Giao dịch vay có tài sản bảo đảm là biện pháp cầm cố là hình thức phổ biến, hạn chế tối đa rủi ro hiện nay. Vậy, trong trường hợp người đi vay không trả được nợ thì sẽ phải xử lý khoản vay quá hạn có tài sản cầm cố như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Xử lý khoản vay quá hạn có tài sản cầm cố như thế nào?
1.1. Khoản vay quá hạn được hiểu như thế nào?
Vay quá hạn được xem là các khoản vay tới thời hạn phải thanh toán nhưng khách hàng không đủ khả năng thanh toán hoặc có khả năng thanh toán nhưng không thanh toán theo đúng thời hạn đã quy định dựa trên sự thỏa thuận của các bên khi tiến hành giao kết hợp đồng vay, việc vay tiền quá sẽ làm ảnh hưởng tới chủ thể cho vay đó là ngân hàng và lúc này thì bạn sẽ được đưa vào nhóm nợ quá hạn. Hiện nay thì theo quy định của pháp luật, nợ quá hạn sẽ được chia thành hai loại, cụ thể như:
Thứ nhất, nợ quá hạn có tài sản bảo đảm: Đây được xác định là các khoản vay có tài sản bảo đảm nhưng chưa được giải chấp khi tới hạn. Đối với các khoản vay quá hạn có tài sản bảo đảm thì rất có thể tài sản bảo đảm này sẽ được đem đi xử lý để trả nợ qua đó nhằm đảm bảo quyền lợi cho bên ngân hàng.
Thứ hai, nợ quá hạn nhưng không có tài sản bảo đảm. Đây là các khoản vay tín chấp dựa trên uy tín và danh dự của các chủ thể mà không có tài sản bảo đảm như thế chấp hoặc cầm cố … khi tới hạn thì các chủ thể đã không thanh toán được. Đối với các khoản vay này thì người đi vay sẽ bị xếp vào các nhóm nợ xấu và ngân hàng khả năng cao là sẽ bị mất quyền lợi, đó là bị mất vốn do không có tài sản để bù trừ cho khoản nợ.
1.2. Xử lý khoản vay quá hạn có tài sản cầm cố như thế nào?
Để trả lời cho câu hỏi: xử lý khoản vay quá hạn có tài sản cầm cố như thế nào? Thì trước tiên cần hiểu cầm cố tài sản là gì. Theo quy định của pháp luật hiện nay cụ thể là tại Điều 292 của Bộ luật Dân sự năm 2015 hiện hành thì có quy định về 09 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, trong đó có biện pháp cầm cố tài sản. Cầm cố tài sản chính là việc một bên giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên còn lại để đảm bảo thực hiện một nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Và đến hạn nếu như bên vay mà không trả được nợ thì các chủ thể cho vay có thể xử lý tài sản cầm cố bằng cách bán tài sản cầm cố đó và dùng số tiền bán được để trừ nợ, hoặc là bên cho vay có thể nhận chính tài sản đó để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ của bên vay. Nhìn chung thì tài sản dùng để cầm cố thường là động sản và là tài sản có thể di dời như xe máy, điện thoại hoặc tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng … Nhìn chung thì quá trình xử lý khoản vay quá hạn đối với các khoản vay có tài sản cầm cố cụ thể như sau:
Bước 1: Phê duyệt chủ trương xử lý tài sản bảo đảm, bộ phận quản lý khách hàng sẽ lập báo cáo đề xuất xử lý tài sản bảo đảm trình lên cấp có thẩm quyền để tiến hành xem xét và phê duyệt.
Bước 2: Thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ. Trước khi xử lý tài sản bảo đảm tiền ngân hàng với tư cách là người sử lý tài sản sẽ phải thông báo bằng văn bản về việc xử lý tài sản bảo đảm cho các bên cùng nhận bảo đảm khác theo địa chỉ được bên bảo đảm cung cấp hoặc đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật về đăng ký tài sản bảo đảm.
Bước 3: Tổ chức xử lý tài sản theo một trong các phương thức như bán đấu giá tài sản, ngân hàng sẽ tự bán tài sản hoặc nhận chính tài sản đó để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ hoặc các phương thức khác phù hợp với quy định của pháp luật.
Bước 4: Thanh toán tiền thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm. Số tiền thu được từ quá trình xử lý tài sản bảo đảm được thanh toán theo thứ tự như sau: các chi phí cần thiết để xử lý tài sản bảo đảm, thuế và các khoản phí nộp ngân sách nhà nước (nếu có), thanh toán nghĩa vụ cho bên nhận bảo đảm.
Bước 5: Làm thủ tục giải chấp tài sản bảo đảm và trả lại hồ sơ tài sản cho bên bảo đảm hoặc bên nhận chuyển nhượng tài sản. Sau khi thực hiện thành công một trong các biện pháp xử lý tài sản nêu trên thì việc thanh toán thu hồi nợ từ việc xử lý tài sản bảo đảm chính là khâu cuối cùng trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm.
2. Vay quá hạn bao lâu thì sẽ bị khởi kiện theo quy định của pháp luật:
Thực tế cho thấy, đối với các khoản vay chậm thanh toán thì chủ thể cho vay là ngân hàng đều sẽ không tiến hành khởi kiện ra tòa ngay lập tức mà sẽ lập hồ sơ và giao hồ sơ cho bộ phận xử lý nợ để tiến hành quy trình xử lý nợ nội bộ của ngân hàng, do đó có thể thấy phương án khởi kiện chính là phương án cuối cùng khi đã thực hiện hết tất cả các biện pháp thu hồi nợ, tương ứng với mức độ phân loại nợ theo quy định của pháp luật mà ngân hàng là chủ thể cho vay sẽ áp dụng các phương thức xử lý nợ khác nhau sao cho phù hợp với thực tế. Theo quy định của pháp luật hiện nay cụ thể là tại Điều 429 của Bộ luật Dân sự năm 2015, pháp luật hiện nay quy định trong thời hạn 03 năm được tính kể từ ngày đến hạn trả nợ do các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng phù hợp với quy định của pháp luật, mà người vay đã không trả nợ hoặc không có khả năng trả nợ thì được coi là hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng, khi đó chủ thể cho vay là ngân hàng hoàn toàn có thể khởi kiện bên tay, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Vậy khi đến hạn thanh toán, mà bên vay không trả đủ tiền nợ và không thực hiện đúng nghĩa vụ theo như thỏa thuận trong hợp đồng, dẫn đến hành vi vi phạm nghĩa vụ trả tiền theo như hợp đồng vay thì chủ thể cho vay là bên ngân hàng hoàn toàn có thể khởi kiện đến tòa án có thẩm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định tại Điều 186 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 hiện hành, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
3. Cần làm gì khi nhận được thông báo nợ quá hạn của ngân hàng?
Có thể nói, xuất phát từ nhiều lý do khác nhau mà bên vay có thể sẽ không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ của mình khi đến hạn. Đây là điều mà các chủ thể đi vay không muốn bị vướng phải. Vậy thì sau khi nhận được thông báo quá nợ của ngân hàng chúng ta cần phải làm gì sao cho phù hợp? khi rơi vào trường hợp đó chúng ta cần phải bình tĩnh và nhìn nhận rõ vấn đề. Chúng ta cần phải hiểu về nợ quá hạn và cách phân loại đã quá hạn của ngân hàng để có thể xử lý sao cho phù hợp. Hiện nay theo quy định của pháp luật thì ngân hàng nhà nước sẽ phân nợ quá hạn thành các loại như sau:
– Nhóm 1 (hay còn gọi là nợ đủ tiêu chuẩn) bao gồm: Nợ trong hạn và được đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ cả nợ gốc và lãi đúng hạn; nợ quá hạn dưới 10 ngày và được đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ nợ gốc và lãi bị quá hạn và thu hồi đầy đủ nợ gốc và lãi còn lại đúng thời hạn;
– Nhóm 2 (hay còn gọi là nợ cần chú ý) bao gồm: Nợ quá hạn từ 10 ngày đến 90 ngày;
– Nhóm 3 (hay còn gọi là nợ dưới tiêu chuẩn) bao gồm: Nợ quá hạn từ 91 ngày đến 180 ngày;
– Nhóm 4 (hay còn gọi là nợ nghi ngờ) bao gồm: Nợ quá hạn từ 181 ngày đến 360 ngày;
– Nhóm 5 (hay còn gọi là nợ có khả năng mất vốn) bao gồm: Nợ quá hạn trên 360 ngày.
Như vậy thì ngay sau khi nhận được thông báo quá hạn của ngân hàng thì chúng ta cần phải xem lại được trả nợ của mình, nếu như xét thấy mình đã chậm trả thì cần phải liên hệ ngay với bên ngân hàng để nộp số tiền đó, nếu như rơi vào hoàn cảnh khó khăn không thể chi trả thì có thể liên hệ với bên ngân hàng để thương thảo với ngân hàng về vấn đề cơ cấu lại khoản nợ. Bởi vấn đề nợ xấu sẽ được cập nhật lên Trung tâm CIC quốc gia khi đó sẽ làm giảm uy tín của các chủ thể đi vay. Đây là một trong những khó khăn đầu tiên mà ngân hàng sẽ chú ý đến bạn khi bạn tiếp tục có mong muốn vay vốn tại một ngân hàng khác. Vì vậy có thể thấy, để duy trì sự uy tín cũng như để tạo thuận lợi cho các lần sau thì bạn nên lưu ý về vấn đề nộp đầy đủ các khoản nợ gốc và lãi đúng hạn theo đúng quy định của pháp luật và theo thỏa thuận của các bên một cách đầy đủ, tránh trường hợp nợ quá hạn để kéo theo những rủi ro và khó khăn không đáng có.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự năm 2015.