Hiện nay cùng với xu thế hội nhập, liên kết giáo dục với nước ngoài đang được triển khai rộng rãi ở nước ta. Vậy liên kết giáo dục với nước ngoài chưa cấp phép sẽ bị xử phạt thế nào?
Mục lục bài viết
1. Xử phạt liên kết giáo dục với nước ngoài chưa cấp phép:
Pháp luật quản lý hoạt động liên kết giáo dục với nước ngoài nhằm bảo vệ lợi ích và chất lượng của cả hai bên tham gia trong quan hệ hợp tác giáo dục. Việc đề ra các quy định và mức xử phạt nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân cũng như các bên đối tác tham gia phát triển giáo dục tại Việt Nam.
Theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 19 Nghị định 04/2021/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục, được sửa đổi bổ sung tại khoản 7 Điều 1 Nghị định 127/2021/NĐ-CP hành vi liên kết giáo dục khi chưa có văn bản phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 110.000.000 đồng.
Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 19 Nghị định 04/2021/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục, hành vi liên kết giáo dục với nước ngoài chưa cấp phép sẽ áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động liên kết giáo dục từ 06 tháng đến 12 tháng.
Đồng thời cơ sở giáo dục vi phạm phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 6 Điều 19 Nghị định 04/2021/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục, theo đó cơ sở giáo dục này buộc phải chuyển người học đủ điều kiện trúng tuyển đã nhập học sang cơ sở giáo dục khác đủ điều kiện được phép hoạt động giáo dục hoặc hủy bỏ quyết định trúng tuyển, trả lãi kinh phí đã thu cho người học nếu không chuyển.
Như vậy, các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình liên kết giáo dục với nước ngoài mà chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận bằng văn bản sẽ bị phạt tiền từ từ 80.000.000 đồng đến 110.000.000 đồng. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục có hành vi vi phạm phải áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.
2. Cơ quan nào có thẩm quyền xử phạt hành vi vi phạm trong hoạt động liên kết giáo dục với nước ngoài?
Hoạt động liên kết giáo dục với nước ngoài chịu sự quản lý chặt chẽ của quy định pháp luật Việt Nam. Phụ thuộc vào nhiệm vụ quyền hạn của từng cơ quan, mà pháp luật quy định thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này. Căn cứ theo quy định tại Điều 39 Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục, được sửa đổi bởi khoản 13 Điều 1 Nghị định 127/2021/NĐ-CP, các cơ quan có thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực liên kết giáo dục với nước ngoài bao gồm:
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện;
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
– Chánh Thanh tra cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
– Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
– Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo;
– Trưởng phòng An ninh Chính trị nội bộ;
– Giám đốc Công an cấp tỉnh;
– Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh và Cục trưởng Cục An ninh Chính trị nội bộ.
3. Quy định pháp luật về liên kết giáo dục với nước ngoài:
Việc thiết lập và duy trì mối quan hệ liên kết giáo dục với các nước đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục. Bởi nó tạo cơ hội cho học sinh, sinh viên trải nghiệm môi trường học tập mới, thúc đẩy sự phát triển toàn diện, chia sẻ kiến thức và kỹ năng, cũng như hiểu biết về văn hóa và ngôn ngữ khác nhau. Đồng thời, liên kết giáo dục với nước ngoài giúp thúc đẩy sự tiến bộ trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, y tế và nhiều lĩnh vực khác. Chính vì vậy, Nhà nước ta có nhiều chính sách khuyến khích, thúc đẩy liên kết trong lĩnh vực giáo dục với các nước trong khu vực và trên thế giới; cùng với đó hệ thống pháp luật cũng đặt ra nhiều quy định để quản lý hoạt động này.
Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục và Thông tư 04/2020/TT-BGDĐT hướng dẫn Nghị định 86/2018/NĐ-CP, quy định về chương trình liên kết giáo dục với nước ngoài như sau:
– Chương trình giáo dục của nước ngoài đưa vào tích hợp phải bảo đảm tính khoa học, hợp lý, khả thi và phù hợp điều kiện thực hiện tại Việt Nam;
– Nội dung, thời lượng chương trình giáo dục liên kết với nước ngoài phải phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi học sinh, thuần phong mỹ tục và truyền thống của Việt Nam; phải có định hướng về phương pháp, hình thức giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục;
– Việc tổ chức và quản lý thực hiện chương trình phải được thực hiện theo kế hoạch đã được co quan có thẩm quyền phê duyệt;
4. Lợi ích của liên kết giáo dục với nước ngoài:
Hiện nay, chương trình liên kết giáo dục với nước ngoài được nhiều cơ sở giáo dục triển khai giảng dạy. Nhà nước ta cũng đề ra nhiều chính sách khuyến khích thực hiện liên kết giáo dục với nước ngoài, bởi những lợi ích mà nó mang lại cho việc đào tạo, giáo dục nâng cao tri thức của thế hệ trẻ; có thể kể đến một số lợi ích dưới đây:
– Giao lưu văn hóa, tăng cường giao lưu hợp tác quốc tế:
+ Liên kết giáo dục giúp sinh viên có cơ hội trải nghiệm và hiểu biết về văn hóa của nhiều quốc gia khác nhau. Điều này có thể mở rộng tầm hiểu biết văn hóa, khí hậu và lối sống, giúp học sinh, sinh trở nên linh hoạt và đa dạng hơn trong giao tiếp và làm việc.
+ Liên kết giáo dục tạo ra cơ hội để sinh viên và giáo viên xây dựng mạng lưới quan hệ quốc tế. Điều này có thể hỗ trợ sự hợp tác trong nghiên cứu, phát triển kỹ năng chuyên môn và mở cửa cho cơ hội việc làm toàn cầu.
– Nâng cao chất lượng giáo dục:
+ Sinh viên có cơ hội học tập dưới sự hướng dẫn của giáo viên và chuyên gia từ nhiều quốc gia khác nhau, có thể đem lại sự đa dạng trong phương pháp giảng dạy và nội dung học tập, phát triển đa ngôn ngữ. Điều này giúp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo: tạo cơ hội cho học sinh, sinh viên tiếp cận với chương trình giáo dục mở, phát triển đa dạng, nâng cao kiến thức và trình độ;
+ Sinh viên tham gia vào môi trường học quốc tế thường phát triển các kỹ năng quan trọng như sự tự lập, khả năng làm việc nhóm đa văn hóa, và kỹ năng giao tiếp quốc tế. Những kỹ năng này rất quan trọng trong môi trường làm việc toàn cầu ngày nay.
– Phát triển khoa học công nghệ: Sinh viên có cơ hội học tập, nghiên cứu, tiếp thu và phát triển kiến thức về khoa học công nghệ, điều này góp phần tăng cường quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục ban hành 22 tháng 01 năm 2021;
– Nghị định 127/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục ban hành ngày 30 tháng 12 năm 2021;
– Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục ban hành ngày 06 tháng 06 năm 2018;
– Thông tư 04/2020/TT-BGDĐT hướng dẫn Nghị định 86/2018/NĐ-CP về hợp tác đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục ban hành ngày 18 tháng 3 năm 2020.