Mức xử phạt vi phạm đối với hành vi khai thác rừng trái pháp luật? Mức xử phạt vi phạm đối với hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật?
Rừng đóng góp những vai trò và ý nghĩa quan trọng trong đời sống con người. Chính vi thế, đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, diện tích rừng, số lượng, khối lượng lâm sản bị thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra đều bị xem xét xử lý với các mức xử phạt khác nhau theo quy định của pháp luật. Trong đó, có nhiều hành vi có giới hạn mức tối đa áp dụng xử phạt vi phạm hành chính, khi đã vượt quá mức xử phạt vi phạm hành chính thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ phải xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu quy định về xử phạt hành vi khai thác lâm sản, vận chuyển lâm sản trái phép.
Luật sư tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.6568
Mục lục bài viết
1. Mức xử phạt vi phạm đối với hành vi khai thác rừng trái pháp luật:
1.1. Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi khai thác rừng trái pháp luật:
Căn cứ pháp lý: Nghị định số 35/2019/NĐ-CP của Chính Phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Thứ nhất: Mức xử phạt vi phạm hành chính tối đa áp dụng đối với hành vi khai thác trái pháp luật trong rừng sản xuất:
– Đối với gỗ loài thông thường: các chủ thể khi khai thác trái pháp luật từ 15 m3 đến dưới 20 m3 gỗ rừng trồng hoặc từ 07 m3 đến dưới 10 m3 gỗ rừng tự nhiên thì mức tiền phạt tương ứng phải nộp đó là từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
– Đối với gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA: các chủ thể khi khai thác trái pháp luật từ 10 m3 đến dưới 15 m3 gỗ rừng trồng hoặc từ 05 m3 đến dưới 07 m3 gỗ rừng tự nhiên thì mức tiền phạt tương ứng phải nộp đó là từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng.
– Đối với gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA: các chủ thể khi khai thác trái pháp luật từ 0,7 m3 đến dưới 01 m3 thì mức tiền phạt tương ứng phải nộp đó là từ 75.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Thứ hai: Mức xử phạt vi phạm hành chính tối đa áp dụng đối với hành vi khai thác trái pháp luật trong rừng phòng hộ:
– Đối với gỗ loài thông thường: các chủ thể khi khai thác trái pháp luật từ 10 m3 đến dưới 15 m3 gỗ rừng trồng hoặc từ 05 m3 đến dưới 07 m3 gỗ rừng tự nhiên thì mức tiền phạt tương ứng phải nộp đó là từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
– Đối với gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA: các chủ thể khi khai thác trái pháp luật từ 07 m3 đến dưới 10 m3 gỗ rừng trồng hoặc từ 04 m3 đến dưới 05 m3 gỗ rừng tự nhiên thì mức tiền phạt tương ứng phải nộp đó là từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng.
– Đối với gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA: các chủ thể khi khai thác trái pháp luật từ 0,3 m3 đến dưới 0,5 m3 t thì mức tiền phạt tương ứng phải nộp đó là từ 85.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng.
Thứ ba: Mức xử phạt vi phạm hành chính tối đa áp dụng đối với hành vi khai thác trái pháp luật trong rừng đặc dụng:
– Đối với gỗ loài thông thường: các chủ thể khi khai thác trái pháp luật từ 05 m3 đến dưới 10 m3 gỗ rừng trồng hoặc từ 02 m3 đến dưới 03 m3 gỗ rừng tự nhiên thì mức tiền phạt tương ứng phải nộp đó là từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
– Đối với gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA: các chủ thể khi khai thác trái pháp luật từ 03 m3 đến dưới 05 m3 gỗ rừng trồng hoặc từ 0,8 m3 đến dưới 01 m3 gỗ rừng tự nhiên thì mức tiền phạt tương ứng phải nộp đó là từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
– Đối với gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA: các chủ thể khi khai thác trái pháp luật từ 0,3 m3 đến dưới 0,5 m3 thì mức tiền phạt tương ứng phải nộp đó là từ 85.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng.
Thứ tư: Mức xử phạt vi phạm hành chính tối đa áp dụng đối với hành vi khai thác trái pháp luật thực vật rừng ngoài gỗ:
– Đối với thực vật rừng ngoài gỗ loài thông thường; than hầm, than hoa: các chủ thể có hành vi gây thiệt hại lâm sản trị giá từ 85.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng thì mức tiền phạt tương ứng phải nộp đó là từ 125.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng.
– Đối với thực vật rừng ngoài gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA: các chủ thể có hành vi gây thiệt hại lâm sản trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng thì mức tiền phạt tương ứng phải nộp đó là từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
– Đối với thực vật rừng ngoài gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA: các chủ thể có hành vi gây thiệt hại lâm sản trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng thì mức tiền phạt tương ứng phải nộp đó là từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
1.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi khai thác rừng trái pháp luật:
Đối với hành vi khi các chủ thể khai thác rừng trái pháp luật vượt quá mức xử phạt vi phạm hành chính như trên thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 232 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản.
