Trong lĩnh vực quảng cáo thì cá nhân, tổ chức phải thực hiện hành vi theo đúng quy định liên quan đến lĩnh vực này, cụ thể là việc sử dụng tiếng nói và chữ viết trong quảng cáo. Vậy, xử phạt vi phạm trong quảng cáo về tiếng nói và chữ viết được quy định thế nào?
Mục lục bài viết
1. Tiếng nói và chữ viết được sử dụng trong quảng cáo phải tuân thủ những quy định gì?
Tổ chức, cá nhân có nhu cầu tiến hành quảng cáo với mục đích chính đáng như có thể tiếp cận được nhiều khách hàng, tạo danh tiếng hoặc uy tín của mình trong quá trình cung cấp dịch vụ hoặc sản phẩm đến thị trường luôn được pháp luật bảo hộ. Đây là một trong những cách tiếp cận đối với khách hàng hiệu quả nhưng về mặt hình thức thì chữ viết và tiếng nói được sử dụng trong quảng cáo cũng phải tuân thủ những quy định nhất định. Theo Điều 18 Văn bản hợp nhất 47/VBHN-VPQH 2018 Luật Quảng cáo thì trong các sản phẩm quảng cáo phải chứa những nội dung thể hiện bằng tiếng Việt. Sử dụng tiếng Việt trong quảng cáo là một trong những quy định bắt buộc phải thực hiện đối với việc cá nhân tổ chức. Trường hợp ngoại lệ không phải thực hiện quảng cáo bằng tiếng Việt bao gồm:
+ Đối với nhãn hiệu, hàng hóa, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hóa mà không thể thay thế bằng tiếng Việt thì có thể sử dụng tiếng nước ngoài;
+ Đối với những loại sách, báo, trang thông tin điện tử và các ấn phẩm được phép xuất bản bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam hoặc từ nước ngoài thì cũng không bắt buộc phải sử dụng tiếng Việt; đối với những chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam hoặc tiếng nước ngoài;
– Trên thực tế, có thể sử dụng cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo và việc sử dụng cả hai loại tiếng trong sản phẩm này thì phải đảm bảo khổ chữ nước ngoài sẽ không quá 3/4 khổ chữ Việt Nam và bắt buộc phải đặt bên dưới chữ Việt Nam; trong lĩnh vực phát thanh thì khi phát trên đài phát thanh truyền hình hoặc trên phương tiện nghe nhìn phải đọc tiếng Việt trước từ nước ngoài.
Với quy định nêu trên cá nhân, tổ chức khi tiến hành lựa chọn tiếng nói và chữ viết để quảng cáo sản phẩm thì phải tuân thủ những quy định như sử dụng ngữ là tiếng Việt trong các sản phẩm quảng cáo, còn trong trường hợp có thể sử dụng cả hai loại tiếng nước ngoài và tiếng Việt Nam thì cũng phải đảm bảo về diện tích chữ nước ngoài so với chữ Việt Nam cũng như vị trí đặt luôn ở bên dưới chữ Việt Nam, đối với trường hợp phát thanh trên các phương tiện nghe nhìn thì phải đọc tiếng việt trước. Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm có thể sẽ bị áp dụng mức xử phạt được ghi nhận tại Nghị định 38/2021/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 128/2022/NĐ-CP. Cụ thể mức xử phạt sẽ được trình bày tại Mục 2 của bài viết này.
