Yêu cầu cần đạt trong chương trình giáo dục phổ thông mới

Lộ trình chương trình giáo dục phổ thông. Yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực chung của học sinh. Yêu cầu cần đạt về phẩm chất cơ bản, chủ yếu của học sinh.

Yêu cầu cần đạt trong chương trình giáo dục phổ thông mới được quy định tại Thông tư số 32/2018/TT- BGDĐT ban hành. Học sinh trong từng cấp học cần đạt được những yêu cầu trong chương trình giáo dục phổ thông. Dưới đây là những yêu cầu cần đạt được trong chương trình giáo dục phổ thông, mời các bạn tham khảo:

Tư vấn luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại: 1900.6568

1. Lộ trình chương trình giáo dục phổ thông:

Theo Điều 2 Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT quy định chương trình giáo dục phổ thông được thực hiện theo lộ trình sau:

– Đối với lớp 1: từ năm học 2020-2021

– Đối với lớp 2 lớp 6: từ năm học 2021-2022

– Đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10: từ năm học 2022-2023

– Đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11: từ năm học 2023-2024

– Đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12: từ năm học 2024-2025

2. Yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực chung của học sinh:

Yêu cầu cần đạt là kết quả mà học sinh cần phải đạt được về năng lực cũng như phẩm chất ở mỗi cấp phổ thông, lớp học hay từng môn học và các hoạt động giáo dục ngoại khóa. Trong đó, ở mỗi cấp học, lớp học sau đều có những yêu cầu riêng cao hơn, đồng thời bao gồm những yêu cầu đối với các cấp học, lớp học trước đó

Yêu cầu cần đạt về phẩm chất năng lực bao gồm:

– Chương trình giáo dục phổ thông giúp hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất tốt đẹp như yêu nước, nhân ái, trung thực, chăm chỉ và có trách nhiệm

– Chương trình giáo dục phổ thông hình thành và phát triển cho học sinh những năng lực như sau:

+ Năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo. Đó là những năng lực chung được hình thành và phát triển thông qua các môn học và các hoạt động giáo dục

+Năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực khoa học, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mĩ, năng lực thể chất. Đây là những năng lực đặc thù của học sinh phát triển thông qua một số môn học và các hoạt động giáo dục ngoại khóa nhất định, cụ thể

3. Yêu cầu cần đạt về phẩm chất cơ bản, chủ yếu của học sinh:

Ở mỗi cấp học sẽ có những tiêu chuẩn về phẩm chất cần đạt ở mỗi học sinh sao cho phù hợp với lứa tuổi. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, phẩm chất yêu nước: 

* Đối với cấp tiểu học:

– Yêu quê hương, yêu Tổ quốc, tôn trọng các biểu tượng, biểu trưng của đất nước

– Yêu thiên nhiên và có những việc làm thiết thực bảo vệ thiên nhiên

– Kính trọng, biết ơn người lao động, người có công với quê hương, đất nước

– Tham gia các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa đối với những người có công với quê hương, đất nước

* Đối với cấp trung học cơ sở:

– Tích cực, chủ động tham gia các hoạt động bảo vệ thiên nhiên

– Tích cực học tập, rèn luyện để phát huy truyền thống của gia đình, dòng họ, quê hương

– Có ý thức tìm hiểu truyền thống của gia đình, dòng họ, quê hương

– Có ý thức bảo vệ các di sản văn hoá, tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hoá

* Đối với cấp trung học phổ thông:

– Tích cực, chủ động vận động người khác tham gia các hoạt động bảo vệ thiên nhiên

– Chủ động, tích cực tham gia và vận động người khác tham gia các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị các di sản văn hóa

– Sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc

– Tự giác thực hiện và vận động người khác thực hiện các quy định của pháp luật, góp phần bảo vệ và xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam

– Có ý thức đấu tranh với các âm mưu, hành động xâm phạm lãnh thổ, biên giới chủ quyền quốc gia cũng như biển đảo bằng những hành động, việc làm phù hợp với lứa tuổi, với quy định của pháp luật

– Tích cực, chủ động vận động người khác tham gia các hoạt động bảo vệ thiên nhiên

Thứ hai, phẩm chất nhân ái: 

* Đối với cấp tiểu học:

– Biết yêu thương, quan tâm, chăm sóc người thân trong gia đình mình

– Yêu quý bạn bè, thầy cô giáo

– Quan tâm, động viên, khích lệ bạn bè

– Biết kính trên nhường dưới; tôn trọng người lớn tuổi; giúp đỡ những người ốm yếu, người khuyết tật

– Có tấm lòng yêu thương, biết chia sẻ với những bạn có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu vùng xa

– Biết tôn trọng những điểm khác biệt của bạn bè, mọi người xung quanh; không có sự phân biệt đối xử, chia rẽ

* Đối với cấp trung học cơ sở:

– Có sự hòa đồng, tích cực, chủ động tham gia các hoạt động từ thiện và hoạt động phục vụ cộng đồng

– Không được đồng tình với cái ác, cái xấu; không bao dung và cổ xúy các hành vi bạo lực học đường, bạo lực gia đình

