Các hoạt động xét xử được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng. Thông thường hoạt động xét xử được diễn ra tại tòa án nhân dân các cấp có thẩm quyền, cũng có những vụ án được xét xử lưu động. Vậy khái niệm xét xử lưu động được hiểu như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Xét xử lưu động là gì?
– Khái niệm xét xử:
Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, để có thể tiến hành xem xét và đánh giá được bản chất của một vụ việc mang tính chất hình sự và đưa ra nhận định về các hành vi vi phạm pháp luật có tính chất như thế nào, mức độ nghiêm trọng ra sao và hình phạt tương ứng cụ thể; thông qua hoạt động xét xử thì cơ quan có thẩm quyền nhân danh Nhà nước, căn cứ vào các quy định của pháp luật để đưa ra phán quyết tương ứng với bản chất, mức độ trái hay không trái pháp luật của vụ việc trong tất cả các lĩnh vực được đưa ra xét xử.
– Vai trò của hoạt động xét xử:
+ Xét xử được xem là hoạt động đặc trưng trong hoạt động tố tụng. Xét xử là chức năng, nhiệm vụ chính của Tòa án. Với chức năng và nhiệm vụ được giao, Tòa án thực hiện hoạt động xét xử theo quy định và là cơ quan duy nhất của một nước được đảm nhiệm chức năng xét xử.
+ Xét xử là hoạt động để có thể đưa ra được bản án buộc tội những hành vi vi phạm pháp luật của những cá nhân thực hiện hành vi đó. Để đưa ra được bản án thì việc xét xử là hoàn toàn bắt buộc, bản án luôn được thông qua bởi hoạt động xét xử và kết quả xét xử phải được công bố bằng bản án.
Các hoạt động xét xử được phân ra theo tính chất hoặc các cấp xét xử. Về phân theo nội dung xét xử có: xét xử tội phạm hình sự, xét xử tranh chấp dân sự, xét xử khiếu kiện hành chính, xét xử tranh chấp lao động. Các vụ việc thuộc lĩnh vực nào thì sẽ được áp dụng quy định tố tụng của lĩnh vực đó để giải quyết.
Phân theo cấp độ xét xử có: xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, xét xử sơ thẩm đồng thời chung thẩm, xét xử giám đốc thẩm, xét xử tái thẩm. Sau bản án sơ thẩm, nếu đương sự và những người có quyền và lợi ích liên quan không đồng ý với kết quả xét xử thì có thể thực hiện kháng cáo để tiếp tục xét xử phúc thẩm. Đối với cấp giám đốc thẩm và tái thẩm thì cần có kiến nghị của Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Chánh án
– Nguyên tắc khi tiến hành xét xử:
Theo Điều 25
“Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, bảo đảm công bằng.”
Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.
Theo đó thì tòa án cần xét xử đúng thời hạn luật định, đảm bảo công bằng cho những người liên quan đến vụ án.
– Xét xử lưu động: xét xử lưu động cũng là một trong những hình thức xét xử, tuy nhiên thay vì xét xử tại trụ sở tòa án các cấp thì xét xử lưu động được đưa ra thực hiện tại các địa phương nơi tội phạm được thực hiện hoặc đưa ra xét xử tại những địa phương có tình hình tội phạm diễn ra nhiều để thực hiện răn đe. Xét xử lưu động ngoài việc không xét xử tại trụ sở tòa án thì nó cũng giống như các phiên tòa bình thường, bị cáo bị xét xử bằng phiên tòa lưu động vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.
2. Khi nào Tòa án sẽ xét xử lưu động?
Hiện tại, chưa có bất kỳ một văn bản pháp luật nào quy định về trường hợp hay thủ tục xét xử lưu động. Việc xét xử lưu động được tiến hành khi cơ quan tòa án nhận thấy rằng vụ việc được xét xử là cần thiết để đưa ra xét xử lưu động. Vậy trường hợp nào thì cần thiết đưa ra xét xử lưu động?
Thông thường, các vụ án được tòa xét xử thuộc về rất nhiều lĩnh vực trong đời sống và hầu hết các vụ án xét xử lưu động đều là các vụ án hình sự. Vì mục đích chủ yếu của xét xử lưu động là nhằm mục đích răn đe đối với cộng đồng, mang tính chất giáo dục thực tiễn đến nhân dân. Chủ yếu qua các vụ án đã được xét xử lưu động thì thường là các vụ án hình sự liên quan đến an ninh trật tự, an toàn xã hội gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận như giết người, mua bán trái phép chất ma túy… Một số địa phương gần biên giới, nơi dân trí thấp và người dân chưa nắm bắt được các quy định của pháp luật và tội phạm thường xuyên xảy ra cũng sẽ là nơi để xét xử lưu động.