2. Xử phạt vi phạm trong quảng cáo về tiếng nói và chữ viết:
Đối với mức xử phạt khi cá nhân có hành vi vi phạm về tiếng nói, chữ viết trong quảng cáo đã được ghi nhận tại Điều 35 của Nghị định 38/2021/NĐ-CP, theo đó cá nhân có hành vi vi phạm nếu thực hiện một trong các hành vi dưới đây sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng:
+ Theo quy định việc thể hiện quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải bằng tiếng Việt thì mới là hợp pháp chính vì vậy việc cố tình thực hiện việc quảng cáo không sử dụng tiếng Việt là đang vi phạm thì sẽ bị áp dụng mức xử phạt tối đa là 10 triệu đồng, trừ những trường hợp nhãn hiệu, hàng hóa, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hóa không thể thay thế bằng tiếng Việt; Hoặc trong trường hợp quảng cáo thông qua sách, báo, trang thông tin điện tử và các ấn phẩm được phép xuất bản bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam tiếng nước ngoài hoặc các chương trình phát thanh truyền hình bằng tế dân tộc thiểu số Việt Nam từ nước ngoài;
+ Hành vi quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà vi phạm trong việc thể hiện kích cỡ khổ chữ đó là để ngôn ngữ nước ngoài vượt quá 3/4 khối chữ tiếng việt và không đặt bên dưới chữ tiếng việt trong trường hợp trên cùng một sản phẩm quảng cáo có sử dụng cả hai loại tiếng, trừ một số trường hợp quy định tại điểm a,b,c và d khoản 2 Điều 48 Quy định 38/2021/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 128/2022/NĐ-CP;
+ Xét trên thực tế, khi cá nhân tiến hành quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà không đọc tiếng Việt trước tiếng nước ngoài trong trường hợp trên cùng một sản phẩm quảng cáo có chứa cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài mà hoạt động quảng cáo này đã phát trên đài phát thanh truyền hình hoặc trên các phương tiện nên nhìn thì sẽ bị áp dụng mức xử phạt nêu trên.
– Cá nhân không chỉ bị áp dụng mức xử phạt tối đa lên đến 10 triệu đồng mà còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như tiến hành buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa ,thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 35 ở Nghị định 38/2021/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 128/2022/NĐ-CP.
Lưu ý rằng: theo quy định của Nghị định 38/2021/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 128/2022/NĐ-CP thì mức xử phạt này chỉ áp dụng đối với cá nhân, còn trong trường hợp tổ chức các hành vi vi phạm thì mức phạt sẽ là gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Với quy định nêu trên, cá nhân có hành vi vi phạm đối với việc sử dụng tiếng nói, chữ viết trong quảng cáo sẽ bị áp dụng mức phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng còn đối với hành vi vi phạm của tổ chức thì sẽ bị áp dụng mức phạt là từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Ngoài ra cá nhân, tổ chức có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo đó là vi vi phạm. Các cơ quan tổ chức cá nhân khi tiến hành quảng cáo sử dụng tiếng nói chữ viết phải đặc biệt lưu tâm đối với vấn đề này tránh trường hợp bị xử phạt.
3. Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong việc vi phạm quảng cáo về tiếng nói và chữ viết:
Căn cứ từ Điều 63 Nghị định 38/2021/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 128/2022/NĐ-CP thì thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính được ghi nhận với các nội dung như sau:
– Cá nhân có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được quy định từ Điều 64 cho đến Điều 70 của Nghị định này tùy thuộc vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đã được giao. Có thể kể đến một số cá nhân có thẩm quyền như sau: Cá nhân đang giữ vị trí là Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra chuyên ngành, Công an nhân dân cũng được có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển hay hải quan và quản lý thị trường cũng có thể xử phạt vi phạm hành chính;
– Công chức, viên chức, người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân khi đang thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo có thể lập biên bản vi phạm hành chính theo đúng quy định;
– Bên cạnh đó chỉ huy tàu bay, trưởng tàu, thuyền trưởng khi đang thi hành nghĩa vụ thực hiện theo chức năng quyền hạn được giao nằm trong lĩnh vực văn hóa, quảng cáo có quyền lập biên bản vi phạm hành chính khi phát hiện ra hành vi vi phạm ở trên tàu bay, tàu biển và phương tiện thủy nội địa mà mình quản lý.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất 47/VBHN-VPQH 2018 Luật Quảng cáo;
– Nghị định số 128/2022/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch; thể thao; quyền tác giả, quyền liên quan; văn hóa và quảng cáo.