ chỉ khi nào ta đến khám xét thì đối tượng mới biết:
+ Giữ bí mật chủ trương khám xét và kế hoạch khám xét. Không được để lộ với những người không có trách nhiệm.
+ Giữ bí mật khâu chuẩn bị khám xét.
+ Việc triển khai lực lượng bao vây giám sát phải giữ được bí mật. Đột nhập vào chỗ ở của đối tượng để khám xét phải bất ngờ.
2. Phương pháp khám xét:
a/ Nghiên cứu hồ sơ vụ án và các tình hình khác có liên quan để quyết định khám xét.
Nghiên cứu các nguồn tài liệu thu được bằng biện pháp điều tra tố tụng hình sự hoặc nguồn khác để xem có đủ căn cứ quyết định khám xét chưa. Nếu chưa đủ căn cứ phải tiến hành thẩm tra xác minh thu thập thêm.
– Có trường hợp phải nghiên cứu các tình hình khác có liên quan như nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước, các chính sách có liên quan tới việc khám xét (thường là đối với những vụ án xâm phạm an ninh quốc gia…)
Sau khi nắm vững, xem xét các vấn đề trên cán bộ điều tra dự kiến nơi sẽ khám xét, hình thức, trường hợp khám xét và báo cáo đưa cán bộ lãnh đạo duyệt.
b/ Nghiên cứu đối tượng khám xét:
– Cán bộ điều tra cần biết rõ nơi sẽ tiến hành khám xét. Những thông tin về nơi khám xét sẽ giúp cho cán bộ điều tra dự đoán được những việc cần làm trong quá trình lục soát, cho phép xác định bước đầu thứ tự các hoạt động và chuẩn bị phương tiện, kỹ thuật.
Để làm tốt việc này, cán bộ điều tra phải xuống thực địa nghiên cứu và trao đổi với các đơn vị có liên quan để nắm chắc tình hình nơi sẽ khám xét, vẽ sơ đồ cụ thể, xác định chỗ nào cần khám xét kỹ…
– Trên cơ sở tài liệu của vụ án và các thông tin nhận được trong quá trình điều tra, cán bộ điều tra cần nắm được đặc điểm của người bị khám xét và các thành viên trong gia đình, cách sống của mỗi người, nghề nghiệp công việc và sử dụng thời gian để loại trừ khả năng đối tượng lẩn trốn, phòng ngừa sự cất giấu hoặc phá hủy vật chứng.
c/ Vạch kế hoạch và chuẩn vị khám xét.
Khi đã có quyết định khám xét và nắm vững đối tượng khám xét cần vạch kế hoạch khám xét và chuẩn bị với nội dung sau:
– Xác định rõ mục đích, yêu cầu của cuộc khám xét nhằm phát hiện, thu giữ tài liệu, vật chứng hay khám xét truy bắt đối tượng.
Quy định thành phần và lực lượng tham gia khám xét. Nói chung phải có các thành phần sau đây : người chủ trì cuộc khám xét, cán bộ trực tiếp khám xét (có trường hợp phải người biết ngoại ngữ, thư ký lập biên bản, người chụp ảnh, quay video nếu cần), người chứng kiến (người đại diện chính quyền hoặc cơ quan nếu là nơi làm việc) và người láng giềng.
– Chuẩn bị phương tiện, giấy tờ :
Đối với bất kỳ cuộc khám xét chỗ ở, địa điểm, nơi làm việc nào cũng phải có lệnh khám xét, có đủ dấu và chữ ký của người có thẩm quyền, phải có giấy lập biên bản khám xét, giấy để làm thống kê những vật chứng cần phải thu giữ, ảnh của người truy bắt nếu có. Cần có vũ khí để bảo vệ, phương tiện để phục vụ cho việc lục soát, niêm phong, chẳng hạn : cuốc, xẻng, máy dò kim loại, máy tìm kiếm nếu có trường hợp nghi có vật bị chôn cất, xi, hồ dán, giấy mỏng để niêm phong, kính lúp, đèn pin, hóa chất…
– Dự kiến quá trình tiến hành khám xét :
+ Thời gian xuất phát của các lực lượng huy động. + Thời điểm sử dụng vị trí cảnh giới, quan sát.
+ Thời điểm cũng như cách thức tiếp cận đối tượng khám xét.
+ Những phương pháp khám xét cơ bản.
+ Trình tự khám xét, đặc biệt là trường hợp phải khám nhiều phòng khác nhau.
+ Thông tin chỉ đạo, xử lý tình huống nảy sinh.
Trong trường hợp tiến hành cùng một lúc nhiều vụ khám xét theo một kế hoạch thống nhất của vụ án, cần phải cùng một lúc bắt đầu khám xét ở tất cả các điểm để những người bị khám không thể thông tin cho nhau. Cán bộ điều tra phải chuẩn bị phương tiện và phương thức liên lạc để đảm bảo trao đổi thông tin nghiệp vụ đến tất cả các nhóm một cách nhanh nhất.
– Dự kiến các cách giải quyết những tình huống bất trắc có thể xảy ra :
Phải căn cứ vào tình hình thực tế của địa bàn, của vụ án và bản thân đối tượng để dự kiến cách giải quyết những tình huống bất trắc có thể xảy ra.
– Sau khi báo cáo lãnh đạo phê duyệt kế hoạch, thì triển khai công tác chuẩn bị đúng như kế hoạch đã vạch ra.
d/ Tiến hành khám xét:
Kiểm tra lại, xác định chính xác đối tượng cần khám xét để tránh sự nhầm lẫn, sự trùng hợp ngẫu nhiên.
– Giới thiệu thành phần khám xét : Cán bộ điều tra, đại diện chính quyền địa phương hoặc cơ quan Nhà nước, người chứng kiến….
Đọc lệnh khám xét : Khi đọc lệnh khám xét phải rõ ràng, dứt khoát, nhấn mạnh những chỗ quan trọng như người ra lệnh, đối tượng bị khám xét… đọc xong đưa cho dương sự đọc lệnh khám đó.
Giải thích cho đương sự và những người có mặt biết quyền và nghĩa vụ của họ.
Người tiến hành khám phải yêu cầu đương sự tự nguyện đưa ra những đồ vật liên quan đến vụ án. Cần cảnh giác trường hợp đối tượng giao nộp một vật nào đấy để đánh lạc hướng khám xét.
– Tiến hành lục soát (được nêu ở phần chiến thuật khám xét). Việc khám xét người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm phải tùy theo tính chất và yêu cầu khám với từng đối tượng mà xác định trọng điểm cần khám, tránh khám xét tràn lan không cần thiết.
e/ Lập biên bản khám xét:
Tiến hành lập và thông qua biên bản theo điều 193 của Bộ luật tố tụng hình sự.
Biên bản khám xét là văn bản phản ánh toàn bộ diễn biến kết quả của cuộc khám xét.
Nội dung của biên bản phải phản ánh được những vấn đề cơ bản như : Trình tự và kết quả của cuộc khám xét. Những tài liệu, vật chứng gì đã thu được, thủ đoạn cất giấu của đối tượng ra sao. Những tình huống gì đã xảy ra trong lúc khám xét, thái độ của người bị khám xét, và thân nhân của họ..
Biên bản phải lập tại nơi tiến hành khám xét. Nội dung phải đảm bảo các yêu cầu chính trị, pháp luật. Khi ghi biên bản nếu thấy có nội dung gì ghi nguyên văn không lợi phải ghi theo tinh thần chính. Không được ghi nhận xét của cá nhân vào biên bản. Không được dùng nhiều loại mục, ghi nhiều kiểu chữ vào biên bản khám xét…. Nếu có nhiều vật chứng phải thu giữ thì lập bản thống kê kèm theo. Biên bản và bản thống kê vật chứng phải có đầy đủ chữ ký xác nhận của các thành viên như luật định.
Biên bản khám xét phải làm đúng như trên thì mới có giá trị pháp lý và mới phục vụ tốt cho việc truy tố, xét xử sau này.