Xây miếu thời trên đất của thôn có cần xin giấy phép xây dựng? Giải quyết tranh chấp quyền đối với miếu thời trên đất chung của thôn.
Xây miếu thời trên đất của thôn có cần xin giấy phép xây dựng? Giải quyết tranh chấp quyền đối với miếu thời trên đất chung của thôn.
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi có một vấn đề xin được luật sư tư vấn: Tôi là công chức Văn hóa xã hội của xã. Hiện tôi đang giải quyết một vụ việc như sau: Tại xã tôi có 1 hộ gia đình (gia đình ông A) vận động nhân dân trong thôn quyên góp để xây dựng một miếu thờ. Đất xây dựng miếu thờ là đất công (đất của thôn), hộ gia đình ông A chỉ có công kêu gọi nhân dân quyên góp để xây dựng miếu (tuy nhiên lại không có giấy tờ chứng mình nhân dân đã quyên góp, như vậy có thể coi như là hộ gia đình ông A tự bỏ tiền ra xây dựng). Sau khi miếu xây dựng xong, ban đầu thì nhân dân cả thôn vẫn sinh hoạt tín ngưỡng bình thường và giao cho hộ gia đình ông A trông nom miếu. Tuy nhiên thời gian gần đây, hộ gia đình ông A chiếm dụng miếu, coi đó là miếu riêng của gia đình, mọi tiền công đức của nhân dân hộ gia đình ông A đều chiếm dụng. Nhiều gia đình trong thôn bức xúc làm đơn khiếu kiện. UBND xã giải quyết rằng do miếu thờ xây dựng trên đất công nên thu hồi miếu, trả miếu thờ lại cho thôn quản lý, nhưng hộ gia đình ông A không đồng ý và khiếu kiện lên cấp trên. Vậy xin hỏi Luật sư cách giải quyết đúng quy đinh pháp luật nhất. Xin chân thành cảm ơn Luật sư!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
– Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016;
– Nghị định só 121/2013/NĐ-CP;
– Nghị định số 162/2017/NĐ-CP;
2. Nội dung tư vấn:
Theo thông tin bạn cung cấp thì gia đình ông A và người dân trong thôn quyên góp xây dựng miếu thờ trên đất của thôn. Tuy nhiên bạn không nêu rõ khi xây dựng miếu, họ có xin phép xây dựng hay không? Bởi theo quy định tại Điều 58 Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP thì việc xây dựng mới công trình tín ngưỡng, trong đó có miếu thờ thực hiện theo quy định về xây dựng.
Theo quy định tại Điều 89 Luật xây dựng năm 2014 thì xây dựng công trình tín ngưỡng, tôn giáo thuộc trường hợp phải xin giấy phép xây dựng, do vậy nếu không có sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 13 Nghị định só
"6. Phạt tiền đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng như sau:
a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ ở nông thôn hoặc xây dựng công trình khác không thuộc các trường hợp quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản này;
b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ ở đô thị;
c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với xây dựng công trình thuộc trường hợp phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật xây dựng công trình hoặc lập dự án đầu tư xây dựng công trình."
Ngoài ra, nếu việc xây dựng miếu thờ mà không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với công trình là nhà ở riêng lẻ và bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được phê duyệt hoặc sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị được duyệt đối với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng hoặc công trình chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật xây dựng công trình. Sau khi hoàn thành việc nộp phạt thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng.
Do đó trường hợp này, việc xây dựng miếu thờ không có giấy phép sẽ bị xử phạt,chủ thể chịu phạt sẽ là gia đình ông A nếu ông A không chứng minh được người dân trong thôn cùng nhau quên góp xây dựng. Ngoài ra do công trình đang có tranh chấp và xây dựng trên phần đất không thuộc quyền sử dụng hợp pháp của ông A nên có thể công trình sẽ bị buộc tháo dỡ.
Trường hợp khi xây dựng, miếu thờ đã được cấp giấy phép xây dựng thì có thể giải quyết như sau:
>>> Luật sư tư vấn xây dựng miếu thờ trên đất công: 1900.6568
Điều 211 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:
"Điều 211. Sở hữu chung của cộng đồng
1. Sở hữu chung của cộng đồng là sở hữu của dòng họ, thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, cộng đồng tôn giáo và cộng đồng dân cư khác đối với tài sản được hình thành theo tập quán, tài sản do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp, được tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm mục đích thỏa mãn lợi ích chung hợp pháp của cộng đồng.
2. Các thành viên của cộng đồng cùng quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản chung theo thỏa thuận hoặc theo tập quán vì lợi ích chung của cộng đồng nhưng không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
3. Tài sản chung của cộng đồng là tài sản chung hợp nhất không phân chia."
Theo quy định này, như bạn nói đất xây dựng trên đất chung của thôn và việc xây dựng miếu thờ do người dân trong thôn cùng quyên góp nên miếu thờ này được xác định là tài sản chung của cộng đồng thôn. Việc quyên góp tiền không có giấy tờ không thể hiện miếu này là của gia đình ông A, bởi gia đình ông A không có quyền xây dựng miếu trên đất không thuộc quyền sử dụng của mình.
Như vậy, bạn cần giải thích cho họ về việc miếu thờ là tài sản chung của thôn. Người dân trong thôn có thể chứng minh việc mình đã quên góp tiền xây dựng miếu thông qua số đông, người làm chứng, vv.. Việc gia đình ông A chiếm dụng tiền công đức là vi phạm và cần phải xử lý.