Những điều cần biết về xe bán tải? Xe bán tải có được đi làn đường của xe con không? Quy định làn đường đi xe bán tải như thế nào? Xử phạt vi phạm hành chính khi xe bán tải đi sai làn đường?
Hiện nay nhu cầu sử dụng xe bán tải của người dân tăng cao. Theo quy chuẩn mới ban hành có hiệu lực từ ngày 01/7/2022, nhiều loại xe bán tải được coi là xe con nhưng nhiều loại xe được coi là xe tải. Nhiều người quan tâm về quy định làn đường đi của xe bán tải. Xe bán tải đi làn đường nào? Đi làn của xe con được không?
Căn cứ pháp lý:
–
–
– Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 100/2019/NĐ-CP;
– Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia Việt Nam QCVN 41/2019/BGTVT về báo hiệu đường bộ.
Luật sư tư vấn luật miễn phí qua tổng đài điện thoại: 1900.6568
Mục lục bài viết
1. Những điều cần biết về xe bán tải:
Xe bán tải (Pickup truck) là loại ô tô hạng nhỏ được thiết kế, sản xuất kết hợp giữa xe tải chuyên chở hàng hóa và xe du lịch gia đình với khoang cabin chở người, thường có 4 ghế cho khách và 1 thùng xe chở được khoảng 500 kg hàng hóa ở phía sau. Các dòng xe bán tải thường có kết cấu chiều dài khoảng 5m, cao 1m8 và rộng 1m8. Khoang cabin có chỗ ngồi cho tối đa 5 người, chiếm hơn ⅔ diện tích xe với chiều dài khoảng 5m. Thùng xe ở phía sau có chiều dài nhỏ hơn, khoảng 1m và cao từ 45 đến 50 cm. Hiện nay, đây là một loại xe đa năng được mọi người yêu chuộng nhất trên thị trường.
Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Quy chuẩn 41/2019/BGTVT giải thích về xe bán tải như sau: Xe bán tải (xe pickup), xe tải VAN có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông dưới 950 kg, xe 3 bánh có khối lượng bản thân lớn hơn 400 kg, trong tổ chức giao thông, được xem là xe con. Trong đó, khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông của xe bán tải được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Khối lượng bản thân xe được đo bằng kilôgam (kg) hoặc tấn (t) ở trạng thái tĩnh được ghi theo thông số quy định trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không kể đến khối lượng người trong xe và khối lượng hàng hóa trên xe.
Không phải tất cả các mẫu xe bán tải trên thị trường đều bị hạn chế khi tham gia giao thông theo quy định mới. Hiện nay, hầu hết các mẫu xe bán tải phổ thông đều có khối lượng chuyên chở dưới 950kg để được phép lưu thông vào thành phố như Mazda BT-50, Mitsubishi Triton hay Ford Ranger mới,…. Chỉ có một số ít các dòng xe bán tải đời cũ có thể nằm trong khung điều chỉnh này, số lượng này trên thị trường không nhiều và phụ thuộc vào từng loại xe và từng đời sản xuất. Chẳng hạn, Ford Ranger phiên bản XLS sản xuất năm 2013 có khối lượng chuyên chở cho phép là 991 kg, đời 2015 là 957 kg, thì sẽ không được xem là xe con khi tham gia giao thông kể từ 1/7/2022. Trong khi đó mẫu xe sản xuất năm 2016, có khối lượng chuyên chở cho phép là 827 kg, vẫn được xem là xe con theo quy chuẩn mới và được chạy trong làn xe con theo quy định về giao thông đường bộ.
2. Xe bán tải có được đi làn đường của xe con không?
Xe bán tải nếu xe có khối lượng hàng chuyên chở dưới 950 kg, xe 3 bánh có khối lượng bản thân lớn hơn 400 kg thì được xem là xe con và được đi vào làn xe con. Trong khi đó, các xe bán tải có khối lượng chuyên chở cho phép tham gia giao thông từ 950kg trở lên sẽ bị coi là xe tải. Những loại xe này chỉ được vào trong đô thị trong khung giờ theo quy định và làn đường như đối với xe tải.
