Các loại hình kinh doanh vận tải. Điều kiện để được kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Hồ sơ đăng ký kinh doanh đối với xe cá nhân. Thủ tục đăng ký kinh doanh đối với xe cá nhân.
Kinh doanh dịch vụ vận tải bằng xe ô tô là một trong những ngành nghề kinh doanh đang khá phổ biến bởi nhu cầu vận chuyển hành khách cũng như hàng hóa ngày càng cao. Vậy nếu xe cá nhân đăng ký kinh doanh cần phải làm những thủ tục như thế nào? Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây:
Mục lục bài viết
1. Các loại hình kinh doanh vận tải:
Căn cứ tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP quy định kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc tiến hành các công đoạn chính của hoạt động vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ gồm trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải, nhằm mục đích sinh lời.
Đơn vị kinh doanh vận tải gồm có doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Kinh doanh vận tải có nhiều loại. Cụ thể như sau:
– Kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định: được xác định là hình thức kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô và có xác định rõ được lịch trình, hành trình nhất định, có nơi đi, bến xe khách nơi đến
– Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định: kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô có điểm dừng đón, trả khách và xe chạy theo biểu đồ vận hành với cự ly, phạm vi hoạt động nhất định, bao gồm tuyến xe buýt nội tỉnh và tuyến xe buýt liên tỉnh. Cụ thể:
+ Tuyến xe buýt nội tỉnh: tuyến xe buýt có phạm vi hoạt động trên địa bàn của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
+ Tuyến xe buýt liên tỉnh: tuyến xe buýt có phạm vi hoạt động trên địa bàn của hai hoặc ba tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
– Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi: loại hình sử dụng là ô tô có sức chữa dưới 9 chỗ (bao gồm cả người lái xe) để vận chuyển hành khách dựa theo lịch trình do hành khách yêu cầu và tính phí. Việc tính phí căn cứ theo đồng hồ đo tính cước chuyến đi; hoặc sử dụng công nghệ để đặt xe, hủy chuyến cũng như tính cước vận chuyển
– Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định: là dạng kinh doanh vận tải bằng ô tô và có hợp đồng kèm theo (loại hợp đồng có thể bằng văn bản hoặc hợp đồng điện tử) và được kí kết giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe)
– Kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ô tô: loại hình kinh doanh theo dạng hợp đồng vận chuyển hoặc hợp đồng lữ hành bằng văn bản hoặc hợp đồng điện tử giữa đơn vị kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ô tô với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe) để vận chuyển khách du lịch theo chương trình du lịch.
– Vận tải trung chuyển hành khách: hình thức kinh doanh sử dụng xe ô tô 16 chỗ hoạt động vận tải không thu tiền do doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định để đón, trả khách đi các tuyến vận tải khách cố định của đơn vị mình đến bến xe khách hoặc điểm dừng đón, trả khách của tuyến cố định trên địa bàn địa phương hai đầu tuyến.
2. Điều kiện để được kinh doanh vận tải bằng xe ô tô:
2.1. Điều kiện để kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô:
– Quyền sở hữu: xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách phải thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp theo hợp đồng thuê phương tiện bằng văn bản của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô với tổ chức, cá nhân hoặc
Nếu là xe đăng ký thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã phải có hợp đồng dịch vụ giữa thành viên với hợp tác xã, trong đó quy định hợp tác xã có quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ quản lý, sử dụng, điều hành xe ô tô thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã
– Nếu xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định sức chứa phải đảm bảo từ 09 chỗ trở lên (bao gồm cả người lái xe), đảm bảo niên hạn sử dụng là không quá 15 năm (tính từ năm sản xuất) đối với xe hoạt động trên tuyến cự ly trên 300 ki-lô-mét, không quá 20 năm (tính từ năm sản xuất) đối với xe hoạt động trên tuyến có cự ly từ 300 ki-lô-mét trở xuống
– Nếu là xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt: niên hạn sử dụng đảm bảo không quá 20 năm (tính từ năm sản xuất)
– Đối với xe taxi: đảm bảo sức chứa dưới 09 chỗ (kể cả người lái) và có niên hạn sử dụng không quá 12 năm (tính từ năm sản xuất)
– Đối với xe ô tô kinh doanh vận tải khách du lịch: đảm bảo niên hạn sử dụng không quá 15 năm (tính từ năm sản xuất)
Với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng: đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 300 ki-lô-mét có niên hạn sử dụng không quá 15 năm (tính từ năm sản xuất) và không quá 20 năm (tính từ năm sản xuất) đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly từ 300 ki-lô-mét trở xuống
– Đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách du lịch và xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng: đảm bảo dưới 09 chỗ (kể cả người lái) sử dụng hợp đồng điện tử có niên hạn sử dụng không quá 12 năm (tính từ năm sản xuất)
– Yêu cầu về lắp camera giám sát hành trình: đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 09 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên. Và dữ liệu hình ảnh phải đảm bảo được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch.
2.2. Điều kiện kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô:
– Quyền sở hữu: Xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa phải thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp theo hợp đồng thuê phương tiện bằng văn bản của đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa với tổ chức, cá nhân hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật
Nếu như là xe thuộc quyền sở hữu của thành viên hợp tác xã phải có hợp đồng dịch vụ giữa thành viên với hợp tác xã
– Điều kiện phải được lắp camera giám sát hành trình: áp dụng đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng công-ten-nơ, xe đầu kéo. Và dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch.
3. Hồ sơ đăng ký kinh doanh đối với xe cá nhân:
Hiện nay, kinh doanh dịch vụ vận tải bằng xe ô tô là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Trước hết, để có thể thực hiện hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô thì cá nhân, tổ chức phải thành lập hộ kinh doanh cá thể; doanh nghiệp hoặc hợp tác xã theo đúng trình tự, quy định tại
Hồ sơ xin giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của hộ kinh doanh cá thể bao gồm:
– Giấy đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh (theo mẫu)
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
Hồ sơ xin giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của doanh nghiệp, hợp tác xã bao gồm:
– Giấy đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh (theo mẫu)
– Bản sao hoặc bản chính Quyết định thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ của bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông (áp dụng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, vận tải hành khách bằng xe buýt, vận tải hành khách bằng xe taxi, vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ, vận tải hành khách sử dụng hợp đồng điện tử).
4. Thủ tục đăng ký kinh doanh đối với xe cá nhân:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Chuẩn bị đầy đủ một bộ hồ sơ như đã nêu tại Mục 3 nói trên.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu nộp hồ sơ tại Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo hình thức nộp trực tiếp hoặc nộp qua Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đó.
Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết hồ sơ
– Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh thẩm định hồ sơ, cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cho hộ kinh doanh cá thể. Thời hạn giải quyết là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đúng theo quy định.
– Nếu hồ sơ cần sửa đổi hoặc có vấn đề thì cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản hoặc thông báo qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến những nội dung cần bổ sung hoặc sửa đổi đến đơn vị kinh doanh vận tải. Thời hạn giải quyết là 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ.
– Trường hợp không cấp Giấy phép kinh doanh thì cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh phải trả lời bằng văn bản hoặc thông báo qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và nêu rõ lý do.
Bước 4: Nhận kết quả
Người nộp hồ sơ sau đó mang giấy hẹn đến để nhận Giấy phép kinh doanh.