Thực trạng hiện nay, hành vi đe dọa, lôi kéo hành khách diễn ra rất phổ biến và gây hậu quả nghiêm trọng đến an toàn giao thông. Vậy mức xử phạt với hành vi lôi kéo, tranh giành khách của xe khách như thế nào?
Mục lục bài viết
- 1 1. Xử phạt với hành vi lôi kéo, tranh giành khách của xe khách:
- 2 2. Hành vi sang nhượng hành khách khi chưa có sự đồng ý bị xử phạt thế nào?
- 3 3. Một số hành vi vi phạm khác gây mất trật tự an toàn giao thông đường bộ:
- 4 4. Thực trạng của việc lôi kéo, tranh giành khách tại các bến xe:
- 5 5. Hướng xử lý giảm thiểu tình trạng lôi kéo, tranh giành khách hàng:
1. Xử phạt với hành vi lôi kéo, tranh giành khách của xe khách:
Căn cứ điểm b khoản 5 Điều 23
– Hành vi xúc phạm, đe dọa, tranh giành, lôi kéo hành khách.
– Hành vi đe dọa, bắt ép khách sử dụng dịch vụ trái với ý muốn của họ.
Ngoài bị xử phạt tiền như trên, đối tượng thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
(căn cứ điểm a khoản 8 Điều 23 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 123/2021/NĐ-CP).
Như vậy, theo quy định trên, đối tượng nhà xe nào có hành vi lôi kéo hay tranh giành khách sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng và bị xử phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
2. Hành vi sang nhượng hành khách khi chưa có sự đồng ý bị xử phạt thế nào?
Bên cạnh việc tranh giành khách của nhau, thực trạng sang nhượng khách dọc đường từ xe này sang xe khác khi chưa có sự đồng ý của khách diễn ra cũng rất nhiều và gây bức xúc cho khách hàng.
Theo quy định đây là một trong những hành vi vi phạm pháp luật về giao thông. Bởi pháp luật quy định về quyền hạn và trách nhiệm của lái xe, nhân viên phục vụ trên xe chở khách theo tuyến cố định có quy định về nghĩa vụ và trách nhiệm đón trả hành khách tại đúng bến xe nơi đến hoặc các điểm đón, trả khách theo quy định.
Cụ thể nhà xe nào thực hiện hành vi sang nhượng khách dọc đường sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo mức dưới đây:
– Hành vi sang nhượng hành khách dọc đường cho xe khách khi chưa được hành khách đồng ý: mức xử phạt từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng.
(căn cứ điểm b khoản 5 Điều 23 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 123/2021/NĐ-CP).
– Ngoài bị xử phạt tiền như trên, đối tượng thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
(căn cứ điểm a khoản 8 Điều 23 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 123/2021/NĐ-CP).
3. Một số hành vi vi phạm khác gây mất trật tự an toàn giao thông đường bộ:
Hành vi vi phạm | Mức xử phạt |
Lái xe không hướng dẫn khách đứng, nằm, ngồi đúng vị trí quy định | phạt tiền từ 100 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng |
Lái xe không mặc đồng phục, đeo thẻ tên | phạt tiền từ 100 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng |
Không chạy đúng tuyến đường, lịch trình, hành trình vận tải | phạt tiền từ 600 nghìn đồng đến 800 nghìn đồng |
Không đóng cửa lên xuống khi xe đang chạy | phạt tiền từ 600 nghìn đồng đến 800 nghìn đồng |
Chở hành lý, hàng hóa vượt quá kích thước bao ngoài của xe | phạt tiền từ 600 nghìn đồng đến 800 nghìn đồng |
Để rơi hành lý, hàng hóa của khách trên xe xuống đường | phạt tiền từ 600 nghìn đồng đến 800 nghìn đồng |
Sắp xếp, chằng buộc hành lý, hàng hóa của khách không bảo đảm an toàn | phạt tiền từ 600 nghìn đồng đến 800 nghìn đồng |
Không có nhân viên phục vụ trên xe đối với những xe bắt buộc phải có nhân viên phục vụ trên xe | phạt tiền từ 600 nghìn đồng đến 800 nghìn đồng |
Điều khiển xe kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định thu tiền vé nhưng không trao vé cho hành khách, thu tiền vé cao hơn quy định | phạt tiền từ 600 nghìn đồng đến 800 nghìn đồng |
Điều khiển xe niêm yết hành trình chạy xe không đúng với hành trình đã được cấp phép | phạt tiền từ 600 nghìn đồng đến 800 nghìn đồng |
Khi đang chạy xe mà để người lên, xuống xe | phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng |
Xếp hành lý, hàng hóa trên xe làm lệch xe | phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng |
Trên những tuyến đường đã xác định nơi đón, trả khách hoặc dừng đón, trả khách mà thực hiện đón, trả khách không đúng nơi quy định | phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng |
Tại những nơi cấm đỗ xe, cấm dừng xe hay những nơi đường cong tầm nhìn bị che khuất | phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng |
Hành vi đón, trả hành khách không đúng địa điểm đón, trả hành khách được ghi trong hợp đồng | phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng |
Hành vi hành hung hành khách | phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng |
Hành vi chở người trên mui xe, nóc xe, trong khoang chở hành lý của xe | phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng |
Hành vi vận chuyển hàng nguy hiểm, hàng độc hại, dễ cháy, dễ nổ hoặc động vật, hàng hóa khác có ảnh hưởng đến sức khỏe của hành khách trên xe chở hành khách | phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng |
4. Thực trạng của việc lôi kéo, tranh giành khách tại các bến xe:
Hiện nay, việc bùng nổ các phương tiện vận tải hành khách đã dẫn đến sự cạnh tranh sống còn giữa các doanh nghiệp vận tải khi cung vượt cầu. Chính vì đó nảy sinh ra vấn nạn đe dọa, lôi kéo, tranh giành khách hàng của nhau để “kiếm cơm”.
