Hiện nay, doanh thu là yếu tố có vai trò quan trọng và quyết định đến thành công trong công tác kinh doanh của doanh nghiệp. Để xác định doanh nghiệp kinh doanh lỗ hay lãi thì không thể chỉ căn cứ vào tình hình sản phẩm của doanh nghiệp mà phải dựa trên doanh thu, lợi nhuận. Doanh thu là gì? Căn cứ và cách xác định doanh thu đơn giản?
Mục lục bài viết
1. Khái quát chung về doanh thu:
Trong hoạt động kinh doanh của mình, mục tiêu trước hết mà các doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ đều hướng tới đó chính là doanh thu chứ không phải lợi nhuận. Muốn có được lợi nhuận thì đầu tiên phải tạo ra doanh thu. Có như thế mới giúp cho doanh nghiệp có thể phát triển một cách bền vững khi đối mặt với các doanh nghiệp khác được.
Về cơ bản, không một doanh nghiệp nào có thể tồn tại nếu không có doanh thu. Doanh thu là giá trị của tất cả những doanh số buôn bán hóa và dịch vụ được doanh nghiệp công nhận trong một giai đoạn. Ngoài ra, doanh thu (còn được gọi là thu nhập) tạo thành sự bắt đầu của báo cáo doanh thu của doanh nghiệp.
Hay, ta có thể hiểu một cách đơn giản, doanh thu là lợi ích kinh tế thu được làm tăng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp ngoại trừ phần đóng góp thêm của các cổ đông. Doanh thu được ghi nhận tại thời điểm giao dịch phát sinh, khi chắc chắn thu được lợi ích kinh tế, được xác định theo giá trị hợp lý của các khoản được quyền nhận, không phân biệt đã thu tiền hay sẽ thu được tiền.
Doanh thu và chi phí tạo ra khoản doanh thu đó cần phải được ghi nhận trong các bản báo cáo doanh thu của doanh nghiệp đồng thời việc ghi nhận doanh thu cần phải tuân theo nguyên tắc phù hợp và phải được đảm bảo về tính chính xác. Tuy nhiên trong một số trường hợp cụ thể, nguyên tắc phù hợp được các cá nhân hay tổ chức sử dụng vẫn có thể xung đột với nguyên tắc thận trọng trong kế toán, thì kế toán của bất kỳ một doanh nghiệp nào cũng cần phải căn cứ vào bản chất và các cuẩn mực kế toán để phản ánh giao dịch một cách trung thực, hợp lý và theo đúng các quy định pháp luật. Nếu có sai sót xảy ra, khi có cơ quan tiến hành thanh tra đến kiểm tra doanh nghiệp thì việc xử phạt là không thể tránh khỏi đối với doanh nghiệp đó.
Doanh thu hoạt động tài chính bao gồm các loại doanh thu từ các khoản sau: các khoản thu nhập liên quan đến hoạt động tài chính cụ thể như là tiền lãi gồm tiền lãi cho vay, lãi bán hàng trả chậm, lãi đầu tư trái phiếu, tín phiếu, chiết khấu thanh toán mà các cá nhân hay tổ chức được hưởng do mua hàng hóa, dịch vụ, các khoản thu nhập cho thuê tài sản, cổ tức, lợi tức được chia, chênh lệch lãi tỷ giá ngoại tệ… và một số các khoản thu nhập khác. Thu nhập khác là khoản thu góp phần làm tăng vốn chủ sở hữu từ hoạt động ngoài các hoạt động tạo ra doanh thu.
2. Công thức tính doanh thu:
Trên thực tế, tùy thuộc vào tính chất của mỗi doanh nghiệp mà công thức tính doanh thu có thể đơn giản hay phức tạp. Đối với bán sản phẩm, nó được tính bằng cách lấy giá trung bình mà hàng hóa được bán nhân với tổng số hàng hóa được bán.
