Đại lễ Đức Mẹ thăm viếng bà Êlisabet này nhắc nhở chúng ta sống bác ái với tha nhân. Dưới đây là bài viết về Ý nghĩa và lịch sử đại lễ Đức Mẹ thăm viếng bà Êlisabet 31/5.
Mục lục bài viết
- 1 1. Lịch sử đại lễ Đức Mẹ thăm viếng bà Êlisabet 31/5:
- 2 2. Thánh Elizabeth là ai?
- 3 3. Ý nghĩa của đại lễ Đức Mẹ thăm viếng bà Êlisabet 31/5:
- 4 4. Lời cầu nguyện trong đại lễ Đức Mẹ thăm viếng bà Êlisabet 31/5 của con chiên:
- 5 5. Lời cầu nguyện trong đại lễ Đức Mẹ thăm viếng bà Êlisabet 31/5 tại nhà thờ:
1. Lịch sử đại lễ Đức Mẹ thăm viếng bà Êlisabet 31/5:
Vào ngày lễ Đức Mẹ Thăm Viếng (Visitatio Mariae trong tiếng La-tinh), sự kiện này được cả Giáo hội Công giáo Rô-ma, Giáo hội Chính Thống, Giáo hội Anh giáo và một phần Giáo hội Tin lành tưởng nhớ. Đây là một sự kiện được ghi lại trong Tin Mừng theo Thánh Lu-ca, chương I, từ câu 39 đến câu 56. Theo trình thuật này, Đức Maria vừa mang thai đã lên đường đến thăm người chị họ là Elisabeth để chia sẻ niềm vui. Vì thế, lễ kỷ niệm sự kiện này được gọi là Lễ Đức Mẹ Thăm Viếng.
Khi Đức Maria đến nhà bà Elisabeth, người đang mang thai Gioan Tẩy Giả được sáu tháng, bà đã chào Đức Maria bằng lời: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. 43 Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (Lc 1,42-43). Đức Maria đáp lại lời chào này bằng một bài ca rất nổi tiếng, được gọi là “Magnificat,” có nghĩa là “Ngợi Khen” trong tiếng La-tinh (Lc 1,46-55).
Trước đây, Lễ Đức Mẹ Thăm Viếng được cử hành trên toàn Giáo hội Công giáo vào ngày 2 tháng 7. Lễ này được Thánh Bonaventura thiết lập khi ông giữ vai trò Bề Trên Tổng Quyền của Dòng Thánh Phanxicô, và lần đầu tiên được cử hành trong Dòng này vào năm 1263. Nhờ sự phát triển nhanh chóng của Dòng Phanxicô, lễ này cũng lan rộng nhanh chóng trên khắp Giáo hội Tây phương. Dưới thời Đức Piô V, lễ này đã được ghi vào ngày 2 tháng 7 trong Lịch Phụng vụ chung của toàn Giáo hội Rô-ma.
Tuy nhiên, do ngày 2 tháng 7 nằm sau Lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả (ngày 24 tháng 6) đúng một tuần, cuộc cải tổ Phụng vụ sau Công đồng Vatican II vào thập niên 1960 đã chuyển lễ này lên ngày 31 tháng 5, kết thúc tháng Hoa kính Đức Mẹ theo truyền thống (trước đây ngày 31 tháng 5 là ngày kính Đức Maria Trinh Nữ Vương). Tuy vậy, các quốc gia thuộc khối tiếng Đức vẫn tiếp tục cử hành lễ này vào ngày 2 tháng 7.
Giáo hội Công giáo Đông phương và một số nhóm thuộc Giáo hội Tin Lành cũng vẫn duy trì truyền thống cử hành lễ này vào ngày 2 tháng 7.
2. Thánh Elizabeth là ai?
Thánh Elisabeth còn được biết đến với tên gọi Elisabeth Lusitania, là một công chúa Tây Ban Nha, sinh năm 1271. Ngài được đặt theo tên của người cô, Thánh Elisabeth Hungary, vị thánh có ngày lễ kính vào 17 tháng 11. Elisabeth nổi tiếng với đức hạnh, trở thành một biểu tượng của lòng nhân ái và sự thánh thiện.
