Xử lý hành vi xây chuồng heo trên đất nông nghiệp gây ô nhiễm. Xử lý hành vi gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi.
Tóm tắt câu hỏi:
Thưa luật sư, hàng xóm trước nhà tôi lấn đất nông nghiệp để xây chuồng heo, nó ảnh hưởng tới cuộc sống gia đình vì mùi hôi thối, vậy tôi có thể kiện được không và thủ tục như thế nào? Xin cảm ơn.
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Luật đất đai 2013;
– Luật bảo vệ môi trường 2014;
– Nghị định 178/2013/NĐ-CP;
– Nghị định 167/2013/NĐ-CP;
– Nghị định 102/2014/NĐ-CP.
2. Luật sư tư vấn:
Thứ nhất, nhà hàng xóm của gia đình bạn có hành vi lấn đất nông nghiệp để xây chuồng heo, hành vi này vi phạm quy định Luật đất đai 2013, sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Nghị định 102/2014/NĐ-CP chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép:
“2. Chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang đất phi nông nghiệp thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,5 héc ta;
b) Phạt tiền từ trên 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 03 héc ta;
c) Phạt tiền từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 03 héc ta trở lên.”
Thứ hai, việc xây dựng chuồng heo gây mùi hôi thối đã vi phạm quy định tại Điều 69 Luật bảo vệ môi trường 2014 về bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp:
“- Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y phải thực hiện quy định về bảo vệ môi trường tại khoản 1 và khoản 2 Điều 78 của
Luật bảo vệ môi trường 2014 .– Phân bón, sản phẩm xử lý môi trường chăn nuôi đã hết hạn sử dụng; dụng cụ, bao bì đựng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y sau khi sử dụng phải được xử lý theo quy định về quản lý chất thải.
>>>
– Khu chăn nuôi tập trung phải có phương án bảo vệ môi trường và đáp ứng yêu cầu sau:
+ Bảo đảm vệ sinh môi trường đối với khu dân cư;
+ Thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn theo quy định về quản lý chất thải;
+ Chuồng, trại phải được vệ sinh định kỳ; bảo đảm phòng ngừa, ứng phó dịch bệnh;
+ Xác vật nuôi bị chết do dịch bệnh phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại và vệ sinh phòng bệnh”.
Thứ ba, đối với hành vi thải mùi hôi thối vào môi trường sẽ bị xử phạt hành chính từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng quy định tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định 178/2013/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, hành vi của người hàng xóm còn có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 7 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:
“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
e) Nuôi gia súc, gia cầm, động vật gây mất vệ sinh chung ở khu dân cư.”
Như vậy với việc gây ô nhiễm không khí trong khu dân cư thì hộ gia đình đó đã vi phạm quy định Luật bảo vệ môi trường 2014 và có trách nhiệm phục hồi môi trường và bồi thường thiệt hại tùy theo mức độ gây ô nhiễm.
Để đảm bảo quyền lợi cho gia đình, bạn có thể làm đơn tố cáo gửi trực tiếp tới Ủy ban nhân dân cấp xã nơi bạn đang cư trú để yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết cho bạn.