Đối với các doanh nghiệp dịch vụ, doanh thu sẽ được các chủ thể tính bằng giá trị của tất cả các hợp đồng dịch vụ, hoặc bằng số lượng quý khách hàng nhân với giá bình thường của dịch vụ.
Cụ thể, ta có công thức sau đây:
Thu nhập = Số đơn vị bán x Giá bình thường.
Hoặc là công thức sau:
Thu nhập = Số lượng người tiêu dùng x Giá trung bình của dịch vụ.
Trên đây là công thức tính doanh thu đơn giản nhất. Tuy nhiên, trong quá trình kinh doanh, doanh nghiệp cần căn cứ vào phạm vi hoạt động và tính chất, loại mặt hành của mình để áp dụng công thức tính doanh thu phù hợp nhất, để từ đó điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp cho phù hợp và tạo ra nguồn thu nhập tốt nhất, tránh những thiệt hại không cần thiết.
3. Phân loại doanh thu:
Doanh thu được phân thành nhiều loại. Phân loại theo nội dung thì doanh thu bao gồm các loại sau:
– Doanh thu bán hàng: Đây là một loại doanh thu bán sản phẩm mà doanh nghiệp sản xuất ra, bán hàng hóa mua vào và bán bất động sản đầu tư.
– Doanh thu cung cấp dịch vụ: Đây là doanh thu thực hiện công việc đã thỏa thuận theo hợp đồng trong một hay nhiều kỳ kế toán như cung cấp dịch vụ vận tải, du lịch, cho thuê tài sản cố định theo phương thức cho thuê hoạt động…
– Doanh thu bán hàng nội bộ: Là doanh thu của số sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tiêu thụ trong nội bộ doanh nghiệp, là lợi ích kinh tế thu được từ việc bán hàng hóa, sản phẩm, cung cấp dịch vụ nội bộ giũa các đơn vị trực thuộc hạch toán phụ thuộc trong cùng một công ty, tổng công ty tính theo giá bán nội bộ.
– Doanh thu hoạt động tài chính: Còn đây là những khoản thu do hoạt động đầu tư tài chính hoặc kinh doanh về vốn đem lại bao gồm thu tiền lãi, tiền bản quyền, cổ tức,lợi nhuận được chia và doanh thu hoạt động tài chính khác của doanh nghiệp. Bao gồm:
+ Tiền lãi: Lãi cho vay, lãi tiền gửi Ngân hàng, lãi bán hàng trả chậm, trả góp, lãi đầu tư trái phiếu, tín phiếu, chiết khấu thanh toán được hưởng do mua hàng hoá, dịch vụ.
+ Cổ tức lợi nhuận được chia.
+ Thu nhập về hoạt động đầu tư mua, bán chứng khoán ngắn hạn, dài hạn.
+ Thu nhập về thu hồi hoặc thanh lý các khoản vốn góp liên doanh, đầu tư vào công ty liên kết, đầu tư vào công ty con, đầu tư vốn khác.
+ Thu nhập về các hoạt động đầu tư khác.
+ Lãi tỷ giá hối đoái.
+ Chênh lệch lãi do bán ngoại tệ.
+ Chênh lệch lãi chuyển nhượng vốn.
+ Các khoản doanh thu hoạt động tài chính khác của doanh nghiệp.
Ngoài ra còn có các khoản giảm trừ doanh thu, bao gồm các khoản cụ thể như sau:
– Thứ nhất: Chiết khấu thương mại: Đây là khoản chiết khấu thương mại mà doanh nghiệp giảm trừ, hoặc đã thanh toán cho người mua hàng do việc người mua hàng đã mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ với khối lượng lớn và theo thỏa thuận bên bán sẽ dành cho bên mua một khoản chiết khấu thương mại (đã ghi trên hợp đồng kinh tế mua bán hoặc các cam kết mua, bán hàng).
