Khai báo tạm vắng là việc đăng kí tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc không có mặt ở nơi cư trú thường xuyên trong khoảng thời gian nhất định. Vậy khi xuất cảnh đi nước ngoài có phải khai báo tạm vắng không?
Mục lục bài viết
1. Xuất cảnh đi nước ngoài có phải khai báo tạm vắng không?
Khoản 1 Điều 31 Luật Cư trú 2020 quy định về những trường hợp phải thực hiện khai báo tạm vắng, cụ thể những trường hợp sau phải khai báo tạm vắng:
Trường hợp 1: Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đang cư trú từ 01 ngày trở lên đối với:
– Bị can, bị cáo đang tại ngoại;
– Người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án hoặc đã có quyết định thi hành án nhưng người phải thi hành án đang tại ngoại hoặc được hoãn chấp hành án, tạm đình chỉ chấp hành án;
– Người bị kết án phạt tù được hưởng án treo đang trong thời gian thử thách;
– Người đang chấp hành án phạt quản chế, cải tạo không giam giữ;
– Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đang trong thời gian thử thách.
Trường hợp 2: Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đang cư trú từ 01 ngày trở lên đối với:
– Người đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;
– Người phải chấp hành biện pháp đưa vào:
+ Cơ sở giáo dục bắt buộc nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ chấp hành;
+ Cơ sở cai nghiện bắt buộc nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ chấp hành;
+ Trường giáo dưỡng nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ chấp hành.
– Người bị quản lý trong thời gian làm thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào:
+ Cơ sở giáo dục bắt buộc;
+ Cơ sở cai nghiện bắt buộc;
+ Trường giáo dưỡng.
Trường hợp 3: Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp huyện nơi đang cư trú từ 03 tháng liên tục trở lên đối với người:
– Trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự;
– Người đang phải thực hiện các nghĩa vụ khác đối với nhà nước theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trường hợp 4: Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi thường trú từ 12 tháng liên tục trở lên đối với người không thuộc các trường hợp vừa nêu, trừ các trường hợp sau:
– Người đã đăng ký tạm trú tại nơi ở mới;
– Người đã xuất cảnh ra nước ngoài.
Như vậy theo quy định trên công dân xuất cảnh đi nước ngoài sẽ không phải khai báo tạm vắng.
2. Xuất cảnh đi nước ngoài trở về có phải đăng ký tạm trú?
2.1. Xuất cảnh ra nước ngoài để định cư:
Khoản 1 Điều 24 Luật Cư trú 2020 quy định những trường hợp bị xóa đăng ký thường trú, bao gồm những trường hợp sau:
– Chết; có quyết định của Tòa án tuyên bố mất tích hoặc đã chết;
– Ra nước ngoài để định cư;
– Đã có quyết định hủy bỏ đăng ký thường trú;
– Vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không thực hiện đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng;
– Đã được cơ quan có thẩm quyền cho thôi quốc tịch Việt Nam;
– Đã được cơ quan có thẩm quyền tước quốc tịch Việt Nam;
– Đã được cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam;
– Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã thực hiện chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ mà sau 12 tháng kể từ ngày mà thực hiện chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ vẫn chưa thực hiện đăng ký thường trú tại chỗ ở mới;
– Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp nhưng sau đó quyền sở hữu chỗ ở đó đã thực hiện chuyển cho người khác mà sau 12 tháng kể từ ngày mà chuyển quyền sở hữu chỗ ở vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới;
– Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ đồng thời không được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho giữ đăng ký thường trú ngay tại chỗ ở đó;
– Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở thuộc quyền sở hữu của mình nhưng đã chuyển quyền sở hữu chỗ ở đó cho người khác và không được chủ sở hữu mới đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó;
– Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở đã bị phá dỡ, tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Như vậy, người xuất cảnh ra nước ngoài để định cư là một trong những trường hợp bị xóa đăng ký thường trú, có nghĩa là sau khi người này xuất cảnh ra nước ngoài để định cư thì sẽ không có hộ khẩu tại địa phương nơi đã từng có hộ khẩu trước khi xuất cảnh ra nước ngoài định cư.
Người Việt Nam xuất cảnh ra nước ngoài để định cư khi nhập cảnh vào Việt Nam sẽ được xem như là người nước ngoài và sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và những văn bản hướng dẫn thi hành. Vì vậy, sau khi xuất cảnh ra nước ngoài để định cư mà nhập cảnh vào Việt Nam thì người đó phải khai báo tạm trú với công an phường, xã nơi tạm trú. Và sau đó công an phường, xã sẽ phải chịu trách nhiệm khai báo đến cơ quan cấp cao có thẩm quyền quyết định.
Đối với trường hợp người xuất cảnh ra nước ngoài để định cư về Việt Nam theo lời mời của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước thì sẽ phải thông qua cơ quan, tổ chức, cá nhân mời để thực hiện đăng ký với cơ quan Nhà nước về mục đích nhập cảnh, thời hạn lưu trú và cả địa chỉ lưu trú tại Việt Nam. Trong trường hợp người đó không có cơ quan, tổ chức, cá nhân ở Việt Nam mời thì phải thực hiện khai báo tạm trú tại Việt Nam tại đơn xin cấp thị thực. Đối với trường hợp người được miễn thị thực thì không phải đăng ký cư trú khi làm thủ tục nhập cảnh.
