Người thuê ô tô rồi bán tài sản này cho một người khác mà không được sự đồng ý của chủ xe thì sẽ bị xử lý như thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Dạ chào anh, em ở bình định và có bà chị mua xe ô tô chạy taxi, chạy được vài tháng thì có người thuê xe để đi du lịch và bà chị em đã cho thuê, nhưng người thuê đó đã đem xe bán cho người khác (lúc cho người đó thuê thì đã đưa giấy tờ xe và chị em chỉ nhận giấy chứng minh nhân dân photo, chị em còn giữ bộ hồ sơ của chiếc xe đó) chiếc xe đã bán qua tay 2,3 người gì đấy và hiện tại xe đã sang tên chủ, biển số xe mới dù chủ cũ là chị của em vẫn chưa sang tên xe cho bất kỳ ai (từ khi biết chiếc xe bị mất thì chị em đã đem bộ hồ sơ nộp cho công an nhưng ko thấy công an giải quyết gì cả dù biết chiếc xe đó nằm ở đâu) hơn 1 tháng trước chị em có đi tìm 1 ông luật sư nhờ ông đó lấy lại xe và ông đó đã yêu cầu đưa trước 1 nửa số tiền là 35 triệu khi nào lấy được xe thì đưa số tiền còn lại là 35 triệu (tổng cộng là 70 triệu) mấy hôm trước chị em có đi gặp ông luật sư đó hỏi thử kết quả thì ông đó bảo nếu kiện ra tòa án thì người thuê xe mà đem bán đó sẽ ngồi tù là xong chuyện còn chiếc xe thì mất và bà chị em sẽ không có gì cả vậy nên để cho người thuê đó ở ngoài làm trả nợ từ từ. Nhưng theo cá nhân em nghĩ thì người thuê xe mà đem bán với người mua hiện tại là ông công an đó đều có tội. Vậy mong anh tư vấn cho em biết chiếc xe có lấy lại được ko, người thuê chiếc xe đem bán và người tiêu thụ có trả lại chiếc xe không? Em xin cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Theo quy định tại mục B, Thông tư 15/2014/TT-BCA quy định về đăng ký xe thì khi đăng ký sang tên xe thì phải nộp hồ sơ bao gồm những giấy tờ:
Giấy khai đăng ký xe - Giấy chứng nhận đăng ký xe
- Chứng từ chuyển quyền sở hữu xe theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 Thông tư 15/2014/TT-BCA
- Chứng từ lệ phí trước bạ theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 Thông tư này.
Ngoài ra tùy theo từng trường hợp mà khi tiến hành thủ tục sang tên đổi chủ cần phải bổ sung một số giấy tờ khác. Trong trường hợp bạn nêu, chị của bạn là chủ sở hữu hợp pháp đầu tiên của chiếc xe, chưa tiến hành sang tên cho bất kì ai nên việc người khác tiến hành sang tên đối với chiếc xe này là không có căn cứ. Bởi khi muốn sang tên thì phải có đầy đủ một bộ hồ sơ trong Thông tư 15/2014/TT-BCA quy định như trên. Chủ sở hữu của chiếc xe – chị của bạn có thể làm đơn khiếu nại lên cơ quan công an về việc người khác tiến hành sang tên đổi chủ bất hợp pháp đối với chiếc xe của mình.
Để tiến hành thủ tục khiếu nại thì chị bạn có thể đem biên bản giao nhận chứng cứ (hồ sơ gốc của xe ô tô) để đến nhận lại bộ hồ sơ này.
Về việc người khác thuê xe của chị bạn rồi bán thì bạn cần phải tìm được thông tin liên lạc cũng như hình ảnh của người đó, sau đó làm đơn khiếu nại tố cáo nêu rõ nội dung bạn bị lừa đảo nộp lên cơ quan công an địa phương nơi xảy ra vụ việc trên. Sau đó cơ quan có chức năng sẽ tiến hành điều tra, nếu người đã giao kết hợp đồng thuê xe với chị bạn có đủ những yếu tố cấu thành nên tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Điều 139 “Bộ luật hình sự 2015” hoặc Điều 140 “Bộ luật hình sự 2015”:
“Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
>>> Luật sư
Bạn có thể tham khảo thêm tại Điều 140 “Bộ luật hình sự năm 2015”. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
“1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ một triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới một triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ trên năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
đ) Tái phạm nguy hiểm;
e) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm và bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này.”
Về hành vi của vị luật sư mà chị bạn thuê để giải quyết vụ việc, bạn cần làm rõ giữa chị bạn và người này có giao kết hợp đồng hay không? Nếu giữa hai người có hợp đồng thỏa thuận về việc giải quyết vụ việc thì vị luật sư này phải tiến hành đúng những nghĩa vụ của mình đối với vụ việc này, nếu đã nhận tiền nhưng không làm thì chị bạn hoàn toàn có quyền khởi kiện luật sư này về hành vi lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 140 “Bộ luật hình sự 2015”.