Sử dụng rượu bia trong thời gian làm việc là một trong những hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Vậy trong trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức để nhân viên uống rượu bia trong giờ làm việc có bị xử phạt hay không?
Mục lục bài viết
1. Xử phạt lãnh đạo để nhân viên uống rượu bia trong giờ làm
Hành vi uống rượu bia trong giờ làm việc là một trong những hành vi bị pháp luật nghiêm cấm, bởi nó không chỉ gây ảnh hưởng đến công việc mà còn gây ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan tổ chức trong quá trình thực hiện công vụ, nhiệm vụ của mình. Trách nhiệm quản lý việc sử dụng rượu bia trong giờ làm việc là của người đứng đầu các cơ quan tổ chức vì vậy trong trường hợp người đứng đầu cơ quan tổ chức để nhân viên uống rượu bia trong giờ làm việc sẽ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Căn cứ theo quy định tại Điều 34 Nghị định 117/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 124/2021/NĐ-CP quy định rõ về các trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc phòng chống các tác hại của rượu, bia theo đó:
– Áp dụng mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu có một trong các hành vi dưới đây:
+ Người đứng đầu cơ quan, tổ chức không thực hiện các biện pháp phòng chống tác hại của rượu bia tại đơn vị của mình
+ Người đứng đầu cơ quan, tổ chức đã không thực hiện việc thực hiện quy định không được sử dụng rượu bia trong thời gian làm việc, hoặc tại nơi làm việc của các cơ quan, tổ chức
+ Trong trường hợp nhân viên của cơ quan, tổ chức có hành vi uống, bán rượu, bia tại địa điểm không được phép uống, bán rượu, bia mặc dù thuộc thẩm quyền quản lý, điều hành của mình nhưng không tiến hành việc nhắc nhở và yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm đó.
+ Người đứng đầu cơ quan, tổ chức đã không tiến hành thực hiện, đôn đốc, kiểm tra tất cả mọi người trong đơn vị của mình thực hiện theo các quy định về việc không được uống, không được bán rượu, bia tại các địa điểm thuộc thẩm quyền quản lý điều hành của mình
– Áp dụng mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu người đứng đầu các cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện giao thông vận tải không tổ chức thực hiện các biện pháp nhằm phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn những người lái phương tiện vận tải sử dụng rượu bia ngày trước và trong khi tham gia giao thông.
Như vậy, từ các quy định trên có thể thấy trong trường hợp người đứng đầu cơ quan tổ chức có hành vi để nhân viên uống rượu bia trong giờ làm việc có thể bị áp dụng mức xử phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Ngoại trừ trường hợp người đứng đầu các cơ sở kinh doanh vận tải không thực hiện các biện pháp để phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn những người lái phương tiện sử dụng rượu bia ngày trước và trong khi tham gia giao thông thì sẽ bị xử phạt với mức cao hơn từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng
Cần lưu ý mức phạt tiền được áp dụng theo quy định nêu trên là đối với cá nhân còn đối với tổ chức thì mức phạt tiền xét là gấp hai lần so với cá nhân có hành vi tương tự.
2. Người uống rượu bia trong giờ làm có bị phạt không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 30 Nghị định 117/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 124/2021/NĐ-CP quy định cụ thể về vi phạm các quy định về uống rượu, bia và địa điểm không uống rượu, bia như sau:
– Áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với trường hợp người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi có hành vi uống rượu, bia.
– Áp dụng mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng nếu có một trong các hành vi dưới đây:
+ Có hành vi uống rượu, bia tại các khu vực địa điểm không được sử dụng rượu, bia theo quy định của pháp luật ví dụ: tại các cơ sở giáo dục, cơ sở ý tế đang trong thời gian giảng dạy hoặc làm việc,..
+ Có các hành vi lôi kéo, xúi giục hoặc kích động người khác sử dụng rượu bia
– Áp dụng hình phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng nếu có một trong các hành vi:
+ Sử dụng rượu, bia ngày trước, trong thời gian làm việc, học tập và nghỉ ngơi giữa giờ làm việc, học tập
+ Có hành vi ép buộc người khác sử dụng rượu bia.
Như vậy có thể thấy được quy định đối với trường hợp người có hành vi sử dụng rượu bia trong thời gian làm việc có thể bị áp dụng mức xử phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng
Cần lưu ý mức phạt tiền được áp dụng theo quy định nêu trên là đối với cá nhân còn đối với tổ chức thì mức phạt tiền xét là gấp hai lần so với cá nhân có hành vi tương tự.
3. Những người có thẩm quyền xử phạt hành chính đối với hành vi của lãnh đạo để nhân viên uống rượu bia trong giờ làm?
Căn cứ theo quy định tại Điều 103, 104, 105, 106, 107, 108, 109 Nghị định 117/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 124/2021/NĐ-CP người có thẩm quyền xử phạt hành chính đối với hành vi của lãnh đạo để nhân viên uống rượu bia trong giờ làm bao gồm:
– Chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
– Thanh tra y tế, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành y: Chánh Thanh tra các Sở, Chi Cục trưởng Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình thuộc Sở Y tế, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp sở và Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được giao thực hiện chức năng thanh tra; Chánh Thanh tra Bộ; Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình; Cục trưởng Cục Quản lý dược; Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh; Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế; Cục trưởng Cục Y tế dự phòng; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp bộ
– Quản lý thị trường: Đội trưởng Đội Quản lý thị trường, Trưởng phòng Nghiệp vụ thuộc Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường; Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường thuộc Tổng cục Quản lý thị trường; Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường
– Công an nhân dân: Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục An ninh chính trị nội bộ; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát giao thông; Trưởng phòng Công an cấp tỉnh, gồm: Trưởng phòng An ninh kinh tế; Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ; Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Trưởng phòng Cảnh sát giao thông; Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt; Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ; Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy; Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buồn lậu; Thủy đoàn trưởng; Giám đốc Công an cấp tỉnh; Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ; Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội; Cục trưởng Cục An ninh kinh tế; Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông; Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu
– Hải quan: Đội trưởng, Tổ trưởng thuộc Chi cục Hải quan; Tổ trưởng thuộc Đội Kiểm soát thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Đội trưởng, thuộc Chi cục kiểm tra sau thông quan; Chi cục trưởng Chi cục Hải quan; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra sau thông quan, Đội trưởng Đội kiểm soát thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Đội trưởng Đội Điều tra hình sự, Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu, Hải đội trưởng Hải đội kiểm soát trên biển và Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra sau thông quan thuộc Cục Kiểm tra sau thông quan; Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan thuộc Tổng cục Hải quan, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan
– Bộ đội biên phòng: Đồn trưởng Đồn biên phòng; Hải đội trưởng Hải đội biên phòng; Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu cảng; Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng cấp tỉnh, Hải đoàn trưởng Hải đoàn Biên phòng, Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng
– Cảnh sát biển: Đội trưởng Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển, Trạm trưởng Trạm Cảnh sát biển; Hải đội trưởng Hải đội Cảnh sát biển; Hải đoàn trưởng Hải đoàn Cảnh sát biển, Đoàn trưởng Đoàn trinh sát, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam; Tư lệnh Vùng Cảnh sát biên, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và Pháp luật thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam; Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam
– Thanh tra thông tin và truyền thông
– Thanh tra văn hóa, thể thao và du lịch
– Thanh tra giáo dục, giao thông vận tải, nông nghiệp và phát triển nông thôn, khoa học và công nghệ
– Thanh tra tài nguyên môi trường
Các văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết
Nghị định 117/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 124/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.