Xe ô tô con (hay còn gọi là xe con) là xe ô tô được xác định theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, để chở người không quá 9 chỗ ngồi (kể cả chỗ người lái). Còn xe Ô tô tải (hay còn gọi là xe tải) là xe ô tô có kết cấu và trang bị chủ yếu để chuyên chở hàng hóa (bao gồm cả ô tô đầu kéo, ô tô kéo rơ moóc và các loại xe như xe PICK UP, xe tải VAN có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông từ 950 kg trở lên).
Khi tham gia giao thông, chủ lái xe cần căn cứ vào đăng ký, đăng kiểm với các đặc điểm kỹ thuật và tải trọng của phương tiện, so sánh, đối chiếu với quy định về báo hiệu đường bộ để xác định lưu thông trên làn đường phù hợp.
Căn cứ theo quy định tại Điều 9 Luật giao thông đường bộ năm 2008 về quy tắc khi tham gia giao thông thì: “Người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ.”
Như vậy, khi xe di chuyển trên đường có làn đường phân cách, xe bán tải với đặc điểm kỹ thuật được coi là xe con phải đi đúng làn đường của mình, không được đi lấn chiếm sang làn đường của các xe khác, bao gồm cả làn dành cho xe tải. Nếu xe bán tải với quy định trên giấy đăng kiểm là xe tải thì phải đi đúng làn đường dành cho xe tải và không được lấn làn xe khác. Tuy nhiên, sẽ có trường hợp ngoại lệ đối với các xe được ưu tiên.
3. Quy định làn đường đi xe bán tải như thế nào?
Căn cứ vào các đặc điểm của chiếc bán tải (khối lượng, số lượng chỗ ngồi…), người lái xe sẽ xác định được mình đã đi đúng làn hay chưa. Việc đi đúng làn đường là rất cần thiết khi tham gia giao thông.
Làn đường được chia theo chiều dọc của đường, có đủ bề rộng cho xe chạy an toàn, là một phần của phần đường xe chạy, có thể có một hoặc nhiều làn đường.
Theo quy định tại Điều 13 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định về việc sử dụng làn đường như sau:
– Trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn với các xe di chuyển xung quanh.
– Trên đường một chiều có vạch kẻ phân làn đường, xe thô sơ phải đi trên làn đường bên phải trong cùng, xe cơ giới, xe máy chuyên dùng đi trên làn đường bên trái.
– Phương tiện tham gia giao thông đường bộ di chuyển với tốc độ thấp hơn phải đi về bên phải.
Trên đường có từ hai làn xe cơ giới mỗi chiều trở lên (được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường), người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường. Khi lưu thông, phương tiện trên các làn khác nhau có thể chạy nhanh hơn nhau miễn là tuân thủ quy định về tốc độ và loại phương tiện sử dụng làn đường và khi chuyển làn phải tuân thủ theo quy tắc giao thông đường bộ.
Trên đường nếu có vạch kẻ đường được sử dụng kết hợp với đèn tín hiệu, biển báo hiệu thì người tham gia giao thông phải tuân theo ý nghĩa, hiệu lệnh của tất cả, bao gồm vạch kẻ đường và đèn tín hiệu, biển báo hiệu đúng theo thứ tự quy định.
Thông thường có hai loại vạch kẻ đường quen thuộc là vạch đứt khúc trắng và vạch liền trắng:
+ Vạch đứt khúc trắng: Đây là vạch được kẻ theo chiều dọc, có tác dụng phân chia làn đường. Trong trường hợp vạch ở đầu đường thì có tác dụng hướng dẫn xe chạy đúng tuyến đường.
+ Vạch liền trắng: Đây cũng là vạch kẻ dọc được dùng để phân cách giữa làn xe có động cơ và làn xe không có động cơ, hoặc còn có thể để quy định giới hạn ngoài của đường dành riêng cho xe chạy. Trong trường hợp vạch ở đầu đường có tác dụng hướng dẫn xe chạy hoặc xe dừng.
