Vợ chồng chung sống với nhau từ năm 1987 mà không có giấy đăng ký kết hôn thì xử lý tranh chấp tài sản chung và nợ chung như thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Năm 1987, ba mẹ tôi sống chung với nhau nhưng không có đăng ký kết hôn. Họ sống với nhau đến năm 2007 thì chia tay đến nay. Có tôi là con chung đã trưởng thành và sống cùng với mẹ. Bây giờ ba tôi muốn đơn phương ly hôn (để chấm dứt quan hệ) vì ba tôi có vợ mới, vụ án đã xử xong ngày 27/05/2015 với kết quả là mẹ tôi ra đi tay trắng do cả 2 đều không có nợ chung hay tài sản chung. Mong luật sư tư vấn giúp tôi, kết quả đó có phù hợp với Luật HN&GĐ 2014 cụ thể ở khoản 2 điều 16. Xin cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Điều 2 Văn bản hợp nhất 8016/2013/VBHN-BTP ngày 10 tháng 12 năm 2013 quy định về nghĩa vụ đăng ký kết hôn như sau:
“2. Nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03 tháng 01 năm 1987 đến ngày 01 tháng 01 năm 2001 mà có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, thì có nghĩa vụ đăng ký kết hôn. Từ sau ngày 01 tháng 01 năm 2003 mà họ không đăng ký kết hôn, thì pháp luật không công nhận họ là vợ chồng.”
Như vậy, trong trường hợp này ba mẹ bạn đến thời điểm 01/01/2001 mà không đăng ký kết hôn thì pháp luật sẽ không công nhận quan hệ này là quan hệ vợ chồng hợp pháp.
Do đó, khi ba bạn muốn đơn phương ly hôn thì tòa án sẽ không thụ lý việc ly hôn này vì trên thực tế ba mẹ bạn không được công nhận quan hệ hôn nhân, tòa án chỉ tiến hành xem xét việc tranh chấp về con chung và tài sản chung xảy ra giữa hai người.
Điều 16 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn như sau:
“1. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.”
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Trong vụ việc mà bạn nêu trên, nếu giữa ba và mẹ bạn không có nợ chung, tài sản chung thì tài sản của riêng người nào sẽ thuộc quyền sở hữu của người đó. Tòa án xử lý như vậy là hoàn toàn đúng với quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình. Chỉ trong trường hợp có nợ chung hay tài sản chung thì tòa án mới tiến hành chia theo quy định tại Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014:
“Điều 59: Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn
1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.
Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.
2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.
4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.
Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.
5. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
6. Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn Điều này.”
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.