Xử lý khi quá hạn nộp phạt vi phạm giao thông. Quy trình xử phạt hành chính về giao thông đường bộ.
Xử lý khi quá hạn nộp phạt vi phạm giao thông. Quy trình xử phạt hành chính về giao thông đường bộ.
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi bị lập biên bản giao thông, tịch thu bằng lái xe. Do làm ăn xa nên sau 1 năm tôi mới đi đóng phạt nhưng bên giao thông đã hủy bằng lái. Vậy giờ tôi làm lại bằng mới thì có cần đóng phạt hay làm gì để làm lại bằng mới không? Cảm ơn luật sư.
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Luật xử lý vi phạm hành chính 2012;
– Thông tư số 58/2015/TT-BGTVT.
2. Luật sư tư vấn:
Căn cứ Điều 78 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định về việc nộp tiền phạt khi bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:
"1. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt, cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt, trừ trường hợp đã nộp tiền phạt quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này. Nếu quá thời hạn nêu trên, thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.
2. Tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi mà việc đi lại gặp khó khăn thì cá nhân, tổ chức bị xử phạt có thể nộp tiền phạt cho người có thẩm quyền xử phạt. Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm thu tiền phạt tại chỗ và nộp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong thời hạn không quá 07 ngày, kể từ ngày thu tiền phạt.
Trường hợp xử phạt trên biển hoặc ngoài giờ hành chính, người có thẩm quyền xử phạt được thu tiền phạt trực tiếp và phải nộp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày vào đến bờ hoặc ngày thu tiền phạt.
3. Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính bị phạt tiền phải nộp tiền phạt một lần, trừ trường hợp quy định tại Điều 79 của Luật này.
Mọi trường hợp thu tiền phạt, người thu tiền phạt có trách nhiệm giao chứng từ thu tiền phạt cho cá nhân, tổ chức nộp tiền phạt.”
Như vậy, theo quy định của pháp luật, trong thời gian được ấn định là 10 ngày trong trường hợp bình thường thì người bị xử phạt vi phạm hành chính phải nộp phạt, việc nộp phạt được thực hiện theo nguyên tắc nộp một lần trừ trường hợp có quyết định nộp tiền phạt nhiều lần theo quy định. Vì vậy, trong trường hợp bạn bị giữ bằng lái xe, sau đó do quá thời hạn lâu ngày đã bị hủy, khi làm lại bằng mới, bạn vẫn phải thực hiện nộp tiền phạt đối với hành vi vi phạm trước đó của mình, đồng thời mỗi ngày chậm nộp phải nộp thêm 0.05% tổng số tiền phạt chưa nộp.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua tổng đài: 1900.6568
Về thủ tục cấp giấy phép lái xe: do bằng lái xe của bạn đã bị hủy thì bạn phải làm thủ tục xin cấp Giấy phép lái xe, được quy định cụ thể tại Thông tư số 58/2015/TT-BGTVT. Hồ sơ dự sát hạch lái xe do bị mất giấy phép gồm :
+ Bản sao giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn có ghi số giấy chứng minh nhân dân đối với người Việt Nam; hộ chiếu còn thời hạn đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài;
+ Đơn đề nghị đổi, cấp lại giấy phép lái xe theo mẫu quy định tại Phụ lục 27 ban hành kèm theo Thông tư 58/2015/TT-BGTVT có ghi ngày tiếp nhận hồ sơ của cơ quan tiếp nhận;
+ Bản chính hồ sơ gốc của giấy phép lái xe bị mất (nếu có).
+ Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ sở ý tế có thẩm quyền cấp.