Như đã phân tích ở mục 1 thì Điều 25 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định về nguyên tắc xét xử có nêu rõ về việc Tòa án phải xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, bảo đảm công bằng cho đương sự và những người có quyền và lợi ích liên quan. Việc xét xử được tiến hành công khai và mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp Tòa án sẽ xét xử kín do những vụ án này cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, hay có những vụ án ảnh hưởng đến danh dự nhân phẩm của trẻ vị thành niên và do phải bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín (tức không có sự tham gia của các thành phần khác ngoài cơ quan có chức tố tụng) nhưng phải tuyên án công khai.
Tại Nghị quyết 96/2019/QH14 về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2013, qua thực tiễn xét xử các vụ việc, Quốc hội đã nêu rõ yêu cầu xét xử thực tiễn cần nâng tỷ lệ hòa giải thành các vụ việc dân sự và tăng số vụ án hình sự xét xử lưu động.
Đây là văn bản duy nhất nêu đến xét xử lưu động, nhưng đến Nghị quyết số 96/2019/QH14 thay thế cho Nghị quyết 37/2012/QH13, tại văn bản này Quốc hội đã không còn đề cập đến vấn đề xét xử các vụ án xét xử lưu động.
Có thể thấy chưa có một quy định nào trong luật có quy định về việc xét xử lưu động. Việc xem xét và đánh giá vụ việc nào được đưa ra xét xử lưu động hoàn toàn phụ thuộc vào sự quyết định của Tòa án có thẩm quyền xét xử vụ án độ.
3. Có nên xét xử lưu động không?
Thực tế đưa ra nhiều câu hỏi về xét xử lưu động, trong đó có việc nên xét xử lưu động hay không khi việc xét xử không được xét xử ở trụ sở tòa án như thông thường.
Nhìn nhận vào việc xét xử lưu động, có thể thấy việc xét xử lưu động vụ án hình sự có ý nghĩa răn đe, giáo dục, tuyên truyền pháp luật đến rộng rãi với người dân. Hầu hết việc xét xử lưu động được thực hiện tại các địa phương nơi có hành vi phạm tội xảy ra hoặc những nơi có loại tội phạm đó hoành hành. Từ việc xét xử có thể tuyên truyền pháp luật, răn đe đến người dân, hạn chế được các tình hình phạm tội trên các địa bàn.
Tuy nhiên, việc xét xử lưu động cũng có hai mặt khi nó vẫn tồn tại một số ảnh hưởng tiêu cực như:
– Đối với người phạm tội: Mục đích của việc xét xử lưu động là công khai tới toàn dân ở địa phương để răn đe, việc này đồng nghĩa với việc gây ra áp lực rất lớn đối với người phạm tội, do đó họ sẽ khó có khả năng hòa nhập với cộng đồng sau khi phải chấp hành án khi đối mặt với sự mặc cảm khi bị xét xử lưu động ngay tại địa phương mình sinh sống, bởi việc xét xử công khai giữa rất nhiều người cũng gây nên tâm lý hoang mang, xấu hổ đối với người thân của người phạm tội. Không chỉ riêng người phạm tội mà hội đồng xét xử cũng sẽ gặp áp lực trong quá trình xét xử.
– Tồn tại tiếp theo trong quá trình xét xử lưu động là khi xét xử lưu động rất khó đảm bảo an ninh, trật tự của nơi diễn ra phiên tòa, nhất là từ những đám đông quá khích bởi việc xét xử khi diễn ra thì sẽ có rất nhiều người dân đến tham gia.
– Ngoài ra về chi phí xét xử lưu động thì theo thông tin từ Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, mỗi năm ngân sách chỉ khoảng 70 tỷ đồng cho việc xét xử lưu động, chi phí này đang quá lớn.
Như vậy, có thể thấy. việc đưa một vụ án ra xét xử lưu động bên cạnh ý nghĩa duy nhất là răn đe. giáo dục tinh thần “thượng tôn pháp luật” thì cũng có không ít những mặt tiêu cực.
Như vậy, có thể thấy việc xét xử lưu động có ý nghĩa răn đe, giáo dục, tuyên truyền pháp luật đến rộng rãi với người dân và quyết định xét xử lưu động hay không phụ thuộc vào tòa án. Cơ quan tòa án phải luôn đảm bảo dù xét xử tại tòa án hay xét xử lưu động thì đều thực hiện đúng quy định của pháp luật để đảm bảo kết quả của vụ việc.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
– Bộ luật tố tụng hình sự 2015;
–
– Nghị quyết 96/2019/QH14 về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và công tác thi hành án.