Hình thức đấu thầu rộng rãi nhưng chỉ có mỗi một nhà thầu tham gia, vậy phải giải quyết thế nào? Đấu thầu mà chỉ có một nhà thầu tham gia thì xử lý như thế nào cho đúng?
Đấu thầu qua mạng là một hình thức đấu thầu phổ biến và được nhiều đơn vị lựa chọn, tuy nhiên khi kết thúc thời gian mời thầu không phải gói thầu nào cũng thu hút nhiều nhà thầu tham gia. Vậy trong trường hợp khi kết thúc thời gian mở thầu mà chỉ có một nhà thầu tham gia thì phải xử lý như thế nào? Có hủy thực hiện hủy thầu hay không? Bài viết sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu rõ hơn về vấn đề trên.
Mục lục bài viết
1. Đấu thầu qua mạng là gì?
Theo quy định tại khoản 13, Điều 4 Luật đấu thầu 2013 giải thích thế nào là đấu thầu qua mạng: “Đấu thầu qua mạng là đấu thầu được thực hiện thông qua việc sử dụng hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.”
Theo đó, “Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia là hệ thống công nghệ thông tin do cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu xây dựng và quản lý nhằm mục đích thống nhất quản lý thông tin về đấu thầu và thực hiện đấu thầu qua mạng.” Hệ thống này do cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu xây dựng và quản lý là Cục kế hoạch đấu thầu – Bộ Kế hoạch và Đầu tư địa chỉ: http://muasamcong.mpi.gov.vn/
Việc đấu thầu qua mạng được thực hiện đối với các gói thầu dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp… Trên hệ thống mạng quốc gia, việc lựa chọn nhà thầu thông qua các nội dung và quy trình:
– Đăng tải thông tin về nhà thầu, đăng tải hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.
– Nộp bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh thực hiện hợp đồng, thỏa thuận liên danh.
– Nộp, rút hồ sơ quan tâm…
– Mở thầu, đánh giá hồ sơ quan tâm…
– Ký kết, thanh toán hợp đồng…
Khi thực hiện đấu thầu qua mạng phải tuân thủ theo quy định về chi phí được quy định tại khoản 13, Điều 13, Luật đấu thầu 2013:
“3.Chi phí trong đấu thầu qua mạng bao gồm:
a) Chi phí tham gia hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, chi phí đăng tải thông tin về đấu thầu và các chi phí khác;
b) Chi phí tham dự thầu, tổ chức đấu thầu theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.”
Chi phí trong quá trình đấu thầu qua mạng bao gồm cả chi phí trong lựa chọn nhà thầu được quy định cụ thể tại Điều 9 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, chi phí trong lựa chọn nhà thầu đầu tư được quy định cụ thể bởi Điều 7 và khoản 2 Điều 8 Nghị định số 30/2015/NĐ-CP.
-Chi phí đăng ký tham gia hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (01 lần): 500.000 đồng.
-Chi phí duy trì tên và dữ liệu (nộp hàng năm): 500.000 đồng.
-Chi phí nộp hồ sơ dự thầu: 300.000 đồng.
-Chi phí nộp hồ sơ xem xét: 200.000 đồng.
Luật sư
Khi đăng tải thông tin về đấu thầu lên hệ thống mạng quốc gia cần căn cứ theo quy định tại điều 5 Nghị định số 30/2015/NĐ-CP về thời hạn và quy trình như sau:
“Điều 5. Thời hạn, quy trình cung cấp và đăng tải thông tin về đấu thầu
1. Trường hợp tự đăng tải thông tin lên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia:
a) Các đối tượng có trách nhiệm cung cấp thông tin theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định này thực hiện đăng ký tham gia hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và tự đăng tải thông tin lên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
b) Đối với thông tin quy định tại các Điểm b và Điểm c Khoản 1 Điều 8 của Luật Đấu thầu, bên mời thầu phát hành hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu theo thời gian quy định trong thông báo mời sơ tuyển,
c) Đối với thông tin quy định tại các Điểm a, d, đ, g, h và i Khoản 1 Điều 8 của Luật Đấu thầu, các tổ chức chịu trách nhiệm đăng tải thông tin phải bảo đảm thời điểm đăng tải thông tin không muộn hơn 07 ngày làm việc, kể từ ngày văn bản được ban hành.”
Nguyên tắc áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng cần tuân thủ theo quy định tại Điều 85 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP:
“1. Khi thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng, bên mời thầu, nhà thầu phải thực hiện đăng ký một lần trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
2. Bên mời thầu phát hành miễn phí hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
3. Đối với mỗi gói thầu, nhà thầu chỉ nộp hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất một lần trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
4. Bên mời thầu tiến hành mở thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia ngay sau thời điểm đóng thầu. Trường hợp không có nhà thầu nộp hồ sơ, bên mời thầu báo cáo chủ đầu tư xem xét tổ chức lại việc lựa chọn nhà thầu qua mạng; trường hợp có ít hơn 03 nhà thầu nộp hồ sơ thì bên mời thầu mở thầu ngay mà không phải xử lý theo quy định tại Khoản 4 Điều 117 của Nghị định này.
5. Các văn bản điện tử giao dịch qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, các thông tin được đăng tải trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia được coi là văn bản gốc, có giá trị pháp lý và có hiệu lực như văn bản bằng giấy, làm cơ sở phục vụ công tác đánh giá, thẩm định, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và giải ngân..”
