Căn cứ để xác định tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và biện pháp khắc phục hậu quả.
Căn cứ để xác định tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và biện pháp khắc phục hậu quả.
Bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp được hiểu là nhà nước và chủ văn bằng sở hữu công nghiệp sử dụng các phương thức pháp lý để bảo vệ quyền sở hữu các đối tưọng sở hữu công nghiệp của mình, chống lại mọi sự xâm phạm để giữ nguyên vẹn quyền sở hữu các đối tượng này. Quyền sở hữu công nghiệp được bảo vệ bằng các biện pháp hành chính, dân sự và hình sự. Trong đó chủ sở hữu công nghiệp có thể tự bảo vệ hoặc bằng hoạt động của cơ quan nhà nước thông qua việc khởi kiện tại Toà án, hoặc tố cáo với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác như Thanh tra Khoa học và Công nghệ, Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Hải quan, Quản lý thị trường.
1. Cơ sở pháp lý:
– Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BKHCN-BKHĐ.
2. Luật sư tư vấn:
Quy định về xử lý đối với trường hợp tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được quy định tại Điều 19 Luật doanh nghiệp 2014 như sau:
"- Không được sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá nhân đã được bảo hộ để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp được sự chấp thuận của chủ sở hữu tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đó. Trước khi đăng ký đặt tên doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp có thể tham khảo các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã đăng ký và được lưu giữ tại Cơ sở dữ liệu về nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp.
– Căn cứ để xác định tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được thực hiện theo các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ."
Doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu đặt tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Trường hợp tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thì doanh nghiệp có tên vi phạm phải đăng ký đổi tên.
"- Chủ thể quyền sở hữu công nghiệp có quyền đề nghị Phòng Đăng ký kinh doanh yêu cầu doanh nghiệp có tên xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp phải thay đổi tên gọi cho phù hợp. Chủ thể quyền sở hữu công nghiệp có nghĩa vụ cung cấp cho Phòng Đăng ký kinh doanh các tài liệu cần thiết theo quy định tại Khoản 4 Điều này.
– Phòng Đăng ký kinh doanh ra Thông báo yêu cầu doanh nghiệp xâm phạm đổi tên doanh nghiệp khi nhận được thông báo của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp về việc quyền sở hữu công nghiệp bị xâm phạm. Kèm theo thông báo của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp phải có:
+ Bản sao hợp lệ văn bản kết luận của cơ quan có thẩm quyền về việc sử dụng tên doanh nghiệp là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp;
+ Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý; bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ do cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp cấp; bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam do cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp cấp.
– Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ giấy tờ theo quy định tại Khoản 4 Điều này, Phòng Đăng ký kinh doanh ra Thông báo yêu cầu doanh nghiệp có tên xâm phạm đổi tên doanh nghiệp và tiến hành thủ tục thay đổi tên trong thời hạn 02 tháng, kể từ ngày ra Thông báo. Sau thời hạn trên, nếu doanh nghiệp không thay đổi tên theo yêu cầu, Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
– Trường hợp cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, theo đó áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thay đổi tên doanh nghiệp hoặc buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không thực hiện trong thời hạn do pháp luật quy định thì cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm thông báo cho Phòng Đăng ký kinh doanh để yêu cầu doanh nghiệp báo cáo giải trình theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 209 Luật Doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp không báo cáo, Phòng Đăng ký kinh doanh thực hiện thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 211 Luật Doanh nghiệp."
Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BKHCN-BKHĐ ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn xử lý đối với trường hợp tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đã chính thức có hiệu lực thi hành. Theo đó, Thông tư này quy định chi tiết và hướng dẫn về căn cứ xác định tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và các biện pháp khắc phục hậu quả; trình tự, thủ tục thay đổi tên doanh nghiệp, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với trường hợp tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Cụ thể như sau:
* Căn cứ để xác định tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp
– Căn cứ xác định tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp
Căn cứ để xác định tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, do cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hoặc người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp kết luận hoặc quyết định.
– Văn bản kết luận tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp
Văn bản kết luận của cơ quan có thẩm quyền về việc sử dụng tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 19 Nghị định 78/2015/NĐ-CP gồm:
"+ Kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền xử lý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp quy định tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư này.
+ Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của người có thẩm quyền xử phạt, trong đó có áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc thay đổi tên doanh nghiệp, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp."
Văn bản kết luận tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp là kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền xử lý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính của người có thẩm quyền xử phạt, trong đó có áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc thay đổi tên doanh nghiệp, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp.
* Biện pháp khắc phục hậu quả
Biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 6 và Điều 7 Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BKHCN-BKHĐT bao gồm:
"- Biện pháp buộc thay đổi tên doanh nghiệp, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp"
Biện pháp buộc thay đổi tên doanh nghiệp, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp chỉ được áp dụng khi doanh nghiệp vi phạm không chấm dứt hành vi sử dụng tên doanh nghiệp xâm phạm trên hàng hóa, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, biển hiệu, giấy tờ giao dịch hoặc không tiến hành thủ tục đăng ký thay đổi tên doanh nghiệp xâm phạm theo thông báo của Phòng Đăng ký kinh doanh hoặc theo thỏa thuận của các bên.
Khi Quyết định xử phạt vi phạm hành chính có áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc thay đổi tên doanh nghiệp hoặc buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp thì doanh nghiệp thực hiện một hoặc các biện pháp sau đây:
"+ Đăng ký thay đổi tên doanh nghiệp;
+ Thông báo bằng văn bản về việc thay đổi ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp gửi Phòng Đăng ký kinh doanh;
+ Các biện pháp khác theo quy định của pháp luật."
