Xác định sự thật của vụ án chính là việc cơ quan tiến hành tố tụng phải làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội. Vậy sự thật khách quan của vụ án là gì? Ý nghĩa của xác định sự thật vụ án như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Sự thật khách quan của vụ án là gì?
Xác định sự thật của vụ án chính là việc cơ quan tiến hành tố tụng phải làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ. Do vậy để đảm bảo việc xử lý vụ án được công minh, không để lọt tội phạm, trừng phạt thích đáng những người có hành vi phạm tội đồng thời không làm oan người vô tội việc xác định sự thật của vụ án là một trong những điều kiện tiên quyết để thực hiện được điều này.
2. Ý nghĩa của nguyên tắc xác định sự thật vụ án:
Nếu không có nguyên tắc này thì việc xác định có tội hay không có tội trở nên rất khó kiểm soát. Nếu như pháp luật không quy định chủ thể, biện pháp dùng để xác định sự thật cũng như nội dung xác định sự thật của vụ án thì việc thực hiện mục đích trên là không thể. Và như vậy, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân rất có thể bị xâm phạm. Cụ thể, ý nghĩa của nguyên tắc này được xem xét dưới những góc độ sau:
Ý nghĩa chính trị – xã hội: Xác định sự thật của vụ án là một trong những yếu tố để thực hiện công bằng xã hội, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mọi công dân đều sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, pháp luật sẽ được chấp hành nghiêm chỉnh. Các quyền cơ bản của những con người trong xã hội cũng sẽ được bảo đảm khi việc xác định có tội, xác định vô tội, làm rõ tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo được thực hiện một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ.
Nhiệm vụ của hoạt động tố tụng trong giải quyết vụ án cụ thể là phát hiện nhanh chóng, xử lý chính xác, công minh tội phạm và người phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Việc xác định sự thật của vụ án là nhằm sáng tỏ các tình tiết khác nhau của vụ án phục vụ cho việc định tội, quyết định trách nhiệm hình sự và hình phạt cũng như giải quyết các vấn đề khác liên quan của vụ án.
Ngoài ra, cũng theo Điều 10 nguyên tắc xác định sự thật của vụ án thì: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.” Bị can, bị cáo là những người có thể chịu hậu quả bất lợi từ kết quả xác định sự thật của cơ quan tiến hành tố tụng vì vậy họ có quyền đưa ra chứng cứ chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của minh. Quy định này của pháp luật nhằm đảm bảo nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ các quyền tự do dân chủ của công dân trong tố tụng hình sự nước ta. Đồng thời nó có vai trò phản biện quan trọng trong quá trình xác định sự thật của vụ án.
Như vậy, việc thực hiện đúng nguyên tắc này là một trong những yếu tố đảm bảo cho sự ổn định xã hội. Hiện nay, người dân đang ngày càng ý thực được các quyền cơ bản của mình, đồng thời với đó là nhận thức về pháp luật cũng được nâng cao thì việc áp dụng đúng nguyên tắc xác định sự thật của vụ án thực sự trở nên chú trọng hơn bao giờ hết. Đã có rất nhiều trường hợp vì những sai sót không đáng có của người tiến hành tố tụng mà có nhiều người phải chịu án oan sai. Khi những vụ việc này được đưa ra ánh sáng thì đã gây ra rất nhiều bức xúc cho người dân và mất bình ổn xã hội.
Ý nghĩa pháp lý: Góp phần cụ thể hóa nguyên tắc hiến định và là cơ sở để tiến hành các giai đoạn tố tụng.
Quá trình xác định sự thật là một quá trình vô cùng phức tạp, khi giữa các giai đoạn đều có sự liên quan mật thiết với nhau. Khi có đủ căn cứ khẳng định có dấu hiệu của tội phạm thì mới có thể khởi tố vụ án, và đó chính là căn cứ để tiến hành các hoạt động điều tra. Kết quả điều tra chính là cơ sở để Viện kiểm sát quyết định truy tố bị can hoặc đình chỉ vụ án, đồng thời nó cũng là cơ sở để Tòa án xét xử đúng người đúng tội…Nếu như việc xác định sự thật tại một trong các giai đoạn đó không được đảm bảo thì tất yếu nguyên tắc này sẽ không được thực hiện.
Nguyên tắc này là cơ sở pháp lý để cơ quan có thẩm quyền do Bộ luật TTHS quy định bao gồm cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có quyền áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ nhằm làm rõ những chứng cứ xác định có tội, xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo. Ngoài ra nguyên tắc này cũng đặt ra nghĩa vụ đối với các cơ quan này không được thiên vị, cảm tình cá nhân, mà phải thu thập và đánh giá chứng cứ của vụ án trên tất cả các phương diện, cân nhắc kỹ mọi tình tiết có thể làm ảnh hưởng đến việc giải quyết đúng đắn vụ án. Từ đó, mọi tình tiết thu được trong quá trình điều tra, xét xử đều được đánh giá trên cơ sở pháp lý để rút ra kết luận về vụ án.
3. Thực tiễn về việc xác định sự thật vụ án:
Về phương diện này, ta xem xét một số việc sau:
Ông Nguyễn Bá Nhàn (sinh năm 1962, ngụ Bình Phước) bị bắt giữ dựa trên kết luận của tổ chức giám định kỹ thuật hình sự Công an TPHCM “dấu vân tay phát hiện bên trong hộc tủ bằng gỗ ở trong phòng ngủ nạn nhân tại hiện trường với dấu tay ngón “nhẫn phải” trên chỗ bản mẫu so sánh mang tên Trương Bá Nhàn là do ngón tay của cùng một người in ra”. Đồng thời tại nơi ở của ông Nhàn, CQĐT thu giữ 62 triệu đồng và 5 lượng vàng.
Tuy nhiên, trong vụ án này, ngoài chứng cứ buộc tội là dấu vân tay để lại hiện trường, CQĐT không thu thập được một chứng cứ nào khác. Số tiền thu giữ ở nhà ông Nhàn sau khi điều tra, CQĐT đã trả lại cho mẹ vợ ông vì đó là tiền bà bán đất, gửi con gái giữ giùm. Ông Nhàn bị tạm giam 3 năm 8 tháng 1 tuần, với 3 lần nhận giấy triệu tập của tòa nhưng cả 3 lần đều không thể đưa ra xét xử.
Ngày 8/6/2006, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông vì đã hết thời hạn điều tra mà chưa đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội. Ông được trả tự do. Nhưng nỗi thống khổ của ông chưa kết thúc ở đó khi hạnh phúc gia đình trở nên chênh vênh.
Qua sự việc trên có thể thấy, chính vì cơ quan tiến hành tố tụng đã không thực hiện đúng nguyên tắc xác định sự thật mà quyền và lợi ích hợp pháp của ông Nhàn đã bị xâm phạm một cách nghiêm trọng. Không chỉ vậy, cuộc sống của ông cũng đã bị ảnh hưởng rất lớn. Chính vì vậy, việc quy định xác định sự thật một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ để làm rõ các các điều kiện trách nhiệm xác định sự thật thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng là hoàn toàn cần thiết.
Xuất phát từ những ý nghĩa này, nguyên tắc xác định sự thật của vụ án, bên cạnh việc được luật hóa trong Bộ luật TTHS tại Điều 10, thì khi áp dụng trên thực tế lại càng cần phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tôn trọng và tuân thủ một cách triệt để.