Nguyên tắc thực hiện chế độ xét xử có Hội thẩm nhân dân tham gia là một trong những nguyên tắc cơ bản của Bộ luật tố tụng dân sự 2004.
Nguyên tắc thực hiện chế độ xét xử có Hội thẩm nhân dân tham gia là một trong những nguyên tắc cơ bản của Bộ luật tố tụng dân sự 2004, được hiểu là khi xét xử sơ thẩm các vụ án dân sự, thành phần Hội đồng xét xử có sự tham gia của Hội thẩm nhân dân và Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán.
Là một trong các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật tố tụng dân sự 2004, nguyên tắc thực hiện chế độ xét xử Hội thẩm nhân dân tham gia mang những ý nghĩa chung của các nguyên tắc cơ bản, thể hiện ở:
“- Nguyên tắc góp phần vào việc bảo đảm cho quá trình tiến hành tố tụng được thực hiện một cách thống nhất.
– Nguyên tắc là cơ sở quan trọng cho việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân khi tham gia tố tụng dân sự.
– Nguyên tắc có ý nghĩa trong việc định hướng xây dựng pháp luật tố tụng dân sự”.
Bên cạnh đó, nguyên tắc thực hiện chế độ xét xử có Hội thẩm nhân dân tham gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hoạt động xét xử của
* Ý nghĩa chính trị – xã hội:
– Nhìn ở góc độ bản chất Nhà nước, hoạt động xét xử không phải là hoạt động của một cá nhân mà là hoạt động của tập thể, không chỉ là hoạt động của quan tòa mà còn có sự tham gia giám sát, tham gia xét xử của nhân dân thông qua những người đại diện cho họ, đó là Hội thẩm nhân dân. Nguyên tắc thực hiện chế độ xét xử có Hội thẩm nhân dân tham gia đã gián tiếp thể hiện bản chất Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Trong đó, nhân dân làm chủ Nhà nước, nắm quyền lực Nhà nước, nhân dân được tham gia vào các hoạt động của Nhà nước, trong đó có hoạt động xét xử.
– Ở khía cạnh nhân quyền và dân chủ, có thể thấy, nguyên tắc này là một đảm bảo để các quyền cơ bản của công dân được tôn trọng. Bởi các quyền cơ bản của mỗi con người trong xã hội chỉ được bảo đảm khi họ (đại diện của họ) được tham gia vào các hoạt động của Nhà nước, trong đó có hoạt động xét xử của Tòa án.
– Về mặt xã hội, nguyên tắc có ý nghĩa lớn trọng việc giữ gìn “tình làng nghĩa xóm”, ổn định xã hội. Thực tế cho thấy, những người được bầu làm Hội thẩm là những người trực tiếp tham gia lao động trong mọi ngành nghề, có đời sống gần gũi với người dân, có uy tín trong xã hội, được quần chúng tín nhiệm. Bản chất các vụ án dân sự thường xuất phát từ các tranh chấp trong đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất thường nhật của người dân. Vì thế, bằng vai trò cá nhân, Hội thẩm nhân dân khi tham gia xét xử các vụ án dân sự sẽ có đóng góp nhất định trong việc giữ gìn “tình làng nghĩa xóm”, ổn định an ninh trật tự xã hội.
>>> Luật sư
* Ý nghĩa pháp lý:
– Nguyên tắc là cơ sở pháp lý quan trọng để Hội thẩm nhân dân được tham gia xét xử và tiến hành hoạt động xét xử độc lập, khách quan, đúng pháp luật. Hiến pháp 2013 và Bộ luật tố tụng dân sự 2004 cùng ghi nhận nguyên tắc này vừa là động thái hợp pháp hóa lại vừa thể hiện sự ràng buộc quyền và nghĩa vụ của Hội thẩm nhân dân khi tham gia hoạt động xét xử. Theo đó, khi xét xử, Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán.
– Nguyên tắc là cơ sở đảm bảo sự thực thi Hiến pháp và pháp luật trong cuộc sống. Nói cách khác, pháp luật chỉ có ý nghĩa và có tác dụng điều chỉnh các quan hệ xã hội khi nguyên tắc thực hiện chế độ xét xử có Hội thẩm nhân dân tham gia được tuân thủ một cách triệt để.
– Đây là nguyên tắc xuyên suốt, là tiền đề quan trọng để xây dựng các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động của Hội thẩm nhân dân nói riêng và hoạt động xét xử của Tòa án nói chung. Hơn nữa còn là cơ sở pháp lý để mọi tổ chức, cá nhân có thể kiểm tra, giám sát hoạt động xét xử của Tòa án. Vì thế, có thể nói, nguyên tắc này đã góp phần lành mạnh hóa môi trường pháp lý, củng cố ý thức chấp hành pháp luật của người dân và có ý nghĩa không nhỏ trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án.
– Đối với việc giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật của người dân: Bằng hoạt động xét xử các vụ án dân sự, Tòa án giáo dục công dân tôn trọng pháp luật, tôn trọng các chuẩn mực ứng xử trong xã hội. Hội thẩm nhân dân là những người trực tiếp tham gia lao động trong mọi ngành nghề, gần gũi nhân dân, được nhân dân tín nhiệm nên việc phổ biến pháp luật vào trong quần chúng sẽ dễ dàng hơn. Bằng sự tham gia của mình vào Hội đồng xét xử, Hội thẩm vừa thay mặt nhân dân thực hiện quyền làm chủ lại vừa định hướng cho người dân những cách xử sự đúng đắn, vì thế, góp phần không nhỏ trong việc tăng cường ý thức pháp luật của mỗi người dân trong xã hội.
* Ý nghĩa đối với hoạt động xét xử:
Nguyên tắc này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong xét xử, bởi việc tham gia của Hội thẩm giúp cho Tòa án xét xử không chỉ đúng pháp luật mà còn phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Hội thẩm có đời sống chung trong cộng đồng, trong tập thể lao động, nên Hội thẩm hiểu sâu hơn tâm tư, nguyện vọng của quần chúng, nắm bắt được dư luận quần chúng. Với vốn hiểu biết thực tế, kinh nghiệm trong cuộc sống, với sự am hiểu về phong tục tập quán ở địa phương, Hội thẩm sẽ bổ sung cho Thẩm phán những kiến thức xã hội cần thiết trong quá trình xét xử để có được một phán quyết đúng pháp luật, được xã hội đồng tình ủng hộ.