Hóa đơn được xem là loại chứng từ để xác nhận quan hệ mua bán và trao đổi hàng hóa dịch vụ, xác định chi phí hợp lý khi tính thuế nộp vào ngân sách nhà nước. Vì thế, xuất hóa đơn sai thời điểm sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn ngân sách nhà nước. Vậy xuất hóa đơn sai thời điểm sẽ bị phạt bao nhiêu tiền?
Mục lục bài viết
1. Xuất hóa đơn sai thời điểm bị xử phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ theo quy định tại Điều 24 của Nghị định số 125/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn (sau được sửa đổi tại Nghị định số 102/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn; hải quan; kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số; quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước; kế toán, kiểm toán độc lập), có quy định cụ thể về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về lập hóa đơn trong quá trình bán hàng hóa dịch vụ. Theo đó thì hành vi xuất hóa đơn sai thời điểm sẽ bị xử phạt với mức như sau:
Thứ nhất, phạt cảnh cáo đối với các chủ thể thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật như sau:
– Lập hóa đơn không đúng thời điểm, tuy nhiên không dẫn đến hoạt động chậm thực hiện nghĩa vụ đóng thuế với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và có các tình tiết giảm nhẹ theo quy định của pháp luật;
– Lập hóa đơn liên tục từ số nhỏ cho đến số lớn nhưng khác quyền với nhau, các tổ chức và cá nhân sau khi thực hiện đã tiến hành hoạt động vì các quyển hóa đơn có số thứ tự nhỏ hơn trái quy định của pháp luật;
– Có hành vi lập sai loại hóa đơn theo quy định của pháp luật và đã giao cho người mua hoặc đã tiến hành hoạt động kê khai thuế với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bên bán và bên mua phát hiện ra việc lập sai hóa đơn đó và lập lại hóa đơn khác theo đúng quy định của pháp luật trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định công bố thanh tra kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế và không không gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc xác định nghĩa vụ thuế.
Thứ hai, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với những chủ thể thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật như sau:
– Không lập hóa đơn tổng hợp theo quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ;
– Không lập hóa đơn đối với các loại hàng hóa và dịch vụ dùng trong quá trình quảng cáo, khuyến mại và hàng mẫu, các loại hàng hóa và dịch vụ dùng để tặng cho hoặc trao đổi hoặc trả thay lương cho người lao động theo quy định của pháp luật, ngoại trừ các loại hàng hóa luân chuyển nội bộ và tiêu dùng nội bộ để phục vụ tiếp tục cho quá trình sản xuất.
Thứ ba, phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với các chủ thể có hành vi lập hóa đơn không đúng thời điểm, tuy nhiên không dẫn đến hiện tượng chậm thực hiện nghĩa vụ thuế với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thứ tư, phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với các chủ thể thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật như sau:
– Lập hóa đơn không đúng thời điểm theo quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ, ngoại trừ những trường hợp nêu trên;
– Lập hóa đơn không theo thứ tự từ số nhỏ đến số lớn trái quy định của pháp luật, ngoại trừ trường hợp nêu trên;
– Lập hóa đơn ghi ngày trên hóa đơn trước ngày mua hóa đơn của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cụ thể trong trường hợp này được xác định là cơ quan thuế;
– Lập sai loại hóa đơn theo quy định của pháp luật về hóa đơn hàng hóa và cung ứng dịch vụ, sau đó đã giao cho người mua hoặc giao cho người đã kê khai thuế tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ngoại trừ trường hợp nêu trên;
– Lập hóa đơn điện tử khi chưa có thông báo và chưa có sự chấp thuận đồng ý của các cơ quan thuế hoặc lập hóa đơn trước ngày cơ quan thuế ra quyết định chấp thuận việc sử dụng hóa đơn điện tử có mã mà không có mã;
– Lập hóa đơn bán hàng hóa và dịch vụ trong thời gian tạm ngưng hoạt động kinh doanh trái quy định của pháp luật;
– Lập hóa đơn điện tử từ máy tính tiền không có kết nối mạng internet và chuyển dữ liệu điện tử với các cơ quan thuế.
