Xin cấp lại thẻ BHYT ở đâu? Hồ sơ xin cấp lại thẻ BHYT bị mất theo quy định mới nhất năm 2021. Nơi cấp lại thẻ bảo hiểm y tế, hồ sơ thủ tục xin cấp lại thẻ BHYT bị mất, thất lạc, cũ rách nát mới nhất 2021.
Cùng với sự phát triển của xã hội thì vấn đề sức khỏe của con người ngày càng được quan tâm không chỉ trong cộng đồng xã hội mà mỗi con người cũng tự ý thức hơn đối với sức khỏe của mình. Thẻ bảo hiểm y tế ra đời là hình thức bảo hiểm sức khỏe cho nhân dân mọi tầng lớp đặc biệt là tầng lớp có thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo hoặc là những vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu vùng xa, vùng hải đảo. Tuy nhiên không phải ai cũng ý thức được ý nghĩa của việc tham gia bảo hiểm y tế nên cũng dẫn đến vấn đề bảo quản thẻ cũng không được chú tâm, để ý dó đó thẻ bị hỏng, mất, nhàu nát. Chính vì vậy nhu cầu cấp lại thẻ là không thể phủ nhận.
Tư vấn thủ tục, hồ sơ xin cấp lại thẻ bảo hiểm y tế trực tuyến miễn phí: 1900.6568
Thứ nhất: Trường hợp cấp lại thẻ bảo hiểm y tế gồm:
Căn cứ Điều 18 Luật bảo hiểm y tế 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014 trường hợp cấp lại thẻ bảo hiểm y tế như sau:
“Điều 18. Cấp lại thẻ bảo hiểm y tế
1. Thẻ bảo hiểm y tế được cấp lại trong trường hợp bị mất.
2. Người bị mất thẻ bảo hiểm y tế phải có đơn đề nghị cấp lại thẻ.
3. Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị cấp lại thẻ, tổ chức bảo hiểm y tế phải cấp lại thẻ cho người tham gia bảo hiểm y tế. Trong thời gian chờ cấp lại thẻ, người tham gia bảo hiểm y tế vẫn được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế.
4. Người được cấp lại thẻ bảo hiểm y tế phải nộp phí. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức phí cấp lại thẻ bảo hiểm y tế. Trường hợp lỗi do tổ chức bảo hiểm y tế hoặc cơ quan lập danh sách thì người được cấp lại thẻ bảo hiểm y tế không phải nộp phí.”
Như vậy, theo căn cứ trên thì khi người có thẻ bảo hiểm y tế bị mất thì có thể làm thủ tục xin cấp lại. Tuy nhiên người xin cấp lại phải có đơn xin cấp lại thẻ bảo hiểm y tế phải có giấy xác nhận công an nơi mất thẻ và cung cấp kèm theo hồ sơ, đơn đề nghị cấp thẻ có thể lấy tại nới cấp lại thẻ bạn chỉ cần điền đầy đủ thông tin theo quy định.
Thời gian để cấp lại thẻ sẽ không quá 07 ngày làm việc (nếu bạn nộp hồ sơ vào kế hôm có ngày nghỉ thì những ngày nghỉ bạn nộp sẽ không được tính trong vòng 07 ngày mà sẽ tính ngày tiếp theo bạn ngày nghỉ). Giá trị thẻ trong thời gian chờ cấp lại vẫn được hưởng quyền lợi bình thường nhưng bạn phải có căn cứ rằng mình đang làm thủ tục cấp lại thẻ (Ví dụ: Giấy hẹn, giấy xác nhận…. cơ quan cấp thẻ) và nộp lại cơ sở y tế nơi đang khám chữa bệnh.
Thứ hai: Thủ tục cấp lại thẻ bảo hiểm y tế:
Hồ sơ xin cấp đổi lại thẻ Căn cứ Điều 27 Quyết định 595/QĐ-BHXH gồm có cả bên người tham gia và đơn vị giải quyết:
– Người tham gia gồm:
+ Tờ khai điều chỉnh thông tin BHYT (Mẫu TK1-TS).
+ Trường hợp người lao động được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn thì còn phải bổ sung Giấy tờ chứng minh (nếu có).
Ví dụ: Giấy tờ chứng minh hưởng quyền lợi cao hơn có thể Giấy chứng nhận hộ nghèo, cận nghèo, vùng có điều kiện kinh khó khăn đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo…
– Đơn vị thực hiện thủ tục:
+ Bảng kê thông tin theo mẫu quy định (Mẫu D01-TS).
Địa điểm nộp hồ sơ:
Căn cứ Điều 31 Quyết định 595/QĐ-BHXH thì địa điểm nộp hồ sơ được chia ra hai trường hợp như sau:
Trường hợp thứ nhất: Người tham gia bảo hiểm y tế vừa tham gia BHXH.