Ngoài ra, nếu như người xuất cảnh ra nước ngoài để định cư về Việt Nam vẫn có thể làm thủ tục đăng ký thường trú tại Việt Nam nếu như đáp ứng được các điều kiện sau:
– Thứ nhất: người đó có giấy tờ chứng minh đã từng có quốc tịch Việt Nam và còn giữ quốc tịch Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật của Việt Nam.
– Thứ hai: Việt kiều có chỗ ở hợp pháp tại Việt Nam gồm:
+ Nhà thuộc sở hữu của bản thân;
+ Nhà do thuê, mượn hoặc ở nhờ nhà người khác hoặc do người thân bảo lãnh.
2.2. Xuất cảnh ra nước ngoài không phải để định cư:
Như đã phân tích ở mục trên, chỉ khi xuất cảnh ra nước ngoài để định cư thì người đó mới bị xóa đăng ký thường trú, còn những trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài nhằm những mục đích khác (như đi du lịch, du học, xuất khẩu lao động,…) sẽ không bị xóa đăng ký thường trú. Chính vì thế, người xuất cảnh ra nước ngoài không phải để định cư thì vẫn có hộ khẩu đã đăng ký tại Việt Nam, khi trở về quê hương (nơi đã đăng ký thường trú) sẽ không phải làm thủ tục đăng ký tạm trú, trừ trường hợp người này trở về Việt Nam nhưng không phải là nơi đang có đăng ký thường trú mà là ở địa phương khác (không cùng đơn vị hành chính cấp xã với nơi đang đăng ký thường trú) thì mới phải đăng ký tạm trú tại nơi đó nếu như ở trên 30 ngày.
3. Thủ tục đăng ký tạm trú cho người xuất cảnh đi nước ngoài định cư quay trở về Việt Nam:
Bước 1: Truy cập trang thông tin điện tử để nhận tài khoản
– Người khai báo tạm trú truy cập trang thông tin điện tử của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi mà đặt cơ sở lưu trú (Trang thông tin điện tử) để nhận tài khoản khai báo.
– Khi có thay đổi các thông tin liên quan đến tài khoản khai báo thì phải cập nhật sửa đổi, bổ sung ngay các thông tin đó trên trang thông tin điện tử. Thông tin cung cấp gồm:
+ Tên của cơ sở lưu trú;
+ Loại hình của cơ sở lưu trú;
+ Địa chỉ của cơ sở lưu trú;
+ Số điện thoại của cơ sở lưu trú;
+ Email của cơ sở lưu trú;
+ Họ tên;
+ Ngày tháng năm sinh;
+ Số điện thoại;
+ Số giấy Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân hoặc hộ chiếu.
– Người khai báo tạm trú có trách nhiệm quản lý, bảo mật tài khoản khai báo và toàn bộ các thông tin do tài khoản khai báo tạo ra.
Bước 2: Khai báo thông tin tạm trú
– Người khai báo tạm trú truy cập trang thông tin điện tử, đăng nhập vào tài khoản khai báo để thực hiện việc khai báo thông tin tạm trú.
– Việc khai báo tạm trú cho người nước ngoài qua trang thông tin điện tử phải thực hiện ngay khi mà người nước ngoài đến đăng ký tạm trú.
– Thông tin khai báo tạm trú gồm:
+ Họ tên;
+ Giới tính;
+ Ngày tháng năm sinh;
+ Quốc tịch;
+ Số hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu, thời gian dự kiến tạm trú của người nước ngoài.
– Có thể nhập theo từng trường hợp vào các ô nhập dữ liệu hoặc là chuyển tập tin nhập đính kèm theo tập tin mẫu được đăng tải trên Trang thông tin điện tử.
Lưu ý:
– Người khai báo tạm trú kiểm tra, sửa đổi, bổ sung những thông tin trước khi xác nhận lưu thông tin;
– Kiểm tra mục quản lý thông tin khai báo tạm trú để xác định hệ thống đã tiếp nhận, nếu như hệ thống chưa tiếp nhận thì thực hiện nhập lại thông tin.
Bước 3: Tiếp nhận thông tin tạm trú
Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp nhận các thông tin tạm trú của người nước ngoài được khai báo qua Trang thông tin điện tử 24 giờ/07 ngày;
Thông báo cho đồn biên phòng nơi có cơ sở lưu trú nếu như người nước ngoài tạm trú tại các cơ sở lưu trú thuộc khu vực biên giới.
4. Mẫu phiếu khai báo tạm vắng:
……..… ….….… Số: … /TV | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc | Mẫu CT03 ban hành theo TT số 56/2021/TT-BCA ngày 15/5/2021 |
PHIẾU KHAI BÁO TẠM VẮNG
1. Họ, chữ đệm và tên:…
2. Ngày, tháng, năm sinh:… /…./…. Giới tính:…
4. Số định danh cá nhân/CMND:…
5. Nơi thường trú:…
6. Nơi tạm trú:…
7. Nơi ở hiện tại:…
8. Tạm vắng từ ngày, tháng, năm:…/…/… đến ngày…/…/…
9. Lý do tạm vắng:…
10. Địa chỉ nơi đến:…
…ngày…tháng…năm…
| …ngày…tháng…năm…
|
NGƯỜI TIẾP NHẬN KHAI BÁO | THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN (Chữ ký số của Thủ trưởng cơ quan) |
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Cư trú 2020.