Tuyến vận tải phía Bắc trong thời gian gần đây liên tục xuất hiện hiện tượng cạnh tranh khách theo kiểu “xã hội đen” như tuyến Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Nam Định, Hà Nội – Quảng Ninh, Hà Nội – Hòa Bình.
Nguyên nhân xuất phát từ công tác quản lý của các đơn vị tham gia khai thác tuyến còn lỏng lẻo, công tác giáo dục ý thức của người lái xe và cả nhân viên phục vụ chưa được doanh nghiệp quan tâm đúng mức. Hầu hết các nhân viên và cả lái xe không chấp hành quy định đeo thẻ, mặc đồng phục khi làm nhiệm vụ
Ngoài ra, nguyên nhân cũng xuất phát từ việc “cung” đã vượt “cầu”. Một số bến xe, đơn vị vận tải bố trí các xe chạy các tuyến liên tỉnh hoặc văn phòng đại diện trung chuyển khách chưa hợp lý. Chính vì thế, các nhà xe sẽ tìm đủ mọi cách như thuê người đứng ở cổng bến xe, bắt khách dọc đường để có được khách, và từ đó tình trạng hỗn loạn xảy ra gây mất trật tự an toàn giao thông. Từ đó, dẫn đến rất nhiều vụ đẩu đả, đánh nhau gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản.
5. Hướng xử lý giảm thiểu tình trạng lôi kéo, tranh giành khách hàng:
Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong vận tải hành khách không chỉ gây mất an ninh trật tự, mà còn gia tăng nguy cơ mất an toàn giao thông và gây bức xúc cho hành khách. Do đó đòi hỏi phải có cơ chế xử lý thích đáng:
Thứ nhất, khuyến cáo hành khách nên vào bến mua vé hoặc đặt vé qua điện thoại, không nên bắt xe dù tại các bến cóc, gây mất an toàn giao thông và vô tình tạo nên hiện tượng giành khách giữa các nhà xe.
Thứ hai, Sở giao thông vận tải và các ban ngành liên quan có cơ chế, ban hành văn bản yêu cầu lãnh đạo các bến xe, đơn vị vận tải hành khách phải đặc biệt quan tâm đến sự an toàn của hành khách; đồng thời, ứng xử văn minh, lịch sự với hành khách, các nhà xe chạy cùng tuyến.
Thứ ba, kịp thời phát hiện và ngăn chặn, xử phạt thích đáng với những hành vi vi phạm đe dọa, lôi kéo, tranh giành hành khách.
Với những nhà xe không đảm bảo đủ các điều kiện kinh doanh vận tải và có những ứng xử thiếu văn minh, có biểu hiện “xã hội đen” thì kiên quyết dừng hoạt động.
Thứ tư, lực lượng thanh tra của Sở Giao thông vận tải thường xuyên tuần tra, kiểm soát trên đường và tại các bến xe nhằm sớm phát hiện, ngăn chặn, xử lý những vi phạm của các nhà xe.
Sở Giao thông vận tải cũng công khai các số điện thoại đường dây nóng của Sở trên cổng thông tin của tỉnh, thường xuyên kiểm tra hành trình, camera giám sát qua hệ thống giám sát hành trình của Cục Đường bộ Việt Nam.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Luật giao thông đường bộ 2008
Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Nghị định số 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng.