Xét lý lịch đối với công dân thi vào trường công an. Thẩm tra lý lịch cá nhân.
Xét lý lịch đối với công dân thi vào trường công an. Thẩm tra lý lịch cá nhân.
Tóm tắt câu hỏi:
Cho tôi xin hỏi, em chồng tôi có làm hồ sơ xét tuyển công an, nhưng bố chồng tôi có án tích đã được xóa cách đây hơn chục năm khi khai lý lịch chúng tôi khai 1 án tích và xác minh thì lại nói có thêm 1 án nữa thế là bên công an nhận hồ sơ cho rằng gia đình tôi khai không trung thực gia đình tôi làm đơn xác minh lại lần nữa thì không có án thứ 2 nhưng lại không được chấp nhận hồ sơ của em chồng tôi, vậy gia đình tôi phải làm như thế nào? Kính mong nhận được sự tư vấn của Luật sư, xin chân thành cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Văn bản hợp nhất số 11/2014/VBHN-BCA.
2. Giải quyết vấn đề:
Căn cứ Khoản 2 Điều 4 Văn bản hợp nhất số 11/2014/VBHN-BCA quy định tiêu chuẩn chính trị đối với công dân thi tuyển vào các trường thuộc ngành công an như sau:
“2. Tiêu chuẩn tuyển chọn
a) Tiêu chuẩn chính trị
– Là công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có địa chỉ thường trú trên lãnh thổ Việt Nam, có lý lịch bản thân và gia đình rõ ràng, nghiêm chỉnh chấp hành đường lối chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam, pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoặc đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Đối với cán bộ, học sinh dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có thể tuyển thanh niên ưu tú, đủ điều kiện để kết nạp vào Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.
Công dân có chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư, trình độ Tiến sĩ, Thạc sĩ, tốt nghiệp đại học hệ chính quy hạng giỏi, xuất sắc có thể tuyển những người chưa là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoặc chưa là đoàn viên Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
– Đảm bảo các quy định cụ thể khác của Bộ trưởng Bộ Công an về tiêu chuẩn chính trị của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân.”
Theo quy định trên, công dân và gia đình của công dân phải có lý lịch rõ ràng, tức công dân thi tuyển và các thành viên trong gia đình của công dân không có án tích, hoặc nếu có án tích thì phải được xóa án tích.
Theo như bạn trình bày, em chồng bạn làm hồ sơ xét tuyển công an và bố chồng có án tích nhưng đã được xóa, nhưng phía bên nhận hồ sơ của em bạn lại xác minh bố bạn có hai án tích. Để xác minh bố bạn có một án tích hay hai án tích thì phía gia đình bạn nên yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp phiếu lý lịch tư pháp cho bố bạn, bởi phiếu lý lịch tư pháp sẽ thể hiện tình trạng cá nhân có án tích hay không có án tích theo quy định tại Khoản 4 Điều 2 Luật lý lịch tư pháp 2009:
“4. Phiếu lý lịch tư pháp là phiếu do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản.”
>>> Luật sư tư vấn điều kiện công dân thi trường công an: 1900.6568
Do bố bạn có 1 án tích và đã được xóa án tích nên trong phiếu lý lịch tư pháp sẽ thể hiện không có án tích theo quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 42 Luật lý lịch tư pháp 2009:
“2. Tình trạng án tích:
…
b) Đối với người được xóa án tích và thông tin về việc xóa án tích đã được cập nhật vào Lý lịch tư pháp thì ghi “ không có án tích”;”
Phiếu lý lịch tư pháp của bố bạn sẽ là căn cứ để chứng minh hiện giờ bố bạn không có án tích, tức có án tích nhưng đã được xóa. Nếu phía công an nhận hồ sơ của em chồng bạn vẫn khẳng định bố chồng bạn có một án tích khác thì phía gia đình có thể làm đơn kiến nghị gửi đến thủ trưởng cơ quan công an nơi tiếp nhận hồ sơ của em bạn về việc không nhận hồ sơ xét tuyển công an của em bạn.