– Thứ hai: Hàng bán bị trả lại: Là giá trị số sản phẩm, hàng hóa bị khách hàng trả lại do các nguyên nhân như vi phạm cam kết, vi phạm hợp đồng kinh tế, hàng bị kém, mất phẩm chất, không đúng chủng loại, quy cách. Hàng bán bị trả lại phải có văn bản đề nghị của người mua ghi rõ lý do trả lại hàng, số lượng, giá trị hàng bị trả lại, đính kèm hóa đơn (nếu trả lại toàn bộ) hoặc bản sao hợp đồng (nếu trả lại một phần hàng) và đính kèm chứng từ nhập lại kho của doanh nghiệp số hàng nói trên.
– Thứ ba: Giảm giá hàng bán: Thực chất đây là khoản giảm giá hàng bán thực tế phát sinh, là khoản giảm trừ cho người mua do sản phẩm, hàng hóa kém, mất phẩm chất hay không đúng quy cách theo quy định hợp đồng kinh tế.
– Thứ tư: Thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, thuế giá trị gia tăng tính theo phương pháp trực tiếp: Loại thuế này sẽ được xác định theo số lượng sản phẩm hàng hóa tiêu thụ, giá tính thuế và thuế suất của từng mặt hàng.
Trong đó:
+ Thuế tiêu thụ đặc biệt là một loại thuế được đánh trên hàng hóa dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt tại một khâu duy nhất là khâu sản xuất hoặc nhập khẩu, đây là loại thuế gián thu cấu thành trong giá bán sản phẩm. Thuế xuất khẩu: là khoản thuế doanh nghiệp phải nộp khi xuất khẩu loại hàng hóa chịu thuế xuất khẩu.
+ Thuế giá trị gia tăng tính theo phương pháp trực tiếp: Đây là số thuế tính trên phần giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh từ quá trình sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.
Ngoài ra, cần lưu ý rằng, tùy theo từng doanh nghiệp cụ thể mà doanh thu có thể phân chia theo mặt hàng tiêu thụ, theo nơi tiêu thụ, theo số lượng tiêu thụ (doanh thu bán buôn, doanh thu bán lẻ).
4. Ý nghĩa của doanh thu:
Doanh thu đem đến rất nhiều ý nghĩa đối với bất cứ một doanh nghiệp nào. Cụ thể ta có thể kể ra các ý nghĩa cơ bản của doanh thu như sau:
– Thứ nhất: Doanh thu có ý nghĩa quan trọng bởi doanh thu là một nguồn khoản thu có vai trò giúp doanh nghiệp có thể chi trả những phát sinh liên quan trong quá trình hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ như chi phí thuê địa điểm hoạt động, nộp phí và lệ phí, thuế cho cơ quan nhà nước theo đúng các quy định pháp luật.
– Thứ hai: Doanh thu là một khoản quan trọng để giúp các doanh nghiệp có thể duy trì và phát triển doanh nghiệp của mình ở những năm tháng tiếp theo hay còn gọi là vốn xoay vòng thúc đẩy quá trình tái hoạt động ở thời gian tới.
– Thứ ba: Doanh thu giúp dự trữ nguồn vốn sẵn có của doanh nghiệp nhằm tránh phải vay ngân hàng khi khó khăn.
– Thứ tư: Doanh thu có tầm ảnh hưởng to lớn đến quá trình bắt đầu cũng như khi hoạt động, đây cũng là phần vốn để các chủ thể có thể phát triển các hoạt động kinh doanh ở quy mô lớn hơn.
Như vậy, doanh thu có rất nhiều ý nghĩa quan trọng. Để đảm bảo được nguồn doanh thu của doanh nghiệp thì cần xác định được đối tượng khách hàng phù hợp với sản phẩm mà doanh nghiệp đang kinh doanh bởi khách hàng là đối tượng tạo ra doanh thu. Chỉ khu xác định được đối tượng phù hợp, mới có thể đem các sản phẩm của mình đến gần hơn với khách hàng và tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho doanh nghiệp.