Tên doanh nghiệp vi phạm quy định về sở hữu công nghiệp bị xử lý như thế nào?
Tên doanh nghiệp là yếu tố quan trọng được kiểm tra ngay từ bước đăng ký doanh nghiệp. Tuy vậy, do quá trình kiểm tra tên doanh nghiệp phức tạp không tránh khỏi sai sót mà tên doanh nghiệp ko đúng quy đinh pháp luật vẫn được thông qua. Đối với trường hợp tên doang nghiệp vi phạm quy định về sở hữu công nghiệp là một sai sót thường gặp được xử lý như sau:
Căn cứ Điều 17 Nghị định 43/2010/NĐ-CP quy định doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu đặt tên doanh nghiệp vi phạm các quy định về sở hữu trí tuệ, cũng chính là vi phạm về sở hữu công nghiệp. Trường hợp tên của doanh nghiệp vi phạm các quy định về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp thì doanh nghiệp có tên vi phạm phải đăng ký đổi tên.
Quyền của chủ sở hữu công nghiệp: khi phát hiện tên doanh nghiệp vi phạm chủ sở hữu có quyền đề nghị doanh nghiệp có tên xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của mình phải thay đổi tên gọi cho phù hợp. Chủ sở hữu công nghiệp có nghĩa vụ cung cấp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh các tài liệu cần thiết chứng minh sự vi phạm này.
Hồ sơ yêu cầu xử lý: cơ quan đăng ký kinh doanh ra thông báo yêu cầu doanh nghiệp xâm phạm đổi tên doanh nghiệp khi nhận được thông báo của chủ sở hữu công nghiệp về việc quyền sở hữu công nghiệp bị vi phạm, kèm theo thông báo của chủ sở hữu công nghiệp phải có, gồm:
– Bản sao hợp lệ Văn bản kết luận của cơ quan có thẩm quyền về việc sử dụng tên doanh nghiệp là vi phạm quyền sở hữu công nghiệp;
– Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý do Cục Sở hữu trí tuệ cấp đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam hoặc bản sao Công báo nhãn hiệu quốc tế của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới hoặc công báo sở hữu công nghiệp có xác nhận của Cục sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu đăng ký quốc tế; tài liệu chứng minh tên thương mại được sử dụng một cách hợp pháp, liên tục trong thời gian trước khi tên doanh nghiệp bị tranh chấp được đăng ký đối với tên thương mại.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Thời hạn xử lý: trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ giấy tờ trên, cơ quan đăng ký kinh doanh ra thông báo yêu cầu doanh nghiệp có tên vi phạm đổi tên doanh nghiệp và làm thủ tục thay đổi tên trong thời hạn hai tháng, kể từ ngày ra thông báo.
Sau thời hạn trên, nếu doanh nghiệp không thay đổi tên theo yêu cầu, Cơ quan đăng ký kinh doanh thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.