Khi nào cần xét nghiệm ADN để làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con? Xét nghiệm ADN làm giấy khai sinh: Ở đâu? Hết bao nhiêu tiền? Xét nghiệm ADN để tiến hành thủ tục nhận cha, mẹ con như thế nào? Thủ tục tiến hành kết hợp việc đăng ký nhận cha mẹ con và đăng ký khai sinh cùng một lúc.
Thực tế, rất nhiều trường hợp cha, mẹ chưa đăng ký kết hôn nhưng đã có con và cần là các thủ tục để được công nhận quan hệ cha, mẹ con. Một trong những căn cứ để có thể được công nhận quan hệ là cần có xét nghiệm ADN chứng minh quan hệ đó là huyết thống. Vậy xét nghiệm ADN ở đâu, chi phí ra sao? Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây:
Tư vấn luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại: 1900.6568
Mục lục bài viết
- 1 1. Khi nào cần xét nghiệm ADN để làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con?
- 2 2. Xét nghiệm ADN làm giấy khai sinh: Ở đâu? Hết bao nhiêu tiền?
- 3 3. Xét nghiệm ADN để tiến hành thủ tục nhận cha, mẹ con như thế nào?
- 4 4. Thủ tục tiến hành kết hợp việc đăng ký nhận cha mẹ con và đăng ký khai sinh cùng một lúc:
1. Khi nào cần xét nghiệm ADN để làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con?
Thông thường, sinh con ra và cha, mẹ đã làm thủ tục đăng ký kết hôn thì tiến hành khai sinh cho con theo các thủ tục thông thường. Tuy nhiên trên thực tế vẫn có trường hợp cha, mẹ không đăng kí kết hôn nhưng vẫn tiến hành đăng kí khai sinh cho con bình thường.
Theo căn cứ tại Điều 14 Luật Hộ tịch quy định nội dung đăng kí khai sinh sẽ bao gồm những thông tin sau:
– Thông tin của người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch.
– Thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú.
– Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh.
Do vậy, trong giấy khai sinh của trẻ cần có thông tin của cha, mẹ.
Theo đó, tại Khoản 1 Điều 16 Luật hộ tịch và Điều 9 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định thủ tục đăng kí khai sinh cho trẻ cần những giấy tờ sau:
– Tờ khai theo mẫu quy định.
– Giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch; không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.
– Trường hợp cha, mẹ đẻ đã đăng ký kết hôn thì còn phải xuất trình giấy chứng nhận kết hôn.
Do vậy, có thể thấy rằng, khi khai sinh cho con thì cha, mẹ của trẻ không cần xuất trình đăng ký kết hôn (chỉ xuất trình giấy chứng nhận đăng kí kết hôn khi có đăng kí kết hôn).
Nếu cha mẹ chưa đăng ký kết hôn thì con sẽ được khai sinh theo diện chưa xác định được cha hoặc mẹ. Và trong trường hợp này, muốn chứng minh được quan hệ cha, mẹ con với nhau thì cần đến thủ tục giấy xét nghiệm ADN.
2. Xét nghiệm ADN làm giấy khai sinh: Ở đâu? Hết bao nhiêu tiền?
Xét nghiệm ADN (Axit DeoxyriboNucleic) chính là phương pháp phân tích ADN trên các nhiễm sắc thể của các đối tượng tham gia. Từ đó có thể đối chiếu và phân tích được kết quả xác định có mối quan hệ huyết thống hay không.
Ở Việt Nam hiện có rất nhiều bệnh viện, trung tâm xét nghiệm cấp dịch vụ xét nghiệm ADN theo yêu cầu. Khách hàng có thể tham khảo một số đơn vị có xét nghiệm ADN tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh. Cụ thể là:
* Ở khu vực Hà Nội:
-Trung tâm xét nghiệm ADN NOVAGEN:
+ Trụ sở ở miền Bắc: Tầng 5 Tòa nhà An Phú số 24 Hoàng Quốc Việt, phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, Hà Nội.
+ Chi nhánh miền Nam: Tầng 1, tòa Sen Xanh, 36 Trịnh Đình Thảo, phường Hòa Thạnh, Quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh.
– Trung tâm xét nghiệm ADN GENPLUS (GEN+): địa chỉ 198 Trường Chinh, Đống Đa, Hà Nội
– Dịch vụ xét nghiệm ADN – Bệnh viện đa khoa Medlatec:
+ Địa chỉ 1: Số 42 – 44 Nghĩa Dũng, Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.
+ Địa chỉ 2: Số 99 Trích Sài, Tây Hồ, Hà Nội.
– Trung tâm giám định gen của Bộ Công An: địa chỉ 99
– Trung tâm xét nghiệm di truyền GENTIS: địa chỉ Tầng 2, Tòa nhà HCMCC, 249A Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội.
– Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền: địa chỉ 445 Đội Cấn và 108-E3 Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội.
* Ở khu vực Hồ Chí Minh:
– Bệnh viện Truyền Máu Huyết Học: địa chỉ Phòng tư vấn ADN huyết thống nằm ở Lầu 1 – 118 Hồng Bàng, P. 12, Q. 5, TP. Hồ Chí Minh.
– Trung tâm xét nghiệm ADN Bionet Việt Nam: địa chỉ Tầng trệt Khu văn phòng VINAFOR – 64 Trương Định, P.7, Q.3, TP. Hồ Chí Minh.
– Trung tâm xét nghiệm ADN GENVIET: địa chỉ tại Văn phòng trung tâm: Phòng 601, 383 Võ Văn Tần, Phường 5, Quận 3, TP Hồ Chí Minh.
– Viện sinh học phân tử LOCI: địa chỉ tại 1140 Phạm Văn Đồng, P. Linh Đông, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.
– Trung tâm Công nghệ di truyền Việt Nam: địa chỉ tại Tầng 2 Tòa nhà Kim Tâm Hải – 27 Trường Chinh, P. Tân Thới Nhất, Q.12, TP. Hồ Chí Minh.
Về mức giá xét nghiệm ADN thì hiện nay không có quy định cụ thể về mức giá cho một lần xét nghiệm ADN. Hiện nay có rất nhiều gói dịch vụ lựa chọn cho khách hàng. Tại mỗi bệnh viện, phòng xét nghiệm đều có bảng giá riêng cho dịch vụ xét nghiệm ADN xác định huyết thống.
Thông thường, thực tế hiện nay chi phí cho mỗi lần xét nghiệm ADN huyết thống cha – con dao động trong khoảng từ 1.500.000 – 10 triệu đồng khi làm xét nghiệm cho 2 người, và thêm phụ phí 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng từ người thứ 3 trở đi.
3. Xét nghiệm ADN để tiến hành thủ tục nhận cha, mẹ con như thế nào?
Thủ tục nhận cha, mẹ con được quy định cụ thể tại Điều 25
Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ:
Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ con nộp hồ sơ gồm những giấy tờ sau:
– Tờ khai theo mẫu quy định.
– Chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc quan hệ mẹ con, gồm các loại văn bản, giấy tờ sau:
+ Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con: ví dụ như giấy xét nghiệm ADN;…
+ Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con thì cần văn bản cam đoan giữa các bên cha, mẹ con về mối quan hệ cha, mẹ, con theo quy định và phải có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.
Bước 2: Nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã/ phường nơi cư trú của cha hoặc mẹ.
Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết yêu cầu:
– Xét thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu. Thời hạn giải quyết là trong 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định.
– Nếu như cần được xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm và không quá 05 ngày làm việc.
4. Thủ tục tiến hành kết hợp việc đăng ký nhận cha mẹ con và đăng ký khai sinh cùng một lúc:
Theo quy định tại Điều 15
Bước 1: Nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân cấp xã nơi cư trú của cha hoặc mẹ
Hồ sơ đăng ký khai sinh kết hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con bao gồm:
– Tờ khai đăng ký khai sinh, Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con theo mẫu quy định.
– Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay thế Giấy chứng sinh.
– Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con.
Lưu ý: trường hợp có yếu tố nước ngoài là đăng ký khai sinh kết hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con mà một bên có yêu cầu là người nước ngoài, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài thì thẩm quyền thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết yêu cầu:
– Nguyên tắc khi đăng ký khai sinh cho trẻ em mà có người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của cha hoặc mẹ kết hợp giải quyết thủ tục đăng ký khai sinh và thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con.
– Thủ tục:
+ Nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.
+ Nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định vào Sổ hộ tịch. Sau đó cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân.
+ Công chức tư pháp – hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch.
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.
Cuối cùng Giấy khai sinh và Trích lục đăng ký nhận cha, mẹ, con được cấp đồng thời cho người yêu cầu.