Xử phạt đối với hành vi tự ý thay đổi kết cấu của xe ô tô năm 2017. Hành vi tự ý gắn thêm càng sau cho xe bị xử phạt thế nào?
Xử phạt đối với hành vi tự ý thay đổi kết cấu của xe ô tô năm 2017. Hành vi tự ý gắn thêm càng sau cho xe bị xử phạt thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Hôm chủ nhật tuần vừa qua 23/10 em tôi có chạy ô tô lên Sài Gòn, đến sân bay Tân Sơn Nhất thì bị cảnh sát giao thông kêu lại, tôi xuất trình giấy tờ xong, cảnh sát giao thông báo lỗi xe gắn thêm càng sau là sai quy định, phạt 7 triệu giữ giấy phép lái xe 3 tháng. Tôi nói không đủ tiền. Cảnh sát giao thông giải quyết cưa đôi, thế là chỉ còn 3.500.000 đồng không bớt. Xin cho hỏi trường hợp gắn cản bảo vệ xử lý như thế nào và mức phạt bao nhiêu? Chân thành cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
– Nghị định 46/2016/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt;
– Thông tư 15/2014/TT-BCA Quy định về đăng ký xe;
– Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT về việc cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ
2. Giải quyết vấn đề:
Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008 thì phương tiện giao thông đường bộ khi đưa vào lưu thông phải bảo đảm quy định về chất lương an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, theo đó, chủ phương tiện giao thông đường bộ không được tự ý thay đổi kết cấu, tổng thành, thùng, hệ thống xe không đúng với thiết kế ban đầu hoặc thiết kế cải tại đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Thông tư 15/2014/TT-BCA và Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT thì thì xe ô tô của bạn gắn thêm càng sau thuộc xe cải tạo phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận cải tạo xe cơ giới và thực hiện thủ tục cấp đổi lại đăng ký xe. Trong trường hợp bạn tự ý gắn thêm càng sau cho xe của mình thì thuộc trường hợp tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với chủ xe là cá nhân, từ 12.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với chủ xe là tổ chức quy định tại điềm a khoản 9 Điều 30 Nghị định 46/2016/NĐ-CP.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật về xử phạt vi phạm giao thông đường bộ 1900.6568
Theo đó việc công an đưa ra mức phạt ban đầu cho bạn là 7.000.000 đồng là không trái quy định, tuy nhiên việc chia đôi số tiền chỉ còn 3.500.000 đồng là sai quy định pháp luật vì không có điều khoản nào của pháp luật về phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ cho phép thực hiện việc này.
Ngoài ra khoản 14 Điều 30 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định chỉ tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật từ 01 tháng đến 03 tháng đối với chủ phương tiện là người trực tiếp điều khiển phương tiện vi phạm quy định tại Điểm c, Điểm d, Điểm đ, Điểm e Khoản 9 Điều 30 Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Tuy nhiên, trường hợp của bạn không thuộc trường hợp bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, nên hình thức tước quyền sử dụng giấy phép lái xe của bạn 3 tháng là không có căn cứ. Bạn tham khảo bài tư vấn trên để xem xét lại quyết định xử phạt của Cảnh sát giao thông.