Di chúc thất lạc, hư hại là như thế nào? Chia di sản thừa kế theo pháp luật khi di chúc bị thất lạc? Di chúc được tìm thấy trước khi chia di sản? Di chúc bị thất lạc được tìm thấy sau khi chia di sản được chia?
Việc các chủ thể xử lý khi di chúc bị thất lạc có thể gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của những người thừa kế. Di chúc là văn bản thể hiện ý chí của người có tài sản trước khi chết nhằm mục đích để phân chia tài sản đó. Pháp luật dân sự Việt Nam hiện hành quy định rằng ý chí của cá nhân phải được thể hiện dưới dạng văn bản và gọi chung là di chúc. Hiện nay, trong thực tế cuộc sống không phải bất cứ ai cũng có thể bảo quản, giữ gìn những bản di chúc này một cách cẩn thận, chu đáo. Đôi khi vì nhiều lý do khách quan, chủ quan những bản di chúc đã được lập có thể bị thất lạc hoặc hư hại. Xuất phát từ thực tiễn cuộc sống có thể xảy ra những trường hợp như vậy,
Mục lục bài viết
1. Di chúc thất lạc, hư hại là như thế nào?
Bộ luật dân sự năm 2015 được ban hành đã đưa ra quy định về di chúc thất lạc, hư hại tuy nhiên lại không có định nghĩa rõ ràng như thế nào là di chúc thất lạc, như thế nào là hư hại.
Ta có thể hiểu một cách đơn giản thì thất lạc là các chủ thể để lạc mất, không tìm thấy di chúc, do vậy nên di chúc thất lạc được hiểu là di chúc bị đã được lập, có tồn tại trong thực tế nhưng tất cả các chủ thể có liên quan đều không biết di chúc đó đang được để ở đâu.
Còn hư hại cũng theo cách hiểu thông thường là bị hỏng, bị thiệt hại, không còn nguyên vẹn như khi di chúc được lập ra lúc đầu. Chính bởi do vậy mà di chúc bị hư hại được hiểu là bản di chúc đã được lập, có tồn tại trên thực tế nhưng di chúc đó không còn nguyên vẹn, nguyên bản như lúc ban đầu, có thể bị hư hỏng một phần hoặc toàn bộ di chúc.
2. Quy định của pháp luật về di chúc bị thất lạc, hư hại:
Theo Điều 624 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm mục đích để chuyển tài sản của mình cho người khác. Di chúc được thể dưới hai hình thức do pháp luật quy định đó là di chúc bằng văn bản và di chúc bằng miệng. Đối với trường hợp di chúc được lập bằng văn bản trong quãng thời gian từ khi di chúc được lập cho đến khi di sản được chia, có thể xảy ra tình trạng thất lạc, hư hỏng, khi đó việc chia di sản sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật tùy theo từng trường hợp cụ thể. Dự liệu được vấn đề này Điều 642 Bộ luật dân sự năm 2015 đã đưa ra quy định về chia di sản khi di chúc bị thất lạc, hư hại với nội dung cụ thể như sau:
“Điều 642. Di chúc bị thất lạc, hư hại
1. Kể từ thời điểm mở thừa kế, nếu bản di chúc bị thất lạc hoặc bị hư hại đến mức không thể hiện được đầy đủ ý chí của người lập di chúc và cũng không có bằng chứng nào chứng minh được ý nguyện đích thực của người lập di chúc thì coi như không có di chúc và áp dụng các quy định về thừa kế theo pháp luật.
2. Trường hợp di sản chưa chia mà tìm thấy di chúc thì di sản được chia theo di chúc.
3. Trong thời hiệu yêu cầu chia di sản, trường hợp di sản đã chia mà tìm thấy di chúc thì phải chia lại theo di chúc nếu người thừa kế theo di chúc yêu cầu.”
Hiện nay, việc chia di sản chỉ diễn ra sau khi người lập di chúc qua đời. Chính bởi vì vậy mà khi di chúc bị hư hỏng, thất lạc sẽ không có người để đối chứng, lúc này việc lập di chúc sẽ bị vô hiệu và tài sản của người đã chết sẽ được chia theo quy định về thừa kế theo pháp luật. Chia di chúc bị thất lạc, hư hại theo pháp luật chỉ diễn ra khi bản di chúc bị thất lạc hoặc hư hại đến mức không thể hiện được đúng, đầy đủ ý chí của người lập di chúc, cũng không có bằng chứng chứng minh được ý nguyện đích thực của người lập di chúc. Di chúc bằng văn bản được thể hiện bằng chữ viết trên giấy, do đó khi các chủ thể tham gia vào việc bảo quản, giữ gìn di chúc không tốt có thể dễ dàng làm mất hoặc hư hại di chúc.
Như vậy, ta cũng có thể hiểu rằng, nếu có căn cứ chứng minh được di chúc có tồn tại trên thực tế và nội dung của di chúc là ý chí đích thực của người lập di chúc thì di sản sẽ được áp dụng các quy định để chia theo thừa kế theo di chúc. Và, ngược lại, nếu di chúc bị thất lạc và không có bằng chứng nào chứng minh được ý nguyện đích thực của người lập di chúc thì sẽ coi như không có di chúc và áp dụng các quy định về thừa kế theo pháp luật theo đúng quy định của pháp luật dân sự.
Cần lưu ý rằng, kể từ thời điểm mở thừa kế, bản di chúc có tồn tại nhưng không bị hư hại đến mức không thể hiện được đầy đủ ý chí của người lập di chúc thì trong trường hơp này chúng ta không thể coi như không có di chúc mà áp dụng quy định về thừa kế như pháp luật được. Để đảm bảo quyền lợi của các chủ thể thì đối với trường hợp này chúng ta vẫn phải tôn trọng ý chí của người để lại di sản và áp dụng quy định về thừa kế theo di chúc. Không những thế, trường hợp di chúc bị hư hại đến mức không thể hiện được đầy đủ ý chí của người lập di chúc, nhưng các chủ thể lại có bằng chứng chứng minh được ý nguyện đích thực của người lập di chúc thì cũng không thể coi như không tồn tại di chúc và áp dụng quy định về thừa kế theo pháp luật được. Mà đối với trường hợp này chúng ta phải tôn trọng ý chí của người để lại di sản và áp dụng quy định về thừa kế theo di chúc để chia di sản theo ý chí của họ.
Ngoài ra, nhằm mục đích để đảm bảo cho việc tôn trọng ý chí của người để lại di sản, pháp luật có quy định trường hợp di sản chưa chia mà tìm thấy di chúc thì di sản được chia theo di chúc theo quy định cụ thể tại Khoản 2 Điều 642 Bộ luật dân sự năm 2015. Ngược lại, nếu trong thời hiệu yêu cầu chia di sản, di sản đã được chia theo pháp luật mà tìm thấy di chúc thì phải chia theo di chúc nếu người thừa kế theo di chúc yêu cầu theo quy định cụ thể tại Khoản 3 Điều 642 Bộ luật dân sự năm 2015.
Đối với trường hợp, khi di chúc thất lạc thì di sản của người chết để lại sẽ được chia cho những người thừa kế theo quy định của pháp luật. Quy định này của pháp luật về di chúc bị thất lạc, hư hại được ban hành đã nhằm bảo đảm tính ổn định dân sự, tránh tốn kém mất thời gian cho những người có liên quan. Bởi vì đối với di sản đã chia theo pháp luật, mặc dù có thể không đúng với ý chí đích thực của người để lại di sản, nhưng những người thừa kế không có ý kiến, đòi hỏi gì thì không cần thiết phải tiến hành chia lại di sản một lần nữa.
3. Di chúc được tìm thấy trước khi chia di sản:
Di chúc bị thất lạc có thể được tìm thấy trước khi tiến hành chia di sản, thời điểm từ khi mở thừa kế đến khi di sản được chia là một quãng thời gian nhất định. Chính bởi vì vậy, tại thời điểm mở thừa kế phát hiện ra di chúc đã mất, thì việc chia di sản sẽ được thực hiện theo quy định về thừa kế theo pháp luật. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi của các chủ thể có quyền thừa kế và tôn trong ý chí của các chủ thể có tài sản thì trong quãng thời gian đó, di chúc nếu lại được tìm thấy thì di sản sẽ được chia theo nội dung di chúc đã tìm thấy. Trên thực tế, việc chia di sản là quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu, nên pháp luật luôn tôn trọng ý chí, nguyện vọng của họ, trong mọi trường hợp đều tạo điều kiện tối ưu nhất để bảo vệ sự độc lập, tự nguyện của các chủ thể.
4. Di chúc bị thất lạc được tìm thấy sau khi chia di sản được chia:
Quy định của pháp luật trong tình huống di chúc bị thất lạc được tìm thấy sau khi chia di sản được chia có thể xảy ra ba trường hợp sau đây:
– Trường hợp 1: Nếu các chủ thể là người thừa kế không yêu cầu chia di sản thì có nghĩa là các chủ thể này đã đồng ý với việc chia di sản theo quy định pháp luật, như vậy thì di sản không cần phải chia lại theo di chúc được tìm thấy. Chia di sản theo di chúc không chỉ là tôn trọng nguyện vọng của người để lại di sản, mà còn tránh tranh chấp của những người thừa kế. Chính bởi vì thế, khi người thừa kế không có ý kiến về phần di sản đã được chia thì việc chia lại di sản là không cần thiết.
– Trường hợp 2: Nếu các chủ thể là người thừa kế yêu cầu chia di sản theo nội dung di chúc đã tìm thấy, mà vẫn đang trong thời hạn yêu cầu chia di sản thì di sản sẽ được chia lại theo di chúc. Theo quy định của pháp luật thì thời hiệu yêu cầu chia di sản của người thừa kế được pháp luật cho phép là 30 năm đối với bất động sản và 10 năm đối với động sản. Khi vẫn đang ở trong quãng thời gian này thì pháp luật vẫn phải tôn trọng ý kiến, mong muốn của người thừa kế.
– Trường hợp 3: Nếu các chủ thể là người thừa kế yêu cầu chia lại di sản theo nội dung của di chúc đã tìm thấy, tuy nhiên thời hạn yêu cầu chia lại di sản đã hết thì pháp luật Việt Nam quy định di sản sẽ được không chia lại. Pháp luật dân sự quy định về thời hiệu yêu cầu chia di sản là bởi vì quá thời gian đó di sản không còn giá trị như ban đầu, việc chia lại di sản lúc này không còn công bằng đối với những người thừa kế còn lại.