Hiện nay, hoạt kinh doanh vận tải phát triển vô cùng mạnh mẽ, với nhiều phương thức và loại xe kinh doanh khác nhau. Khi các phương tiện xe được sử dụng trong mục đích kinh doanh vận tải, cần phải đăng ký với cơ quan chức năng cũng như thực hiện nghĩa vụ của người kinh doanh.
Mục lục bài viết
1. Xe kinh doanh vận tải là gì?
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 10/2020/NĐ-CP:
Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.
Như vậy:
Thuật ngữ xe kinh doanh vận tải được xác định đối với các phương tiện ô tô tham gia vận chuyển. Các phương tiện này có thể thực hiện một hoặc một số hoạt động vận tải với đối tượng chuyên chở có thể là người hoặc hàng hóa tùy thuộc nhu cầu, điều kiện kinh doanh vận tải được nhà nước quản lý.
Kinh doanh vận tải sử dụng xe ô tô để vận chuyển hàng hóa, chuyên chở hành khách trên đường bộ nhằm mục đích thu lại lợi nhuận. Các phương tiện này phải được đăng ký để gắn phù hiệu, xác định mục đích sử dụng ổn định, lâu dài mà chủ sở hữu đăng ký cho phương tiện. Chủ sở hữu được tổ chức điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải. Cung cấp các dịch vụ và nhận được chi phí thanh toán từ người sử dụng dịch vụ vận tải đó.
Theo Nghị định số 10/2020 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (Từ Điều 4 đến Điều 9 và Điều 13, Điều 14 tại Nghị định này). Việc phân loại các phương tiện kinh doanh vận tải được xác định theo mục đích, cách thức tổ chức sử dụng phương tiện vận tải trong hoạt động chuyên chở. Bao gồm:
– Xe kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô:
Đối tượng được chuyên chở là hành khách, trong các nhu cầu và dịch vụ cung cấp khác nhau.
+ Kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định. Bên cung cấp quy định tuyến đường di chuyển của phương tiện. Các hành khách phải tuân thủ dựa trên sự phù hợp so với các nhu cầu thực tế. Hình thức này thường được sử dụng đối với các xe khách liên tỉnh, có lộ trình di chuyển cụ thể để chở người.
+ Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định. Tuyến xe buýt và các điểm dừng cũng đã được xác định theo quy hoạch cụ thể. Do đó các khách hàng có nhu cầu di chuyển phải lên, xuống đúng điểm chờ.
+ Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi. Hành khách được lựa chọn điểm đến, điểm khởi đầu. Giá tiền cũng được tính căn cứ trên quãng đường hành khách di chuyển và theo phương thức tính toán cho từng chiều dài quãng đường. Phương tiện này mang đến tiện ích phổ biến trong nhiều năm trở lại đây.
+ Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định. Loại hình này thường được gọi là các xe hợp đồng, xe dịch vụ theo nhu cầu di chuyển của hành khách. Họ có thể hẹn giờ đón, giờ xuất phát cũng như thương lượng về chi phí di chuyển. Các phương tiện này có nhiều tiện ích cung cấp nhu cầu hơn, khi chi phí di chuyển liên tỉnh thường cố định. Đây cũng là loại hình vận tải phổ biến trong những năm gần đây.
+ Kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ô tô. Nhu cầu của hành khách là đi du lịch. Do đó có sự đặc thù hơn trong sự chủ động của phương tiện di chuyển. Phải đảm bảo di chuyển và đưa khách du lịch đến các địa điểm theo lộ trình và thời gian đề ra.
– Xe kinh doanh vận tải hàng hóa bằng ô tô:
Đối với các phương tiện này, mục đích kinh doanh vận tải cũng được xác định cụ thể trên hàng hóa. Việc vận chuyển hàng hóa theo yêu cầu sẽ mang đến các đơn hàng, và tìm kiếm lợi nhuận từ kinh doanh.
Thông thường, các phương tiện có thể kết hợp kinh doanh vận tải hàng hóa và hành khách. Từ đó tiếp cận được nhiều nhu cầu thực tế hơn cũng như khai thác được các lợi nhuận trong hoạt động kinh doanh tốt hơn.
Theo
2. Xe kinh doanh vận tải tiếng Anh là gì?
Xe kinh doanh vận tải tiếng Anh là Transport business vehicle.
3. Những loại xe buộc phải đăng ký?
Đối với những loại xe hoạt động kinh doanh vận tải phải đảm bảo việc đăng ký và gắn phù hiệu. Giấy phép kinh doanh vận tải và phù hiệu là căn cứ xác định quyền lợi, nghĩa vụ liên quan của chủ xe.
Theo quy định, biển số vàng được áp dụng cho các loại xe sau: Xe chở khách theo tuyến cố định; xe buýt theo tuyến cố định; xe taxi; xe chở khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định; xe chở khách du lịch. Đây cũng chính là các phương tiện buộc phải đăng ký kinh doanh vận tải theo quy định.
Các mục đích di chuyển của phương tiện được hiểu theo quy định tại Điều 3 của Nghị định như bên dưới:
– Kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định là kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô có xác định bến xe khách nơi đi, bến xe khách nơi đến với lịch trình, hành trình nhất định.
– Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định là kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô có các điểm dừng đón, trả khách và xe chạy theo biểu đồ vận hành với cự ly, phạm vi hoạt động nhất định, bao gồm tuyến xe buýt nội tỉnh và tuyến xe buýt liên tỉnh. Trong đó:
+ Tuyến xe buýt nội tỉnh là tuyến xe buýt có phạm vi hoạt động trên địa bàn của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
+ Tuyến xe buýt liên tỉnh là tuyến xe buýt có phạm vi hoạt động trên địa bàn của hai hoặc ba tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
– Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi là việc sử dụng xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ (bao gồm cả người lái xe) để vận chuyển hành khách theo lịch trình và hành trình do hành khách yêu cầu; có sử dụng đồng hồ tính tiền để tính cước chuyến đi hoặc sử dụng phần mềm để đặt xe, hủy chuyến, tính cước chuyến đi và kết nối trực tiếp với hành khách thông qua phương tiện điện tử.
– Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định là kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô được thực hiện theo hợp đồng vận chuyển hành khách bằng văn bản giấy hoặc điện tử (sau đây gọi là hợp đồng vận chuyển hoặc hợp đồng điện tử) giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe).
– Kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ô tô được thực hiện theo hợp đồng vận chuyển hoặc hợp đồng lữ hành bằng văn bản giấy hoặc điện tử giữa đơn vị kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ô tô với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe) để vận chuyển khách du lịch theo chương trình du lịch.
– Vận tải trung chuyển hành khách là hoạt động vận tải không thu tiền do doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định sử dụng xe ô tô chở người từ 16 chỗ trở xuống (kể cả người lái xe) để đón, trả khách đi các tuyến vận tải khách cố định của đơn vị mình đến bến xe khách hoặc điểm dừng đón, trả khách của tuyến cố định trên địa bàn địa phương hai đầu tuyến.
Như vậy:
Trên đây là nội dung giải đáp về xe kinh doanh vận tải và các phương tiện cần đăng ký mục đích kinh doanh vận tải. Việc đăng ký xe kinh doanh vận tải là bắt buộc và có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hiệu quả của quá trình khai thác, sử dụng phương tiện. Thông qua đó, việc quản lý hoạt động này của nhà nước cũng trở lên hiệu quả, dễ dàng hơn. Đồng thời thông qua việc đăng ký theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật, người tham gia đinh doanh vận tải được đảm bảo các quyền và lợi ích chính đáng trong quá trình kinh doanh.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
– Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
– Nghị định 47/2022/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô