Việc giải quyết ly hôn phải được thực hiện tại Toà án nhân dân có thẩm quyền. Vậy làm thế nào để xác định được thẩm quyền của Toà án giải quyết ly hôn? Phải xử lý như thế nào khi Tòa án từ chối đơn ly hôn không đúng thẩm quyền?
Mục lục bài viết
1. Pháp luật quy định như thế nào về thẩm quyền giải quyết ly hôn của Toà án?
Việc xác định thẩm quyền của Toà án giải quyết ly hôn phải dựa vào hai yếu tố: cấp có thẩm quyền và lãnh thổ, địa lý. Cụ thể như sau:
– Thứ nhất, xác định Toà án có thẩm quyền theo cấp bậc hành chính: Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì thẩm quyền giải quyết đơn phương ly hôn thuộc về Toà án nhân dân cấp huyện.
– Thứ hai, xác định Toà án có thẩm quyền theo lãnh thổ, địa lý: Theo đó, căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 thì tuỳ vào từng trường hợp đơn phương ly hôn hay thuận tình ly hôn sẽ xác định được Toà án nhân dân có thẩm quyền giải quyết, cụ thể:
+ Đối với trường hợp ly hôn đơn phương: Nguyên đơn (vợ hoặc chồng) sẽ nộp hồ sơ yêu cầu giải quyết ly hôn đơn phương tại Toà án nhân dân cấp quận huyện nơi bị đơn (chồng hoặc vợ) đang cư trú (thường trú hoặc tạm trú), làm việc. Theo đó, nếu ly hôn theo diện ly hôn đơn phương thì khi xác định Toà án nhân dân có thẩm quyền phải dựa vào nơi cư trú hoặc làm việc của bị đơn.
Lưu ý: Trong trường hợp bị đơn không có nơi cư trú, làm việc tại Việt Nam thì nguyên đơn sẽ được quyền chọn Toà án giải quyết ly hôn đơn phương theo quy định tại khoản 1 Điều 40 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.
+ Đối với trường hợp ly hôn thuận tình: Vợ, chồng có thể thoả thuận với nhau về việc nộp hồ sơ tại Toà án nhân dân cấp huyện nơi vợ hoặc chồng đang cư trú, làm việc.
Như vậy, việc giải quyết ly hôn thuộc về Toà án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn (đối với đơn phương ly hôn) hoặc nơi vợ hoặc chồng (đối với thuận tình ly hôn) đang cứ trú, làm việc.
Ngoài ra, trong một số trường hợp đặc biệt thì việc xác định Toà án thuộc cấp có thẩm quyền được lưu ý thực hiện như sau: Theo quy định của Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành thì yêu cầu ly hôn có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân cấp tỉnh. Tuy nhiên, đối với trường hợp ngoại lệ, nếu việc ly hôn diễn ra với công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới ở Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết vẫn thuộc Toà án nhân cấp huyện theo quy định tại khoản 4 Điều 35 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.
2. Xử lý khi Tòa án từ chối đơn ly hôn không đúng thẩm quyền:
Theo như phân tích tại mục 1 của bài viết này thì khi nộp hồ sơ yêu cầu giải quyết ly hôn, người nộp hồ sơ phải nộp tại đúng Toà án nhân dân có thẩm quyền về cả cấp bậc hành chính và vị trí địa lý, lãnh thổ. Do đó mà khi người có yêu cầu giải quyết ly hôn mà nộp hồ sơ tại Toà án nhân dân không đúng thẩm quyền thì Toà án nơi tiếp nhận hồ sơ sẽ từ chối tiếp nhận và hướng dẫn cũng như yêu cầu người nộp hồ sơ thực hiện nộp đúng tại Toà án nhân dân có thẩm quyền.
Theo đó, người nộp hồ sơ yêu cầu giải quyết ly hôn sẽ phải xác định được hồ sơ yêu cầu giải quyết ly hôn của mình thuộc diện ly hôn thuận tình hay ly hôn đơn phương. Nếu ly hôn thuận tình thì sẽ tiến hành thoả thuận nộp hồ sơ tại Toà án nhân dân cấp quận/ huyện nơi vợ hoặc chồng cư trú, làm việc. Nếu là ly hôn theo diện đơn phương ly hôn thì bên nguyên đơn phải xác định được cụ thể nơi cư trú (tạm trú hoặc thường trú) hoặc nơi làm việc của bị đơn để xác định được chính xác lãnh thổ của Toà án có thẩm quyền. Nếu ly hôn có yêu tố nước ngoài thì sẽ nộp hồ sơ tại Toà án nhân dân cấp tỉnh hoặc thuộc trường hợp đặc biệt tại khoản 4 Điều 35 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 thì vẫn nộp hồ sơ tại Toà án nhân dân cấp quận/ huyện có thẩm quyền.
Trong trường hợp Toà án nhân dân không có thẩm quyền giải quyết ly hôn những đã tiếp nhận và thụ lý thì phải lập tức chuyển hồ sơ về Toà án nhân dân có thẩm quyền giải quyết và tiến hành xoá tên vụ án trong sổ thụ lý của Toà án theo quy định tại Điều 14 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015. Sau khi chuyển hồ sơ về Toà án nhân dẫn có thẩm quyền thì phải gửi ngay Quyết định đến các đương sự có liên quan trong vụ, việc ly hôn này.