Khi các chủ thể có hành vi khai thác rừng trái pháp luật mà hành vi này đã vượt quá mức xử phạt vi phạm hành chính thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản. Tội phạm này quy định mức xử phạt cho cả pháp nhân và các cá nhân có hành vi vi phạm.
2. Mức xử phạt vi phạm đối với hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật:
2.1. Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật:
Căn cứ pháp lý: Nghị định số 35/2019/NĐ-CP của Chính Phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Mức xử phạt vi phạm hành chính tối đa áp dụng đối với hành vi vận chuyển lâm sản (từ thời điểm lâm sản đã xếp lên phương tiện vận chuyển) không có hồ sơ hợp pháp hoặc có hồ sơ hợp pháp nhưng lâm sản thực tế vận chuyển không phù hợp với hồ sơ đó, cụ thể được quy định như sau:
– Hành vi vận chuyển gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA từ 1,2 m3 đến dưới 1,5 m3 khi không có hồ sơ hợp pháp hoặc có hồ sơ hợp pháp nhưng lâm sản thực tế vận chuyển không phù hợp với hồ sơ đó tương ứng với mức tiền phạt từ 90.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng.
– Hành vi vận chuyển gỗ thuộc loài thông thường từ 17 m3 đến dưới 20 m3 khi không có hồ sơ hợp pháp hoặc có hồ sơ hợp pháp nhưng lâm sản thực tế vận chuyển không phù hợp với hồ sơ đó tương ứng với mức tiền phạt từ 120.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng.
– Hành vi vận chuyển gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA từ 8,5 m3 đến dưới 10 m3 khi không có hồ sơ hợp pháp hoặc có hồ sơ hợp pháp nhưng lâm sản thực tế vận chuyển không phù hợp với hồ sơ đó tương ứng với mức tiền phạt từ 120.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng.
– Hành vi vận chuyển động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thông thường trị giá từ 270.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 khi không có hồ sơ hợp pháp hoặc có hồ sơ hợp pháp nhưng lâm sản thực tế vận chuyển không phù hợp với hồ sơ đó đồng tương ứng với mức tiền phạt từ 270.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng.
– Hành vi vận chuyển động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB trị giá từ 135.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng khi không có hồ sơ hợp pháp hoặc có hồ sơ hợp pháp nhưng lâm sản thực tế vận chuyển không phù hợp với hồ sơ đó tương ứng với mức tiền phạt từ 270.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng.
– Hành vi vận chuyển thực vật rừng ngoài gỗ trị giá từ 270.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng khi không có hồ sơ hợp pháp hoặc có hồ sơ hợp pháp nhưng lâm sản thực tế vận chuyển không phù hợp với hồ sơ đó tương ứng với mức tiền phạt từ 270.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng.
– Hành vi vận chuyển sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB trị giá từ 90.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng khi không có hồ sơ hợp pháp hoặc có hồ sơ hợp pháp nhưng lâm sản thực tế vận chuyển không phù hợp với hồ sơ đó tương ứng với mức tiền phạt từ 330.000.000 đồng đến 360.000.000 đồng.
– Hành vi vận chuyển ngà voi có khối lượng từ 1,5 kilôgam đến dưới 02 kilôgam; sừng tê giác có khối lượng từ 0,03 kilôgam đến dưới 0,05 kilôgam tương khi không có hồ sơ hợp pháp hoặc có hồ sơ hợp pháp nhưng lâm sản thực tế vận chuyển không phù hợp với hồ sơ đó ứng với mức tiền phạt từ 330.000.000 đồng đến 360.000.000 đồng.
– Hành vi vận chuyển động vật rừng hoặc bộ phận không thể tách rời sự sống của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB với số lượng 02 cá thể lớp thú hoặc từ 05 đến 06 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 06 đến 09 cá thể động vật lớp khác khi không có hồ sơ hợp pháp hoặc có hồ sơ hợp pháp nhưng lâm sản thực tế vận chuyển không phù hợp với hồ sơ đó tương ứng với mức tiền phạt từ 330.000.000 đồng đến 360.000.000 đồng.
2.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật:
Cần lưu ý đối với hành vi vận chuyển lâm sản trái quy định của pháp luật vượt quá mức xử phạt vi phạm hành chính như trên thì căn cứ vào tính chất, mức độ và dấu hiệu của hành vi vi phạm, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ phải xem xét và truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 được quy định cụ thể tại các Điều luật sau đây:
– Điều 232 về tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản.
– Điều 234 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã.
– Điều 244 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật rừng nguy cấp, quý hiếm.
Như vậy, ngoài việc xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật thì khi hành vi vận chuyển lâm sản trái quy định của pháp luật vượt quá mức xử phạt vi phạm hành chính các cá nhân, tổ chức sẽ bị trruy cứu trách nhiệm hình sự theo đúng quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.