Như vậy, đấu thầu qua mạng là một hình thức đấu thầu rộng rãi, mang tính chất công khai, được nhiều nhà thầu lựa chọn vì tiết kiệm được nhiều thời gian, giúp các nhà thầu tiếp cận kịp thời thông tin để tham dự, minh bạch và bảo đảm cạnh tranh. Chính phủ cũng quy định chặt chẽ việc kiểm tra, giám sát đối với những gói thầu chỉ có duy nhất 01 nhà thầu tham gia và xử lý nghiêm khắc chủ đầu tư và các bên liên quan nếu phát hiện hành vi vi phạm, không đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu.
2. Đấu thầu qua mạng nhưng chỉ có một nhà thầu
Khi kết thúc đóng thầu qua hệ thống đấu thầu quốc gia nhưng chỉ có một nhà thầu tham gia thì sẽ không hủy thầu vì không thuộc một trong các căn cứ theo quy định tại Điều 17 Luật đấu thầu 2013.
“Điều 17. Các trường hợp hủy thầu
1. Tất cả hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất không đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.
2. Thay đổi mục tiêu, phạm vi đầu tư đã ghi trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.
3. Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến nhà thầu, nhà đầu tư được lựa chọn không đáp ứng yêu cầu để thực hiện gói thầu, dự án.
4. Có bằng chứng về việc đưa, nhận, môi giới hối lộ, thông thầu, gian lận, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.”
Vậy khi tham chiếu đến quy định tại khoản 3, Điều 117 về xử lý tình huống trong đấu thầu tại Nghị định số 63/2014/NĐ-CP:
“Điều 117. Xử lý tình huống trong đấu thầu
…….
3. Trường hợp sau khi lựa chọn danh sách ngắn, chỉ có ít hơn 03 nhà thầu đáp ứng yêu cầu thi căn cứ điều kiện cụ thể của gói thầu xử lý theo một trong hai cách sau đây:
a) Tiến hành lựa chọn bổ sung nhà thầu vào danh sách ngắn;
b) Cho phép phát hành ngay hồ sơ mời thầu cho nhà thầu trong danh sách ngắn.
4. Trường hợp tại thời điểm đóng thầu đối với gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh, có ít hơn 03 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất thì phải xem xét, giải quyết trong thời hạn không quá 04 giờ, kể từ thời điểm đóng thầu theo một trong hai cách sau đây:
a) Cho phép gia hạn thời điểm đóng thầu nhằm tăng thêm số lượng nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất. Trong trường hợp này phải quy định rõ thời điểm đóng thầu mới và các thời hạn tương ứng để nhà thầu có đủ thời gian sửa đổi hoặc bổ sung hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất đã nộp theo yêu cầu mới;
b) Cho phép mở thầu ngay để tiến hành đánh giá.”
Trường hợp chỉ có một nhà thầu nộp hồ sơ tại thời điểm đóng thầu thì bên mời thầu vẫn có thể tiếp tục thực hiện các quá trình sau đó theo hai phương án trên, nhưng đấu thầu qua mạng thì không phải lựa chọn một trong hai phương án giải quyết này. Theo quy định tại khoản 4 Điều 85 Nghị định 63/2014/NĐ-CP nêu trên thì khi có ít hơn 03 nhà thầu nộp hồ sơ thì bên mời vẫn tiến hành thầu mở thầu ngay.
TƯ VẤN MỘT TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ:
3. Đấu thầu rộng rãi mà chỉ có một nhà thầu tham gia
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi có đọc được một bài viết từ bên phía công ty Luật Dương Gia, tuy nhiên nội dung tôi đọc lại thuộc trường hợp đấu thầu không qua mạng còn tình huống bên tôi gặp phải là đấu thầu qua mạng. Tôi mong Luật sư tư vấn như sau. Bên tôi đang thực hiện đấu thầu qua mạng, hình thức đấu thầu rộng rãi, gói thầu xây lắp, khi hết hạn nhưng chỉ có mỗi một nhà thầu tham gia, vậy bên tôi phải giải quyết thế nào?
Luật sư tư vấn:
Như bên bạn trình bày, bên bạn đã tìm hiểu nội dung thông qua một bài viết từ phía công ty. Tuy nhiên trường hợp bên bạn hơi khác so với nội dung bạn đã đọc đó là đấu thầu qua mạng, cách xử lý trường hợp này như thế nào?
Căn cứ pháp lý mà bên bạn có thể áp dụng bao gồm:
– Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2014 quy định chi tiết một số điều của luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.
Nếu thuộc những trường hợp đấu thầu không qua mạng. Trường hợp tại thời điểm đóng thầu đối với gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh, có ít hơn 03 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất thì phải xem xét, giải quyết trong thời hạn không quá 04 giờ, kể từ thời điểm đóng thầu theo một trong hai cách sau đây:
+ Cho phép gia hạn thời điểm đóng thầu nhằm tăng thêm số lượng nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất. Trong trường hợp này phải quy định rõ thời điểm đóng thầu mới và các thời hạn tương ứng để nhà thầu có đủ thời gian sửa đổi hoặc bổ sung hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất đã nộp theo yêu cầu mới;
+ Cho phép mở thầu ngay để tiến hành đánh giá.
Tuy nhiên, nếu là đấu thầu qua mạng thì bạn không phải lựa chọn một trong hai phương án giải quyết trên. Theo quy định Điều 85 Nghị định 63/2014/NĐ-CP nếu không có nhà thầu nộp hồ sơ, bên mời thầu báo cáo chủ đầu tư xem xét tổ chức lại việc lựa chọn nhà thầu qua mạng; trường hợp có ít hơn 03 nhà thầu nộp hồ sơ thì bên mời thầu mở thầu ngay. Như vậy bên bạn sẽ tiến hành mở thầu ngay.