Từ khi mới lên 8 tuổi, Elisabeth đã tỏ ra trưởng thành hơn so với lứa tuổi, bắt đầu đọc kinh nhật tụng và duy trì thói quen này cho đến cuối đời. Dù sức khỏe yếu, ngài vẫn sống một cuộc đời khổ hạnh. Đặc biệt, vào những ngày trước lễ Đức Mẹ, Elisabeth thường giữ chay nghiêm ngặt để chuẩn bị tâm hồn. Năm 12 tuổi, Elisabeth được nhiều hoàng tử để ý. Sau khi từ chối hai lời cầu hôn từ các hoàng tử nước Anh và Ý, ngài chấp nhận kết hôn với hoàng tử Denis của Bồ Đào Nha. Trở thành hoàng hậu, Elisabeth tiếp tục duy trì đời sống đạo đức, thực hiện vai trò của một người vợ, người mẹ và một người phụ nữ gương mẫu. Ngài luôn tỏ ra yêu thương, quan tâm đặc biệt đến những người nghèo khó.
Với dân chúng Bồ Đào Nha, Elisabeth không chỉ là một hoàng hậu dễ mến mà còn là một người rất quảng đại. Ngài đã nuôi dạy hai con của mình, Alphonse và Constance bằng cả tình yêu thương. Đối với những cô gái nghèo chuẩn bị kết hôn, Elisabeth thường hỗ trợ của hồi môn cho họ. Ngài cũng thành lập nhiều tổ chức từ thiện, bao gồm bệnh viện ở Coimbra, nhà lưu trú cho khách lữ hành, trung tâm hoàn lương ở Torres Novas cho người lầm lỡ, và cô nhi viện cho trẻ mồ côi.
Mặc dù mang lại hạnh phúc cho nhiều người, Elisabeth lại phải chịu đựng nhiều đau khổ từ chồng mình, vua Denis. Vua không chỉ bội tín trong hôn nhân mà còn nghi ngờ lòng tiết hạnh của Elisabeth. Tuy nhiên với sự kiên nhẫn và lòng yêu thương, đặc biệt là sự quan tâm đến các con ngoại hôn của chồng, Elisabeth đã cảm hóa được vua Denis.
Trong những ngày cuối đời của vua Denis, hoàng hậu Elisabeth luôn ở bên cạnh ông, trừ khi tham dự thánh lễ. Sự tận tâm của ngài đã khiến vua suy nghĩ lại, và ông hối hận vì những lỗi lầm của mình, sống những ngày cuối đời trong bình an và qua đời vào ngày 6 tháng 1 năm 1325.
Sau khi vua qua đời, Elisabeth gia nhập dòng ba Phanxicô và sống trong một ngôi nhà gần dòng Thánh Clara mà ngài đã sáng lập ở Coimbra. Thánh Elisabeth Bồ Đào Nha qua đời vào ngày 4 tháng 7 năm 1336 và được Đức Thánh Cha Urbanô VIII phong hiển thánh vào năm 1626.
3. Ý nghĩa của đại lễ Đức Mẹ thăm viếng bà Êlisabet 31/5:
– Biểu hiện của tình yêu và sự phục vụ: Việc Đức Maria lên đường đến thăm bà Elisabeth, dù đang mang thai,- là một hành động của tình yêu thương và sự phục vụ. Điều này nhấn mạnh tinh thần khiêm nhường và sẵn lòng giúp đỡ người khác, dù bản thân đang trải qua những thay đổi quan trọng.
– Lời chúc phúc của bà Elisabeth: Khi gặp Đức Maria, bà Elisabeth đã thốt lên: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.” (Lc 1,42). Lời chúc này khẳng định vai trò quan trọng của Đức Maria trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, và sự hiện diện của Chúa Giêsu trong lòng mẹ.
– Bài ca Magnificat: Trong cuộc gặp gỡ này, Đức Maria đã dâng lên Thiên Chúa bài ca Magnificat, ca ngợi sự cao cả và lòng thương xót của Ngài. Bài ca này trở thành một lời cầu nguyện nổi tiếng, thể hiện lòng tin tưởng và biết ơn của Đức Maria đối với Thiên Chúa.
– Sự hiệp nhất giữa Mẹ Maria và các Kitô hữu: Đại lễ nhắc nhở các tín hữu về mối quan hệ đặc biệt giữa Đức Maria và những người theo Chúa Kitô. Đức Mẹ không chỉ là mẹ của Chúa Giêsu mà còn là mẫu gương và người mẹ thiêng liêng của toàn thể Hội Thánh.
4. Lời cầu nguyện trong đại lễ Đức Mẹ thăm viếng bà Êlisabet 31/5 của con chiên:
Lạy Chúa Giêsu, Mẹ Maria đã đem Chúa đến gia đình ông Gia-ca-ri-a. Cuộc thăm viếng này không những đem lại niềm vui, mà còn đem ân sủng của Chúa xuống trên gia đình người chị họ neo đơn, nhờ đó mà Thánh Gioan Tiền Hô được tẩy sạch tội lỗi, nhảy mừng trong lòng bà Ê-li-sa-bét.
5. Lời cầu nguyện trong đại lễ Đức Mẹ thăm viếng bà Êlisabet 31/5 tại nhà thờ:
- Ca nhập lễ
Tất cả những ai tôn sợ Chúa, hãy nghe tôi kể lại; Chúa đã làm cho linh hồn tôi những điều trọng đại.
- Lời nguyện nhập lễ
Lạy Cha là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, ngay khi còn cưu mang Thánh Tử Giê-su, Thánh Mẫu Ma-ri-a đã được Cha soi sáng và người đã đi thăm bà Ê-li-sa-bét. Xin cho chúng con hằng mau mắn nghe theo Chúa Thánh Thần hướng dẫn, để được cùng Ðức Ma-ri-a ngợi khen Cha muôn đời. Chúng con cầu xin nhờ Ðức Giê-su Ki-tô Con Cha là Thiên Chúa và là Chúa chúng con Người hằng sống và hiển trị cùng Cha hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.
- Bài Ðọc I: Xp 3, 14-18a
“Vua Ít-ra-en là Chúa ở giữa ngươi”.
Trích sách Tiên tri Xô-phô-ni-a.
Hỡi thiếu nữ Si-on, hãy cất tiếng ca! Hỡi Ít-ra-en, hãy hoan hỉ! Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy hân hoan và hãy nhảy mừng hết tâm hồn! Chúa đã rút lại lời kết án ngươi, và đã đẩy lui quân thù của ngươi. Vua Ít-ra-en là Chúa ở giữa ngươi, ngươi không còn sợ khổ cực nữa.
Trong ngày đó, ở Giê-ru-sa-lem thiên hạ sẽ nói rằng: “Hỡi Si-on, đừng sợ! Tay đừng bủn rủn! Chúa là Thiên Chúa ngươi, là Ðấng mạnh mẽ ở giữa ngươi, chính Người cứu thoát ngươi. Người hân hoan vui mừng vì ngươi. Với ngươi, Người làm mới lại tình yêu của Người. Vì ngươi, Người nhảy mừng trong tiếng reo vui, như thuở tao phùng”.
Ðó là lời Chúa.
Hoặc đọc: Rm 12, 9-16
“Hãy giúp đỡ các thánh khi họ thiếu thốn, và ân cần tiếp khách đỗ nhà”.
Trích thư của Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.
Anh em thân mến, đức ái không được giả hình: Hãy chê ghét điều ác và trìu mến điều lành. Hãy thương yêu nhau trong tình bác ái huynh đệ. Hãy nhân nhượng tôn kính nhau. Hãy siêng năng, chớ biếng nhác: Hãy sốt mến trong tâm hồn và phụng sự Chúa. Hãy hân hoan trong niềm cậy trông, nhẫn nại trong gian truân và kiên tâm cầu nguyện. Hãy giúp đỡ các thánh khi họ thiếu thốn, và ân cần tiếp khách đỗ nhà.
