Hiện nay cùng với sự phát triển không ngừng của các ngành nghề thì ngành xuất bản cũng không nằm ngoài guồng quay đó. Những thành phẩn của ngành ngày càng đáp ứng được những đòi hỏi của thị trường cả về số lượng (sự đa dạng), chất lượng (nội dung). Vậy Xuất bản là gì? Thủ tục xin cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Xuất bản là gì?
Xuất bản là việc tổ chức, khai thác bản thảo, biên tập thành bản mẫu để in và phát hành hoặc để phát hành trực tiếp qua các phương tiện điện tử.
Ngoài ra trên một số trang tìm kiếm lớn chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy một số định nghĩa khác của xuất bản. Cụ thể trên trang Wikipedia định nghĩa như sau:
Xuất bản là việc phổ biến âm nhạc, văn học, hoặc thông tin. Đây là hoạt động cung cấp thông tin cho công chúng. Trong một số trường hợp, các tác giả có thể là nhà xuất bản của riêng họ, nghĩa là người khởi tạo và phát triển nội dung đồng thời cũng là người cung cấp phương tiện để phân phối và hiển thị nội dung của họ. Ngoài ra, từ “nhà xuất bản” có thể đề cập đến cả một cá nhân lãnh đạo một công ty xuất bản hoặc một nhà xuất bản và một cá nhân sở hữu / đứng đầu một tạp chí.
Theo truyền thống, thuật ngữ này đề cập đến việc phân phối các tác phẩm in, chẳng hạn như sách (“buôn bán sách”) và báo chí. Với sự ra đời của hệ thống thông tin số và Internet, phạm vi xuất bản đã mở rộng để bao gồm các tài nguyên điện tử như phiên bản điện tử của sách và tạp chí, cũng như xuất bản vi mô, trang web, blog, nhà phát hành trò chơi video và những thứ tương tự.
Xuất bản cơ bản bao gồm các công đoạn sau: mua bản quyền (từ tác giả hoặc nhà xuất bản gốc), biên tập, dàn trang, thiết kế bìa, xin giấy phép xuất bản, in ấn (hoặc xuất bản dưới định dạng điện tử như pdf, epub, mobi…), tiếp thị và phân phối.
Xuất bản cũng quan trọng như là một khái niệm pháp lý:
- Như quá trình đưa ra
thông báo chính thức cho thế giới về một ý định quan trọng, ví dụ, kết hôn hoặc phá sản - Là điều kiện tiên quyết thiết yếu để có thể tuyên bố phỉ báng; đó là, tội phỉ báng phải được công bố/xuất bản
- Đối với mục đích quyền tác giả, nơi có một sự khác biệt trong việc bảo vệ công trình đã xuất bản và chưa được xuất bản
Có hai mô hình kinh doanh cơ bản trong xuất bản sách:
- Các nhà xuất bản truyền thống hoặc thương mại: Không thu phí tác giả để xuất bản sách của họ, đối với một số quyền nhất định để xuất bản tác phẩm và trả tiền bản quyền cho sách được bán.
- Tự xuất bản: Tác giả phải đáp ứng tổng chi phí để có được cuốn sách được xuất bản. Tác giả thường giữ toàn quyền, còn được gọi là xuất bản phù phiếm.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Luật Xuất bản năm 2012 có định nghĩa về xuất bản như sau: “Xuất bản là việc tổ chức, khai thác bản thảo, biên tập thành bản mẫu để in và phát hành hoặc để phát hành trực tiếp qua các phương tiện điện tử.’
Xuất bản trong tiếng Anh gọi là: Publication.
Xuất bản là việc tổ chức, khai thác bản thảo, biên tập thành bản mẫu để in và phát hành hoặc để phát hành trực tiếp qua các phương tiện điện tử.
2. Quản lý Nhà nước về hoạt động xuất bản:
Thứ nhất: Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch, chính sách phát triển hoạt động xuất bản; tổ chức lập nội dung phương án phát triển cơ sở xuất bản trong quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh theo quy định của pháp luật về quy hoạch; ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động xuất bản và bản quyền tác giả trong hoạt động xuất bản; (điểm này trong Luật được sửa đổi bởi khoản 1 – Điều 19 – Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018).
Thứ hai: Tổ chức đọc, kiểm tra, thẩm định xuất bản phẩm lưu chiếu.
Thứ ba: Cấp, thu hồi các loại giấy phép trong hoạt động xuất bản.
Thứ tư: Nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong hoạt động xuất bản, đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn, nghiên cứu nghiệp vụ về hoạt động xuất bản.
Thứ năm: Hợp tác quốc tế trong hoạt động xuất bản.
Thứ sáu: Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động xuất bản.
Thứ bảy: Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo, thống kê và công tác thi đua, khen thưởng trong hoạt động xuất bản; tuyển chọn và trao giải thưởng đối với xuất bản phẩm có giá trị cao.
3. Thủ tục xin cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh:
*) Trình tự thực hiện:
Bước 1: Tổ chức chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định của pháp luật
Bước 2: Tổ chức nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, sở Thông tin và Truyền thông (Đường Mê Linh, Phường Khai Quang, Thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc).
Thời gian tiếp nhận hồ sơ: Các ngày trong tuần (trừ ngày nghỉ và ngày lễ, tết).
Bước 3: Công chức tiếp nhận và kiểm tra nội dung hồ sơ:
– Nếu hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ thì viết giấy hẹn trao cho người nộp.
– Nếu hồ sơ thiếu, hoặc không hợp lệ thì công chức tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn tổ chức hoàn thiện quy định.
Bước 4: Công chức chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền giải quyết và trả kết quả theo giấy hẹn.
Bước 5: Tổ chức nhận kết quả tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, sở Thông tin và Truyền thông. Trong trường hợp nhận hộ, người nhận hộ phải có thêm giấy uỷ quyền và chứng minh thư của người uỷ quyền.
Thời gian nhận kết quả: Các ngày trong tuần (trừ ngày nghỉ và ngày lễ, tết).
Bước 6: Tổ chức nộp lưu chiểu: Sau khi in xuất bản phẩm thì cơ quan, tổ chức in xuất bản phẩm phải nộp lưu chiểu cho Sở Thông tin và Truyền thông (tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, sở Thông tin và Truyền thông) và Cục Xuất bản.
*) Thành phần hồ sơ:
a) Thành phần hồ sơ, bao gồm:
– Đơn xin phép xuất bản (theo mẫu);
– 02 Bản thảo (trường hợp tài liệu bằng tiếng nước ngoài, tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam phải kèm theo bản dịch tiếng việt).
b) Thành phần hồ sơ nộp lưu chiểu, bao gồm:
– 02 tờ khai nộp lưu chiểu (theo mẫu);
– 10 ngày trước khi phát hành đối với Tài liệu không kinh doanh, cơ quan, đơn vị phải nộp lưu chiểu: 03 bản cho Cục Xuất bản – Bộ Thông tin và Truyền thông – Địa chỉ: số 10, Đường Thành – Hoàn Kiếm -Hà Nội (trường hợp dưới 300 cuốn nộp 02 bản) và 02 bản cho Sở Thông tin và Truyền thông, 05 bản cho Thư viện Quốc gia (trường hợp dưới 300 cuốn nộp 02 bản).