3. Thủ tục giải quyết ly hôn tại Toà án nhân dân có thẩm quyền:
Để giải quyết ly hôn thì vợ, chồng phải nộp hồ sơ và giải quyết tại Toà án nhân dân có thẩm quyền. Để hoàn tất thủ tục ly hôn thì hai bên vợ, chồng phải thực hiện theo trình tự, thủ tục sau:
3.1. Chuẩn bị hồ sơ yêu cầu giải quyết ly hôn:
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì khi yêu cầu giải quyết ly hôn, vợ, chồng cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ bao gồm đầy đủ các giấy tờ, tài liệu sau:
– Đơn khởi kiện đơn phương ly hôn (đối với trường hợp ly hôn đơn phương) hoặc Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn (đối với trường hợp ly hôn thuận tình);
– Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn;
– Bản sao Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân của vợ và chồng;
– Trích lục bản sao Giấy khai sinh của các con chung (nếu có);
– Bản sao Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản chung (nếu có);
– Các giấy tờ chứng minh về công nợ chung của hai vợ chồng (nếu có);
Một số lưu ý:
– Trong trường hợp vợ, chồng yêu cầu ly hôn mất Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn thì phải liên hệ với cơ quan hộ tịch- tư pháp tại Uỷ ban nhân dân cấp xã/ phường nơi đã cấp Bản gốc Đăng ký kết hôn của hai vợ chồng để xin lại Trích lục Giấy đăng ký kết hôn;
– Khi không có Bản sao Căn cước công dân/ Chứng minh thư nhân dân của hai vợ chồng hoặc của vợ hoặc chồng thì vẫn nộp hồ sơ và trình bày để Toà án hướng dẫn nộp giấy tờ tuỳ thân thay thế;
– Từ ngày 01/1/2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã bị khai từ theo quy định tại Điều 38 Luật Cư trú năm 2020 nên việc quản lý dân sự sẽ được thực hiện thông qua Hệ thống dữ liệu quốc gia hay còn gọi là Sổ hộ khẩu điện tử. Do đó, trong hồ sơ yêu cầu giải quyết ly hôn tại Toà án không còn Bản sao sổ Hộ khẩu nữa mà thay vào đó, theo yêu cầu của Toà án để xác minh cư trú thì người nộp hồ sơ có thể xin Giấy xác nhận cư trú theo mẫu CT07 được ban hành kèm theo Thông tư số 56/2021/TT-BCA.
3.2. Nộp hồ sơ yêu cầu giải quyết ly hôn tại Toà án nhân dân có thẩm quyền:
Sau khi chuẩn bị 01 bộ hồ sơ gồm đầy đủ giấy tờ, tài liệu nêu trên thì người có yêu cầu sẽ nộp hồ sơ tại Toà án nhân dân cấp quận/ huyện có thẩm quyền giải quyết:
– Đối với trường hợp ly hôn đơn phương: Nộp hồ sơ tại Toà án nhân dân cấp quận/ huyện nơi bị đơn cứ trú, làm việc;
– Đối với trường hợp ly hôn thuận tình: Vợ, chồng có thể thoả thuận về việc nộp hồ sơ tại Toà án nhân dân cấp quận/ huyện nơi vợ hoặc chồng đang cư trú, làm việc.
Tuy nhiên, đối với trường hợp ly hôn có yếu tố nước ngoài (vợ hoặc chồng đang cứ trú hoặc làm việc ở nước ngoài) thì nguyên đơn sẽ gửi hồ sơ yêu cầu giải quyết ly hôn tại Toà án nhân dân cấp tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương nơi cư trú cuối cùng của bị đơn tại Việt Nam. Nếu thuộc trường hợp đặc biệt theo quy định tại khoản 4 Điều 35 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì vẫn nộp hồ sơ tại Toà án nhân dân cấp quận/ huyện có thẩm quyền.
3.3. Toà án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết hồ sơ:
Toà án nhân dân cấp quận/ huyện có thẩm quyền có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ yêu cầu giải quyết ly hôn, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ. Nếu hồ sơ chưa bảo đảm tính hợp lệ thì cán bộ tiếp nhận có trách nhiệm thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ sửa đổi, bổ sung hồ sơ hợp lệ. Nếu hồ sơ đã hợp lệ thì cán bộ sẽ lập Phiếu tiếp nhận và ra Thông báo nộp tiền tạm ứng án phí cho người nộp hồ sơ. Người nộp hồ sơ sẽ nộp tiền tạm ứng án phí tại Chi cục/ Cục Thi hành án dân sự cùng cấp với Toà án để được thụ lý, giải quyết vụ, việc hôn nhân.
Sau đó, Toà án sẽ tiến hành thụ lý và giải quyết hồ sơ, yêu cầu ly hôn theo trình tự, thủ tục được quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015;
– Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.