Hãy chúc phúc cho những kẻ bắt bớ anh em: Hãy chúc phúc, chứ đừng chúc dữ. Hãy vui mừng với kẻ vui mừng, và khóc lóc với kẻ khóc lóc. Hãy đồng tâm hiệp ý với nhau: đừng tự cao tự đại, một hãy ưa thích những sự hèn kém. Ðừng tự đắc cho mình là khôn.
Ðó là lời Chúa.
- Ðáp Ca: Is 12, 2-3. 4bcd. 5-6
Ðáp: Ðấng Thánh cao cả của Ít-ra-en ở giữa ngươi
Xướng: Này là Thiên Chúa, Ðấng cứu độ tôi, tôi sẽ tin tưởng hành động và không sợ hãi: vì Chúa là sức mạnh và là sự ngợi khen của tôi, và Người đã đem lại cho tôi ơn cứu độ. – Ðáp.
Xướng: Hãy tuyên xưng Chúa và kêu cầu thánh danh Người; hãy làm cho các dân tộc biết việc Chúa sáng tạo; hãy nhớ rằng danh Người thật cao sang. – Ðáp.
Xướng: Hãy ca mừng Chúa, vì người đã làm những việc trọng đại; hãy công bố việc đó trong khắp hoàn cầu. Hỡi dân thành Sion, hãy nhảy mừng và ca ngợi, vì Ðấng Thánh cao cả của Israel ở giữa ngươi. – Ðáp.
- Alleluia: Lc 1, 45
Alleluia, alleluia! – Hỡi Trinh Nữ Ma-ri-a, phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện. – Alleluia.
- Phúc Âm: Lc 1, 39-56
“Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi?”
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca.
Trong những ngày ấy, Ma-ri-a chỗi dậy, vội vã ra đi lên miền núi, đến một thành xứ Giu-đê-a. Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào bà Ê-li-sa-bét. Và khi bà Ê-li-sa-bét nghe lời chào của Ma-ri-a, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Ê-li-sa-bét được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng:
“Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và con lòng Bà được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa tôi đến viếng thăm? Vì này tai tôi vừa nghe lời Bà chào, thì hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện”.
Và Ma-ri-a nói: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ tôi, vì Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn tớ nữ của Chúa. Này từ nay muôn thế hệ sẽ khen rằng tôi có phước, vì Ðấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại và Danh Ngài là thánh. Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia dành cho những người kính sợ Chúa.
“Chúa đã vung cánh tay ra oai thần lực, dẹp tan những ai thần trí kiêu căng. Chúa lật đổ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng và nâng cao những người phận nhỏ. Chúa đã cho người đói khát no đầy ơn phước, và để người giàu có trở về tay không. Chúa đã săn sóc Ít-ra-en tôi tớ Chúa, bởi nhớ lại lòng thương xót của Ngài. Như Chúa đã phán cùng các tổ phụ chúng tôi, cho Áp-ra-ham và dòng dõi người đến muôn đời”.
Maria ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, đoạn Người trở về nhà mình.
Ðó là lời Chúa.
- Lời nguyện tiến lễ
Lạy Thiên Chúa uy linh cao cả, xưa Chúa đã vui lòng chấp nhận cử chỉ bác ái của Thánh Mẫu Ma-ri-a, khi Người mau mắn đi thăm bà Ê-li-sa-bét. Nay xin Chúa cũng thương chấp nhận của lễ chúng con dâng và cho chúng con được hưởng nhờ ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…
- Ca hiệp lễ
Thiên hạ muôn đời sẽ khen rằng tôi phúc đức, bởi Đấng đã làm cho tôi những điều trọng đại, Người quyền năng và danh Người là thánh.
- Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, xin cho Giáo Hội biết ca tụng Chúa vì bao công trình kỳ diệu Chúa làm nên. Và như xưa thánh Gio-an Tẩy Giả đã nhảy mừng vì nhận biết Ðức Ki-tô còn trong lòng mẹ, nay xin cho Giáo Hội, qua bí tích Thánh Thể này, cũng hân hoan đón rước Ðức Ki-tô hằng sống, Ðấng hiển trị muôn đời.