c) Số lượng hồ sơ xin cấp phép: 01 bộ
*) Cơ quan thực hiện:
– Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Sở Thông tin và Truyền thông
– Cơ quan hoặc người có thẩm quyền được uỷ quyền hoặc phân cấp thực hiện (nếu có): không
– Cơ quan trực tiếp thực hiện TTHC: Sở Thông tin và Truyền thông
– Cơ quan phối hợp (nếu có): không
*) Một số yêu cầu cơ bản:
Tài liệu không kinh doanh được cấp giấy phép xuất bản theo quy định bao gồm:
– Tài liệu tuyên truyền, cổ động phục vụ nhiệm vụ chính trị, các ngày kỷ niệm lớn và các sự kiện trọng đại của đất nước;
– Tài liệu hướng dẫn học tập và thi hành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước;
– Tài liệu hướng dẫn các biện pháp phòng chống thiên tai, dịch bệnh và bảo vệ môi trường;
– Kỷ yếu hội thảo, hội nghị, ngành nghề của các cơ quan, tổ chức Việt Nam;
– Tài liệu giới thiệu hoạt động của các cơ quan, tổ chức nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam;
– Tài liệu lịch sử đảng, chính quyền địa phương; tài liệu phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương sau khi có ý kiến của tổ chức đảng, cơ quan cấp trên.
– Xuất bản phẩm điện tử: Thực hiện nộp lưu chiểu xuất bản phẩm điện tử cho cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản theo quy định, nhà xuất bản, cơ quan, tổ chức được cấp giấy phép xuất bản phải nộp xuất bản phẩm điện tử dưới dạng 01 (một) bản ghi trong thiết bị lưu trữ dữ liệu hoặc nộp qua mạng Internet bằng định dạng số theo quy định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về định dạng tệp tin, âm thanh, hình ảnh và có chữ ký số kèm theo 02 (hai) tờ khai lưu chiểu theo mẫu quy định; ngoài ra nhà xuất bản, cơ quan, tổ chức được cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh phải đáp ứng các yêu cầu sau:
+ Có chứng thư số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cấp để thực hiện nộp lưu chiểu xuất bản phẩm qua mạng Internet và đảm bảo tính toàn vẹn của xuất bản phẩm nộp lưu chiểu và xuất bản phẩm nộp cho Thư viện Quốc gia Việt Nam;
+ Trường hợp nộp xuất bản phẩm điện tử qua mạng Internet phải thực hiện theo hướng dẫn về cách thức nộp trên Cổng thông tin điện tử của Cục Xuất bản, In và Phát hành, Sở Thông tin và Truyền thông, Thư viện Quốc gia Việt Nam;
+ Trường hợp xuất bản phẩm điện tử được chứa trong thiết bị lưu trữ dữ liệu thì phải gửi qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại Cục Xuất bản, In và Phát hành, Sở Thông tin và Truyền thông, Thư viện Quốc gia Việt Nam. Tài liệu không kinh doanh phải phù hợp chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức đề nghị cấp giấy phép xuất bản.
4. Các hành vi bị cấm trong xuất bản:
Tại Điều 10
– Nghiêm cấm việc xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm có nội dung sau đây:
+ Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc;
+ Tuyên truyền kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục;
+ Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác do pháp luật quy định;
+ Xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc; không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
– Nghiêm cấm thực hiện các hành vi sau đây:
+ Xuất bản mà không đăng ký, không có quyết định xuất bản hoặc không có giấy phép xuất bản;
+ Thay đổi, làm sai lệch nội dung bản thảo đã được ký duyệt hoặc bản thảo tài liệu không kinh doanh có dấu của cơ quan cấp giấy phép xuất bản;
+ In lậu, in giả, in nối bản trái phép xuất bản phẩm;
+ Phát hành xuất bản phẩm không có nguồn gốc hợp pháp hoặc chưa nộp lưu chiểu;
+ Xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đã bị đình chỉ phát hành, thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu hủy hoặc nhập khẩu trái phép;
+ Các hành vi bị cấm khác theo quy định của pháp luật.
Kết luận: Nội dung của xuất bản liên quan đến quyền tác giả của nhân thân người sáng tạo ra tác phẩm đó. Việc nội dung và các yêu cầu đã được trình bày phía trên, các tổ chức cá nhân nên tham khảo để thực hiện theo đúng quy định pháp luật.