– Người đang làm việc thì có thể nộp cho đơn vị nơi đang làm việc hoặc nộp cho cơ quan BHXH
Trường hợp thứ hai: Người chỉ tham gia bảo hiểm y tế.
– Người tham gia do tổ chức đóng bảo hiểm y tế sẽ nộp hồ cho UBND cấp xã hoặc cơ quan Bảo hiểm xã hội. Đối với người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp khi cấp lại, đổi thẻ bảo hiểm y tế thì nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH.
– Người tham gia do ngân sách nhà nước đóng BHYT sẽ nộp hồ sơ cho UBND xã.
– Người được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng BHYT thì nộp hồ sơ cho đại lý thu hoặc cơ quan bảo hiểm xã hội còn đối với học sinh, sinh viên đóng BHYT theo nhà trường thì sẽ nộp hồ sơ cho nhà trường.
– Người tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình: nộp hồ sơ cho Đại lý thu hoặc cơ quan Bảo hiểm xã hội.
Thời gian giải quyết:
Căn cứ Điều 30 Quyết định 595/QĐ-BHXH thì thời gian giải quyết được quy định như sau:
+ Trường hợp xin cấp lại thẻ BHYT mà không làm thay đổi thông tin thì thời gian giải quyết không quá 02 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Tuy nhiên kể từ ngày 01/01/2019 trở đi thì thời hạn giải quyết sẽ là trong ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
+ Nếu có sự thay đổi thông tin trong thẻ BHYT thì thời gian sẽ kéo dài hơn nhưng không được quá 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Lệ phí cấp lại thẻ Bảo hiểm y tế:
Căn cứ Điểm d, Khoản 1, Điều 23 Luật phí và Lệ phí 2015 có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 quy định:
“Điều 23. Điều khoản thi hành.
d) Bãi bỏ Khoản 4 Điều 18 của Luật bảo hiểm y tế số 25/2008/QH12, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 46/2014/QH13;”
Tại Khoản 4 Điều 18 của Luật BHYT số 25/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 46/2014/QH13, có quy định : Người được cấp thẻ BHYT phải nộp phí. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức phí cấp lại thẻ BHYT. Như vậy kể từ ngày 01/01/2017 thì việc cấp lại thẻ BHYT do bị mất, bị hư hỏng sẽ không bị mất phí như trước đây.
Mục lục bài viết
1. Thẻ bảo hiểm chỉ được sử dụng sau 6 tháng có đúng không?
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi bị gãy xương từ tháng 12/2018, đến nay tôi mua bảo hiểm y tế và dự định đi phẫu thuật chỉnh ghép xương, tôi đến bệnh viện hỏi thì họ nói là thẻ bảo hiểm của tôi chỉ được sử dụng sau 6 tháng, như vậy có đúng không thưa Luật sư!
Luật sư tư vấn:
Theo quy định của Luật bảo hiểm y tế 2008 quy định giá trị của thẻ bảo hiểm y tế như sau:
“Điều 16. Thẻ bảo hiểm y tế
….
3. Thời điểm thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng được quy định như sau:
a) Đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 12 của Luật này tham gia bảo hiểm y tế lần đầu, thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng kể từ ngày đóng bảo hiểm y tế;
b) Người tham gia bảo hiểm y tế liên tục kể từ lần thứ hai trở đi thì thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng nối tiếp với ngày hết hạn sử dụng của thẻ lần trước;
c) Đối tượng quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 12 của Luật này tham gia bảo hiểm y tế từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành hoặc tham gia không liên tục từ 3 tháng trở lên trong năm tài chính thì thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng sau 30 ngày, kể từ ngày đóng bảo hiểm y tế;
d) Đối với trẻ em dưới 6 tuổi thì thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng đến ngày trẻ đủ 72 tháng tuổi. Trường hợp trẻ đủ 72 tháng tuổi mà chưa đến kỳ nhập học thì thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng đến ngày 30 tháng 9 của năm đó.”
Theo đó không có trường hợp này quy định thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sau 6 tháng cả.
2. Quy định về việc thu hồi thẻ bảo hiểm y tế
Tóm tắt câu hỏi:
Gia đình tôi được xác định hộ nghèo nhiều năm qua nhưng tôi và các con tôi không ở cùng cha mẹ già. nên bên điều tra viên chỉ đưa danh sách cha mẹ tôi thôi (tôi vẫn còn khẩu với ông bà già). nhưng năm nay cha mẹ tôi già yếu nằm liệt vậy bây giờ họ đưa tôi và các con tôi vào danh sách để cấp thẻ bảo hiểm nghèo. nhưng bên phòng thương binh xã hội của phường đã thu lại bảo hiểm cả gia đình tôi. hiện tại con tôi bị gãy xương đùi cần mổ gấp mà bảo hiểm không có mong luật sư tư vấn dùm tôi để tôi kịp thời nhận quyền lợi của gia đình mình.
Luật sư tư vấn:
Khoản 6 Điều 1 Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi 2014 sửa đổi Điều 12 Luật bảo hiểm y tế 2008 như sau:
“Điều 12. Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế
3. Nhóm do ngân sách nhà nước đóng, bao gồm:
a) Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ quân đội đang tại ngũ; sỹ quan, hạ sỹ quan nghiệp vụ và sỹ quan, hạ sỹ quan chuyên môn, kỹ thuật đang công tác trong lực lượng công an nhân dân, học viên công an nhân dân, hạ sỹ quan, chiến sỹ phục vụ có thời hạn trong công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; học viên cơ yếu được hưởng chế độ, chính sách theo chế độ, chính sách đối với học viên ở các trường quân đội, công an;
b) Cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp hằng tháng từ ngân sách nhà nước;
c) Người đã thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động đang hưởng trợ cấp hằng tháng từ ngân sách nhà nước;
d) Người có công với cách mạng, cựu chiến binh;
đ) Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đương nhiệm;
e) Trẻ em dưới 6 tuổi;
g) Người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng;
h) Người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo;
i) Thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sỹ; người có công nuôi dưỡng liệt sỹ;
k) Thân nhân của người có công với cách mạng, trừ các đối tượng quy định tại điểm i khoản này;
l) Thân nhân của các đối tượng quy định tại điểm a khoản 3 Điều này;
m) Người đã hiến bộ phận cơ thể người theo quy định của pháp luật;
n) Người nước ngoài đang học tập tại Việt Nam được cấp học bổng từ ngân sách của Nhà nước Việt Nam.
Căn cứ Thông tư số 17/2016/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về hướng dẫn quy trình điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm, hộ nghèo và hộ cận nghèo phải được xác định theo nhiều tiêu chí và phải có tên trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo của địa phương. Theo thông tin bạn cung cấp, gia đình bạn là hộ nghèo và được đưa vào danh sách cấp thẻ bảo hiểm nhưng nay lại bị thu lại. Nếu có tên trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo của địa phương thì gia đình bạn được hưởng chính sách hỗ trợ về bảo hiểm y tế theo quy định tại Điểm h Khoản 3 Điều 12 Luật bảo hiểm y tế.
Tại Điều 20 Luật bảo hiểm y tế 2008 có quy định về các trường hợp thu hồi, tạm giữ thẻ bảo hiểm y tế như sau:
Điều 20. Thu hồi, tạm giữ thẻ bảo hiểm y tế
1. Thẻ bảo hiểm y tế bị thu hồi trong trường hợp sau đây:
a) Gian lận trong việc cấp thẻ bảo hiểm y tế;
b) Người có tên trong thẻ bảo hiểm y tế không tiếp tục tham gia bảo hiểm y tế.
c) Cấp trùng thẻ bảo hiểm y tế.
2. Thẻ bảo hiểm y tế bị tạm giữ trong trường hợp người đi khám bệnh, chữa bệnh sử dụng thẻ bảo hiểm y tế của người khác. Người có thẻ bảo hiểm y tế bị tạm giữ có trách nhiệm đến nhận lại thẻ và nộp phạt theo quy định của pháp luật.
Trường hợp của bạn, bạn nên liên hệ với Uỷ ban nhân dân xã( phường) nơi bạn cư trú hoặc cơ quan đã thu lại thẻ bảo hiểm y tế để hỏi rõ về lý do thu lại thẻ bảo hiểm y tế của gia đình bạn.
Tại Điều 36 Luật bảo hiểm y tế 2008 có quy định:
Điều 36. Quyền của người tham gia bảo hiểm y tế
1. Được cấp thẻ bảo hiểm y tế khi đóng bảo hiểm y tế.
2. Được đóng bảo hiểm y tế theo hộ gia đình tại đại lý bảo hiểm y tế trong phạm vi cả nước; được lựa chọn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu theo quy định tại khoản 1 Điều 26 của Luật này.
3. Được khám bệnh, chữa bệnh.
4. Được tổ chức bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế.
5. Yêu cầu tổ chức bảo hiểm y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế và cơ quan liên quan giải thích, cung cấp thông tin về chế độ bảo hiểm y tế.
6. Khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm y tế.
Căn cứ theo quy định trên thì, nếu cơ quan đã thu thẻ bảo hiểm y tế của gia đình bạn không có câu trả lời thích đáng( không có các căn cứ tại Điều 20 Luật bảo hiểm y tế 2008) về việc thu lại thẻ bảo hiểm y tế và không trả lại thẻ bảo hiểm y tế thì gia đình bạn có quyền tố cáo hành vi của họ với cơ quan có thẩm quyền. Theo quy định tại Điều 49 Luật bảo hiểm y tế 2008 thì người nào có hành vi vi phạm các quy định của Luật bảo hiểm y tế 2008 và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến bảo hiểm y tế thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi của con bạn, cần tuân thủ thủ tục khi khám chữa bệnh bằng thẻ bẻo hiểm y tế theo quy định tại Điều 28 Luật bảo hiểm y tế 2008như sau:
Điều 28. Thủ tục khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế
1. Người tham gia bảo hiểm y tế khi đến khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế có ảnh; trường hợp thẻ bảo hiểm y tế chưa có ảnh thì phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế cùng với giấy tờ chứng minh về nhân thân của người đó; đối với trẻ em dưới 6 tuổi chỉ phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế.
2. Trường hợp cấp cứu, người tham gia bảo hiểm y tế được khám bệnh, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào và phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế cùng với giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này trước khi ra viện.
3. Trường hợp chuyển tuyến điều trị, người tham gia bảo hiểm y tế phải có hồ sơ chuyển viện của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
4. Trường hợp khám lại theo yêu cầu điều trị, người tham gia bảo hiểm y tế phải có giấy hẹn khám lại của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
3. Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng là cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân
Thông tư số 43/2016/TT-BCA quy định một số vấn đề về bảo hiểm y tế đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân.
Theo quy định của Thông tư số 43/2016/TT-BCA thì thẻ bảo hiểm y tế của cán bộ, chiến sĩ do bảo hiểm xã hội công an nhân dân phát hành và quản lý. Thẻ bảo hiểm có giá trị kể từ ngày đóng. Thời hạn sử dụng thẻ bảo hiểm y tế tối đa không quá 60 tháng, giám đốc bảo hiểm xã hội Công an nhân dân quyết định thời hạn sử dụng thẻ bảo hiểm y tế đối với từng trường hợp cụ thể
Điều 7 Thông tư 43/2016/TT-BCA quy định cụ thể về việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng là sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân như sau:
– Thẻ bảo hiểm y tế được cấp trong trường hợp chưa được cấp hoặc chuyển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế hoặc thẻ bảo hiểm y tế hết thời hạn sử dụng
– Thủ tục thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế thực hiện như sau:
Người làm thủ tục xin cấp thẻ chuẩn bị hồ sơ gồm:
+ Tờ khai tham gia bảo hiểm y tế: Do cán bộ chiến sĩ lập gửi đơn vị quản lý trực tiếp
+ Danh sách đề nghị cấp thẻ bảo hiểm y tế đối với cán bộ, chiến sĩ thuộc Công an đơn vị, địa phương lập trên phần mềm do bảo hiểm xã hội công an nhân dân cung cấp gửi kèm dữ liệu điện tử và
– Trình tự:
+ Sau khi nhận tờ khai của cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân, đơn vị quản lý trực tiếp kiểm tra, xác minh thông tin trong tờ khai; yêu cầu bổ sung trong trường hợp thông tin chưa đúng hoặc chưa đầy đủ
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được tờ khai hợp lệ của cán bộ, chiến sĩ, đơn vị quản lý trực tiếp cán bộ, chiến sĩ lập và gửi danh sách cán bộ, chiến sĩ đề nghị cấp thẻ bảo hiểm y tế kèm theo dữ liệu điện tử về cơ quan tổ chức cán bộ của đơn vị cấp trên để tập hợp và gửi về Công an đơn vị, địa phương quy định tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư 43/2016/TT-BCA;
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị, Công an đơn vị, địa phương hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị cấp thẻ bảo hiểm y tế theo hướng dẫn tại Khoản 2 Điều này gửi về Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân.
Luật sư
Hồ sơ đề nghị cấp thẻ bảo hiểm y tế được gửi trực tiếp hoặc qua đường giao liên tới Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân; không gửi qua đường bưu điện hoặc thư điện tử, Fax;
Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế cho cán bộ, chiến sĩ, sau đó, chuyển thẻ bảo hiểm y tế về Công an đơn vị, địa phương để cấp cho cán bộ, chiến sĩ.
* Cấp thẻ bảo hiểm y tế các lần tiếp theo khi thẻ bảo hiểm y tế hết thời hạn sử dụng: Trước khi thẻ bảo hiểm y tế của cán bộ, chiến sĩ hết thời hạn sử dụng, Công an đơn vị, địa phương báo cáo bằng văn bản gửi về Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân để thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định.