Vấn đề chữ ký trong lĩnh vực kiểm toán, kế toán được pháp luật quy định rất chặt chẽ. Dưới đây là mức xử phạt các lỗi về chữ ký trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán:
Mục lục bài viết
1. Xử phạt các lỗi về chữ ký trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán:
Các hành vi vi phạm | Mức xử phạt | Căn cứ pháp lý |
Bản báo cáo minh bạch khi công bố không có chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp kiểm toán hoặc người được ủy quyền, trường hợp vi phạm quy định về công khai thông tin báo cáo minh bạch | Phạt cảnh cáo | điểm a khoản 1 Điều 58 Nghị định 41/2018 |
Bản báo cáo minh bạch khi công bố không có chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp kiểm toán hoặc người được ủy quyền, trường hợp vi phạm về hồ sơ đăng ký tham gia kiểm toán cho đơn vị lợi ích công chúng | điểm a khoản 1 Điều 59 Nghị định 41/2018 | |
Hành vi lập sổ kế toán không ghi rõ thông tin sau: tên đơn vị kế toán; tên sổ, ngày, tháng, năm lập sổ; ngày, tháng, năm khóa sổ; thiếu chữ ký của người lập sổ, kế toán trưởng và người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán; không đánh số trang; không đóng dấu giáp lai giữa các trang của số kế toán trên giấy | Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng | điểm a khoản 1 Điều 9 Nghị định 41/2018 |
Hành vi không đóng thành quyển sổ riêng cho từng kỳ kế toán hoặc không có đầy đủ chữ ký và đóng dấu theo quy định sau khi in ra giấy, tuy nhiện loại trừ trường hợp các loại sổ không bắt buộc phải in theo quy định đối với trường hợp đơn vị lựa chọn lưu trữ sổ kế toán trên phương tiện điện tử | Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng | điểm c khoản 1 Điều 9 Nghị định 41/2018 |
Hành vi không lập Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm kê hoặc báo cáo kết quả kiểm kê không có đầy đủ chữ ký theo quy định | Phạt tiền từ 1triệu đồng đến 2 triệu đồng | điểm a khoản 1 Điều 16 Nghị định 41/2018 |
Hành vi ký chứng từ kế toán bằng đóng dấu chữ ký khắc sẵn | Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng | điểm d khoản 1 Điều 8 Nghị định 41/2018 |
Trường hợp kế toán sao chụp không có đầy đủ chữ ký, đóng dấu (nếu có) của các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định | Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng | khoản 2 Điều 13 Nghị định 41/2018 |
Chữ ký của một người không thống nhất hoặc không đúng với sổ đăng ký mẫu chữ ký | Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng | điểm d khoản 2 Điều 8 Nghị định 41/2018 |
Chứng từ kế toán không có đủ chữ ký theo chức danh quy định trên chứng từ | Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng | điểm đ khoản 2 Điều 8 Nghị định 41/2018 |
Báo cáo tài chính không có chữ ký của người lập, kế toán trưởng, phụ trách kế toán hoặc người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán | Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng | điểm b khoản 1 Điều 11 Nghị định 41/2018. |
Hành vi lập báo cáo kiểm toán không có đầy đủ chữ ký của kiểm toán viên hành nghề theo quy định | Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng | điểm c khoản 3 Điều 48 Nghị định 41/2018 |
Thực hiện hành vi chi tiền khi chứng từ chi tiền chưa có đầy đủ chữ ký của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về kế toán | Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng | điểm e khoản 3 Điều 8 Nghị định 41/2018 |
Lưu ý: Mức phạt trên đang quy định là áp dụng đối với cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm sẽ phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
2. Quy định về chữ ký trong lĩnh vực kế toán:
Căn cứ Điều 19 Văn bản hợp nhất số 14/VBHN-VPQh 2019 Luật kế toán năm 2015 quy định về việc ký chứng từ kế toán như sau:
– Phải có đủ chữ ký theo chức danh quy định trên chứng từ.
– Trên chứng từ kế toán, chữ ký phải được ký bằng loại mực không phai.
– Tuyệt đối không thực hiện ký chứng từ kế toán bằng mực màu đỏ hoặc đóng dấu chữ ký khắc sẵn.
– Trên chứng từ kế toán, chữ ký của một người phải đảm bảo thống nhất.
– Chữ ký trên chứng từ kế toán của người khiếm thị được thực hiện theo quy định khác của Chính phủ.
– Đối với chứng từ kế toán, người có thẩm quyền mới được ký hoặc người được ủy quyền để ký. Tuyệt đối không được ký chứng từ kế toán khi chưa có đầy đủ nội dung chứng từ thuộc trách nhiệm của người ký.
– Đối với chứng từ kế toán chi tiền: trước khi thực hiện sẽ phải do người có thẩm quyềm duyệt chi và kế toán trưởng hoặc người được ủy quyền ký.
Phải ký theo từng liên đối với chữ ký trên chứng từ kế toán dùng để chi tiền.
– Chứng từ điện tử phải có chữ ký điện tử. Lưu ý chữ ký trên chứng từ điện tử có giá trị như chữ ký trên chứng từ bằng giấy.
3. Quy định về chữ ký trong lĩnh vực kiểm toán:
Căn cứ Đoạn 40 Phân II Chuẩn mực kiểm toán số 700 ban hành kèm theo Thông tư số 214/2021/TT-BTC quy định về việc chữ ký của kiểm toán viên như sau:
+ Trên báo cáo kiểm toán: đảm bảo có đủ 02 chữ ký bao gồm chữ ký của kiểm toán viên hành nghề được giao phụ trách việc kiểm toán và chữ ký của thành viên Ban Giám đốc là người đại diện theo pháp luật phụ trách tổng thể cuộc kiểm toán.
+ Phải ghi rõ họ và tên, số Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán dưới mỗi chữ ký.
+ Phải đóng dấu của doanh nghiệp kiểm toán (hoặc chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán) phát hành báo cáo kiểm toán trên chữ ký của thành viên Ban Giám đốc phụ trách tổng thể cuộc kiểm toán.
Bên cạnh đó, căn cứ đoạn A37 Phân III Chuẩn mực kiểm toán số 700 quy định người được ủy quyền bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật được ký trên báo cáo kiểm toán.
Lưu ý: người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật được ký báo cáo kiểm toán phải là thành viên ban giám đốc phụ trách tổng thể cuộc kiểm toán.
Do đó, dựa vào các căn cứ trên có thể thấy người được ủy quyền bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật được ký báo cáo kiểm toán phải là thành viên ban giám đốc phụ trách tổng thể cuộc kiểm toán. Việc ủy quyền phải được lập thành văn bản.
4. Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán:
Căn cứ quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính sẽ là 01 năm, ngoại trừ một số lĩnh vực thời hiệu xử lý sẽ là 02 năm như: kế toán; hóa đơn; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; thủy sản; lâm nghiệp; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả.
Căn cứ Điều 3 Nghị định số 41/2018/NĐ-CP quy định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với lĩnh vực kế toán, kiểm toán như sau:
– Đối với lĩnh vực kế toán: thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.
– Đối với lĩnh vực kiểm toán độc lập: thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm.
Như vậy, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với lĩnh vực kế toán, kiểm toán thực hiện như trên.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Văn bản hợp nhất số 14/VBHN-VPQH Luật kế toán.
Nghị định số 41/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập.
Thông tư số 214/2012/TT-BTC ban hành hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam.