Hướng dẫn thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh? Điều kiện, trình tự thủ tục, hồ sơ cần thiết để xin cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định mới nhất?
Cơ sở pháp lý:
Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009
Giải quyết vấn đề:
Cùng với sự phát triển của đất nước, kinh tế, giáo dục, văn hóa đều phát triển thì người dân càng nâng cao ý thức về việc chăm sóc sức khỏe cho bản thân mình. Với quan điểm sức khỏe của người dân là nền tảng phát triển đất nước nên Nhà nước ngày càng nâng cao chất lượng cơ sở vật chất khám chữa bệnh cũng như đội ngũ nhân viên y tế nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Nhu cầu về nhân viên y tế ngày càng cao nên pháp luật Việt Nam có rất nhiều quy định chặt chẽ nhằm kiểm soát trình độ đảm bảo chất lượng nhân viên y tế trong quá trình khám và chữa bệnh. Theo đó những người tham gia khám bệnh, chữa bệnh cho bệnh nhân cần phải được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật. Bài viết sau đây Luật Dương Gia trình bày đề điều kiện và thủ tục cấp giấy chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật hiện hành
Mục lục bài viết
Thứ nhất, giải thích các khái niệm
Căn cứ theo điều 2 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009 thì khái niệm về khám bệnh, chữa bệnh, và chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh lần lượt được giải thích như sau:
Khám bệnh là việc hỏi bệnh, khai thác tiền sử bệnh, thăm khám thực thể, khi cần thiết thì chỉ định làm xét nghiệm cận lâm sàng, thăm dò chức năng để chẩn đoán và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp đã được công nhận.
Chữa bệnh là việc sử dụng phương pháp chuyên môn kỹ thuật đã được công nhận và thuốc đã được phép lưu hành để cấp cứu, điều trị, chăm sóc, phục hồi chức năng cho người bệnh.
Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người có đủ điều kiện hành nghề theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009
Thứ hai, điều kiện được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh
Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là người đã được cấp chứng chỉ hành nghề và thực hiện khám bệnh, chữa bệnh. Người xin cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh bao gồm: Bác sỹ, y sỹ; điều dưỡng viên; hộ sinh viên; kỹ thuật viên; lương y; người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền
Theo đó để được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thì cần đáp ứng những điều kiện nhất định theo quy định của pháp luật hiện hành. Với việc trình bày điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thì chúng tôi chia ra hai trường hợp như sau:
Trường hợp 1: Điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề đối với người Việt Nam
Thứ nhất về điều kiện trình độ bằng cấp: Người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề phải có một trong những văn bằng chuyên môn liên quan đến y tế được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam hoặc giấy chứng nhận là lương y, là người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền. Hoặc có văn bản xác nhận quá trình thực hành, trừ trường hợp là lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.
Thứ hai về điều kiện sức khỏe: Người được cấp giấy chứng chỉ hành nghề khám bệnh chữa bệnh phải có giấy chứng nhận đủ sức khỏe để hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Thứ ba Không thuộc trường hợp như sau :đang trong thời gian bị cấm hành nghề, cấm làm công việc liên quan đến chuyên môn y, dược theo bản án, quyết định của Tòa án; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang trong thời gian chấp hành bản án hình sự, quyết định hình sự của tòa án hoặc quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh; đang trong thời gian bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên có liên quan đến chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh; mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Trường hợp thứ hai Điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài
Thứ nhất, Cần đáp ứng được những điều kiện cơ bản quy định tại Điều 18 của Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009 về trình độ bằng cấp, về điều kiện sức khỏe, không vi phạm các điều cấm như trình bày ở trên
Thứ hai, Về điều kiện ngôn ngữ: Người được cấp giấy chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh phải đáp ứng được yêu cầu về mặt ngôn ngữ trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết về tiêu chí để công nhận biết tiếng Việt thành thạo hoặc đủ trình độ phiên dịch trong khám bệnh, chữa bệnh. Cụ thể quy định tại Điều 23 của Luật khám bệnh, chữa bệnh như sau:
+ Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trực tiếp khám bệnh, chữa bệnh cho người Việt Nam phải biết tiếng Việt thành thạo; trường hợp không biết tiếng Việt thành thạo thì phải đăng ký ngôn ngữ sử dụng và có người phiên dịch.
+ Việc chỉ định điều trị, kê đơn thuốc phải ghi bằng tiếng Việt; trường hợp người hành nghề không biết tiếng Việt thành thạo thì việc chỉ định điều trị, kê đơn thuốc phải ghi bằng ngôn ngữ mà người hành nghề đã đăng ký sử dụng và người phiên dịch phải dịch sang tiếng Việt.
+. Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trực tiếp khám bệnh, chữa bệnh cho người Việt Nam được xác định là biết tiếng Việt thành thạo và người được xác định là đủ trình độ phiên dịch trong khám bệnh, chữa bệnh khi được cơ sở đào tạo chuyên ngành y do Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ định kiểm tra và công nhận.
Thứ ba, về vấn đề nhân thân: Người được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh phải có lý lịch tư pháp được cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại xác nhận.
Thứ tư, về giấy phép lao động: Đối với người nước ngoài muốn cấp giấy chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh phải có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về lao động của Việt Nam cấp theo quy định của pháp luật về lao động.
Ngoài hai trường hợp cấp chứng chỉ cho người Việt Nam và cấp chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009 còn quy định về trường hợp cấp lại chứng chỉ hành nghề đối với những người bị thu hồi chứng chỉ hành nghề là phải đáp ứng những yêu cầu cơ bảnquy định tại Điều 18 của Luật này đối với người Việt Nam hoặc Điều 19 của Luật này đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và bắt buộc người xin cấp lại phải có giấy chứng nhận đã cập nhật kiến thức y khoa liên tục
Thứ ba, về thủ tục xin cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh
Để tiến hành xin cấp giấy chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thì người xin cấp cần chuẩn bị và tiến hành như sau:
Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009 và các văn bản hướng dẫn như sau:
Đối với trường hợp xin cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của người Việt Nam
-Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề ( theo mẫu 01 quy định tại Phụ lục 01 ban hành kèm theo
–Bản sao văn bằng hoặc giấy chứng nhận trình độ chuyên môn ( Bản sao có chứng thực văn bằng hoặc giấy chứng nhận trình độ chuyên môn đối với lương y hoặc giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền hoặc phương pháp chữa bệnh gia truyền do Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương)
-Văn bản xác nhận quá trình thực hành
-Giấy chứng nhận đủ sức khỏe để hành nghề do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế cấp;
– Phiếu lý lịch tư pháp (chỉ áp dụng khi Bộ trưởng Bộ Tư pháp có hướng dẫn triển khai thực hiện theo quy định của Luật lý lịch tư pháp)
-Sơ yếu lý lịch có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) nơi cư trú hoặc xác nhận của Thủ trưởng đơn vị nơi công tác.
Đối với trường hợp cấp chứng chỉ hành nghề đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài bao gồm:
– Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề ( theo mẫu 02 quy định tại Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư 41/2015/TT-BYT này và hai ảnh 04 x 06 cm được chụp trên nền trắng trong thời gian không quá 06 tháng tính đến ngày nộp đơn)
– Bảo sao văn bằng chuyên môn ( phải có chứng thực)
– Văn bản xác nhận quá trình thực hành;
-Văn bản xác nhận biết tiếng Việt thành thạo hoặc hồ sơ của người phiên dịch.Người phiên dịch phải có giấy chứng nhận đủ trình độ phiên dịch phù hợp với ngôn ngữ mà người nước ngoài đăng ký sử dụng trong khám bệnh, chữa bệnh và có
– Giấy chứng nhận đủ sức khoẻ để hành nghề do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế cấp;
-Phiếu lý lịch tư pháp;
– Giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về lao động của Việt Nam cấp.
Lưu ý: các loại giấy tờ yêu cầu do tổ chức nước ngoài cấp phải được hợp pháp hóa lãnh sự và dịch ra tiếng Việt, bản dịch phải được chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Bước 2. Sau khi chuẩn bị hồ sơ người xin cấp chứng chỉ ngành nghề nộp cho Bộ Y tế hoặc Bộ Quốc phòng hoặc Sở Y tế. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ và hợp lệ thì cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn người nộp bổ sung, nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và viết giấy hẹn cho người nộp
Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc Giám đốc Sở Y tế phải cấp chứng chỉ hành nghề; trường hợp cần xác minh đối với người được đào tạo ở nước ngoài hoặc có chứng chỉ hành nghề do nước ngoài cấp thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 180 ngày. Nếu trong trường hợp không cấp chứng chỉ hành nghề thì phải trả lời bằng văn bản và nêu lý do.
TƯ VẤN TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ:
Tóm tắt câu hỏi:
Thưa luật sư, tôi có một thắc mắc như sau: Bố tôi có phương pháp chữa bệnh bằng nhang ngải cứu rất tốt, có thể chữa được thoát vị đĩa đệm và gai cột sống. Giờ bố tôi muốn thực hiện khám chữa bệnh tại nhà thì phải xin giấy phép hành nghề như thế nào? Xin cảm ơn luật sư.
Luật sư tư vấn:
Theo Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009:
Điều 17. Người xin cấp chứng chỉ hành nghề
1. Bác sỹ, y sỹ
2. Điều dưỡng viên
3. Hộ sinh viên.
4. Kỹ thuật viên
5. Lương y
6. Người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền
Trường hợp bố bạn không được đào tạo về y khoa chuyên nghiệp có thể xin cấp chứng chỉ hành nghề với tư cách là lương y hoặc người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền. Trong đó:
8. Lương y là người có hiểu biết về lý luận y dược học cổ truyền, có kinh nghiệm khám bệnh, chữa bệnh bằng phương pháp y dược học cổ truyền có dùng thuốc hoặc không dùng thuốc được Bộ Y tế hoặc Sở Y tế công nhận sau khi có ý kiến của Hội đông y trung ương hoặc Hội đông y cấp tỉnh.
9. Người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền là người sở hữu bài thuốc hoặc phương pháp chữa bệnh theo kinh nghiệm lâu đời do dòng tộc, gia đình truyền lại, điều trị có hiệu quả đối với một hoặc vài bệnh, chứng nhất định được Sở Y tế công nhận sau khi có ý kiến của Hội đông y cấp tỉnh. (Theo Điều 2 Luật khám bệnh, chữa bệnh)
Để xin cấp chứng chỉ hành nghề, bố bạn phải đáp ứng các điều kiện:
– Có văn bằng, giấy chứng nhận phù hợp với hình thức hành nghề khám bệnh, chữa bệnh:
– Có giấy chứng nhận đủ sức khỏe để hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
– Không thuộc trường hợp đang trong thời gian bị cấm hành nghề, cấm làm công việc liên quan đến chuyên môn y, dược theo bản án, quyết định của Tòa án; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang trong thời gian chấp hành bản án hình sự, quyết định hình sự của tòa án hoặc quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh; đang trong thời gian bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên có liên quan đến chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh; mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự. (Theo Điều 18. Điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề đối với người Việt Nam Luật khám bệnh, chữa bệnh)
Khi đó, bố bạn có thể làm hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề đối với người Việt Nam theo quy định tại Thông tư 41/2015/TT-BYT. Hồ sơ bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề theo mẫu 01 quy định tại Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư 41/2015/TT-BYT và hai ảnh màu 04 x 06 cm được chụp trên nền trắng trong thời gian không quá 06 tháng tính đến ngày nộp đơn;
b) Bản sao có chứng thực văn bằng chuyên môn liên quan đến y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề, cụ thể trong trường hợp này là văn bằng hoặc giấy chứng nhận trình độ chuyên môn đối với lương y hoặc giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền hoặc phương pháp khám bệnh, chữa bệnh gia truyền do Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp;
Luật sư
c) Giấy tờ xác nhận quá trình thực hành (trường hợp của bố bạn thì không cần);
d) Giấy chứng nhận đủ sức khỏe để hành nghề khám bệnh, chữa bệnh do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế cấp;
d) Phiếu lý lịch tư pháp;
e) Sơ yếu lý lịch có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người hành nghề cư trú. Đối với người hành nghề đang làm việc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì sơ yếu lý lịch phải có xác nhận của thủ trưởng đơn vị nơi công tác. Sơ yếu lý lịch thực hiện theo mẫu 04 – Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư 41/2015/TT-BYT. Sơ yếu lý lịch có giá trị trong thời hạn 6 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.
Sau khi hoàn thành xong hồ sơ này, bạn nộp tại Sở y tế tỉnh mà bố bạn đang cư trú.