– Tôn trọng danh dự, cuộc sống riêng tư của người khác

– Tôn trọng sự khác biệt của người khác, không phân biệt, kì thị giới tính cũng như ngoại hình của người khác

– Luôn cảm thông và có lòng trắc ẩn, chia sẻ với mọi người

* Đối với cấp trung học phổ thông:

– Luôn tích cực, chủ động vận động mọi người tham gia các hoạt động từ thiện và hoạt động phục vụ cộng đồng

– Quan tâm đến các mối quan hệ bè bạn, gia đình xung quanh

– Tôn trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người xung quanh; biết đấu tranh với những hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích của các tổ chức, cá nhân khác

– Có ý thức học hỏi các nền văn hóa trên thế giới

– Tôn trọng đến sự khác biệt về lựa chọn nghề nghiệp, hoàn cảnh sống của các cá nhân khác

– Biết bao dung, độ lượng đến những hành vi, thái độ có lỗi của người khác

Thứ ba, có trách nhiệm: 

* Đối với cấp tiểu học:

– Có trách nhiệm với chính bản thân mình trong việc giữ gìn vệ sinh, rèn luyện sức khỏe; có ý thức sinh hoạt nề nếp

– Có trách nhiệm với gia đình biểu hiện ở việc có ý thức giữ gìn vệ sinh chung cũng như giữ gìn đồ dùng cá nhân;…

– Có trách nhiệm với nhà trường xã hội: chấp hành đúng nội quy, quy định của nhà trường; bảo vệ, giữ gìn của công;…

* Đối với cấp trung học cơ sở:

– Có trách nhiệm với chính mình thể hiện ở việc tự ý thức và chăm lo sức khỏe bản thân; có ý thức tiết kiệm thời gian, xây dựng kế hoạch học tập hợp lý

– Có trách nhiệm với gia đình: thể hiện ở việc quan tâm đến mọi công việc sinh hoạt của gia đình; biết tiết kiệm chi tiêu cho bố mẹ, gia đình

– Có trách nhiệm với nhà trường xã hội: quan tâm đến công việc của cộng đồng; tôn trọng và thực hiện các nội quy nơi công động;…

* Đối với cấp trung học phổ thông: 

– Có trách nhiệm với bản thân: tích cực, tự giác tu dưỡng đạo đức của bản thân

– Có trách nhiệm với gia đình: làm tròn bổn phận với người thân và gia đình

– Có trách nhiệm với nhà trường và xã hội: tuyên truyền; vận động người khác tham gia hoạt động công ích,…

Thứ tư, phẩm chất chăm chỉ: 

* Đối với cấp tiểu học:

– Có ý thức đi học đầy đủ, đúng giờ

– Ham học hỏi, thích đọc sách để mở rộng hiểu biết

– Thường xuyên hoàn thành nhiệm vụ học tập

– Có ý thức vận dụng kiến thức, kĩ năng học được ở nhà trường vào đời sống hằng ngày

– Tham gia các công việc của trường lớp, cộng đồng vừa sức với bản thân

* Đối với cấp trung học cơ sở:

– Ham học thể hiện ở biểu hiện thích đọc sách, báo, tìm tư liệu trên mạng Internet để mở rộng hiểu biết của cá nhân

– Có ý thức cố gắng vươn lên đạt kết quả tốt trong học tập

– Có ý thức để vận dụng kiến thức, kĩ năng học được ở trường vào thực tế của cuộc sống

– Có ý thức cố gắng đạt kết quả tốt trong lao động ở trường lớp, cộng đồng

– Ngoài việc học, còn có ý thức tham gia vào các hoạt động lao động sản xuất trong gia đình phù hợp với khả năng của bản thân

* Đối với cấp trung học phổ thông:

– Tích cực trong việc tìm tòi, sáng tạo học tập; có ý chí vươn lên trong học tập

– Biết tự nhìn nhận lại bản thân, nắm được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để từ đó có ý thức xây dựng được kế hoạch học tập khoa học, tốt nhất

– Tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng và có ý thức rèn luyện, vượt qua hoàn cảnh khó khăn để đạt được kết quả tốt nhất

Thứ năm, phẩm chất trung thực:

* Đối với cấp tiểu học:

– Luôn ngay thẳng, thật thà trong học tập cũng như hoạt động sinh hoạt hàng ngày

– Biết giữ đúng lời hứa; biết nhận lỗi nếu bản thân có lỗi sai

– Không tự ý mượn đồ hay lấy đồ của người khác khi chưa hỏi và được người đó đồng ý, cho phép

* Đối với cấp trung học cơ sở:

– Có sự thống nhất giữa lời nói và việc làm, nói được làm được

– Biết và nghiêm túc nhìn nhận lại khuyết điểm, lỗi lầm của bản thân và phải chịu trách nhiệm về những việc đó

– Biết tôn trọng lẽ phải; khách quan và công bằng

– Không xâm phạm đến của công

* Đối với cấp trung học phổ thông:

– Có nhận thức và hành động theo lẽ phải và sẵn sàng đấu tranh cho cái đúng để loại bỏ cái sai

– Tuyên truyền, vận động mọi người tham gia đấu tranh với các hành vi thiếu trung thực trong học tập như: dùng tài liệu, dùng điện thoại khi đi thi,…

    5 / 5 ( 1 bình chọn )