Việc đăng ký thay đổi tên doanh nghiệp, thông báo thay đổi ngành, nghề kinh doanh quy định tại Khoản 2 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
– Biện pháp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Biện pháp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được áp dụng đối với doanh nghiệp vi phạm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thay đổi tên doanh nghiệp hoặc buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính của người có thẩm quyền và doanh nghiệp vi phạm không gửi báo cáo giải trình theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 209 Luật Doanh nghiệp 2014 đến Phòng Đăng ký kinh doanh trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày hết hạn gửi báo cáo hoặc có yêu cầu bằng văn bản.
* Trình tự, thủ tục xử lý vi phạm liên quan đến tên doanh nghiệp
"- Khi nhận được đơn yêu cầu xử lý vi phạm liên quan đến tên doanh nghiệp, cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm có thể yêu cầu bên bị yêu cầu xử lý cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ giải trình theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 25 Nghị định 99/2013/NĐ-CP hoặc tiến hành thanh tra, kiểm tra, xác minh, thu thập chứng cứ. Kết quả của quá trình xử lý vi phạm, cơ quan có thẩm quyền xử lý ra một trong các văn bản sau đây:
+ Văn bản kết luận về việc sử dụng tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, trong đó đánh giá, kết luận tên doanh nghiệp có chứa yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại được bảo hộ; việc sử dụng tên doanh nghiệp đó trên hàng hóa, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, biển hiệu, giấy tờ giao dịch trong lĩnh vực kinh doanh liên quan bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp;
+ Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong đó có áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thay đổi tên doanh nghiệp hoặc buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp."
– Trình tự, thủ tục thay đổi tên doanh nghiệp, thay đổi ngành, nghề kinh doanh và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
"+ Trường hợp cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm ra văn bản kết luận về việc sử dụng tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 8 Thông tư này thì cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm gửi văn bản đó cho chủ thể quyền sở hữu công nghiệp, doanh nghiệp vi phạm và tạo Điều kiện cho các bên tự thỏa thuận, thương lượng trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành văn bản kết luận này.
+ Trường hợp các bên đã đạt được thoả thuận trong thời hạn quy định và đề xuất biện pháp giải quyết phù hợp quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ, không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của bên thứ ba, người tiêu dùng và xã hội theo quy định tại Khoản 2 Điều 27 Nghị định 99/2013/NĐ-CP thì cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm ra văn bản thông báo ghi nhận sự thỏa thuận đó và dừng giải quyết vụ việc;
+ Trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận trong thời hạn quy định thì chủ thể quyền sở hữu công nghiệp có quyền gửi văn bản thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh đề nghị có văn bản yêu cầu doanh nghiệp có tên xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp phải thay đổi tên gọi cho phù hợp. Kèm theo văn bản thông báo của chủ thể quyền phải có đầy đủ các tài liệu, hồ sơ theo quy định tại Khoản 4 Điều 19 Nghị định 78/2015/NĐ-CP."
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ giấy tờ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh ra Thông báo yêu cầu doanh nghiệp có tên xâm phạm đổi tên doanh nghiệp và tiến hành thủ tục thay đổi tên trong thời hạn 02 tháng, kể từ ngày ra Thông báo.
Trong thời hạn 02 tháng, kể từ ngày ra Thông báo, trường hợp doanh nghiệp có tên xâm phạm tiến hành thủ tục thay đổi tên doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh có trách nhiệm thông báo cho cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm, chủ thể quyền sở hữu công nghiệp về việc thay đổi tên doanh nghiệp trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày Phòng Đăng ký kinh doanh chấp thuận.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn thực hiện thủ tục thay đổi tên quy định tại Khoản 2 Điều này, trường hợp doanh nghiệp có tên xâm phạm không tiến hành thủ tục thay đổi tên doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh có trách nhiệm thông báo cho cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, đồng thời thông báo cho cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
* Trình tự, thủ tục thay đổi tên doanh nghiệp, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong trường hợp có quyết định xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp
"- Trường hợp người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 8 Thông tư này thì cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho các bên liên quan và Phòng Đăng ký kinh doanh để biết. Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành, doanh nghiệp vi phạm có trách nhiệm tiến hành thay đổi tên doanh nghiệp, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư này.
– Trường hợp doanh nghiệp vi phạm không tiến hành thủ tục thay đổi tên doanh nghiệp, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt nêu tại Khoản 1 Điều này, cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm thông báo cho Phòng Đăng ký kinh doanh để phối hợp xử lý."
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm, Phòng Đăng ký kinh doanh ra Thông báo yêu cầu doanh nghiệp báo cáo giải trình theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 209 Luật Doanh nghiệp.
"- Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn báo cáo giải trình theo yêu cầu của Phòng Đăng ký kinh doanh, trường hợp doanh nghiệp vi phạm không thực hiện báo cáo giải trình, Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo cho cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư để xử lý hành chính theo quy định của pháp luật.
– Sau thời hạn 06 tháng, kể từ ngày hết thời hạn báo cáo giải trình theo quy định tại Khoản 2 Điều này, trường hợp doanh nghiệp không báo cáo giải trình theo yêu cầu, Phòng Đăng ký kinh doanh có trách nhiệm thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo trình tự, thủ tục quy định tại Khoản 4 Điều 63 Nghị định 78/2015/NĐ-CP."