Để báo hiệu cho người tham gia giao thông biết có làn đường dành riêng cho từng loại xe hoặc nhóm xe riêng biệt, đặt biển số R.412 (a,b,c,d,e,f,g,h) theo mục D.14 quy chuẩn kỹ thuật 41/2019/BGTVT. Biển được đặt phía trên làn xe, ở đầu đường theo chiều xe chạy. Tùy loại phương tiện, nhóm phương tiện cần quy định mà bố trí hình vẽ, biểu tượng các phương tiện tương ứng và mũi tên trên biển cho phù hợp và đảm bảo mỹ quan. Các loại xe khác không được đi vào làn đường có đặt biển này (trừ các xe được quyền ưu tiên theo quy định). Trong đó, Biển số R.412b “Làn đường dành cho xe ô tô con”. Biển số R.412c “Làn đường dành cho xe ôtô tải”. Trong trường hợp cần phân làn các loại xe tải theo khối lượng chuyên chở cho phép thì ghi trị số khối lượng chuyên chở cho phép của xe tải lên thân xe trong hình vẽ của biển (Ví dụ: “<3,5t”). Khi đến gần nơi đường bộ giao nhau, xe được phép chuyển làn để đi theo hành trình mong muốn. Việc chuyển làn phải thực hiện theo đúng các quy định.
Các biển báo chỉ dẫn làn đường giúp người tham gia giao thông đi đúng làn đường dành cho xe. Hiện nay, có 2 loại biển báo thông dụng giúp chỉ dẫn làn đường cho xe ô tô: Biển báo trên giá long môn và biển báo đặt trên các trụ đỡ.
Biển báo đặt trên các trụ đỡ: Loại biển báo này sẽ được đặt trên các tuyến đường với mục đích thông báo lại, nhắc lại người tham gia giao thông các thông tin, quy định về làn đường dành cho họ. Có đường 4 làn và đường 3 làn, những biển chỉ dẫn được quy định như sau:
– Làn đường thứ nhất vẽ ký hiệu ô tô bên trái trong cũng là chỉ dẫn làn đường dành riêng cho xe ô tô.
– Làn đường thứ 2 vẽ kí hiệu ô tô bên trên, xe máy bên dưới là chỉ dẫn làn đường dành cho xe ô tô và xe máy đi chung tức là cho phép cả ô tô và xe máy sẽ được đi trong làn đường này.
– Làn đường thứ 3 và thứ 4 vẽ kí hiệu xe máy bên trên, xe thô sơ bên dưới là chỉ dẫn làn đường nằm về phía bên phải cuối của đường, dành cho các phương tiện xe máy và xe thô sơ được phép đi chung trong làn đường này.
Biển báo chỉ dẫn được lắp trên các giá long môn: Những biển báo này sẽ được đặt tại đầu mỗi tuyến đường, ở vị trí cao để người lái xe có thể dễ dàng quan sát, mục đích để thông báo cho người tham gia giao thông biết làn đường nào là làn đường dành cho họ để tránh vi phạm luật giao thông.
4. Xử phạt vi phạm hành chính khi xe bán tải đi sai làn đường:
Căn cứ theo quy định tại Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP và nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung về xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ với nhiều mức độ, nhiều hành vi vi phạm khác nhau, dưới đây là những lỗi vi phạm thường gặp và mức xử phạt:
– Người điều khiển xe bán tải không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường; Chuyển hướng không nhường đường cho: Các xe đi ngược chiều; người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường tại nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ: Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng.
– Chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước, trừ các hành vi vi phạm Không tuân thủ các quy định khi vào hoặc ra đường cao tốc; điều khiển xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp hoặc phần lề đường của đường cao tốc; chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước khi chạy trên đường cao tốc; không tuân thủ quy định về khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước khi chạy trên đường cao tốc: Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.
– Chuyển hướng không giảm tốc độ hoặc không có tín hiệu báo hướng rẽ (trừ trường hợp điều khiển xe đi theo hướng cong của đoạn đường bộ ở nơi đường không giao nhau cùng mức): Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
– Điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định (làn cùng chiều hoặc làn ngược chiều); điều khiển xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp hoặc phần lề đường của đường cao tốc; chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước khi chạy trên đường cao tốc; không tuân thủ quy định về khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước khi chạy trên đường cao tốc: Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.
– Chuyển hướng, chuyển làn đường không đúng quy định gây tai nạn giao thông; không đi đúng phần đường, làn đường, không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe theo quy định gây tai nạn giao thông hoặc đi vào đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển, đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều” gây tai nạn giao thông, trừ hành vi đi ngược chiều trên cao tốc mức xử phạt khác: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng.
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm đi sai làn đường bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng; còn bị áp tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng nếu đi sai làn đường mà gây tai nạn.