Xử lý hành vi vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép. Quy định về việc bảo vệ lâm sản quý hiếm.
Tóm tắt câu hỏi:
Ngày 20/5/2016 tôi đi chơi và mua được 5 cái thớt nghiến mang về dùng. Khi đi về thì bị kiểm lâm bắt vì không có giấy tờ. Sau đó kiểm lâm xử phạt tôi 2 lỗi là chủ lâm sản vận chuyển gỗ và người điều khiển phương tiện vận chuyển gỗ trái pháp luật với mỗi lỗi 3 triệu đồng, tổng là 6 triệu đồng. Khi tôi thắc mắc là bị xử phạt nhiều lỗi thì kiểm lâm chỉ nói là làm theo quy định. Xin các Luật sư tư vấn giúp tôi là việc tôi bị xử phạt như vậy có đúng không?
Luật sư tư vấn:
Theo căn cứ tại Bảng IIA ban hành kèm theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP về thực vật rừng, động vật rừng hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại thì gỗ nghiến thuộc danh mục thực vật rừng hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại.
Căn cứ Khoản 1 Điều 22 Nghị định 157/2013/NĐ-CP quy định về hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật như sau:
“Người có hành vi vận chuyển lâm sản (bao gồm từ thời điểm tập kết lâm sản để xếp lên phương tiện vận chuyển hoặc đã xếp lên phương tiện vận chuyển) không có hồ sơ hợp pháp hoặc có hồ sơ hợp pháp nhưng hồ sơ không phù hợp với lâm sản thực tế vận chuyển; gỗ không có dấu búa kiểm lâm theo quy định của pháp luật, bị xử phạt như sau:
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật có tang vật vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau:
d) Gỗ thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIA dưới 0,7 m3.
đ) Thực vật rừng hoặc bộ phận, dẫn xuất của chúng ngoài gỗ có giá trị dưới 7.000.000 đồng.
e) Sản phẩm chế biến từ gỗ không hợp pháp có giá trị dưới 10.000.000 đồng.
… “
Khoản 1 Điều 23 Nghị định 157/2013/NĐ-CP về mua, bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái với các quy định của Nhà nước:
“Người có hành vi mua, bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản không có hồ sơ hợp pháp hoặc có hồ sơ hợp pháp nhưng lâm sản không đúng với nội dung hồ sơ đó; gỗ không có dấu búa kiểm lâm theo quy định của pháp luật, bị xử phạt nhu sau:
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi có tang vật vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau:
….
d) Gỗ thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIA dưới 0,7 m3.
đ) Thực vật rừng hoặc bộ phận, dẫn xuất của chúng ngoài gỗ có giá trị dưới 7.000.000 đồng.
e) Sản phẩm chế biến từ gỗ không hợp pháp có giá trị dưới 10.000.000 đồng.”
Khoản 1 Điều 24 Nghị định 157/2013/NĐ-CP về vi phạm thủ tục hành chính trong quản lý rừng, sử dụng rừng; mua, bán, vận chuyển, chế biến, kinh doanh, cất giữ lâm sản, thì:
“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Chủ lâm sản chế biến, kinh doanh, vận chuyển, mua, bán, cất giữ thực vật rừng và bộ phận của chúng (ngoài gỗ), động vật rừng và bộ phận của chúng do gây nuôi có nguồn gốc hợp pháp nhưng không chấp hành các quy định của pháp luật hiện hành về hồ sơ lâm sản và trình tự, thủ tục quản lý.
b) Chủ lâm sản khai thác, vận chuyển, mua, bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh gỗ rừng trồng, gỗ vườn nhà, cây trồng phân tán có nguồn gốc hợp pháp nhưng không chấp hành các quy định của pháp luật hiện hành về hồ sơ lâm sản và trình tự, thủ tục quản lý.”
Như vậy, đối với hành vi vi phạm của bạn sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định trên.
Điều 26 Nghị định 157/2013/NĐ-CP quy định thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của Kiểm lâm như sau:
– Kiểm lâm viên đang thi hành công vụ có quyền:
+ Phạt cảnh cáo;
+ Phạt tiền đến 500.000 đồng.
– Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm có quyền:
+ Phạt cảnh cáo;
+ Phạt tiền đến 10.000.000 đồng;
+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 10.000.000 đồng.
– Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm cấp huyện, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng (sau đây gọi chung là Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm); Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng, có quyền:
+ Phạt cảnh cáo;
+ Phạt tiền đến 25.000.000 đồng;
+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 25.000.000 đồng;
+ Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các Điểm a, b, c, đ và i Khoản 1, Điều 28,
– Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Đội trưởng Đội Kiểm lâm đặc nhiệm Cục Kiểm lâm có quyền:
+ Phạt cảnh cáo;
+ Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;
+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 50.000.000 đồng;
+ Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn (kể cả hoạt động khai thác khoáng sản trên đất lâm nghiệp) quy định tại Nghị định 157/2013/NĐ-CP;
+ Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các Điểm a, b, c, đ và i Khoản 1, Điều 28, Luật xử lý vi phạm hành chính; Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều 4 Nghị định 157/2013/NĐ-CP.
– Cục trưởng Cục Kiểm lâm có quyền:
+ Phạt cảnh cáo;
+ Phạt tiền đến mức tối đa đối với lĩnh vực quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản;
+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
+ Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn (kể cả hoạt động khai thác khoáng sản trên đất lâm nghiệp) quy định tại Nghị định 157/2013/NĐ-CP;
+ Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các Điểm a, b, c, đ và i Khoản 1, Điều 28, Luật xử lý vi phạm hành chính, Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều 4 Nghị định 157/2013/NĐ-CP.
Vì bạn không nói rõ kiểm lâm phạt bạn có vị trí công tác nào trong 5 vị trí công tác nêu trên nên cũng không thể xác định được vụ việc này có vượt quá thẩm quyền giải quyết của kiểm lâm hay không?
+ Nếu người xử phạt bạn là kiểm lâm viên thì việc xử phạt này đã vượt quá thẩm quyền cho phép xử phạt của kiểm lâm viên nên hành vi này là hành vi trái pháp luật.
+ Nếu người xử phạt bạn là Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Cục trưởng Cục kiểm lâm thì mức phạt dành cho bạn như thế là hoàn toàn đúng pháp luật.