Xin chứng nhận tạm trú của người nước ngoài? Khai báo tạm trú của người nước ngoài?
Đối với các cá nhân nhập cảnh và ở lại Việt Nam trong một thời gian nhất định phải có sự đồng ý, cho phép của Nhà nước Việt Nam. Việc cho phép của Nhà nước Việt Nam được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó được thể hiện thông qua chứng nhận tạm trú. Vậy thủ tục xin chứng nhận tạm trú đối với người nước ngoài và hoạt động khai báo tạm trú được thực hiện như thế nào? Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ cung cấp các thông tin về nội dung này.
Luật sư
1. Xin chứng nhận tạm trú của người nước ngoài
Việc cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam xuất hiện tư khi cá nhân người nước ngoài đó nhập cảnh vào Việt Nam và thực hiện thủ tục đăng ký tạm trú hoặc thường trú tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn nhất định. Việc cư trú đó kết thúc khi họ xuất cảnh qua cửa khẩu của Việt Nam. Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam được thể hiện dưới dạng tạm trú hoặc thường trú.
Tạm trú được hiểu là việc cư trú tạm thời, không thường xuyên tại một nơi nhất định. Về bản chất thì thường trú và tạm trú khác nhau ở khoảng thời gian cư trú, một bên là sự cư trú liên tục, thường xuyên, lâu dài còn một bên là sự cư trú tạm thời, trong thời gian ngắn, có thể ngắt quãng. Việc cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được xem là hợp pháp khi người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam được cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cấp chứng nhận tạm trú ngay tại cửa khẩu và khi đến nơi cư trú tại một địa chỉ nhất định phải thông qua cơ sở lưu trú khai báo tạm trú với
Sau khi nhập cảnh vào Việt Nam, người nước ngoài cần thực hiện thủ tục xin chứng nhận tạm trú. Chứng nhận tạm trú là việc cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xác định thời hạn người nước ngoài cho phép tạm trú tại Việt Nam (Khoản 12 Điều 3 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014, sửa đổi bổ sung năm 2019).
Người nước ngoài được tạm trú tại Việt Nam phù hợp với mục đích, thời hạn và địa chỉ đã đăng ký. Người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo lời mời, bảo lãnh của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở trong nước thì thông qua cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh để đăng ký mục đích, thời hạn và địa chỉ tạm trú tại Việt Nam. Trường hợp không có cơ quan, tổ chức, cá nhân ở Việt Nam mời thì đăng ký mục đích, thời gian, địa chỉ tạm trú tại đơn xin cấp thị thực.
Để tạm trú tại Việt Nam, người nước ngoài phải được cấp giấy chứng nhận tạm trú ngay tại cửa khẩu, thời hạn của chứng nhận tạm trú phù hợp với giá trị của thị thực và mục đích nhập cảnh. Theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014, sửa đổi bổ sung năm 2019 thì thẩm quyền cấp giấy chứng nhận tạm trú cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam thuộc Đơn vị kiểm soát nhập cảnh.
Tại Điều 31 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014, sửa đổi bổ sung năm 2019 quy định về thời hạn hạn của Giấy chứng nhận tạm trú như sau:
“a) Thời hạn tạm trú cấp bằng thời hạn thị thực; trường hợp thị thực có ký hiệu DL thời hạn trên 30 ngày thì cấp tạm trú 30 ngày và được xem xét gia hạn tạm trú theo quy định tại Điều 35 của Luật này;
b) Đối với người được miễn thị thực theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì thời hạn tạm trú cấp theo quy định của điều ước quốc tế, nếu điều ước quốc tế không quy định thời hạn tạm trú thì cấp tạm trú 30 ngày;
c) Đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực thì cấp tạm trú 15 ngày, nếu vào đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt hoặc khu kinh tế ven biển quy định tại khoản 3a Điều 12 của Luật này thì cấp tạm trú theo quy định tại điểm d khoản này;
d) Đối với người không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này vào khu kinh tế cửa khẩu thì cấp tạm trú 15 ngày, vào đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt hoặc khu kinh tế ven biển quy định tại khoản 3a Điều 12 của Luật này thì cấp tạm trú 30 ngày.”
Pháp luật quy định thời gian tạm trú đối với từng nhóm đối tượng người nước ngoài khác nhau khi đến Việt Nam. Việc phân định thời gian cư trú này giúp cho việc quản lý người nước ngoài cư trú ở Việt Nam được phân tầng rõ ràng, từ đó dễ dàng cho việc quản lý. Việc quy định thời gian tạm trú này được xây dựng trên các điều kiện thực tế khi người nước ngoài cư trú ở Việt Nam và dựa trên đường lối, chủ trương của Nhà nước, và các quan hệ hợp tác quốc tế về cư trú của người nước ngoài. Người nước ngoài được tạm trú tại Việt Nam trong thời hạn chứng nhận tạm trú được cấp, khi hết thời hạn này thì người nước ngoài không được tạm trú nữa.
Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hủy bỏ hoặc rút ngắn thời gian tạm trú của người nước ngoài trong chứng nhận tạm trú trong trường hợp người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam.
2. Khai báo tạm trú của người nước ngoài
Người nước ngoài phải khai báo tạm trú với Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú, thông qua người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú. Theo quy định tại Điều 33 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014, sửa đổi bổ sung năm 2019 thì nghĩa vụ khai báo tạm trú cho người nước ngoài tại Việt Nam là người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động cơ sở lưu trú (cơ sở lưu trú du lịch, nhà khách, khu nhà ở cho người nước ngoài làm việc, lao động, học tập, thực tập, cơ sở khám chữa bệnh, nhà riêng….)
Đối với các cơ sở lưu trú cho người nước ngoài thuê để lưu trú dài hạn mà chủ cơ sở lưu trú không cư trú tại đó hoặc nhà do người nước ngoài mua, thì người đứng tên trong hợp đồng thuê hoặc hợp đồng mua nhà có trách nhiệm thực hiện khai báo tạm trú cho người nước ngoài tạm trú tại cơ sở lưu trú đó. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 33 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014, sửa đổi bổ sung năm 2019 thì cá nhân có nghĩa vụ thực hiện khai báo lưu trú có trách nhiệm ghi đầy đủ nội dung mẫu phiếu khai báo tạm trú cho người nước ngoài và chuyển đến cơ quan có thẩm quyền khai báo lưu trú là Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú. Thời hạn để thực hiện hoạt động khai báo lưu trú đó chính là trong vòng 12 giờ bắt đầu tính từ khi người nước ngoài đến lưu trú; còn nếu cơ sở lưu trú ở địa bàn vùng sâu, vùng xa trong thời hạn là 24 giờ.
Quy định tại Khoản 3 Điều 33: “3. Cơ sở lưu trú du lịch là khách sạn phải nối mạng Internet hoặc mạng máy tính với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để truyền thông tin khai báo tạm trú của người nước ngoài. Cơ sở lưu trú khác có mạng Internet có thể gửi trực tiếp thông tin khai báo tạm trú của người nước ngoài theo hộp thư điện tử công khai của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.” chính là quy điểm mới của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014.
Tại Pháp lệnh về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 200 quy định người nước ngoài khai báo tạm trú tại cơ sơ lưu trú nhưng chưa quy định trách nhiệm của các cơ sở lưu trú trong việc chuyển thông tin khai báo tạm trú của người nước ngoài tới cơ quan quản lý xuất nhập cảnh. Do đó, các cơ quan chưa nắm được đầy đủ, kịp thời thông tin tạm trú của người nước ngoài. Tại Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 đã khắc phục hạn chế trên, quy định việc khai báo tạm trú của người nước ngoài do cơ sở lưu trú chịu trách nhiệm, không bắt buộc người nước ngoài phải trực tiếp đến Công an xã, phường, thị trấn để khai báo tạm trú và các khách sạn phải nối mạng Internet hoặc mạng máy tính với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để truyền thông tin về khai báo tạm trú của người nước ngoài.
Đối với việc khai báo tạm trú qua internet, thì có thể thực qua trang thông tin điện tử, hoạt động khai báo tạm trú được thực hiện ngay khi người nước ngoài đến đăng ký tạm trú. Khai báo tạm trú cho người nước ngoài qua trang thông tin điện tử chỉ cần 05 thông tin (họ tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, quốc tịch và hộ chiếu). Các cơ sở lưu trú hoàn toàn có thể chủ động truy cập trang thông tin điện tử bằng máy tính, laptop, máy tính bảng,…. để được cấp tài khoản đăng nhập và thực hiện trách nhiệm khai báo. Hoạt động khai báo này rất thuận tiện, khai báo bất cứ lúc nào, không phải trực tiếp đến trụ sở cơ quan công an, do đó không phát sinh thủ tục, giấy tờ, nhân lực, chi phí, phương tiện để đi khai báo. Việc này làm giảm chi phí cho chả người thực hiện và cơ quan quản lý. Việc áp dụng khai báo tạm trú cho người nước ngoài qua trang thông tin điện tử giúp cải cách thủ tục hành chính, loại bỏ thủ tục hành chính rườm rà, cơ chế “xin cho”; tạo thuận lợi, giúp giảm thời gian, nhân lực, công sức và chi phí cho cơ sở lưu trú và nâng cao hiệu quả công tác quản lý người nước ngoài lưu trú trên địa bàn.