Theo đó thì có thể nói, trong trường hợp có hành vi xuất hóa đơn sai thời điểm theo như phân tích nêu trên thì tùy từng trường hợp và mức độ nghiêm trọng của vụ việc mà có thể bị phạt tiền với mức như sau:
– Phạt cảnh cáo đối với việc lập hóa đơn không đúng thời điểm tự nhiên không dẫn đến hậu quả chậm thực hiện nghĩa vụ thuế với cơ quan có thẩm quyền và có tình tiết giảm nhẹ;
– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với các chủ thể có hành vi lập hóa đơn không đúng thời điểm nhưng cũng không dẫn đến hiện tượng chậm thực hiện các nghĩa vụ thuế;
– Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với các chủ thể thực hiện hoạt động lập hóa đơn không theo đúng thời điểm và cũng không theo đúng quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ.
Tuy nhiên cần phải lưu ý, các mức phạt trên đây sẽ được áp dụng đối với những hành vi vi phạm của những chủ thể được xác định là cá nhân. Còn đối với mức phạt của tổ chức thì sẽ được áp dụng gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân trong cùng một hành vi vi phạm.
2. Nguyên tắc xử phạt hành vi xuất hóa đơn sai thời điểm:
Căn cứ theo quy định tại Điều 3 của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2022 có quy định về nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính nói chung và xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xuất hóa đơn sai thời điểm nói riêng sẽ cần phải tuân thủ theo một số nguyên tắc cơ bản sau:
– Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện và ngăn chặn kịp thời theo quy định của pháp luật, mọi vi phạm hành chính phải được xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do hành vi vi phạm hành chính gây ra phải được khác phục theo đúng quy định của pháp luật;
– Việc xử phạt vi phạm hành chính phải được tiến hành một cách nhanh chóng và công khai, phải được tiến hành khách quan và đúng thẩm quyền, phải đảm bảo sự công bằng và theo đúng quy định của pháp luật;
– Mức xử phạt vi phạm hành chính phải có căn cứ và tùy vào tính chất mức độ cũng như hậu quả vi phạm khác nhau, phải căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ và các tình tiết tăng nặng;
– Chỉ được xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định, và một hành vi vi phạm hành chính thì sẽ chỉ bị xử phạt vi phạm một lần. Trong trường hợp nếu như nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều có thể bị xử phạt về các hành vi vi phạm hành chính đó.
Như vậy có thể nói, trong trường hợp có hành vi xuất hóa đơn sai thời điểm thì đối với một hành vi vi phạm hành chính sẽ chỉ bị xử phạt một lần theo quy định của pháp luật nêu trên.
3. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính xuất hóa đơn sai thời điểm:
Pháp luật hiện nay cũng quy định cụ thể về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính nói chung và thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xuất hóa đơn sai thời điểm nói riêng. Căn cứ theo quy định tại Điều 8 của Nghị định số 125/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn (sau được sửa đổi tại Nghị định số 102/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn; hải quan; kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số; quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước; kế toán, kiểm toán độc lập), có quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế và hóa đơn. Theo đó, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xuất hóa đơn sai thời điểm được quy định cụ thể như sau:
– Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn theo quy định của pháp luật hiện nay được xác định là 02 năm;
– Thời điểm để tính hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn sẽ được quy định như sau: Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính sẽ được tính kể từ ngày người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện ra hành vi vi phạm đó hoặc được tính kể từ ngày chấm dứt hành vi vi phạm trên thực tế.
Như vậy có thể nói, thời hiệu xử phạt hành vi vi phạm hành chính đối với hành vi xuất hóa đơn sai thời điểm theo phân tích nêu trên sẽ được xác định là 02 năm kể từ ngày chấm dứt hành vi vi phạm.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định số 125/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn;
– Nghị định số 102/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn; hải quan; kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số; quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước; kế toán, kiểm toán độc lập;
– Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2022.