Xử phạt hành vi mở cửa ôtô gây tai nạn. Trường hợp mở cửa ô tô gây tai nạn cho người khác bị xử phạt thế nào?
Xử phạt hành vi mở cửa ôtô gây tai nạn. Trường hợp mở cửa ô tô gây tai nạn cho người khác bị xử phạt thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào Luật sư! Em tôi đang đi xe máy trên đường từ chỗ làm về nhà thì bất ngờ một chiếc ô tô 4 chỗ mở cửa. Em tôi tông vào cánh cửa rồi ngã ra đường. Cùng lúc đó, chiếc xe tải đi sau không kịp phanh đã va phải em tôi gây trọng thương. Vậy người mở cửa taxi có phạm tội không? Cảm ơn Luật sư!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Khoản 3 Điều 18 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định:
Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện quy định sau đây:
a) Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết.
b) Cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình.
c) Trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng xe, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì phải dừng, đỗ xe tại các vị trí đó.
d) Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết.
đ) Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn.
e) Khi dừng xe, không được tắt máy và không được rời khỏi vị trí lái.
g) Xe đỗ trên đoạn đường dốc phải được chèn bánh.
Như vậy, người lái xe ô tô 4 chỗ bất ngờ mở cửa là hành vi không bảo đảm an toàn về giao thông đường bộ khi dừng, đỗ xe.
Tuy nhiên, thương tích của em bạn là do tài xế xe tải trực tiếp gây ra. Hành vi mở cửa của lái xe 4 chỗ chỉ là điều kiện thúc đẩy hậu quả khiến em bạn bị thương nặng.
Do đó, để có kết luận chính xác trách nhiệm của người lái xe tải và người lái xe 4 chỗ, lực lượng điều tra phải điều tra hoàn cảnh, không gian, điều kiện lúc xảy ra tai nạn như thế nào? Việc em bạn bị văng ra đường và xe tải va phải ra sao? Khoảng cách bị văng từ xe 4 chỗ đến đầu xe tải hay lái xe tải có đủ điều kiện để tránh kịp, phanh kịp khi gặp sự cố hay không?
Nếu việc em bạn văng vào xe tải mà khoảng cách quá gần, lái xe tải không thể xử lý kịp dẫn đến em bạn bị thương nặng thì hành vi của lái xe tải có thể coi là Sự kiện bất ngờ quy định tại Điều 11 Bộ luật hình sự 2009 sửa đổi, bổ sung:
Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội do sự kiện bất ngờ, tức là trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự
Trong trường hợp đó, lái xe tải sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, 2 người lái xe này đều đang chiếm hữu, sử dụng ôtô. Đây là Nguồn nguy hiểm cao độ được quy định tại Điều 623 Bộ luật dân sự 2005:
1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.
Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật.
2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
3. Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:
a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
4. Trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
Như vậy, trong trường hợp lái xe tải không phải chịu trách nhiệm hình sự thì lái xe tải và lái xe 4 chỗ cùng liên đới chịu trách nhiệm dân sự bồi thường thiệt hại theo quy định.
Trường hợp, lúc em bạn bị văng ra từ xe 4 chỗ vào xe tải, mà lái xe tải có đủ khoảng cách, điều kiện để làm chủ tốc độ nhưng vẫn không làm chủ được tốc độ, để hậu quả xảy ra thì tài xế xe tải là người phải chịu trách nhiệm hình sự trực tiếp về thương tích của em bạn theo Điều 202 Bộ Luật hình sự 2009 sửa đổi, bổ sung về Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
Ngoài ra, lái xe tải còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho em bạn. Lái xe taxi cũng sẽ phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường cùng người lái xe tải.
Bạn có thể tham khảo thêm một số bài viết có liên quan khác của Dương Gia:
– Bồi thường thiệt hại tai nạn khi không có lỗi
– 16 tuổi gây tai nạn chết người có bị khởi tố hình sự?
– Không có lỗi khi gây ra tai nạn có cấu thành tội phạm?
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.
——————————————————–
THAM KHẢO CÁC DỊCH VỤ CÓ LIÊN QUAN CỦA LUẬT DƯƠNG GIA:
– Tư vấn pháp luật miễn phí qua tổng đài về giao thông
– Tư vấn luật miễn phí qua điện thoại
– Tư vấn pháp luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại