Xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại tai nạn giao thông? Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại tai nạn giao thông? Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Tóm tắt câu hỏi:
Xe đầu kéo của mình đi đúng làn đúng tốc độ. Xe con vượt phải đâm vào bên phải đầu xe mình tiếp tục lao vào rải phân cách va chạm tiếp bên lái xe tôi. Vậy tôi có phải bồi thường không? Công an ra quyết định giữ phương tiện và giấy tờ từ 25/7/2016 mà không hẹn cụ thể ngày nào? Vậy công an làm đúng hay sai. Xin được hỏi luật sư. Xin cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Luật xử lý vi phạm hành chính 2012.
2. Giải quyết vấn đề:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 604 Bộ luật dân sự 2005 quy định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:
"1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường."
Điều 14 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định vượt xe như sau:
"1. Xe xin vượt phải có báo hiệu bằng đèn hoặc còi; trong đô thị và khu đông dân cư từ 22 giờ đến 5 giờ chỉ được báo hiệu xin vượt bằng đèn.
2. Xe xin vượt chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải.
3. Khi có xe xin vượt, nếu đủ điều kiện an toàn, người điều khiển phương tiện phía trước phải giảm tốc độ, đi sát về bên phải của phần đường xe chạy cho đến khi xe sau đã vượt qua, không được gây trở ngại đối với xe xin vượt.
4. Khi vượt, các xe phải vượt về bên trái, trừ các trường hợp sau đây thì được phép vượt bên phải:
a) Khi xe phía trước có tín hiệu rẽ trái hoặc đang rẽ trái;
b) Khi xe điện đang chạy giữa đường;
c) Khi xe chuyên dùng đang làm việc trên đường mà không thể vượt bên trái được.
5. Không được vượt xe khi có một trong các trường hợp sau đây:
a) Không bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Trên cầu hẹp có một làn xe;
c) Đường vòng, đầu dốc và các vị trí có tầm nhìn hạn chế;
d) Nơi đường giao nhau, đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt;
đ) Khi điều kiện thời tiết hoặc đường không bảo đảm an toàn cho việc vượt;
e) Xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ."
>>> Luật sư tư vấn xử phạt hành vi vượt quá tốc độ: 1900.6568
Theo như bạn trình bày, bạn đi đúng làn đường, đúng tốc độ khi tham gia giao thông. Đối với xe ô tô khi vượt, họ vượt bên phải xe của bạn, không đáp ứng các quy định về vượt xe như vậy lỗi gây ra tai nạn giao thông thuộc về người lái xe ô tô con. Bạn không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp này.
Tuy nhiên cần căn cứ vào kết luận của cơ quan điều tra về việc lỗi gây ra tai nạn giao thông thì mới biết rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Về việc tạm giữ xe, Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định như sau:
" …
8. Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề là 07 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
Đối với vụ việc thuộc trường hợp quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều 66 của Luật này mà cần có thêm thời gian để xác minh thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn việc tạm giữ; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá 30 ngày.
Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề được tính từ thời điểm tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ thực tế.
Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề không vượt quá thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 66 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.
“9. Mọi trường hợp tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề phải được lập thành biên bản. Trong biên bản phải ghi rõ tên, số lượng, chủng loại, tình trạng của tang vật, phương tiện bị tạm giữ và phải có chữ ký của người ra quyết định tạm giữ, người vi phạm; trường hợp không xác định được người vi phạm, người vi phạm vắng mặt hoặc không ký thì phải có chữ ký của 02 người làm chứng. Biên bản phải được lập thành 02 bản, người có thẩm quyền tạm giữ giữ 01 bản, người vi phạm giữ 01 bản.
…”
Như vậy, thời hạn tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính là 07 ngày, có thể kéo dài không quá 30 ngày. Nếu cần thời gian điều tra, xác minh thì có thể gia hạn thêm không quá 30 ngày. Tổng thời gian tạm giữ phương tiện là 60 ngày. Nếu trong biên bản không ghi rõ thời hạn tạm giữ thì sau 02 tháng bạn có thể tới Cơ quan công an để giải quyết về việc lấy xe ra.